Một số qui luật trong hành vi ứng xử

Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia
10:40 SA @ Thứ Tư - 21 Tháng Giêng, 2009

Những nghiên cứu, phân tích của khoa tâm lí học đã đóng góp những thành tựu to lớn vào kho tàng hiểu biết của chúng ta về hành vi ứng xử của con người. ở đây tôi kế thừa và cố gắng kiến giải ngắn gọn để đưa ra một vài qui luật ứng xử điển hình.

Quyết định đến hành vi ứng xử của con người đối với các vấn đề, các mối quan hệ, tuân theo một sơ đồ sau:


- Hành vi ứng xử của một người như thế nào có thiên hướng tùy thuộc phần nhiều vào tri thức của họ, có thể gọi đó là người duy lí. Người như thế thường có thái độ và xử sự theo cách và khả năng hiểu, nhận thức được vấn đề đến đâu: hiểu, biết, phù hợp với nhận thức của mình thì hành động, ngược lại thì không.

- Theo thiên hướng tùy thuộc nhiều vào lợi ích, loại ứng xử này tạm gọi là duy lợi. Người duy lợi thấy việc gì có lợi cho mình thì hành động, không thì thôi, đứng ngoài cuộc. Chủ nghĩa thực dụng và tinh vi hơn là cơ hội thuộc loại này.

- Loại hành vi ứng xử chủ yếu xuất phát từ tín ngưỡng hay niềm tin, có thể coi là duy tín, hay tín điều chủ nghĩa. Điều đó không nhất thiết xuất phát từ tri thức, mà có thể xuất phát từ tiềm thức hay vô thức. Bởi vậy dễ bị rủ rê, lôi kéo, huyễn hoặc, lợi dụng bởi những luận thuyết mơ hồ, tệ hơn là bởi những tà thuyết không có luận cứ khoa học.

- Người ứng xử thiên về tập tính hay thói quen sống thuộc nhóm người ít sáng tạo, thích lựa chọn những gì dễ dàng, có sẵn, chủ nghĩa kinh nghiệm. Những thói quen khi được xã hội hóa, trở thành tiền lệ, tập quán hành xử của cộng đồng có tác dụng vô cùng to lớn. Nó sẽ là vật cản vô hình, dai dẳng khi là thói quen lạc hậu, trì trệ. Nó phá hoạt cả xã hội khi là thói quen xấu. Nó làm xã hội trật tự tiến bộ nếu là những thói quen của kỉ cương, của đạo đức và của văn minh.

Như vậy hành vi ứng xử của con người tuân thủ theo các qui luật tâm lí. Trên cơ sở thừa nhận những mệnh đề sau:

- Sự vật hiện tượng nào, cá thể nào cũng có khuynh hướng tiến tới trạng thái ổn định, cân bằng động, của riêng nó (vi mô) và của môi trường (vĩ mô)

- Sự cân bằng của vi mô và của vĩ mô có thể là khác nhau trong những thời điểm khác nhau (sự lệch pha). Mỗi cá thể cần phải tự điều chỉnh để phù hợp với trạng thái cân bằng của vĩ mô chứ không phải là ngược lại.

- Với mỗi cá thể, sự tồn tại trước mắt quan trọng hơn sự phát triển lâu dài. Tuy nhiên sự phát triển làm cho sự tồn tại đi đến trình độ cao hơn về chất

- Sự tự bảo vệ để tồn tại, trong đó các điểm yếu không được phép bộc lộ, mâu thuẫn nội tại được ngụy trang. Sự tự hoàn thiện để phát triển, trong đó cái bất hợp lí cần phải được thay đổi, mâu thuẫn nội tại cần phải giải quyết

- Mỗi cá thể có một năng lực, cơ hội ứng xử riêng, cung cách hội nhập riêng tùy theo cách mà nó chọn là tồn tại hay phát triển, bởi vậy nó sẽ có khuynh hướng bộc lộ hay giấu mình.

a. Qui luật bù trừ: thông thường về tiến trình, hình thức ( biểu hiện bên ngoài ) thế nào thì nội dung (phẩm chất bên trong) thế ấy. Nội dung có sẵn hoặc phải tích lũy trong một thời gian lâu dài, để đến một lúc nào đó đi đến thay đổi hẳn về chất theo chiều hướng mạnh mẽ, bộc lộ. Hình thức là cái khiến cho nội dung dễ được tồn tại trong môi trường luôn ở trong động thái cạnh tranh và đào thải, với chiều hướng chính danh và giản dị. Khi nội dung chưa đủ mạnh và hoàn thiện thì hình thức có khuynh hướng ngụy tạo, giả trang, phân thân (biến hóa) để thích ứng nhanh với các sắc thái nhất thời của môi trường, khả dĩ bù đắp cái thiếu hụt của nội dung. Ví dụ nghèo hay nói đến nhân nghĩa, dốt hay nói chữ, không hiểu biết nhiều thì ưa nói to tát, người bé nhỏ hay nói đến những cái cao, hoành tráng, không có quyền lực và sức mạnh thì hay mượn lời người có địa vị.v.v...

b. Qui luật Bất thường: Khi người ta có điều gì cảm thấy bất ổn do sự khiếm khuyết về nội dung hay hình thức, trước một hoàn cảnh, một tình huống có đột biến hay không được dự liệu trước, người ta cố che dấu điều ấy trước đối tác. Nhưng càng làm như thế thì càng bộc lộ sự ngụy tạo, giả trang hay phân thân của hình thức, sự kém cỏi đi của nội dung. Nếu tình trạng đó kéo dài, trong môi trường hỗn tạp không có chuẩn mực, người ta có thể trở thành kẻ trí trá và cơ hội chuyên nghiệp vì họ phải tập trung phần lớn tinh lực vào tạo hình thức chứ không phải là củng cố nội dung

c. Qui luật điểm yếu: ở đây là điểm yếu cơ bản của một cá nhân. Trong một xã hội không có tính giao lưu cao thì người ta khó biết được chính xác và kịp thời điểm yếu, điểm mạnh của mình là gì. Còn trong một môi trường thiên nhiên xã hội có mối quan hệ qua lại khăng khít của sự giao lưu, cạnh tranh và đào thải thì mỗi cá nhân trước hết biết rất rõ điểm yếu của mình là gì. Điểm mạnh có khi còn chưa thể bộc lộ thì đương nhiên điểm yếu phải che dấu thật kĩ, không để đối phương phát hiện ra. Bởi vậy cách bộc lộ kiểu ễnh ương kêu tiếng bò rống, khỉ học tiếng hổ gầm hay chim sẻ muốn xù lông như đại bàng nhiều khi lại là nhược điểm lớn của sự ngụy trang. Cách ứng xử tinh vi hơn là nó giành cho mình một vai trò gì đó trong cộng đồng, điểm yếu đó của cá nhân sẽ có nhiều khả năng được bảo vệ cao bởi cộng đồng nhờ vai trò của cá nhân trong cộng đồng ấy, kiểu xấu chàng hổ ai, hoặc như con ong chúa trong tổ của mình vậy. Cách khác là bằng tiểu xảo đánh đồng cá nhân với tập thể để làm yếu đi sự tấn công vào điểm yếu của họ.

Thưa các Bạn. Kiên trì cách viết của mình, tôi cố gắng càng ít càng tốt áp đặt cách tôi cho là nên ứng dụng như thế này hoặc thế khác… Điều đó xin nhường cho các Bạn, mà bài viết ngắn này chỉ có ý nghĩa như sự đúc kết từ nghiên cứu, quan sát và trải nghiệm của tôi, để kích thích tiếp tục các Bạn chiêm nghiệm vào bản thân mình hay trong các trạng huống khác nhau của Cuộc sống như các Bạn từng thấy.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nói trước đám đông: chuyện nhỏ!

    07/06/2010Phát biểu trước đám đông hay khi bị phỏng vấn đôi khi không phải là chuyện dễ dàng. Mặt đỏ tía tai, người run lẩy bẩy, đổ mồ hôi hột... là những triệu chứng của căn bệnh "ngại tiếp xúc".
  • Một tôi và một đám đông

    06/03/2008Nguyễn Thị Châu GiangChuyện tình bắt đầu từ bậc thang này. Không phải bậc thang trong một ngõ tối dẫn lên căn phòng tù túng có chiếc giường đôi phủ drap trắng vứt nhàu nhò quần áo. Không phải bậc thang dẫn lên quán cafe đèn mờ nằm trên gác có những mái tóc dài, ngắn trộn vào nhau lẫn lộn khói thuốc khét nghẹt...
  • Tâm lý học đám đông

    28/10/2006Phạm ToànCái yếu tố bệnh lý để Le Bon nghiên cứu đám đông là tin đồn. Qua tin đồn, ta sẽ hiểu đám đông theo nghĩa là hiểu sự bí ẩn của cách hình thành đám đông để từ đó mà biết cách chi phối đám đông, hoặc theo nghĩa là hiểu tâm lý đám đông không phải để cai trị đám đông, mà để không bị đám đông cai trị...
  • Nhu cầu và vấn đề điều khiển hành vi

    09/03/2006Nguyễn Bá MinhNhu cầu với tư cách là một hiện tượng tâm lý của con người, nó chi phối một cách mãnh liệt đến đời sống tâm lý nói chung, đến hành vi của con người nói riêng. Ở đây đề cập tới vấn đề nhu cầu trong mối quan hệ với việc điều khiển hành vi của con người.
  • Thuyết hành vi trong quản lý của H. A. Simon

    16/01/2006Phạm Quang LêHerbert A.Simon (người Mỹ) giáo sư tiến sĩ chuyên về khoa học máy tính và tâm lý học, trí tuệ nhân tạo và khoa học quản lý, từng đoạt giải Nobel về kinh tế năm 1978. Tư tưởng quản lý của Simon là Coi cốt lõi của quản lý chính là ra quyết định...
  • Để thành công khi phát biểu trước đám đông

    11/11/2003Phát biểu trước đám đông, trong cuộc họp hay khi bị phỏng vấn đôi khi không phải chuyện dễ dàng đối với nhiều người, kể cả các đấng mày râu, đặc biệt với các bạn có tính nhút nhát, dè dặt. Đó quả là nỗi khổ không biết kêu ai. Mặt đỏ tía tai, người run lẩy bẩy, đổ mồ hôi hột...
  • xem toàn bộ