Những kẻ thiện tâm và hai bên bờ Đại Tây Dương

09:08 SA @ Thứ Tư - 12 Tháng Tám, 2009

Trong mối quan hệ giữa Pháp và Mỹ, giờ đây những biểu hiện hữu hảo như chuyện tướng La Fayette sang Mỹ chiến đấu, Tocqueville vinh danh nền “dân trị” Mỹ hay Franklin trở thành thần tượng của giới trí thức Pháp… đã trở thành quá khứ của những thế kỷ trước. Hai bên bờ Đại Tây Dương giờ đây không bỏ qua cơ hội nào để châm chọc, chế giễu, thậm chí là mạt sát lẫn nhau.

Cách đây không lâu, Donald Morrison, một người Mỹ sống ở Paris, viết trên Times bài báo mang tên Cái chết của văn hoá Pháp nói đến vị thế giảm sút của văn hoá Pháp trên thế giới, sức sống nội tại suy giảm không còn được như xưa. Ngay lập tức, giáo sư Antoine Compagnon đã có một “phản hồi” in trong cuốn sách mang tên Le Souci de la grandeur (Lo âu cho sự vĩ đại) kèm với bài báo nói trên, do Denoel xuất bản (2008). Đó là ví dụ gần nhất của một sự bất hoà dai dẳng lâu nay.

Cuốn tiểu thuyết Những kẻ thiện tâm (tên nguyên bản là Les Bienveillantes và nhan đề tiếng Anh là The Kindly Ones, Harper Collins xuất bản) lại trở thành một đề tài văn hoá nóng hổi cho một cuộc đối đầu theo kiểu “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”.

Những kẻ thiện tâm hội tụ đủ các yếu tố để gây tranh cãi: đề tài của nó là Holocaust (Lò thiêu), tuy xảy ra ở châu Âu trong thế chiến thứ hai nhưng cuộc chiến đó người Mỹ cũng tham gia, và nước Mỹ là nơi đón nhận một số lượng lớn người Do Thái thoát được nạn diệt chủng. Cuốn tiểu thuyết bàn về cái ác, là chủ đề liên tục trở đi trở lại trong suy tư của các triết gia Mỹ. Hơn thế nữa, tác giả Jonathan Littell là người Mỹ nhưng lại viết tác phẩm bằng tiếng Pháp và in lần đầu tại Pháp (năm 2006), giành liền hai giải thưởng danh giá (Goncourt và Giải thưởng của viện Hàn lâm), và Littell nhanh chóng nhận được rất nhiều lời ca ngợi từ không chỉ các nhà báo mà cả từ các nhà nghiên cứu tên tuổi, như Pierre Nora, Georges Nivat hay Antoine Compagnon.

Bản dịch tiếng Anh của Les Bienveillantes

Sau nhiều trục trặc, cuối cùng bản tiếng Anh của Những kẻ thiện tâm (bản dịch của Charlotte Mandell) đã được xuất bản vào đầu năm 2009. Ngay lập tức, giới phê bình văn học Anh – Mỹ sôi nổi bình luận, với rất nhiều ý kiến trái chiều (bất kỳ đâu có bản dịch Những kẻ thiện tâm đều xảy ra tranh luận lớn, trừ Việt Nam – ở Đức tờ Frankfurter Allgemeine mở hẳn một forum trên mạng Internet riêng cho cuốn sách).

Mở màn và tiêu biểu hơn cả là nhà phê bình nổi tiếng của tờ The New York Times, Michiko Kakutani, người lên tiếng chê tất cả những người từng khen cuốn sách là “nhầm lẫn”, và dùng những lời lẽ nặng nề nhất cho tác phẩm và tác giả. Kakutani gọi Littell là “một kẻ bắt chước kém cỏi Genet và Sade”, Những kẻ thiện tâm là cuốn sách tồi tệ ở mọi phương diện; không dừng lại ở đó, nhà phê bình lừng danh còn quay sang chỉ trích độc giả và giới phê bình Pháp, coi việc Những kẻ thiện tâm được hoan nghênh tại đây là “một ví dụ về sự đồi truỵ thỉnh thoảng vẫn thấy trong gu thẩm mỹ của người Pháp”.

Các nhà phê bình khác không nặng lời như Kakutani, chẳng hạn Jason Burke trên The Guardiangọi đây là “cuốn tiểu thuyết xuất chúng về Lò thiêu” và tỏ ý ngưỡng mộ vì “không nghi ngờ gì nữa Littell đã thành công ở nơi nhiều nhà văn tham vọng khác đã thất bại”. Một nhà phê bình nổi tiếng, Michaeal Korda, coi Những kẻ thiện tâm là “tiểu thuyết xuất sắc”, một tội ác và hình phạt về Lò thiêu. Nhưng những ý kiến này không được chia sẻ nhiều từ phần đông các nhà phê bình. Peter Kemp của tờ Sunday Times ngạc nhiên về việc cuốn tiểu thuyết thu hái nhiều thành công đến vậy, còn trong một bài báo dài Daniel Mendelsohn tỏ ra khá ác cảm. Ngay các nhà phê bình khen ngợi Những kẻ thiện tâm cũng không quên đưa ra những chỉ trích về cách nhìn, cốt truyện cũng như văn phong. Từ phía các nhà chuyên môn, Littell nhận được sự khen ngợi của sử gia nổi tiếng Anthony Beevor, tác giả cuốn sách kinh điển Stalingrad (Những kẻ thiện tâm có một trường đoạn dài lấy bối cảnh trận đánh này).

Báo chí Pháp cũng ngay lập tức trả đũa, có tờ báo giật tít “Những kẻ thiện tâm trên đất kẻ thù”, có tờ báo đặt câu hỏi mỉa mai: Những kẻ thiện tâm của Littell: quá dài và quá đắt với người Anh và người Mỹ?” Nhà phê bình Pierre Assouline tỏ ý không đồng tình với những nhận định của Michiko Kakutani, và tờ Le Monde thậm chí còn nói đến việc các nhà phê bình Anh – Mỹ không hiểu được cuốn tiểu thuyết.

Điều thú vị là Donald Morrison cũng lên tiếng trong vụ tranh cãi giữa hai bên bờ Đại Tây Dương này. Trong một bài báo ngắn đăng trên The Financial Times, tác giả Cái chết của văn hoá Pháp công nhận Những kẻ thiện tâm có bề dày về học thuật nhưng “còn cách rất xa sự sáng suốt”, “cố gắng đặt ra nhiều câu hỏi lớn”, nhưng đã “thất bại một cách tuyệt đẹp”.

Trong thời gian tới, chắc chắn Những kẻ thiện tâm sẽ còn khuấy động văn đàn Anh và nhất là Mỹ hơn nữa. Chỉ riêng điều đó thôi đã chứng tỏ được rằng nó là một cuốn tiểu thuyết khó bỏ qua nếu muốn hiểu văn chương của ngày hôm nay.


Những kẻ thiện tâm

“Ngay cả tri thức, sự sáng suốt cũng vẫn chưa đủ để con người thoát khỏi tội lỗi...”

Sau những bản dịch đầy thách thức về ngôn ngữ văn chương và tư tưởng như Cuộc sống không ở đây, Điệu Vasle giã từ của Milan Kundera, Khúc quanh của dòng sông của nhà văn đoạt giải Nobel V.S. Naipaul, Hạt cơ bảncủa Michel Houellebecque..., dịch giả trẻ Cao Việt Dũng vừa hoàn thành thêm một bản dịch đầy thách đố khác: Les Bienveillantes (Những kẻ thiện tâm). Bản dịch tiếng Việt dày 1.400 trang sẽ có mặt tại các nhà sách trong tháng mười hai.

TTCT đã có cuộc trò chuyện với anh xung quanh bản dịch này.

* Lý do anh chọn chuyển ngữ cuốn tiểu thuyết lớn, quá nặng tính tư liệu lịch sử, gây nhiều tranh cãi và không hề dễ đọc này?

- Những kẻ thiện tâm quả thật là một cuốn tiểu thuyết rất dày, thậm chí là dày bất thường so với dung lượng trung bình của tiểu thuyết phương Tây hiện nay. Nhưng cách tiếp cận của nó gây hứng thú ngay từ đầu: kinh nghiệm của một cá nhân từng tham gia các hoạt động của chủ nghĩa quốc xã đặt trong quan hệ với khối lượng tổng thể những gì các sử gia đã viết về Thế chiến thứ hai. Muốn làm được điều đó, Jonathan Littell buộc phải có những tính toán thông minh để “nhét” được nhân vật và các sự kiện vào các ngõ ngách của lịch sử một cách hợp lý: vừa phải đủ vai trò để nắm được những bí mật ở hậu trường chính trị, lại vừa phải đủ mờ nhạt để né tránh việc “đi vào lịch sử với tư cách một cá nhân”. Và tôi thích lời tuyên bố ở ngay đoạn đầu tiểu thuyết của Maximilien Aue: “Tôi là một nhà máy sản xuất kỷ niệm thực thụ”. Hiện nay không nhiều tiểu thuyết gia dám đề cập trực tiếp “kỷ niệm”, “câu chuyện”, thậm chí dám dựng một cuốn tiểu thuyết theo lối cổ điển như vậy.

* Cuốn sách đồ sộ này được nhà văn Jonathan Littell viết chỉ trong 112 ngày, mặc dù mất đến năm năm để đọc và sưu tập tư liệu; còn anh phải mất bao lâu để chuyển ngữ Những kẻ thiện tâm? Khó khăn nhất khi dịch cuốn tiểu thuyết này là gì?

- Littell mất rất nhiều năm để nghiên cứu vấn đề Do Thái Đông Âu. Số lượng sách tham khảo của nhà văn lớn đến đáng kinh ngạc. Con số 112 ngày theo tôi là một con số mang tính hình thức. Tương tự như vậy, tôi đã bắt tay dịch Những kẻ thiện tâm ngay sau khi nó được xuất bản, chính xác là cuối tháng 10-2006, và có những tháng tập trung cho công việc này, nhưng song song đó là những gì đã biết từ trước về chủ đề, các tài liệu liên quan đến tổ chức của Nhà nước Nazi và giải pháp cuối cùng đối với người Do Thái. Vấn đề lớn nhất có lẽ là giữ được đúng giọng của nguyên bản, điều này không dễ, nhất là với các tiểu thuyết lớn, cần phải có chuẩn bị và tổ chức tốt.

* Bản tiếng Anh của cuốn tiểu thuyết này (The kindly ones) năm 2008 mới được phát hành. Anh đã phải mất bao lâu để thương thảo bản quyền, dịch và in bản tiếng Việt nhanh chóng như thế?

- Công ty Nhã Nam mất gần hai tháng để mua bản quyền Những kẻ thiện tâm. Những công việc liên quan đến nghiệp vụ xuất bản đều do Công ty Nhã Nam thực hiện, tôi dịch và khi cần thì có những đề xuất cụ thể. Chẳng hạn như tôi muốn giữ được hiệu quả thị giác của nguyên bản: 900 trang sách chỉ có chữ, không có chú thích. Với bản tiếng Việt tôi cũng đề nghị như vậy: gần 1.400 trang chỉ có “dòng thác của những đoạn văn” và để nguyên tất cả các từ và câu tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Nga, các chú thích (khoảng 50 trang) được đưa ra phía sau.

* Tiếng Việt là ngôn ngữ thứ mấy được dịch từ cuốn tiểu thuyết này - tính đến thời điểm hiện tại? Anh có liên hệ với nhà văn Jonathan Littell khi thực hiện việc chuyển ngữ? Và nhà văn có nhận xét gì không khi biết cuốn tiểu thuyết của ông được dịch sang tiếng Việt?

- Hai bản dịch được trông chờ nhất của Những kẻ thiện tâmchắc chắn là tiếng Đức và tiếng Anh (đó cũng là hai hợp đồng chuyển nhượng bản quyền kỷ lục của lịch sử xuất bản thế giới). Theo thông tin của tôi thì trước bản dịch tiếng Việt đã có bản dịch tiếng Tây Ban Nha (Las Benévolas) mới in, của một dịch giả nữ. Ngay từ đầu Jonathan Littell đã chủ động liên hệ với những người dịch tác phẩm của mình. Qua email, tôi thường xuyên có những trao đổi về các chi tiết. Littell hứa sẽ giải đáp mọi thắc mắc của tôi, dù nhỏ nhất, và đã giữ lời hứa. Kể cả nhan đề tiếng Việt cũng là Littell đề nghị, sau khi tôi gần như bế tắc trong việc tìm ra cách dịch tối ưu nhất. Viết Les Bienveillantes với Littell là một kinh nghiệm kỳ lạ, và dịch Những kẻ thiện tâm với tôi cũng không phải là một kinh nghiệm thường ngày. Có lẽ hai kinh nghiệm đó tương đồng ở điểm cả Littell và tôi đều tiếp xúc với chiến tranh từ vị thế những người không trải qua chiến tranh.

Dịch giả Cao Việt Dũng

* Theo anh, điều gì khiến cuốn tiểu thuyết này giành được hai giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp: giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp và giải Goncourt? Và điều gì ở cuốn sách này có thể chinh phục số đông độc giả như thế, khi mà nó quá nặng tính tư liệu, không hề dễ đọc và có thể nói là khó chinh phục được lớp độc giả thiếu kiên nhẫn?

- Một đề tài lớn như “Lò thiêu” luôn được độc giả các nước phương Tây quan tâm đặc biệt, điều đó là dễ hiểu. Tôi cũng theo dõi nhiều tranh cãi xung quanh Những kẻ thiện tâm, nhưng với mức độ vừa phải, vì công việc của tôi là dịch cuốn tiểu thuyết đó sang tiếng Việt, dù rất biết sự chú ý của độc giả VN dành cho nó sẽ không đáng kể. Gần như người bạn Pháp nào của tôi cũng đều có Những kẻ thiện tâm ở nhà, nhưng hầu hết đều chưa đọc hoặc chưa đọc xong. Dịch cuốn tiểu thuyết này là một công việc thú vị: ngoài tất cả những gì văn chương mang đến, còn có một ý nghĩa phụ, đó là câu hỏi liệu có thể hoàn thành được bản dịch này hay không. Câu hỏi đó có thể cũng xuất hiện ở người đọc: liệu có đủ kiên nhẫn để đọc hết nó hay không.

* Maximilien Aue - nhân vật chính của tiểu thuyết - được nhà văn hư cấu dưới hình hài của một trí thức, tiến sĩ luật, có kiến thức rộng và bài bản, sành âm nhạc cổ điển, triết học, văn chương của các cây đại thụ, nhưng đồng thời anh ta lại có một cuộc sống riêng tư rất bệnh hoạn: loạn luân với em gái song sinh, tình dục đồng tính theo hướng bạo dâm... Maximilien dẫn dắt độc giả qua hơn 900 trang sách (bản gốc tiếng Pháp) bằng hồi tưởng của mình, một cựu sĩ quan SS trong thời phát xít Đức, với giọng kể lạnh lùng, rành mạch, tỉnh táo và không hề ăn năn - kể cả những chuyện rùng rợn nhất như việc giết hàng triệu người Do Thái hay những hành vi tình dục bệnh hoạn của anh ta... Theo anh, tại sao nhà văn lại chọn một nhân vật đại diện cho cái ác để thuật lại một trong những sự kiện lịch sử tàn bạo nhất của thế kỷ 20?

- Điều hấp dẫn của Những kẻ thiện tâm là nó tránh được hai điều. Đó là các sự kiện vốn đã được nhiều sử gia bình luận đến nhàu nhĩ: cuộc đời Adolf Hitler, những con quái vật Nazi, đội quân SS áo đen khủng khiếp của Himmler và Heydrich, tên đồ tể Eichmann... và cái nhìn từ bên ngoài vào trong hệ thống quốc xã. Nói đúng ra trước đây đã có một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Robert Merle lấy nhân vật chính là một tay Nazi: La mort est mon métier (Cái chết là nghề của tôi - 1976). Nhân vật Rudolf Hoss, phụ trách các trại tập trung Auschwitz và Birkenau, cũng xuất hiện rất nhiều trong Những kẻ thiện tâm, giống như kiến trúc sư trưởng của giải pháp cuối cùng đối với người Do Thái, Adolf Eichmann, với những kiến giải khác.

* Từ trước đến nay, đa số các nhà văn hoặc đạo diễn thường mô tả lại cuộc thảm sát dân Do Thái dưới thời phát xít Đức ở góc nhìn, trải nghiệm của những nạn nhân. Việc nhà văn Jonathan Littell thuật lại sự kiện tàn bạo này dưới góc độ của một cựu sĩ quan SS và với cách kể chuyện như đã nói ở trên mang thông điệp gì?

- Sau toàn bộ tiếp xúc với văn bản Những kẻ thiện tâm, và với tất cả những ám ảnh mà cuốn tiểu thuyết gây ra cho cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng mình hiểu ra một điều: ngay cả tri thức, sự sáng suốt và tỉnh táo cũng vẫn chưa đủ để con người thoát khỏi tội lỗi và làm điều ác.

* Tiêu đề của cuốn tiểu thuyết này (Les Bienveillantes - Những kẻ thiện tâm) được lấy từ hình ảnh của các nữ thần phục thù trong thần thoại Hi Lạp. Nhiều chi tiết trong tiểu thuyết đã cho thấy rõ điều này (Maximilien giết mẹ và cha dượng)... Câu cuối cùng của tiểu thuyết cũng được nhắc lại:“Các nữ thần báo thù đã lần ra dấu vết của tôi”.Có một sự liên hệ nào giữa cuốn tiểu thuyết này với câu chuyện thần thoại Hi Lạp?

- Những kẻ thiện tâm được đặt trên hai trục chính: âm nhạc của Bach và triết lý về tội lỗi của Hi Lạp. Theo hình dung của tôi, đó là hai trục tung và trục hoành về ý tưởng. Tên bảy chương của tiểu thuyết đều là các thể nhạc quen thuộc của Jean - Sebastien Bach: Toccata, Sarabande, Courante... Maximilien Aue nói chuyện bằng tiếng Hi Lạp với nhà văn Pháp theo phát xít Robert Brasillach và thường xuyên so sánh hệ thống luật pháp cũng như suy tư về tội lỗi con người thời hiện tại (nghĩa là trong Thế chiến thứ hai) với triết lý của Hi Lạp dành cho cùng chủ đề, qua đó cũng phê phán cách làm việc của phiên tòa Nürnberg nổi tiếng. Một câu trong Những kẻ thiện tâm nằm ở chương 4, Menuet, cho thấy rõ điều đó: “Với người Hi Lạp, không có gì quan trọng nếu Héraclès giết các con của mình trong một cơn điên, hoặc nếu Oedipe giết cha mình vì tình cờ: điều đó không thay đổi gì hết, đó là một tội lỗi, họ là những tên tội phạm; người ta có thể thương xót họ, nhưng người ta không thể xá tội cho họ - và vẫn giống hệt như vậy ngay cả khi rất thường xuyên sự trừng phạt họ được chuyển cho bàn tay các vị thần, chứ không phải của con người”. Cách nhìn đó khác biệt với cách nhìn của hệ thống giáo lý Thiên Chúa giáo và của pháp luật hiện đại.

Jonathan Littell và Những kẻ thiện tâm

Sinh năm 1967, Jonathan Littell có dòng máu Do Thái, bố là nhà văn Mỹ nổi tiếng Robert Littell (từng làm phóng viên đưa tin về Trung Cận Đông những năm 1960 và là tác giả cuốn tiểu thuyết The company lừng danh về CIA). Lên đại học Littell mới sang Mỹ (học ở Đại học Yale), còn trước đó sống ở Pháp, bị ấn tượng rất mạnh với cuộc chiến tranh Việt Nam.

Khi còn là sinh viên, một lần Jonathan Littell nhìn thấy bức ảnh một cô gái du kích Liên Xô bị tra tấn tàn tệ. Ám ảnh đã đi theo nhà văn trong quãng thời gian bảy năm làm việc cho một tổ chức nhân đạo ở Bosnia, cho đến khi ông quyết định xây dựng một cuốn tiểu thuyết dựa trên các hoạt động của Quốc xã tại Đông Âu, lấy cảm hứng từ các vở bi kịch Hi Lạp. Dự án Những kẻ thiện tâm xuất hiện từ rất sớm, nhưng phải đợi khoảng 12-13 năm mới được thực hiện. Trước đó, Littell từng dịch các tác phẩm của Maurice Blanchot, Jean Genet, Jean-Paul Sartre, nhưng chưa xuất bản dịch phẩm nào. Tác phẩm duy nhất trước Những kẻ thiện tâm là một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng viết bằng tiếng Anh, Bad Voltage (1989).

Dự định chọn nhân vật trung tâm là một sĩ quan Nazi đã xuất hiện ngay từ đầu, nhưng mãi sau này Littell mới quyết định mô tả kỹ các qui trình của việc tận diệt người Do Thái. Maximilien Aue có nửa dòng máu Pháp, từng học ở Pháp, sau này chọn nước Đức để phục vụ. Aue là tiến sĩ luật trẻ tuổi, đi sang chiến trường phía đông với tư cách sĩ quan của SS, leo từ trung úy lên đến trung tá. Sau các “hành động” diệt trừ người Do Thái ở các nước Đông Âu (chủ yếu là Ukraine và Nga) và trải qua những ngày cuối cùng của trận đánh lịch sử Stalingrad, bị thương nặng, Aue được chuyển về Đức và dần leo lên trong hệ thống kinh tế quốc xã vừa tiêu diệt vừa sử dụng sức lao động của tù nhân Do Thái. Được đích thân Heinrich Himmler, trùm SS và sau này là bộ trưởng nội vụ, giao nhiệm vụ, Aue đi thanh tra gần như toàn bộ hệ thống trại tập trung, chủ yếu là Auschwitz. Ba lần đi đến trại tập trung khổng lồ này khiến Aue nhìn rõ từng chi tiết trong bộ máy giết người khủng khiếp, bản thân Aue cũng đi từ cơn điên loạn này đến cơn điên loạn khác, mặc dù bản chất vốn là một con người ưa phân tích lý tính và đầy tỉnh táo. Trộn lẫn vào câu chuyện về viên sĩ quan Aue là những câu chuyện của con người Maximilien, một kẻ “đồng tính tự nguyện”, phạm rất nhiều tội lỗi và hoàn toàn ý thức được về các tội lỗi đó.

Những kẻ thiện tâm gây ra tranh cãi lớn ngay từ khi ra đời, nhưng không thể phủ nhận tầm vóc, tham vọng của cuốn sách cũng như tài năng của Jonathan Littell. Nhà văn Tây Ban Nha Jorge Semprun từng gọi cuốn tiểu thuyết là “sự kiện của thế kỷ”. Một trong những lời chê trách nặng nề nhất là của Claude Lanzmann, tác giả bộ phim đồ sộ về lò thiêu người Do Thái, Shoah (1985). Trên tờ Le Nouvel Observateur cuối tháng 9-2006, Lanzmann nói đọc Những kẻ thiện tâm chưa chắc đã hấp dẫn bằng đọc cuốn sách của sử gia nổi tiếng Raul Hilberg, Sự tiêu diệt Do Thái châu Âu, và không thể so sánh Những kẻ thiện tâm với Chiến tranh và hòa bình, thậm chí với tiểu thuyết Cuộc đời và số phận của nhà văn Nga Vassili Grossman.

Lê Hồng Lâm thực hiện

Tuổi trẻ Cuối tuần

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Phát giác về ngôn ngữ thân xác

    05/06/2016Đoàn Ánh DươngNếu như văn học hiện đại thế giới có công phát hiện ra ngôn ngữ văn tự, thì văn học hậu hiện đại hôm nay lại đang dần tước mất vai trò thống trị của nó.
  • Hạt cơ bản

    03/02/2011Lê Mỹ giới thiệuMột cái tên dễ khiến người đọc nhầm lẫn đây là một cuốn sách lý thuyết vật lý. Kì thực, đây là một tác phẩm văn học nổi tiếng trong nền văn học Pháp đương đại, một cuốn sách không mấy dễ đọc vì sự dữ dội cũng như giá trị nhân bản của nó được chắt lọc qua lối viết khác người để làm nổi bật chính giá trị nhân bản ấy của tiểu thuyết gia Michel Houellebecq...
  • Kỹ thuật của người An Nam

    05/07/2009Cao Việt DũngTrong ngành xuất bản có chuyện là một số cuốn sách được… mong đợi nhiều hơn so với những cuốn khác. Thời gian vừa qua, việc in trở lại bộ "Kỹ thật của người An Nam" của Henri Oger là cả một sự kiện của giới nghiên cứu lịch sử và khoa học xã hội Việt Nam, và chắc hẳn thời gian sẽ càng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của tác phẩm này.
  • Nói nhiều ngôn ngữ khác nhau

    30/06/2009Cao Việt DũngTuần qua, đời sống bình lặng của văn chương Việt Nam bỗng trở nên sôi động với một “vụ án” được gọi tên là “đạo thơ”. “Đạo”, mạo danh… vốn không phải chuyện mới, nhưng lần này nó lại liên quan đến giấc mơ đưa văn chương Việt Nam ra thế giới.
  • Một năm văn chương: nỗi lo và niềm hy vọng

    14/02/2007Phạm Xuân ThạchHãy nhìn vào chính cái đời sống văn chương ồn ào của một năm, cái gì đã làm nên những giá trị đích thực? Những bong bóng xà phòng được cổ vũ nhiệt tình bởi média hay những con người lặng lẽ tạo tác. Hình như dòng chảy mạnh mẽ nhất chính là dòng chảy âm thầm.
    Nó mang đến niềm hy vọng cho một năm mới.
  • Văn chương - văn học năm 2006, chuyển dịch trong sự “nhiễu loạn”?

    04/02/2007Nguyễn HòaTới năm 2006, với những sự kiện - hiện tượng phong phú và đa dạng của nó, tôi lại thấy văn chương - văn học nước nhà như đang phát lộ một vài dấu hiệu chuyển mình. Và vì thế, dường như đâu đó ở cuối con đường, đã le lói một niềm hy vọng?
  • xem toàn bộ