Những người trẻ giỏi đang đi về đâu?

11:05 SA @ Thứ Năm - 01 Tháng Tư, 2021

Tôi quen một gia đình, ông chồng là một quan chức khá to trên Cục/Vụ gì đó. Bà vợ làm giáo viên ở một trường đại học. Họ có một đứa con gái học trường chuyên rất giỏi, sau theo học Đại học ngoại thương. Ra trường, cháu lại săn được học bổng rồi sang học cao học bên Anh quốc. 


Khi cháu trở về, việc đầu tiên là ông bố sắp xếp cho vào làm việc tại một cơ quan nhà nước rất đúng chuyên môn. Chưa đầy tháng sau, con bé thỏ thẻ nói với bố mẹ xin thôi không muốn làm việc ở đây nữa. Bố mẹ hỏi lý do. Nó giải thích rằng nó không thích. Gặng hỏi, nó bảo con không hợp với cung cách làm ăn ở đó…Ông bố rất thất vọng, bảo rằng con đã đánh mất những cơ hội thăng tiến rất tốt, rằng ở đấy họ rất nể bố, rằng chỉ chịu khó một hai năm là con có vị trí…Nói mãi, cô bé không nghe. Tức mình ông bố bảo: “Cá không ăn muối cá ươn! Con người ta chạy hàng đống tiền không vào được. Con mình thì đồng xu không mất lại cứ nguây nguẩy đòi ra. Vậy thì tùy, tự lo. Sau này thế nào đừng có trách tôi!”.


Cuối cùng thì đất không chịu giời, giời phải chịu đất. Con bé đã chuẩn bị từ trước, ngay hôm sau nó đã đi làm cho một Tổ chức quốc tế có trụ sở đóng tại Việt Nam.


Sau này được trò chuyện riêng với cháu, tôi hỏi: “Tại sao cháu không thích làm ở cơ quan nọ?”. Nó cho biết mấy lý do: Thứ nhất, khi cháu làm ở đó, mọi người nhìn cháu có vẻ rất cảnh giác, không cởi mở; cho rằng cháu là con sếp nên được ấn vào cơ quan, rồi sau chả mấy chốc lại lên sếp, như thế tự nhiên tranh mất ghế ngồi của họ. Thứ hai, cháu không thích cái cung cách quản trị ở đó, nó không dựa trên sự minh bạch, không căn cứ vào công việc mà chủ yếu căn cứ vào quan hệ; cháu làm sao suốt ngày đi lấy lòng, nịnh bợ được. Thứ ba, được làm việc ở các cơ quan nước ngoài sẽ có cơ hội thăng tiến, không phải là thăng tiến chức tước, mà là thăng tiến thứ hạng chuyên môn; khi chuyên môn giỏi là sẽ được tăng level, tức là được xác nhận thứ hạng chuyên môn, và kéo theo là lương cũng sẽ tăng lên. Thứ tư, lương ở cơ quan nhà nước thấp, khó sống lắm, không trả lương theo công việc mà trả lương theo thâm niên…Nghe cháu thuyết minh vậy, tôi “tấn công” cháu rằng: “Có phải tất cả các cơ quan/tổ chức nước ngoài nào lương cũng cao đâu?”. Cháu cự lại: “Đúng vậy, tuy nhiên thì phần lớn lương họ trả cũng đủ sống. Vả lại, chúng cháu khi nộp hồ sơ xin việc đều được quyền mặc cả chế độ lương cơ mà. Đây là chuyện rất bình thường trong tuyển dụng nhân sự hiện nay”. Vẫn chưa chịu, tôi lại truy vấn tiếp: “Liệu có thêm lý do sính ngoại nữa không? Bởi theo quan sát, bác thấy phần lớn các bạn trẻ bây giờ hay khoe là làm cho tổ chức, tập đoàn, công ty tư nhân nước ngoài, chứ không phải của người Việt Nam. Ngay cả một số bậc cha mẹ cũng hay khoe con như thế…”. Nghe xong, cháu thẳng thắn: “Cũng có người trẻ có lý do ấy thật, nhưng không phải là lý do chủ yếu. Lý do chính vẫn là thuộc về cách quản trị, cơ hội khẳng định uy tín chuyên môn và đồng lương”.


Trao đổi và lắng nghe tiếng nói của người trẻ, tôi nhận ra nhiều điều mà do khoảng cách thế hệ nên người lớn chưa chắc đã hiểu bằng chúng.

Từ câu chuyện này, tôi nghĩ ngược về cách sử dụng và quản trị người lao động trẻ của các cơ quan công quyền hiện nay. 
Điều đầu tiên phải khẳng định rằng trong các cơ quan công quyền vẫn có những người trẻ có tài đầu quân vào. Nhưng chắc chắn, số lượng người trẻ giỏi sẽ ít hơn nhiều lần so với con số làm cho các tổ chức của người nước ngoài. Những người giỏi, sau khi có tấm bằng đại học (được đào tạo trong nước và ngoài nước), việc đầu tiên đa số họ không hướng đến các cơ quan nhà nước, mà nghĩ ngay đến các tổ chức nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam hoặc ở nước khác. Như thế, vô hình trung, chúng ta vẫn thấy có hiện tượng “chảy máu chất xám” ngay trên đất của mình – điều mà đã nghe nói từ lâu. 


Còn những người trẻ được tuyển hoặc “chạy” vào các cơ quan nhà nước thì sao? Điều này phần lớn phụ thuộc vào sự may rủi. Nếu cơ quan nào có thủ trưởng giỏi, biết coi trọng chuyên môn, biết quản trị tốt, có tinh thần liêm chính, có phẩm chất liên tài, quý người trẻ thì người trẻ có thể được tạo điều kiện làm việc và sống bằng chuyên môn của mình (mà trường hợp này thì không nhiều). Ngược lại, nếu gặp một thủ trưởng không biết coi trọng chuyên môn, coi trọng người tài; sử dụng người bằng quan hệ, đòi hỏi cấp dưới phải biết phục tùng…thì người trẻ dù có tài đến mấy cũng như con chim đại bàng bị chặt cánh.


Trong một môi trường mang tính tiêu cực như vậy, đối với người trẻ giỏi, có ba khả năng xảy ra: 1, số chiếm phần lớn chọn cách sống buông xuôi, nước chảy bèo trôi, làm theo đúng phận sự, sớm vác ô đi tối vác ô về, cuối năm vẫn được xếp thi đua hoàn thành nhiệm vụ; 2, một số chủ động xây dựng quan hệ, lấy lòng cấp trên, xao nhãng chuyên môn, không coi chuyên môn là một giá trị mà coi chức tước là giá trị, tìm mọi cách kể cả sự xảo trá để tiến thân; và 3, một số có nhân cách hoặc bị cô lập, bị ngồi chơi xơi nước, bị coi là gàn dở, rơi vào tình trạng “bất đắc chí” hoặc tìm mọi cách bỏ đi nơi khác, hy vọng dễ thở hơn…Đấy, người trẻ có tài ở Việt Nam ta trong các cơ quan công quyền đang là như vậy đấy. Chuyện chạy việc, chạy chức thời nay đã được dân gian hiện đại đúc kết bằng một câu xuất sắc mà có phần chua chát: “Thứ nhất tiền tệ, thứ nhì hậu duệ, thứ ba quan hệ, thứ tư trí tuệ”.  Cho nên, nhìn vào thực trạng các cơ quan khối nhà nước hiện nay, những người trẻ giỏi đa phần sợ hãi khi nghĩ mình phải đầu quân vào đó.


Chưa thôi thắc mắc, tôi đem câu chuyện này trao đổi tiếp với một cậu thanh niên khác mà tôi quen hiện đang đầu quân cho một Công ty bảo hiểm lớn của Canada tại Việt Nam. Tôi mạnh dạn nêu một băn khoăn: “Theo cậu, ở các công ty, tổ chức nước ngoài, trong cách quản trị, liệu người ta có tuyệt đối tránh được chuyện tình cảm riêng tư chen vào dẫn đến cách đối xử thiên vị không?”. Cậu thanh niên cho biết đã là con người thì dù Á Âu cũng đều có tình cảm yêu ghét chứ, tránh làm sao được; tuy nhiên, họ có luật và quy chế hoạt động quy định rất chặt chẽ, ai cũng phải tuân thủ, không cho phép xử lý tùy tiện theo ý riêng. Cách quản trị của họ vì thế trở nên minh bạch và hiệu quả”. 
Tôi nghĩ, nếu các cơ quan công quyền không sớm thay đổi tư duy và năng lực quản trị công thì sẽ ít khi tuyển được và khai thác được năng lực chuyên môn của những người trẻ giỏi. Vấn đề này phải trở thành một trong những nội dung cơ bản của công cuộc cải cách hành chính hiện nay. Công cuộc cải cách hành chính hiện giờ vẫn mới đang ì ạch ở khâu khắc phục thủ tục hành chính, chủ yếu ở các khía cạnh: giảm bớt tình trạng quan liêu, giấy tờ, cơ chế xin cho, các loại giấy phép…Quản trị công, vấn đề cơ bản nhất phải là sử dụng con người, làm sao cho họ có đất để thi thố tài năng, được trọng dụng, được đối đãi xứng đáng.


Trở lại với cô bé kia, mới hôm Tết vừa rồi tôi gặp lại, nó khoe: Công ty cháu vừa cho cháu suất học bổng đi học (bằng hình thức trực tuyến với tổ chức đào tạo quốc tế) để nâng cao trình độ chuyên môn, trị giá hơn trăm triệu tiền Việt…Hỏi ra mới biết, không phải ai cũng được nhận suất đào tạo như vậy, người ta phải chọn người xứng đáng để đầu tư, học xong là để phục vụ cho họ, tận tâm với họ như đã cam kết.


Nghĩ về cô bé trẻ trung, xinh đẹp mà giỏi giang này, mừng thì có mừng đấy, nhưng nghĩ rộng ra cũng có chút chạnh lòng. Giá như các cơ quan công quyền nhà nước có được đội ngũ chuyên môn như cô bé này, tạo điều kiện cho chúng thi thố tài năng, nhiệt tình cống hiến thì chả mấy mà đất nước mạnh lên.

Xuân Tân Sửu

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người Việt trẻ tự đốt đuốc mà đi

    04/05/2019TS. Giáp Văn DươngĐất nước cần vượt lên. Vì thế, với người Việt trẻ, một cuộc vượt lên chính mình là cần thiết. Khi còn mò mẫm trong sáng tối, khi còn chao đảo giữa muôn vàn xô đẩy của cuộc đời, thì không còn cách nào khác là phải tự đốt đuốc cho mình, phải tự mình vạch đường mà tiến bước...
  • "Người Việt trẻ đang đánh mất khả năng sống chung với người khác"

    21/10/2018Lê VănKhá bất ngờ khi trong cuốn sách của mình, Hoàng Đạo Thúy coi việc lấy vợ là một trong những việc mà thanh niên Việt Nam cần phải làm...
  • Bàn về Hiền tài

    17/03/2017Nguyễn Tất ThịnhỞ bài này tôi viết về Hiền Tài ( như cách nói xưa về Người Giỏi có Đức - mà nếu ai đó thiếu một trong hai điều này thì nguy cơ gây hại cao hơn nhiều so với cơ hội mà họ có thể mang lại cho Xã hội – vì sự ảnh hưởng của Tài hoặc Đức với công chúng không hề nhỏ ). Tôi suy tư về trường hợp của Người Xưa, cô đọng lại thật ngắn, nén lại cho tư tưởng tôi muốn truyền tải: Hiền tài luôn là yếu tố khởi động, trung tâm, dẫn dắt cho mọi sự nghiệp phát triển của Xã hội- Trước tác của họ chính là Công quả được Đời ghi nhận, gọi là Tư Tưởng…
  • Đất nước đặt hàng người trẻ

    07/06/2016Phương LoanNgày 26/3 là dịp người trẻ tự soi mình, soi vào tổ chức của mình, và người không trẻ nhìn lại, để tin yêu, kì vọng và trao trọng trách.
  • Người trẻ và 5 lựa chọn quan trọng nhất cuộc đời

    04/05/2016Giản Tư TrungTrong vô vàn lựa chọn mà đời người phải trải qua, không phải lúc nào chúng ta cũng đúng. Nhưng, trước những lựa chọn quan trọng nhất, việc đưa ra quyết định sáng suốt sẽ cho chúng ta một cuộc đời "thăng hoa" như mong muốn và ngược lại...
  • Người trẻ và 'giấc mơ gánh giùm

    16/12/2015Lê Ngọc SơnGiới trẻ hiện nay đang chịu áp lực rất lớn từ gia đình, nhà trường và xã hội. Người trẻ đang phải gánh giùm giấc mơ của thế hệ ông bà, cha mẹ. Họ ký thác toàn bộ những ước mơ dở giang ngày xưa mà mình chưa thực hiện lên vai của thế hệ kế tiếp...
  • 'Bây giờ người ta không khuyến khích đọc sách nữa'

    16/04/2014Thanh Xuân (thực hiện)Người Việt nổi tiếng ham học nhưng không ham... đọc. Nhưng chắc hẳn nhiều người vẫn không khỏi "giật mình" về con số thống kê vừa được công bố mới đây...
  • Người trẻ nhưng ý thức đừng… trẻ

    21/12/2006Thanh Thu... có những câu chuyện nhỏ nhưng lại không hề nhỏ... Kể để nhắc nhau, để thấy rằng người trẻ học kiến thức ở trường, nhưng cũng đừng quên học ý thức, học phép lịch sự. Người trẻ đấy, nhưng ý thích đừng...trẻ!
  • Sợ người tài!

    21/09/2006Vũ ĐảmNước ta nghèo, chịu ảnh hưởng nặng nề của chiển tranh, thiên tai, tài nguyên khoáng sản khan hiếm, khoa học kỹ thuật lại kém phát triển vì thế nhân tài là tài sản vô giá, là động lực quan trọng nhất để từng bước đưa ta thoát khỏi nghèo đói. Con người Việt Nam bản chất cần cù và thông minh, bởi thế nhân tài nước ta thời nào cũng có. Thế nhưng có một nghịch lý là người tài ở nước ta trong lúc được trọng dụng ở nước ngoài thì ở trong nước lại chìm nghỉm. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là do căn bệnh sợ người tài.
  • Giữ chân người tài bằng văn hoá

    04/04/2006Thuỳ ÂnPhần nhiều những doanh nhân tham dự toạ đàm "Giữ chân người tài" do CLB Doanh nhân Sài Gòn tổ chức chiều 31.3 tại TPHCM đều có chung ý kiến giữ chân người tài (NT) bằng văn hoá công ty...
  • Người tài bị đố kỵ và không được trọng dụng

    12/02/2006Nguyễn TrungNgười tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí suy thường báo hiệu thời mạt vận sắp đến. Sự "cố thủ" của một số người sẽ triệt tiêu cơ hội cho những người tài - với nghĩa là cả đức và tài - được thể hiện mình trên cương vị chèo lái con thuyền quốc gia.
  • Thế nào là người tài?

    09/07/2005Nhìn thấy trước một tài năng là điều rất khó. Một tài liệu của UNESCO được đúc kết từ Hội nghị của các nhà giáo dục khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đưa ra những quan sát nhằm phát hiện người tài khi còn ngồi trên ghế nhà trường...
  • xem toàn bộ