Bình minh và hoàng hôn của các chính thể
Mấy ngày nay, dân Ai Cập dán mắt vào tivi hay ghé tai vào radio để nghe tin từ Tổng thống Mubarak. Nghe đồn ông sẽ từ chức, kết thúc 30 năm ôm ghế quyền lực trong quốc gia kim tự tháp, tượng nhân sư, từng là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất trong lịch sử loài người.
Người ta ước đoán, tài sản của gia đình Mubarak khoảng từ 40 tỷ đến 70 tỷ đô la Mỹ. Dự trữ ngoại tệ của Viêt Nam hiện là 10 tỷ đô la và GDP khoảng 90 tỷ đô la. Một người có tài sản bằng cả một quốc gia.
Kể từ 25/1, hàng trăm ngàn người Ai Cập đã biểu tình, kêu gọi Mubarak từ chức. Cho đến hôm nay, dường như đòi hỏi của người biểu tình đã có vẻ thành hiện thực. Việc ra đi của ông chỉ còn là vấn đề thời gian.
Cho dù ông có ở lại tới tháng 9, thì hình ảnh Mubarak, đồng minh của Mỹ, bắt tay cả Israel và Palestine, bị phá hoại nghiêm trọng. Khó mà sống những ngày cuối đời trong thanh thản khi tuổi đã ngoài 80.
Trải đời như Mubarak sẽ hiểu tại sao, hàng triệu người đòi ông phải ra đi. Có thể ông không biết cách đây 30 năm, vì lúc đó đang trên đỉnh cao, chả nhìn thấy gì, mờ mắt vì quyền lực. Nhưng sau mấy chục năm, ông cũng hiểu thời thế, là bạn của Mỹ, của Pháp và phương Tây với chế độ chính trị minh bạch. Lẽ ra phải làm khác, nhưng đợi đến lúc dân đổ ra quảng trường biểu tình, vội vàng thay đổi thì đã quá muộn.
Marcos, Suharto, Mubarak và nhiều triều đại tham nhũng khác lần lượt sụp đổ chính vì sự bất bình của nhân dân hơn là do giá trị của dân chủ và nhân quyền phương Tây mang lại. Có cả những nguyên thủ được Hoa Kỳ đứng sau vì lý do quyền lợi riêng cũng không giúp được gì.
Biểu tình ở Cairo. Ảnh: VOA
Vào ngày đẹp trời 16-4-1975, Tổng thống Sadat, người khởi xướng sự chung sống hòa bình với Do Thái, đã cử Mubarak làm Phó Tổng thống Ai Cập. Sadat bị ám sát sau đó vào năm 1981 trong một cuộc duyệt binh tại Cairo. Mubarak bị thương nhẹ và trở thành Tổng thống cho đến bây giờ.
Khi Mubarak thẳng tiến trên con đường sự nghiệp thăng hoa, thì lúc đó, tại Sài Gòn, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu xuất hiện trên tivi tuyên bố từ chức, lên án Mỹ không cứu đồng minh, trong khi xe tăng T54 ở cửa ngõ Sài Gòn.
Bình minh của người này lại có thể là hoàng hôn của kẻ khác. Sự biến đổi của đất trời và nhân loại luôn như thế, một qui luật tất yếu, khó ai cưỡng lại được. Những kim tự tháp Ai Cập từng là biểu tượng của các pharaoh tưởng như vĩnh hằng, nhưng nay đang điêu tàn trong cát bụi sa mạc.
Người thông minh tìm cách làm chủ sự thay đổi, hơn là để cho sự thay đổi đến để thay đổi chính mình.
Hôm nay, trong lâu đài Tổng thống, Mubarak đang hối tiếc rằng mình đã quá bảo thủ, trì trệ, không đi kịp với thời đại.
Cách đây hơn 3 thập kỷ, khi bay sang Đài Loan để trốn chạy, có thể Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nghĩ không khác Mubarak hôm nay. Họ cùng là đồng minh của Hoa Kỳ.
Câu chuyện 16 tấn vàng của Tổng thống Thiệu định mang ra nước ngoài chưa biết thực hư thế nào, dù đã 36 năm qua.
Hôm nay, dù Mubarak chưa từ nhiệm, người biểu tình trên quảng trường Tahrir đã hỏi số tiền mấy chục tỷ đô la kia sẽ “xử” như thế nào để cho tượng “nhân” Mubarak hiện nguyên hình là “sư” tử tham lam.
Mặt trời lặn sau những kim tự tháp Ai Câp trên sa mạc, báo hiệu sự sụp đổ của Mubarak, sẽ là buổi bình minh trên sông Nil phì nhiêu của chính thể khác, trong sạch hơn, dân chủ hơn và vì dân hơn.
Phạm Phú Thứ. |
Kết thúc entry, có lẽ nên viết thêm về một bậc tiền nhân có tên Phạm Phú Thứ sống cách đây gần 200 năm. Ông đỗ Giải nguyên năm 1842 khi 22 tuổi, thi Hội đỗ Hội nguyên, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Quý Mão (1843).
Năm 1863, Phạm tiên sinh thăm Anh, Pháp, Tây Ban Nha và qua Ai Cập. Sau chuyến đi này, ông nhận ra, chỉ có con đường canh tân mới giúp đất nước thoát khỏi thảm họa lạc hậu.
Tương truyền, kiểu xe nước ngày nay còn thông dụng ở các tỉnh miền Trung chính là xe trâu kéo ở Ai Cập do ông vẽ kiểu mang về áp dụng vào thời ấy.
Hôm nay, từ đất nước Ai Cập có nền văn minh 4 ngàn năm, bằng chiều dài lịch sử của Việt Nam ta, nếu Phạm Phú Thứ đứng trên quảng trường giữa thủ đô Cairo với hàng trăm ngàn người biểu tình đòi phế truất tổng thống, thì không hiểu cổ nhân nghĩ gì.
Khó mà tưởng tượng, tiên sinh họ Phạm lại ngắm mẫu chiếc xe trâu nhằm canh tân cho nước Việt đang hội nhập.
Hiệu Minh. 10-2-2011
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá