Thế nào là người tài?

06:42 CH @ Thứ Bảy - 09 Tháng Bảy, 2005

Nhìn thấy trước một tài năng là điều rất khó. Một tài liệu của UNESCO được đúc kết từ Hội nghị của các nhà giáo dục khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đưa ra những quan sát nhằm phát hiện người tài khi còn ngồi trên ghế nhà trường, dựa trên ba mặt: năng lực chung, năng lực chuyên và cá tính.

1. Năng lực chung bao gồm:

  • Óc quy nạp: trước một bài học hay sự việc, biết phân tích, tổng hợp và phán đoán, biết khái quát hóa và trừu tượng hóa (từ nhận xét trong quá trình học tập).
  • Óc suy diễn: lập luận có logic, sử dụng thành thạo và linh hoạt chất liệu tư duy.
  • Tưởng tượng và trực giác: trên cơ sở những điều được học hoặc được chứng kiến nảy sinh nhiều ý tưởng và dự đoán.
  • Sức chú ý: có khả năng tập trung lâu bền vào những gì mình quan tâm.
  • Ký ức và tái hiện: có trí nhớ tốt, nhớ ngay và nhớ lâu.

Những sinh viên có năng lực chung cao có thể phát hiện trong tiếp xúc qua quan sát lâu dài cũng như qua những thể hiện hằng ngày. Họ thường đăm chiêu trước những vấn đề mà người khác sẵn sàng chấp nhận hoặc bỏ qua. Nếu được khuyến khích, họ rất thích tranh luận, có kiến giải riêng hay ít ra là hay nêu những câu hỏi thắc mắc mà thầy giáo không dễ trả lời ngay. Họ chuyển dễ dàng từ giỏi môn này sang giỏi môn khác. Họ có thể không xuất sắc ở môn nào (do chưa có định hướng) nhưng ẩn chứa một tiềm năng: đó là bộ óc với "chất lượng cao" như trên để tiếp thu, vận dụng và sáng tạo.

2. Năng lực chuyên:

phân biệt thiên hướng của sinh viên vào một ngành nào đó, khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội. Năng lực này bao gồm:

  • Sự say mê đặc biệt hướng vào một môn nào đó, quan tâm đến những thông tin và kiến thức mới ở môn đó (khi xem những tin tức thời sự, nghe nói chuyện, tự tìm sách đọc...).
  • Kết quả học tập đạt điểm cao trong môn mình yêu thích.
  • Khả năng diễn đạt tốt, kể cả trình bày miệng và viết, nắm vững và sử dụng linh hoạt các khái niệm.

Các sinh viên có năng lực chuyên thường đề ra những đề án (không có trong chương trình học) để theo đuổi và thích thú với phát hiện của mình.

Suy cho cùng, năng lực chuyên chỉ là phát triển năng lực chung hướng vào một phạm vi hẹp hơn, phù hợp với niềm ham thích cá nhân mà niềm ham thích ấy trong những điều kiện cụ thể có thể thay đổi.

Nhiều người lúc đi học tưởng như có năng khiếu ở môn này, nhưng ở những bước rẽ của cuộc đời lại thành đạt ở môn khác. Chẳng hạn, giỏi công nghệ nhưng lại trở thành một doanh nhân năng động, là sinh viên y khoa xuất sắc như lại hoạt động như một chính trị gia khôn ngoan.

3. Cá tính

thể hiện những phẩm chất cần thiết để đưa đến thành công bao gồm:

  • Tính chủ động khi tham gia các hoạt động khác nhau, không a dua theo. Rất tự tin vào khả năng của mình, có tính quyết đoán trước một tình huống phức tạp.
  • Tính hòa đồng, dễ thích nghi với tập thể, đoàn kết, lôi cuốn được mọi người.
  • Tính hài hước, tìm ra những câu nói đùa sắc sảo để gây cười cho người khác và tự mình cười, tìm ra sự lạc quan trong thất bại.
  • Tính hiếu kỳ, tò mò, ham thích cái mới, chấp nhận thách đố và không ngần ngại lao vào cuộc thử thách.
  • Tính quyết tâm thích chiến thắng mình, làm bằng được một việc khi thấy mình đúng, nhưng cũng sẵn sàng gạt bỏ nếu nhận ra sai lầm.
  • Tính trách nhiệm, trước hết trách nhiệm với chính mình và trước mọi người.

Đó là những mầm mống ban đầu không thể thiếu để có thể gọi là người tài trong một lĩnh vực hoạt động nhất định. Nếu người nào có sẵn những phẩm chất và cá tính như trên, cộng thêm kinh nghiệm, sự từng trải và một chút may mắn trước sau gì cũng thành công.

Nếu rèn luyện được phẩm chất này và cá tính ấy cũng có thể tạo cho mình những điều kiện cơ bản để trở thành người tài, người thành đạt. Và khi cần thiết trao lại sự nghiệp cho thế hệ sau, người ta cũng chọn những người như thế và được thử thách qua công việc.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: