Nói dối ngày nói thật

11:27 CH @ Thứ Năm - 30 Tháng Ba, 2017

Sự thật mất lòng, điều này ai cũng biết. Nói dối còn làm người ta mất lòng hơn, thậm chí căm ghét như một thói hư tật xấu tệ hại nhất, điều này mọi người lại càng biết. Nhưng tại sao lại có ngày nói dối mà không có ngày nói thật? Điều này quả là ít ai biết, chỉ biết bên trời Tây hàng năm người ta có ngày Cá tháng Tư để mọi người tha hồ nói dối mà không phải chịu trách nhiệm đạo lý đối với nó. (Chỉ đạo lý thôi còn nếu lời nói dối đó gây ra những tổn hại vật chất và tinh thần cho kẻ bị hại thì trách nhiệm phải chịu vẫn là đương nhiên) .

Câu chuyện Cá tháng Tư có lẽ nên bắt đầu với việc thử nhìn sâu hơn vào những gì đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trong đời sống chúng ta. Cái sự mà đức vua Salômon gặp phải dù là một tình huống rất đỗi thông thường trong cuộc sống, nhưng ta có thể nhìn nó từ góc độ của ông già (nam giới rất dễ thông cảm với các ông già!), từ góc độ của bà già (phụ nữ đương nhiên ủng hộ bà già rồi!) và cả từ góc độ của người quan thượng thư nữa (các chánh án biết làm sao đây khi Hội phụ nữ từ phường đến trung ương luôn áp lực...). Và tệ nhất ở đây là dù có nhìn từ góc độ nào đi chăng nữa, vẫn thấy có lý: đơn giản là vì bất cứ sự việc nào trong xã hội quanh ta đều đã có thể bao hàm trong đó một sự mâu thuẫn nội tại, một sự mâu thuẫn không thể giải quyết một khi chúng ta, bạn và tôi, vẫn là những con người với những tình cảm yêu ghét, với những quan hệ thân sơ và những lợi ích hơn thiệt sát sườn của mình..

Trong khi đó, các quan hệ xã hội lại được dựng ngất ngưởng dựa trên những tiêu chuẩn về sự thực được thừa nhận trong từng xã hội. Nên những gì đang diễn ra được mọi người thừa nhận là đúng cũng chỉ là đúng theo một cách hiểu nào đó. Có điều lâu dần thành quen và thành giá trị, thành chuẩn mực. Chúng ta nói như thế và làm như thế vì nói và làm như thế được mọi người coi là nói đúng sự thực, như mọi người nghĩ và làm theo lẽ phải như mọi người quan niệm. Đến nỗi nhiều khi có ai đó nói cũng về chuyện đó nhưng theo một cách nhìn khác đi thì chúng ta thấy buồn cười. Buồn cười quá đi thôi, hệt như ai cũng cười khi thấy tiêu chuẩn về một ông chồng tốt là: lương đưa đủ tối ngủ ở nhà. Một sự thực đúng nhưng buồn cười vì nếu ai cũng như thế thì có lẽ không còn cái cuộc sống mà chúng ta hằng yêu mến nữa. Nhưng nếu ai cũng không như thế thì chắc chắn không còn cái cuộc sống mến yêu này nữa. Vậy nếu phải chấp nhận một trong hai cái đó, sao lại không để cho cái sự thực còn lại kia trở nên đáng buồn cười một cách thân mến, được nói ra để một người cùng nhớ đến nó và cùng cười?

Nhưng mà tôi và các bạn, trong hành xử đời thường của mình, có mấy khi lại trầm ngâm sâu thẳm như đức vua kia đâu. Chúng ta có suy nghĩ, đương nhiên và rồi chúng ta quyết định nên làm như thế này hay như thế kia. Và khi chúng ta nói đúng cái điều chúng ta nghĩ và làm, chúng ta được tiếng là nói thật. Nhưng khi chúng ta nói không đúng với cái chúng ta nghĩ hay làm không như cái chúng ta nói hoặc cái chúng ta nghĩ, chúng ta đã rất dễ được quy kết là kẻ nói dối mất rồi. Mới sơ sơ đã thấy ở đây khả năng mà chúng ta trở thành kẻ nói dối đã nhiều hơn không dưới hai lần khả năng chúng ta được là kẻ nói thật. Có lẽ vì thế chăng mà số lượng người nói thật bao giờ cũng ít hơn số lượng người bị cho là nói dối và nhờ vậy những người luôn nói thật được tôn danh và nổi danh (xưa nay vẫn tôn vinh một số ít để một người làm theo chứ số nhiều thì là chuyện đương nhiên cần gì phải tôn vinh nữa?) .

Và ở đây xuất hiện cái sự lý thú nhất của việc nói dối: mệnh đề tôi nói dối hóa ra lại là một mệnh đề không đúng không sai. Vì nếu điều tôi nói là nói dối, thì việc tôi công khai sự nói dối đó chứng tỏ là tôi nói thật, còn nếu điều đó là thật nhưng tôi lại công khai nó như một điều nói dối thì chính tôi lại đang nói dối. Sự không phân định đúng sai này đã được loài người biết đến từ lâu, nhưng nó chỉ trở thành vấn nạn vào đầu thế kỷ 20 khi người ta thấy đây là lỗ hổng chết người của toán học: máy ảnh điện tử, công cụ mà chúng ta không thể thiếu được ngày hôm nay, vận hành trên căn bản một mệnh đề chỉ có thể tiếp nhận một trong hai giá trị : đúng hoặc sai. Có điều mặc kệ toán học và máy tính, người ta tận dụng luôn điều này vào ngày Cá tháng Tư. Khi ngày này trở thành ngày nói dối thì những gì chúng ta nói trong ngày hôm đó chí ít cũng là những điều không đúng không sai. Nói thật có thể là không nhưng còn lâu chúng ta mới phải trở thành kẻ nói dối. Tính đạo đức cá nhân cao quý của chúng ta nhờ vậy vẫn được bảo toàn trong khi chúng ta vẫn có thể nói ra cái điều chúng ta cho là đúng dù rằng nó có thể không được coi là đúng theo các chuẩn mực thông thường được chấp nhận trong xã hội.

Có một ngày để cân nhắc lại những mặt khác trong đối nhân xử thế hàng ngày mà lại không bị quy kết về đạo đức có lẽ cũng lý thú, phải không các bạn. Điều cuối cùng ở đây, có lẽ không quan trọng gì lắm, là thực sự nói dối và nói dối được trong ngày nói dối quả là phải kỳ tài. Không biết tại sao mà bản chất con người, xin được nói nhỏ, là làm cho người khác tin được vào một cái gì đó bao giờ cũng thích còn làm cho người khác tin được vào điều không có thật, hoặc điều mà mình định đùa cợt mà nói sai thì bao giờ trong lòng cũng có tý ty một cái gì đó lý thú . Hình như ai cũng sẵn mang trong mình tâm thế, như các nhà xã hội học vẫn khẳng định, là muốn vượt lên hơn những người xung quanh, kể cả nói dối trong ngày được phép nói dối. Âu cũng là bản chất con người.

Mà đã là ngày Cá tháng Tư thì ở Âu Mỹ ai cũng nhăm nhăm nhắc nhở mình hôm đó phải sẵn sàng để khỏi phải mắc lỡm kẻ khác. Khi người ta đã sẵn sàng không tin những điều mà mình định nói ra thì cái điều nói ra phải hợp lý lắm, phải đúng lúc lắm mới làm người ta lơi là cảnh giác mà tin vào lời nói dối của mình. Muốn vậy quả là phải tư duy rất nhiều. Hơn thế một lời nói dối đẹp vào ngày Cá tháng Tư, tức là người bị nói dối tin vào điều đó mà khi biết ra lại thấy vui vẻ không giận ta vì lời nói dối ngọt ngào đó lại càng đòi hỏi phải tư duy rất nhiều. Quả đây là một ngày thử thách óc hài hước rất lớn cho mỗi người. Vậy nên đã có một nghiên cứu của một Viện Xã hội lớn xác định xem có phải những người thành công trong việc nói dối ngày Cá tháng Tư là những người thường thành công trong cuộc sống. Kết quả nghe nói rất thú vị và sắp được công bố tháng này. Và dòng chảy của xã hội loài người hàng nghìn năm cứ thế trôi giữa hai bờ được mặc định là nói dối và nói thật.

Và người phương Tây vốn thực tiễn. Chẳng phải mới bây giờ mà từ thượng cổ đã thế nên hình tượng Ianut, vị thần sự thật của người La Mã, là vị thần có hai mặt: một mặt nhìn sang phía này và một mặt nhìn sang phía ngược lại. Và cũng vì thế mà họ có ngày Cá tháng Tư, ngày nói dối. Đó quả là minh triết để nhắc nhở người ta rằng cái sự thật tuyệt đối là điều cần được đắn đo trong từng tình huống cụ thể của từng ngày. Sự thật quả là cần thiết nhưng hiểu được rằng sự thật có thể có nhiều diện mạo khác nhau cũng là điều mà con người trong thế giới hiện đại này cần biết.

Nhưng hôm nay là ngày Cá tháng Tư nên các bạn ạ, có thể những gì trong bài này không hẳn đã là sự thật.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nói dối: đáng ghét và đáng yêu

    31/03/2017Minh DuyCuộc sống luôn tồn tại nghịch lý tốt và xấu. Dù dân gian đúc kết “Thật thà là cha dối trá” song không phải lúc nào và ai cũng cần và muốn nghe lời nói thật. Dẫu thế, con người vẫn mải miết kiếm tìm sự thật và mong muốn nói dối không thuộc về mình. Vì sao có thực tế này?
  • Báo động đỏ về sự dối trá

    31/03/2017Nguyễn Khắc PhêVấn đề đáng”báo động đỏ” trước hết của xã hội hiện nay (chứ không chỉ đối với ngành giáo dục) là phải bằng mọi biện pháp chống lại sự giả dối, gian trá, đề cao tính trung thực như là tiêu chuẩn đầu tiên để xem xét một con người...
  • Vũ khí lợi hại nhất là... dối trá

    31/03/2014Quái ĐaoPV: Xin ông cho biết... bí quyết để trở thành một quan tham là gì?
    Quan tham: Không có bí quyết. Bởi một khi đã "quyết" rồi thì không để cho mình bị "bí"!
  • Nói phét thành thần

    31/03/2014Nguyễn Việt HàKhoảng gần 500 năm nay, ở những quốc gia mang đậm văn hoá Tây thường có một ngày cực kỳ đặc biệt. Vào sáng sớm của ngày hôm đó, trên các phương tiện truyền thông chính thức, người ta được phép và cho phép nhau lung tung nói dối. Toàn chuyện vĩ mô kinh hoàng trời long đất lở...
  • Ngụy tín

    11/03/2009Nguyễn Văn TrungThái độ chân thực chỉ có giá trị luân lý nhưng không có lợi, nhưng không có lợi và người ta vẫn thích cái lợi hơn cái luân lý, tuy biết che giấu cái lợi dưới bộ mặt luân lý.
  • Nhỏ: dối trá, lớn lên: sao thành người tử tế!

    23/07/2006H. VinhNền giáo dục ngày nay, mục đích thi cử rõ ràng là để lựa chọn những người đủ tâm, đủ tài cho đất nước. Nhưng chúng ta không khỏi băn khoăn, trăn trở qua những kỳ thi nhiều khi bị biến tướng, không phản ánh thực chất của việc học hành và trình độ các thí sinh hiện tại, không phản ánh đúng thực chất của tình hình giáo dục hiện nay...
  • Con em chúng ta cần sự trung thực

    18/08/2003Có thể nói mà không sợ bị quy là hồ đồ, thì mỗi người trong chúng ta khi được hỏi là sợ nhất tính gì, nếu có, ở con mình, câu trả lời chắc chắn sẽ là tính giả dối. Thế mà bao lâu nay, hằng ngày chúng ta đưa đón con cái đến những lớp học như thế nào?
  • xem toàn bộ