Những yếu tố quy định hành vi của con người

09:41 SA @ Thứ Ba - 23 Tháng Bảy, 2013
Chúng ta thường nghĩ mình làm chủ hành vi của mình. Có thật thế không ? Nói cách khác, chúng ta có thực sự phải chịu trách nhiệm những việc làm và thái độ của mình hay không?

Có năm loại yếu tố chính quy định hành vi của con người : cấu trúc vật chất, các cảm thọ đến từ môi trường, các sự tưởng tượng, các hành vi đã qua, và tâm thức, bao gồm ý thức, tiềm thức, và vô thức.

1) Cấu trúc vật chất

Bao gồm tất cả những gì làm nên cơ thể chúng ta, từ các khoáng chất vô cơ, các chất hữu cơ, các tế bào, kể cả các “gènes” (đặc tính di truyền) nằm trong các tế bào ấy, đến các hệ thống đảm bảo sự vận hành trong cơ thể, như hệ thần kinh và các hệ thống khác (tuần hoàn, tiêu hóa, v.v...). Xin lấy vài thí dụ :

- Chất vô cơ, như nuớc, nếu không đủ, hay quá nhiều, đều có thể gây mê sảng. Khoáng chất, như muối, Calcium, Magnésium, Phosphore... cũng ảnh hưởng trên hành vi. Chúng ta đều biết thiếu Iode thành ra đần độn (le “crétin” des Alpes), trẻ nhỏ ăn thiếu sắt cũng phát triển chậm trên mặt tâm lý. Chất azote, 79 % của không khí ta thở, có thể gây nên những hành vi quái lạ. Người viết còn nhớ kỷ niệm khi phục vụ trong ngành “người nhái”, một lần công tác, có anh chàng y tá tập sự mới lặn xuống khoảng 25 thước đã có thái độ đùa giỡn nguy hiểm, đồng thời hát và cười inh ỏi. Chỉ cần lôi cổ anh ta lên phía mặt nước vài thước là bình thường lại ngay. Người ta gọi đó là “say độ sâu” (ivresse des profondeurs) hay “say azote” (narcose à lazote).

- Thừa hay thiếu chất hữu cơ gây rối loạn hành vi, thì có rất nhiều thí dụ. Xin nói đến một trạng thái ít được để ý tới :

Gần đây báo chí Y Khoa có kể lại hai trường hợp bạo động gây thương tổn cho người khác vì lý do thiếu glucose (hypoglycémie). Trường hợp đầu, anh chồng bị diabète, chích insuline quá lượng, gây hypoglycémie, đập bà vợ nhừ tử, và nhất là đập tan nhiều máy móc đắt tiền trong nhà (đập vợ thì còn hiểu được, chứ đập máy móc đắt tiền thì chắc chắn là bất bình thường !). Sau đó chàng được cho ăn ngọt, liền trở lại hòa dịu. Trường hợp kia, bệnh nhân bị lôi ra tòa vì đả thương người khác.

- Thương tổn hệ thống thần kinh có thể gây rối loạn hành vi. Năm ngoái cảnh sát có đưa vào Nhà Thương Đại Học Rennes một bà đứng tuổi, thuộc gia đình giàu có quý phái. Vị mệnh phụ phu nhân này cởi hết quần áo, trần truồng như nhộng, tồng ngồng đi ngoài đường, lại còn cà khịa với người qua lại ! Sau khi chẩn đoán, định bệnh : viêm màng não do vi trùng lao. Mặt khác, bệnh lý cho biết, thương tổn vùng Broca của chất xám, đưa đến việc không còn biết nói nữa, mặc dù các cơ quan chủ trì việc phát ngôn (miệng lưỡi, v.v...) vẫn nguyên vẹn. Thương tổn vùng Wernicke cho ra một loại tiếng nói quái lạ (jargon), không hiểu được. Các bệnh nhân này cũng có thể mất đi sự hiểu biết ngôn ngữ hay cả chữ viết, trở thành “mù chữ”. Thương tổn vùng khác (hypocampe) làm mất trí nhớ, một vùng khác nữa (sau não) khiến không nhận ra những gì quen thuộc, kể cả vợ chồng con cái. Hư đi một cấu trúc tiết ra chất acétyl choline (noyau basal), làm mất khả năng học tập nơi con chuột, nhưng nếu ghép cấu trúc ấy vào một vùng khác của óc, thì khả năng này liền được phục hồi (Nature 1995,484-487). Oliver Sacks trong Lancet (24/6/95), có kể chuyện một người bị thương tổn óc, làm cho không còn nhận ra các màu sắc. Đời sống của ông hoàn toàn thay đổi : ông không còn muốn làm tình với vợ, vì bà này từ hồng hào tươi tắn đã trở thành xám xịt ! Ông cũng sanh chứng biếng ăn, vì nhìn thấy thức ăn chỉ với hai màu đen trắng...Người ta cũng đã nghi ngờ bệnh schizophrénie (một bệnh “điên”, hiện hữu trong 1 phần trăm dân sô) có thể xảy đến do người mẹ bị cúm trong tam cá nguyệt thứ hai khi mang bầu (Quotidien du Médecin 16/6/95). Sự thương tổn vùng thalamus (giả thuyết “ultime gate keeper”), hay trục trặc những cấu trúc tiết ra chất dopamine trong óc cũng được nghi ngờ đưa đến bệnh schizophrénie .

- Bệnh của các hệ thống ngoài thần kinh hệ đều có thể đưa đến rối loạn hành vi. Thí dụ bệnh sơ gan (cirrhose) có thể đưa đến mê sảng, nói xàm, có khi thấy vật lạ, như súc vật bò đầy nhà v.v...bệnh của hệ thống hô hấp cũng có thể cho ra mê sảng, nói xàm, đảo lộn đêm ngày (trường hợp thiếu oxy thừa thán khí). Trục trặc hệ thống sex steroid có thể gây rối loạn tình dục v.v...

- bệnh liên hệ đến cấu trúc di truyền thì quả là có vô số thí dụ. Chỉ cần thay đổi vài chi tiết cực nhỏ trong chuỗi ADN của tế bào là con người có thể trở thành đần độn, ngơ ngác, hay hung dữ, bạo hành. Bệnh schizophrénie nói ở trên cũng có thể chỉ do một thay đổi liên quan đến 3 nucléotides trên hàng triệu nucléotides trong chromosome số 6, hay một trục trặc của một locus (6 pter-p22) trên chromosome 22.

Mới đây báo Nature có đăng khảo cứu của Sherrington (Toronto), tìm ra một gène thứ ba gây bệnh Alzheimer gọi là S182 (Nature,1995, 375, 754-760). Hai gènes còn lại của bệnh này nằm trên các chromosomes 19 và 21. Alzheimer là bệnh tâm thần nặng của người lớn tuổi, rất “thời trang”, vì đã đưa một nữ minh tinh danh tiếng về bên kia thế giới. TT Reagan cũng mắc bệnh này. Nghiện rượu cũng một phần do di truyền. Người da vàng dễ xay rượu hơn da trắng, do thiếu alcool déshydrogénase.

Thử tưởng tượng một ngày nào đó, một vị bác sĩ tài hoa bỗng dưng trở thành đần độn, leo lên cây ca hát (như ông Đỗ Mười), hay cởi quần áo chạy nhông (“cuồng chứng” trong Đông Y được mô tả là “đăng cao nhi ca, thoát y nhi tẩu” !), hoặc có những hành vi dữ tợn, thì khi ấy ta phải nghĩ sao ? Kẻ hung dữ kia là ông bác sĩ mà ta vẫn biết, hay là một “ông” nào khác ? Nếu là “ông” nào khác, thì vị bác sĩ tài hoa của ta lúc bấy giờ ở đâu ? Nam Quan hay Cà Mau ? Còn nếu ông ấy vẫn là ông bác sĩ nọ, thì ta có còn tiếp tục đến chữa bệnh với ông ta nữa hay không ?

2) Các cảm thọ đến từ môi trường :

Chúng ta nhận được từ môi trường vô số tín hiệu. Có những tín hiệu được ý thức, nhưng cũng có những tín hiệu không được ý thức. Trong số những tín hiệu ây, có giáo dục học đường và gia đình, có ảnh hưởng của các định chế xã hội (tôn giáo là một), của văn hóa, của khung cảnh sống, v.v...Thí dụ trẻ em trong khu xóm nghèo học kém, và dễ đi vào con đường tội phạm hơn trẻ em sinh sống trong các khu giàu có. Lỗi của các em ấy, hay của môi trường ? Điều này cũng cắt nghĩa trường hợp hành vi khác biệt nơi các người song sinh thật (vrais jumeaux), mặc dù họ có cùng một cấu trúc di truyền.

3) Những sự tưởng tượng:

Tưởng tượng có thể được ý thức hay không được ý thức. Thiù dụ đứa trẻ tự cho mình là Power Ranger, hay Indianna Jones, trong trò chơi, thì đó là tưởng tượng được ý thức. Ngược lại, một bà nọ đang đêm nhổm dậy bóp cổ chồng, quả quyết là ông ta đem tiền cho mèo, trong khi ông này là một đồng nghiệp đã ngoài bảy mươi, vô cùng đạo đức, và nhãt là mới sang tỵ nạn chỉ lãnh trợ cấp xã hội không có một xu dính túi, thì chính là tưởng tượng không được ý thức ! Ở thời Trung Cổ, khi người ta đem đốt những người bị cho là phù thủy, có liên hệ với ác quỷ, cũng là những hành vi do tưởng tượng mà không ý thức mình tưởng tượng, cứ cho sự quả quyết của mình là sự thật. Tưởng tượng có thể bị quy định bởi văn hóa, định chế xã hội (tôn giáo...) giáo dục, khung cảnh sống, bởi các cảm thọ đến từ môi trường, hay bởi cấu trúc vật chất.

4) Các hành vi đã qua:

Tập hợp những hành vi trong quá khứ của một con người có khả năng quy định hành vi của người ấy trong hiện tại và tương lai. Thí dụ : lỡ nói dối, cứ phải tiếp tục nói dối. Ông Tổng Thống Mỹ nọ lúc trẻ trốn quân dịch sau đó luôn có những quyết định chính trị bị ảnh hưởng bởi mặc cảm do sự việc ấy sanh ra... “Hội chứng VN” nơi một số quân nhân Hoa Kỳ cũng thuộc loại này. Ảnh hưởng của hành vi đã qua cũng có thể được ý thức hay không được ý thức. Thí dụ như những hành vi thuộc loại névrotique (gàn dở) dù xảy ra nơi người lớn, nhưng thường bị quy định trong thời thơ ấu. Có những đứa trẻ có hành vi mà nó nghĩ là rất “đáng tội”, rồi quên đi (dồn nén vào vô thức), nhưng sau đó cứ luôn gặp tai nạn, hêt vỡ đầu tới gẫy tay, hay làm gì cũng thất bại một cách vô lý, thí dụ hoc giỏi nhưng cứ thi rớt (névrose déchec). Phân tâm học cho rằng nó tự trừng phạt nó, trong vô thức...

5) Tâm thức:

Tâm thức gồm ba phần : ý thức, tiềm thức và vô thức. Ý thức có thể được gắn liền với những gì đã nói ở trên. Một trục trặc trong cấu trúc vật chất của cơ thể, có thể được ý thức, thí dụ đau đớn kinh niên sanh cáu kỉnh. Các cảm thọ đến từ môi trường (nhà Phật có khái niệm “ngũ câu ý thức”, để chỉ ý thức gắn liền với năm giác quan), hay sự tưởng tượng, hay ảnh hưởng của các hành vi đã qua cũng có thể được ý thức.
Tuy nhiên, đa số các yếu tố có khả năng ảnh hưởng vào hành vi của con người lại không được ý thức. Chữ “ý thức” trong tiếng Anh-Mỹ là conscience, đến từ chữ La Tinh “cum scire” nghĩa là “có biết”. Tức là chúng ta không “có biết” đa số những gì ảnh hưởng mạnh mẽ trên hành vi của chúng ta. Người bị bệnh mongolisme, khi hành động điên khùng hay khờ dại, có khi hung dữ, không thể biết anh ta đang hành động dưới ảnh hưởng của một chromosome phụ trội trong tế bào của mình. Những gì xảy ra trong tiềm thức và vô thức, theo định nghĩa, cũng ảnh hưởng mà không được ý thức.

Vấn đề trách nhiệm:

Khi nói đa số các yếu tố quy định hành vi của con người không được ý thức, thì vấn đề lập tức được đặt ra là trách nhiêm của mỗi cá nhân đối với hành vi của mình. Anh có trách nhiệm hay không, khi anh làm một việc quấy, nếu đa số những gì thúc đẩy anh làm việâc ấy không được anh ý thức ? Đây là một đề tài lớn, trong phạm vi bài này không thể nói đầy đủ, chỉ xin tạm trình bày sơ qua là có ba trình độ trách nhiệm chính, liên hệ chặt chẽ với nhau :

- Trách nhiệm quy ước :


Do xã hội quy định, theo những quy ước tương đối được chấp nhận trong phạm vi xã hội ấy. Một hệ thống quy ước mà ai cũng nói đến nhưng ít ai thực sự biết rõ, là luật pháp. Các quy ước thay đổi khi ta đổi sang một cộng đồng xã hội khác, hay khi xã hội biến hóa do sự thay đổi của hoàn cảnh. Tùy theo trình độ hiểu biết về các ảnh hưởng trên hành vi củamà mỗi xã hội đặt vấn đề trách nhiệm với ít hay nhiều khắc nghiệt đối với các sự việc bị coi là “tội lỗi”. Người bệnh schizophrène làm thiệt mạng người khác, có thể bị xử tử hình, nếu xã hội liên hệ không có khả năng chẩn đoán bệnh này. Bà mệnh phụ cởi truồng ra đường nói ở trên cũng sẽ bị xã hội lên án gắt gao nếu không ai biết được bà ta bị viêm màng óc. Có lẽ khuynh hướng hiện thời trên thế giới là càng ngày càng bớt khe khắt trong các hình phạt, và chú ý nhiều hơn đến các trường hợp giảm khinh. Một thí dụ là tử hình đang dần dần bị loại bỏ.


- Trách nhiệm tâm lý :

Đây là trách nhiệm mà anh tự gán cho anh trước một sự việc nào đó. Có người gọi đó là tiếng nói của lương tâm. Phân tâm học thì dùng chữ “surmoi”. Trách nhiệm tâm lý có thể khắt khe hơn trách nhiệm quy ước. Xã hội không lên án anh nhưng tự anh lên án anh. Trường hợp đó gọi là “mặc cảm tội lỗi". Tự nó có thể đưa đến những hành vi bệnh hoạn.


- Trách nhiệm Đạo Lý :

Hình thành từ một sự định chế hóa các mặc cảm và lo lắng, được ý thức hay không được ý thức, trong mỗi cá nhân. Tức là nó nằm giữa lãnh vực tâm lý cá nhân, và quy ước xã hội, vừa nói ở trên.


Có hai loại Đạo Lý :

- Loại thứ nhất định chế hóa các tương quan phức tạp và mâu thuẫn với hình ảnh người cha trong tâm thức. Nó có tính khắc nghiệt, trừng phạt, hiếu sát, bao gồm những bó buộc nặng nề (lòng ái quốc chẳng hạn) đòi hỏi hy sinh, đau khổ, thậm chí cả sự chết, và vẽ lên những viễn tượng kinh hoàng cho người “phạm tội“(hình ảnh hỏa ngục đầy quỷ dữ và cực hình).

- Loại thứ hai định chế hóa tương quan với hình ảnh người mẹ, có tính khoan dung, tha thứ, yêu thương vô điều kiện, hiếu sinh, êm ái, bao gồm khoái lạc (kể cả khoái lạc của Thiền Định, của sự hiệp thông với Chúa, v.v...).

Định chế hóa các khía cạnh bệnh hoạn của Tâm Thức thành Đạo Lý giúp giảm thiểu những lo lắng do chúng gây ra, một cách máy móc, tức một cách đỡ hao tổn năng lượng thần kinh nhất. Cũng có thể nói mỗi cá nhân tự trấn an mình, hay đúng hơn là tự lẩn trốn chính mình, bằng sự bao che của định chế, hay bằng sự vay mượn năng lượng nơi cái Cộng Đồng người cùng chia sẻ định chế ấy với mình.


Mỗi loại Đạo Lý như vừa nói cho ra một tinh thần trách nhiệm riêng:

- Loại thứ nhất cho ra một thứ trách nhiệm chi tiết, có tính cách “kế toán”, kiểu như tổng số việc “tốt” trừ cho tổng số việc “xấu” mà anh đã làm sẽ quyết định anh “lên thiên đàng” hay “xuống hỏa ngục”.

- Loại Đạo Lý thứ hai cho ra một thứ trách nhiệm tổng hợp, dựa trên một thái độ chứ không dựa vào từng hành vi.

Còn nhiều khía cạnh, tôi sẽ xin khai triển thêm vào một dịp khác...
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • A còng, A móc, những thành viên ưu tú và tính ì của cả một thế hệ

    21/09/2013Lê Đa NguyênChúng ta có thể không đủ tiền để mua một chiếc @, nhưng chúng ta có dư khả năng để tiếp nhận những bài học cơ bản về cung cách thể hiện là người có văn hoá, có tinh thần trách nhiệm với chính mình, với Quê  hương, Đất nước. Chúng ta có thể học để biết cổ xuý những giá trị như  Nhân ái, Can đảm và Trí tuệ đồng thời tiễu trừ những bất công, những lừa phỉnh, những cố bám vì tư lợi...
  • Một số qui luật trong hành vi ứng xử

    21/01/2009Nguyễn Tất ThịnhNhững nghiên cứu, phân tích của khoa tâm lí học đã đóng góp những thành tựu to lớn vào kho tàng hiểu biết của chúng ta về hành vi ứng xử của con người. ở đây tôi kế thừa và cố gắng kiến giải ngắn gọn để đưa ra một vài qui luật ứng xử điển hình.
  • Nhu cầu và vấn đề điều khiển hành vi

    09/03/2006Nguyễn Bá MinhNhu cầu với tư cách là một hiện tượng tâm lý của con người, nó chi phối một cách mãnh liệt đến đời sống tâm lý nói chung, đến hành vi của con người nói riêng. Ở đây đề cập tới vấn đề nhu cầu trong mối quan hệ với việc điều khiển hành vi của con người.
  • Thuyết hành vi trong quản lý của H. A. Simon

    16/01/2006Phạm Quang LêHerbert A.Simon (người Mỹ) giáo sư tiến sĩ chuyên về khoa học máy tính và tâm lý học, trí tuệ nhân tạo và khoa học quản lý, từng đoạt giải Nobel về kinh tế năm 1978. Tư tưởng quản lý của Simon là Coi cốt lõi của quản lý chính là ra quyết định...