Nhà văn Hoàng Quốc Hải - nhà văn hóa
.Ai cũng thừa nhận, viết văn đã khó mà văn vào được lòng người lại càng khó. Mỗi nhà văn đem đến cho độc giả những món ăn tinh thần, tình cảm, tri thức và sự hiểu biết khác nhau. Khi đọc những tác phẩm hay, có giá trị, người đọc muốn biết ngọn nguồn sinh ra những tác phẩm tuyệt vời đó...
Nhà văn Hoàng Quốc Hải
May mắn cho tôi là được làm việc cùng cơ quan với nhà văn Hoàng Quốc Hải nên biết được nhiều điều về ông. Ông là người đã viết hai bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ hàng ngàn trang về triều đại nhà Lý (Tám triều vua Lý- 4 tập), triều đại nhà Trần (Bão táp triều Trần- 6 tập) và nhiều tác phẩm văn học khác. Nhiều tác phẩm của ông viết đã được xuất bản và tái bản nhiều lần. Nhìn kho sách, đống tư liệu đồ sộ ở nhà ông, ông dùng để tra cứu viết các tác phẩm văn học của mình khiến người ham đọc sách cũng phải tự hỏi, mình sẽ đọc bao lâu mới hết đống sách này. Song đấy mới chỉ là sách ông bày ra, còn nhiều cuốn nữa ông mượn đọc rồi trả người ta hoặc ông đọc tại nhà các bạn, đọc tại các thư viện, không có ở giá sách.
Chúng tôi coi ông như một kho tư liệu sống lưu giữ những hiểu biết về văn hoá để chúng tôi, những đồng nghiệp hậu sinh học hỏi và khai thác. Không chỉ hiểu sâu, rộng về văn hoá dân tộc mà ông còn rất am hiểu về văn hoá thế giới, ông thu nhận nó bằng nhiều nguồn và tất cả ngấm vào máu ông, vào đầu ông sản sinh ra những tác phẩm nổi tiếng để cống hiến cho văn đàn Việt Nam. Ví như viết cuốn Huyền Trân công chúa ông đến tận đất của người Chăm ở Ninh Thuận, Bình thuận, gặp gỡ những nghệ nhân làm nghề đẽo đá, nói chuyện với họ. Nhìn bàn tay nghệ nhân thoăn thoắt sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật của mình, ông như thấy hồn người xưa hà hơi tiếp sức cho họ. Ông như thấy bà Huyền Trân- con dâu của xứ Chăm Pa đang ngất ngây giữa những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời của các nghệ nhân mà bà tiếp xúc. Dòng chảy của lịch sử cuồn cuộn sống lại, tuôn trào như dòng thác nhập vào những trang văn viết của ông.
Những cuốn sách đã xuất bản của nhà văn Hoàng Quốc Hải
.
Ông đặt chân đến hầu hết các tỉnh trên đất Việt Nam. Vì ông làm chuyên viên ở một cơ quan văn hoá thuộc trung ương nên luôn luôn tiếp cận với những vấn đề nhạy cảm ở lĩnh vực văn hoá quần chúng trong nước. Trong tham luận viết cho Hội thảo về văn hoá cơ sở của Bộ Văn hoá tháng 10 /1990, ông đã mạnh dạn đề xuất ý kiến đưa văn hoá tâm linh với những sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo vào hoạt động của văn hoá cơ sở. Ông phê phán những việc làm quá tả như cấm các lễ hội, phá chùa, đập tượng, dỡ bỏ, ngăn cấm các sinh hoạt ở các đền thờ mẫu…hoặc quá hữu, để lễ hội mở tràn lan, kinh doanh, kiếm lời khiến cho lễ hội biến chất, tạo cơ hội cho các hoạt động mê tín, dị đoan phát triển. Khi đi địa phương công tác, ông Hoàng Quốc Hải đã có những ý kiến giúp địa phương phân biệt được những tích cực và tiêu cực trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Có lần về dự lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, ông Hải đã tiếp xúc với các bậc cao niên, đêm khuya rồi ông thấy các bậc cao niên, chủ trì lễ hôi chưa đi nghỉ. Ông có tâm sự và hiểu được các cụ muốn tổ chức Tế trước khi tổ chức lễ hội nhưng vẫn ngại vì việc tổ chức Tế chưa được Sở Văn hoá thông tin cho phép. Ông Hải đã nói với các cụ, các cụ cứ tổ chức tế như truyền thống, có chúc văn, có những chủ tế biết tế ở các phường như trước đây. Song các cụ phải đảm bảo điều này, là phải giữ được trật tự, an ninh, nghi thức tiến hành tế lễ nghiêm túc , ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân, nếu xảy những điều trái với yêu cầu của chúng tôi thì các cụ phải chịu trách nhiệm. Và rồi, các đội tế của các đội tham gia Hội chọi trâu đã tiến hành rất nghiêm túc nghi lễ này trước khi Lễ Hội chọi trâu được tiến hành, khiến cho các cụ rất yên lòng bước vào mùa hội. Về công tác quản lý văn hoá, ông giúp rất nhiều cho các địa phương nhằm gìn giữ những hạt ngọc của văn hoá.
Cách ứng xử với quá khứ, với con người, từ người thân cho đến người xa lạ, từ người trong nước đến người nước ngoài đến Việt Nam của ông Hoàng Quốc Hải rất đúng mực khiến cho người ta yêu quí ông. Có lần ông cười và kể cho tôi nghe, ông đã từng làm chủ hôn cho một số đám cưới của người Việt lấy người nước ngoài. Có người Hà Lan, sau khi nghe ông kể về một số phong tục, văn hoá của nước Hà Lan đã thốt lên, ông hiểu văn hoá của chúng tôi nhiều thế. Có lần đến tỉnh Cao Bằng, trao đổi về nhân vật có thật Nùng Chí Cao- một nhân vật rất sinh động trong tác phẩm Tám triều vua Lýcủa ông, có người đã nói, những điều ông biết còn nhiều hơn những điều chúng tôi, người bản địa, biết về Nùng Chí Cao.
Một lĩnh vực được nhiều người quan tâm, đồng thời có nhiều tiếng nói khác nhau suốt từ thập niên 80 thế kỷ trước đến nay như lễ phục, quốc phục của Việt Nam cũng được ông đề cập tới rất nhiều lần và có nhiều cống hiến cho công việc này. Ngay việc chọn Ngày Lễ hội Đền Hùng làm ngày Quốc lễ của Việt Nam ông cũng đề cập với Bộ Văn Hoá Thông Tin từ những năm đó, khi ông còn đang làm việc
Năm 2000, để chuẩn bị lễ phục cho chủ lễ trong Quốc lễ Hội Đền Hùng, mặc dù ông đã về hưu nhưng Cục Văn hóa Thông tin cơ sở thuộc Bộ Văn hóa Thông tin được giao làm công việc này đã đến mời ông làm cố vấn cho việc tạo dựng bộ lễ phục. Trên cơ sở lễ phục của người Việt Nam xưa, với chiếc áo dài lương của người nam giới cùng với những hoạ tiết của các sắc phục hoàng triều trước đây, thậm chí cả hình ảnh được bài trí trên trống đồng cổ Đông Sơn của Việt Nam với cánh chim lạc in dấu ấn...cũng được ông để tâm suy nghĩ. Tiếp cận với các nhà thiết kế thời trang và thiết kế mỹ thuật, ông đã trình bày ý tưởng của mình để các nhà sáng tạo tìm ra mẫu mã thích hợp. Với hoạ tiết như thế nào cho phù hợp thì phải tìm kiếm qua các loại hình nghệ thuật đậm màu sắc dân tộc. Chất liệu để làm ra bộ quốc phục và lễ phục phải là vải của người Việt Nam dệt, đó là lụa tơ tằm Vạn Phúc, Hà Đông thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Màu sắc của áo làm cho người chủ lễ, ông gợi ý, phải là áo màu đỏ tía có phủ sa đen, còn áo của người chấp lễ ông gợi ý là, áo tơ tằm nền xanh phủ sa đen . Sau rất nhiều cuộc hội thảo khoa học do Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Nguyễn Khoa Điềm chủ trì có sự tham gia tạo sản phẩm mẫu của các nhà thiết kế thời trang khoa thời trang trường Đại học mỹ thật công nghiệp, trường Đại học mỹ thuật Hà Nội, Đại học bách khoa Hà Nội và nhà mẫu Phađin thuộc tổng công ty dệt may Việt Nam. Tất cả tham gia với sự gợi ý ban đầu của nhà văn Hoàng Quốc Hải.
Ngày Quốc lễ đền Hùng năm 2000, bộ lễ phục đã hoàn thành, nhưng do hoàn cảnh đặc biệt nên năm đó không dùng. Cuối năm 2004, chuẩn bị Quốc lễ Đền Hùng 2005, Bộ Văn hoá Thông tin và Sở Văn hoá Phú Thọ tổ chức Hội thảo tại Phú Thọ, ông đã viết bản tham luận “ Lại bàn về nhạc lễ và lễ phục trong lễ hội Đền Hùng”( tham luận được in trong uốn Văn hoá phong tục của ông). Với những ý kiến sắc bén của mình về chọn Nhạc lễ và Lễ phục tại Quốc lễ ở Đền Hùng cho năm 2005, các thành viên Hội thảo đều nhất trí với ý kiến của ông, chọn nhạc Lưu thuỷ, Kim tiền làm nhạc lễ và bộ lễ phục của Bộ văn hoá Thông tin phê duyệt năm 2000 làm lễ phục để lãnh đạo tỉnh mặc khi dâng hương tại lễ hội Đền Hùng..
Tại hội nghị APEC họp tại Việt Nam, nguyên thủ quốc gia các nước đến dự họp đã nhận quà tặng của nước chủ nhà là những bộ lễ phục của Việt Nam.
Khi đi đến đình, chùa, đền, phủ ông đọc các văn bia, câu đối, thần tích, thần phả…giúp cho việc thờ cúng các vị thần của người bản địa ở đây. Một lần đi công tác ở một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long ông thấy được người dân ở đây thờ cả thần của người Trung Hoa nên giúp họ cách thờ cúng vị thần này.
Có những việc như có nên bỏ thờ thần thành hoàng ở đình để thờ các liệt sỹ thời chống Pháp hoặc chống Mỹ sau này không (có hiện tượng này ở một huyện thuộc miền Tây Nam bộ ), người làm công tác quản lý văn hoá ở cơ sở phải lặn lội ra tận Hà Nội để nhờ ông giúp đỡ trên công luận. Ông đã có nhiều bài báo viết trên báo Lao động lý giải vấn đề này một cách khoa học giúp cho các nhà quản lý biết cách xử lý những việc làm chưa hợp lòng dân của một số người trong lãnh đạo huyện, giữ được sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Ông giải thích vì sao các thiết chế văn hoá xưa và nay đều được người dân sử dụng một cách hợp lý trong lịch sử, những cá nhân nào vi phạm vào cái chung của dân tộc để mưu cầu lợi ích của cá nhân tất nhiên không phù hợp với lòng dân, nhưng để cho họ từ bỏ phải có luận cứ rõ ràng, mang tính khoa học và thuyết phục. Cuốn sách Văn hoá phong tục dày 640 trang, xuất bản năm2007 của ông được nhiều người quản lý văn hoá coi như cuốn cẩm nang, sách gối đầu giường, vì ông đề cập tới rất nhiều vấn đề, nhiều nội dung về quản lý văn hoá.
Trong cách ứng xử với bè bạn, ông khá tế nhị. Có một lần, ông là một trong những người tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc về Tín ngưỡng, mê tín, chuẩn bị đề cương, nội dung cho Hội thảo, nhưng khi đón khách cả nước về dự Hội thảo tại Khách sạn Kim Liên Hà Nội, ông vẫn cùng đồng nghiệp đón đưa khách đến dự họp. Khi gặp một ông Giám đốc sở Văn hoá Thông tin một tỉnh ở phía Nam, ông còn giúp ông đưa va ly lên phòng ở của mình khiến cho ông giám đốc tưởng ông là người phục vụ của khách sạn. Chỉ đến khi Khai mạc Hội thảo, ông mới biết, ông Hoàng Quốc Hải là người trực tiếp điều hành nội dung cuộc Hội thảo.
Nhờ tài năng và sự lao động không mệt mỏi của mình, ông đã tạo dựng cho gia đình một cuộc sống phong lưu. Con gái ông đã nói :" Lúc nào con cũng thấy bố ngồi ở bàn viết, kể cả lúc con ngủ lẫn lúc con thức, thế bố ngủ vào lúc nào?".
Bộ tiểu thuyết lịch sử Bão Táp Triều Trần của nhà văn Hoàng Quốc Hải vừa được NXB Phụ nữ tái bản.
Với bạn bè, ông có những cảm thông, chia sẻ, cả niềm vui, nỗi buồn và sự trắc trở trong cuộc sống. Với những ai ngỏ ý, muốn có lời khuyên trên tình bè bạn với ông, ông có những góp ý sáng suốt khiến bạn bè tìm được cách giải quyết thoả đáng những trắc trở của mình.
Ông Hoàng Quốc Hải viết hai Bộ tiểu thuyết lịch sử về hai thời đại oanh liệt nhất, phát triển nhất của Việt Nam đó là bộ Tám triều vua Lý và bộ Bão táp triều Trần, thời gian kéo dài hơn 400 năm trong lịch sử. Có thể nói, trước ông, chưa có tác phẩm nào đồ sộ như vậy. Thế kỷ XV ở Việt Nam mới có văn xuôi. Đến thế kỷ XVIII, cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên là cuốn Hoàng Lê Nhất Thống chícũng chỉ mới đề cập tới những xung đột trong lịch sử của dân tộc khoảng hơn 30 năm. Sau ông, có lẽ cũng khó có thể có những tác phẩm đề cập tới thời gian dài với những sự kiện lịch sử đầy ắp như trong hai bộ tiểu thuyết lịch sử của ông. Tiểu thuyết lịch sử có quyền hư cấu, tưởng tượng nhưng các sự kiện lịch sử diễn ra phải trung thực, hợp lôgíc lịch sử. Để có những tư liệu lịch sử đáng tin cậy và quí giá ấy phải có sự hiểu biết sâu rộng về văn hoá, phải là nhà văn hoá thực sự với vốn tri thức uyên bác của mình. Chẳng thế, khi đọc tiểu thuyết lịch sử ông viết, nhiều người nói, họ hiểu biết thêm rất nhiều về lịch sử dân tộc. Tự hào với lịch sử hào hùng của cha ông, các tác phẩm của ông viết rất sống động, phong phú về sử liệu, tính nghệ thuật cao. Có nhà biên kịch điện ảnh đã nói, tác phẩm của ông có chất liệu của kịch bản phim truyện, nhiều đoạn văn, nhiều chương trong tác phẩm của ông có thể chuyển thể dễ dàng sang kịch bản điện ảnh.
Ông nói, ông chỉ muốn qua tác phẩm của mình làm sống lại trang sử hào hùng của dân tộc. Ông kính phục tiền nhân, họ không chỉ anh hùng ngoài chiến trận mà còn sống rất hào hoa, lịch lãm và trí tuệ. Đọc tác phẩm của ông, ta thấy được dòng chảy của lịch sử, hiểu biết thêm những giá trị nhân văn, phẩm giá, tài năng của cha ông ta và tự đáy lòng tự hào với lịch sử của dân tộc. Là một nhà văn, một nhà văn hoá thâm thuý, hiểu biết nhiều lĩnh vực, ông đã cho ra đời những tác phẩm văn học lớn, quí, hay và mang tính tư tưởng sâu sắc. Cám ơn nhà văn Hoàng Quốc Hải . Chúng tôi coi ông là nghệ sỹ bởi ông đã thiết kế và thi công, tạo ra những sản phẩm tuyệt vời. Tôi tin, không chỉ bây giờ, mà tương lai, khi nghiên cứu về lịch sử dân tộc Việt Nam người ta sẽ tìm nguồn tư liệu lịch sử quí báu của dân tộc qua các tác phẩm văn học của ông./.
Chỉn chu Hoàng Quốc Hải
(Nhà văn Trần Nhương, An Ninh Thủ Đô)
Ông là người tính tình nền nếp, cẩn trọng và luôn ngăn nắp, sạch sẽ. Khi ông ngồi viết văn trong phòng riêng cũng vẫn ăn mặc nghiêm chỉnh. Có thể ví tôi và ông như trời và đất, ông thánh thiện, tao nhã bao nhiêu thì tôi bề bộn, tếu táo bấy nhiêu.
Đợt ấy, tôi và nhà văn Hoàng Quốc Hải được Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch mời tham gia trại sáng tác Đại Lải. Tôi được tiêu chuẩn 20 ngày, nhưng vì bận nên phải chia ra 2 đợt. Nhà văn Hoàng Quốc Hải được ở những 2 tháng liền. Khi đó, ông đang viết bộ tiểu thuyết lịch sử về nhà Lý nên rất cần thời gian tập trung dài ngày.
Ngày tôi lên Đại Lải thì nhà văn Hoàng Quốc Hải đã ở được một tháng. Gặp tôi ông vui lắm, ít ra thì cũng có bạn ăn cơm cùng. Ông bảo nhiều đêm cả một khu mênh mông mà chỉ có mình với chú bảo vệ. Thời gian này hai anh em tôi ăn cơm cùng các chị em phục vụ. Tôi kém ông mấy tuổi nhưng hai anh em thân nhau đã lâu. Mấy nhân viên nhà sáng tác xếp cho tôi ở ngay cạnh phòng của ông. Hai phòng này có ban công liên thông nên sang với nhau cả hai lối đều được.
Ông đi sáng tác ngay gần Hà Nội nhưng mang theo một va li to tướng. Trên bàn viết của ông hàng chồng sách lịch sử, sách tra ngày âm dương, sách niên biểu các triều đại, sách ấn chương Việt Nam… Nói không ngoa ông mang một phần thư viện lên đây. Quần áo thì đủ loại hè-đông, mũ ấm, giày tất chu đáo từng li từng tí. Hàng ngày ông dậy sớm tập thể dục rồi ngồi thiền 30 phút. Vệ sinh cá nhân xong là đóng bộ như đi họp, áo “cắm thùng” nghiêm chỉnh xuống nhà ăn ăn sáng. Khi ông ngồi viết văn trong phòng riêng cũng vẫn ăn mặc nghiêm chỉnh như thế. Chả bù cho tôi rất chi bụi bờ, ngày nóng thì quần soóc, ngày se lạnh thì quần thể thao. Tôi nhìn ông thấy hơi ngại cho cái tính… “cơm bụi” của mình. Có thể ví tôi và ông như trời và đất, ông thánh thiện, tao nhã bao nhiêu thì tôi bề bộn, tếu táo bấy nhiêu.
Sáng ông thường mời tôi sang uống trà. Ông có một cái ấm đất đỏ au và một cái chén hạt mít. Chè thì đủ loại Quan Âm, Ô Long. Mỗi lần ông bỏ những hạt chè Ô Long vào ấm lại có tiếng kêu lanh canh. Ông bảo nghe tiếng “hát” đã thích nữa là nhâm nhi cái vị beo béo, ngậy ngậy, thơm dịu của vị chè. Quả là như thế, nâng chén chè lên hương ngào ngạt làm khứu giác kích hoạt, hít một hơi sâu thấy khoan khoái vô cùng…
Không biết có phải ông là người viết tiểu thuyết lịch sử nên cách làm việc, phương tiện làm việc của ông cũng rất chỉn chu, chính xác. Ông viết văn bằng bút máy, mực Parke mua những 80 ngàn đồng một lọ. Thời buổi này có một người viết bằng bút máy hơi bị hiếm. Trên bàn của ông xếp đầy lọ mực, bút, kính lúp, cứ như một cửa hàng bán văn phòng phẩm. Ngó vào chồng bản thảo tôi giật mình thấy chất ngất có dễ đến mấy trăm trang, chữ ngay ngắn như bộ đội duyệt binh, sạch sẽ rất ít tẩy xoá. Chỉ cách một bức tường, bên phòng tôi bày 2 “con” laptop, màn hình xanh lét, gõ máy rào rào, vậy mà có ra được chữ nào đâu.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải ký tặng sách bạn đọc
.
Những lúc trà dư tửu hậu Hoàng Quốc Hải hay nói chuyện về lịch sử. Những ý kiến của ông khiến tôi mê lịch sử, cứ há hốc mồm mà nghe. Tôi vốn lười đọc, nhất là lịch sử nay nghe ông nói mới vỡ ra nhiều điều. Ông kể rằng, sử sách Trung Hoa mô tả về Hồ Tây (Dâm đàm) như sau: Thành Thăng Long có cái hồ mà giữa trưa nắng không nhìn thấy mặt trời, chim bay va vào nhau rơi xuống lộp độp. Nước Giao Chỉ là loại người chuyên sống dưới nước, họ có thể đi dưới nước cả buổi mà không cần ngoi lên thở… Rồi ông còn kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện ví như người Việt cổ làm ra thủy tinh thế nào, rồi cả chuyện lịch sử nghề dệt ở Việt Nam. Đặc biệt, cứ động đến chuyện trống đồng của người Việt là nhà văn Hoàng Quốc Hải nói như “lên đồng”. Xưa khi phong kiến phương Bắc sang xâm lược nước ta. Thấy trống đồng đất Việt đẹp liền bắt thợ thuyền về bên đó đúc. Có một điều lạ là thợ Việt sang Tàu đúc trống đồng nhưng những cái trống đúc bên đó âm thanh rất đục không như trống của ta. Nghe thấy vậy tôi liền hỏi, bác lấy đâu tài liệu mà nói khơi khơi như thế? Ông Hải cười, tôi đọc chính sử Tàu, họ công nhận như thế thì mình mới dám viết chứ. Và tất cả điều này đều được ông viết trong bộ tiểu thuyết “Tám triều vua Lý” đã xuất bản năm 2010.
Lại nói đến bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ này, khi tôi cùng ông đi trại sáng tác Đại Lải là lúc ông đang “nhuận sắc” cho bộ tiểu thuyết nói trên. Ông xuất bản trọn bộ, chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Thật ra, khi bắt tay vào viết, nhà văn Hoàng Quốc Hải không nghĩ là lại đúng vào dịp kỷ niệm này. Tôi bảo với ông: “Thế thì bác trúng quả rồi, đúng lễ trọng nhé”. Ông cười: “May hơn khôn”. Rồi ông kể, có một công ty xuất bản biết ông viết bộ tiểu thuyết này đã xin ký hợp đồng ràng buộc nhưng ông từ chối. Bây giờ thì đang thương thảo để bán trọn gói kiếm ít tiền tiêu. Tôi lại bảo, ông bác ghê thật, bộ “Bão táp triều Trần” thì ăn giải mấy lần lại sắp bán, nay triều Lý cũng sắp thành giá, quả này Hoàng Quốc Hải thành tỉ phú. Bậy nào, cậu chỉ hay nói tếu, nhà văn kì cạch bao nhiêu năm may ra đủ tiền mua cái “xách tay” như cậu. Thế hả, em đổi cho bác hai con xách tay này để lấy số tiền bác sắp bán “Tám triều vua Lý” nhé? Hoàng Quốc Hải biết cậu đàn em này hay chơi cùn nên cười xoà: Thôi mà, lộc ai ấy hưởng…
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015