Saparmurat Atayevich Niyazov - nhà độc tài Trung Á mang dấu ấn kỳ lạ
Saparmurat Niyazov, "Tổng thống suốt đời", "Người cha đáng kính của mọi người dân" của Turkmenistan từ năm 1990 - 2007, là một trong những nhà độc tài ít nổi tiếng nhất mọi thời đại nhưng lại là kẻ có đầu óc điên dại hoàn toàn...
Saparmurat Niyazov (1940–2006) cựu lãnh tụ của Turkmenistan từ 1985 đến khi từ trần năm 2006, một quốc gia Trung Á bên cạnh biển Caspi, phần lớn là dân Hồi Giáo.
Niyazov gia nhập hàng ngũ Đảng Cộng sản Liên xô từ năm 22 tuổi thời sinh viên học tại Leningrad và trở về Turkmenistan thăng tiến nhanh chóng. Ông đã đảm đương chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Turkmenistan (trong thành phần Liên Xô) từ 1985 đến 1991.
Chủ tịch Xô viết Tối cao Turkmenistan năm 1990, và Bí thư thứ nhất Trung ương đảng Cộng sản Turkmenistan trong thời gian 1985–1991. Ông trở thành Tổng thống Turkmenistan đầu tiên vào tháng 10/1990. Turkmenistan tuyên bố độc lập ngày 27/10/1991, một trong những nước cộng hòa cuối cùng ly khai khỏi Liên bang Xô viết.
Tại Turkmenistan, ông lập nên tệ sùng bái cá nhân, ngợi ca mình là Người cha đáng kính của mọi người dân Turkmenistan"Turkmenbashi". Ông nổi tiếng thế giới do bắt tất cả nhân dân bắt chước những tính lập dị của mình.
Niyazov cho tập hợp các tư tưởng, suy nghĩ và những lời răn đạo đức của mình trong một cuốn sách đặt tên là Ruhnama. Mọi trường học ở Turkmenistan đều phải đưa cuốn này vào chương trình giảng dạy và bắt học sinh phải đọc hàng ngày. Niyazov tuyên bố, bất cứ ai đọc Ruhnama ba lần mỗi ngày thì đều có thể được lên…thiên đàng. Theo lời ông, ai đọc nó sẽ "trở nên thông minh, nắm bắt được thế giới tự nhiên và quy luật của vạn vật...". Ông cho rằng cuốn sách này có giá trị ngang với kinh Coran của Hồi giáo và kinh Phúc Âm của Thiên Chúa giáo. Mỗi khi có sự kiện quan trọng, người dân còn làm hình bìa cuốn sách với kích thước khổng lồ để đem đi rước.
Rước sách Ruhnama trong lễ hội
Ông ta cho đổi tên gọi tháng giêng thành tên của mình và tháng tư thành tên của mẹ mình. Ông ta cho đổi tên thành phố Krasnovodov nằm trên bờ Caspienne theo danh xưng của mình thành thành phố Turkmenbashi. Tên ông còn được đặt cho thánh đường Hồi giáo lớn nhất Trung Á, ngọn núi cao nhất Turmenistan, sân bay quốc tế, một công viên giải trí lớn dành cho trẻ em và cả một mảnh thiên thạch rơi xuống đất nước này.
Niyazov cho dựng tượng mình với nhiều kích cỡ và kiểu dáng khác nhau bằng vàng hoặc đồng để đặt khắp nơi. Đặc biệt, trong số này có một bức tượng bằng vàng đặt tại thủ đô Ashkhabat, trên đó được gắn hệ thống xoay để có thể tự động hướng theo ánh nắng mặt trời. Chân dung ông còn xuất hiện trên tiền giấy, nhãn những chai rượu vodka, vỏ kẹo chocolate, hộp trà cùng vô số áp phích.
Tổng thống Niyazov còn theo sở thích riêng đã ban hành lệnh cấm nghe đài trên ô tô, hút thuốc lá nơi công cộng, cấm hát opera, múa ba lê, trồng răng vàng, để râu rậm và cho mở một chiến dịch đặc biệt để chống nạn hát nhép trong mọi sự kiện văn hóa. Ông từng nói: "Đừng giết chết các tài năng bằng việc hát nhép. Hãy tạo ra nền văn hóa mới của chúng ta". Lời nói của ông được coi là sắc lệnh. Trong buổi nói chuyện năm 2004 tại một trường đại học địa phương, Tổng thống Saparmurat Niyazov cho rằng người dân nên bỏ mốt trồng răng vàng mà thay vào đó nên giữ nguyên răng trắng tự nhiên. Vị tổng thống 66 tuổi đã "gợi ý" như vậy khi thấy bộ răng vàng của một nữ sinh viên.
Từ năm 1990 đến nay, đã bày tỏ sự không hài lòng khi nam sinh viên để tóc và râu xồm xoàm. Sau lời nói của ông, chẳng ai còn nhìn thấy hình ảnh của các nam sinh râu tóc dài trong các trường đại học nữa. Có lần ông cũng nói rằng ông thích các cô gái để kiểu tóc truyền thống và đội mũ lông. Thế là sau đó, sự yêu thích này trở thành nội quy của tất cả các trường nữ sinh. Ngoài ra, vị Tổng thống còn ra một sắc lệnh kỳ quặc khi yêu cầu những người nước ngoài muốn cưới một công dân Turkmenistan phải nộp số tiền đặt cọc 50.000 USD.
Nhà lãnh đạo Niyazov nổi tiếng là chú ý đến từng chi tiết và cư xử lạ lùng. Ông từng tuyên bố cả nước lấy ngày 10/7 hằng năm làm ngày nghỉ lễ để tôn vinh quả dưa, một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của đất nước này, còn ngày 27/4 là ngày của con ngựa.
Ông cũng nổi tiếng là nhà độc tài đàn áp mạnh nhất. Đảng Cộng sản Turkmenistan được đổi tên thành Đảng Dân chủ Turkmenistan, và là đảng duy nhất được hoạt động. Ông cho bắt bỏ tù những người có tư tưởng đối lập. Các hệ thống báo chí và Internet đều kiểm soát chặt chẽ.
Ông ta đã ban hành các cải cách y tế và xã hội mang tính đột phá, đóng cửa tất cả các bệnh viện ở bên ngoài thủ đô và sa thải 15.000 nhân viên y tế công. Niyazov cũng cho đóng cửa tất cả các quán cà phê Internet cũng như các thư viện ở vùng nông thôn. Năm 2006, 1/3 người cao tuổi ở Turkmenistan bị ngừng trả lương hưu và được lệnh phải trả lại cho chính phủ của Niyazov tổng số tiền lương đã nhận hai năm trước đó.
Số người chết sau đó vì nghèo khó, bệnh tật và đói khát có thể lên tới hàng chục ngàn người, nếu không muốn nói là nhiều hơn. Tuy nhiên, Niyazov từ chối thừa nhận rằng các chính sách của ông có bất kỳ tác động tiêu cực nào tới người dân.
Trong cuộc bầu cử Tổng Thống vào năm 1992, Niyazov là ứng cử viên độc nhất trúng cử, là cuộc bầu cử đầu tiên khi nước này được độc lập. Tháng 12/1999, Quốc hội Turkmenistan thông qua luật cho phép Niyazov giữ chức Tổng thống suốt đời (President for Life), quả thật tiện lợi cho đất nước không phải tổ chức bầu cử Tổng thống nhiều nữa kể từ khi có Hiến pháp và luật bầu cử Tổng thống!
Nhưng rất tiếc, ông đã đột ngột dừng sứ mệnh "tổng thống suốt đời" của mình khi từ trần tại Aşgabat ngày 21/12/2006, thọ 66 tuổi.
Mặc dù là nước có nhiều khí đốt hàng thứ năm thế giới nhưng "Người cha đáng kính của mọi người dân Turkmenistan " vẫn để cho kinh tế đất nước kém phát triển và hơn 60% người dân thất nghiệp. Ông chủ yếu không tiếc tiền dân đầu tư xây dựng những công trình hoành tráng. Ông ra lệnh tạo dựng một hồ nước ngay giữa sa mạc khô cằn, đồng thời cho xây một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tại khu vực đồi núi giáp biên giới Iran, nơi không bao giờ có tuyết rơi. Niyazov đã cho xây cất một dinh Tổng Thống làm toàn bằng đá hoa cương tại thủ đô Ashgabat. Ở vùng ngoại ô ông cho xây cất 30 khách sạn đồ sộ nhưng ít khi nào sử dụng để đón tiếp ai. Cũng vì lý do đó, đến nay chính phủ Turkmenistan vẫn còn nợ gần 2.3 tỉ đô la.
Sau khi ông mất, người ta đã cho dỡ bỏ bức tượng xoay tròn bằng vàng tạc hình ông khỏi đỉnh tượng đài Arch of Neutrality ở thủ đô Ashgabat.
Nghiên cứu hiện tượng lộng hành là nghiên cứu khuyết tật lớn nhất của nhân loại, nghiên cứu nguy cơ lớn nhất của nhân loại. Phải nói rằng, bản năng của con người là khao khát tự do. Lộng hành là một biểu hiện của sự nới rộng không gian tự do cho bản thân bằng cách chiếm đoạt tự do của người khác. Vì thế, lộng hành thể hiện sự hấp dẫn của tự do. Tâm lý của kẻ độc tài cũng là tâm lý yêu tự do nhưng là yêu tự do một cách thiếu cân bằng. Những nhân vật lịch sử như Ceasar hay Hitlle là những nhân vật tiêu cực của đời sống nhân loại, cần phải lên án những kẻ như thế. Nhưng cũng phải thấy là Hitlle và Ceasar chính là chỗ "bục" ra của căn bệnh tiềm ẩn trong đời sống nhân loại, đó là căn bệnh lộng hành. Nếu như không có sự "bục ra" đó thì nhân loại không nhận thức được mình có căn bệnh ấy và những bệnh khác nữa. Từ trước tới nay, con người chưa có những lý giải triết học một cách hoàn chỉnh về những vấn đề như thế, vì vậy đã đưa ra những giải pháp sai lầm. Người ta chỉ giải thích sự độc tài, sự tàn bạo của Hitlle là do khiếm khuyết của cá nhân con người Hitlle hay do sự mất cảnh giác của người Đức, chứ không giải thích đó là những khiếm khuyết của loài người. Chỉ khi hiểu hết được các khuyết tật của nhân loại, con người mới có đủ tỉnh táo để hạn chế được các nguy cơ trong tương lai với các hiện tượng tương tự. (Trích Lộng hành: Khuyết tật của đời sống hiện đại, Sách Cội Nguồn Cảm Hứng, Nguyễn Trần Bạt) |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá