Với láng giềng Trung Quốc phải cương kết hợp với nhu, nhưng không nhược!
PV: - Là một người viết tiểu thuyết lịch sử, lại từng chạm vào những vỉa trầm tích nhạy cảm nhất trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, nhà văn nhận định thế nào về mối quan hệ này?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: - Trung Quốc là nước lớn, nước ta là nước nhỏ nhưng trong lịch sử, chưa bao giờ họ thôn tính được Việt Nam một cách dễ dàng. Cũng hoàn toàn không có chuyện nước ta phải cắt đất để cầu hoà với Trung Quốc. Nói về cái họa của đất nước, thì từ ngàn xưa hầu hết đều từ phương Bắc đưa tới. Đó không chỉ là câu nói cửa miệng, mà còn là di ngôn, di chúc, thậm chí cả di chiếu của tiền nhân để lại. Ngay trong thời kì nước ta hữu hảo với Trung Quốc, “núi liền núi, sông liền sông” cùng nhau gắn bó như “môi với răng”. Ấy vậy mà đã có lúc (tháng 2 năm 1979) “răng” đã cắn vào “môi”.
PV: - Cái cách để họ thực hiện sự bành trướng ấy với láng giềng?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: - Họ đã làm theo kiểu “tằm ăn dâu”. Trên đất liền, nhất là ở những vùng biên giới núi rừng hẻo lánh, họ âm thầm đưa người sang khai phá đất đai trồng trọt; nếu phía ta không phát hiện ra thì họ dựng nhà cửa làm nơi cư trú. Tiếp đến có người chết họ lập nghĩa trang mai táng. Đến lúc ta phát hiện ra, thì họ bảo là đã cư trú ở đây từ lâu đời. Cái vòng xâm lấn đất đai của họ thường trải qua ba giai đoạn: xâm canh, xâm cư, xâm táng. Có thể nói đây là một quốc sách chiến lược của họ từ xưa tới nay.
Còn trên biển, thì từ những năm 1956-1957 của thế kỉ trước, để phục vụ âm mưu đánh chiếm Hoàng Sa, họ cho người mang những cổ vật, tiền đồng có từ thời nhà Hán, nhà Đường… đem chôn trên quần đảo này. Để rồi đến đầu thập niên 80, họ làm một cuộc “khai quật khảo cổ”, rồi trưng bày hiện vật, thậm chí in lên các hoạ báo rồi tuồn vào nước ta “lu loa” rằng Hoàng Sa từ cổ xưa đã thuộc về họ, nhằm biện bạch cho hành vi đã đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. Với Trường Sa thì năm 1988, họ đánh chiếm nhiều hòn đảo… Gần đây, họ gây hấn trên nhiều vùng biển, đảo nước ta nhằm biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp để thực hiện chiến lược bành trướng “ngoạm dần” từng miếng.
PV: - Thực tế họ đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của quân và dân ta…?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: - Năm 1285, Nhà Nguyên (vào thời điểm này nước Trung Hoa nằm dưới sự thống trị của đế quốc Mông Cổ, do hoàng đế Hốt Tất Liệt trị vì. Sau này nhà nước Trung Hoa thừa nhận Nhà Nguyên cũng như Nhà Thanh là những triều đại chính thống của họ) cử Thoát Hoan đem 50 vạn quân sang đánh chiếm nước ta. Chúng tưởng sẽ nuốt sống nước ta nhưng cuối cùng đã phải đại bại. Thoát Hoan suýt bị bắt sống. Năm 1288 chúng đem quân sang đánh chiếm nước ta một lần nữa. Trận này chúng lại thua đau. Chỉ một số trong cánh quân rút theo đường bộ mới có thể thoát thân, còn 10 vạn quân rút theo đường thủy với hơn 600 chiến thuyền thì đều bị tiêu diệt và bắt sống.
Ta đánh thắng như vậy nhưng để giữ hoà khí, Vua Trần Nhân Tông vẫn dâng Biểu “Cáo lỗi” lên Hốt Tất Liệt. Tờ Biểu viết: Việc “biên hấn” vừa qua thần rất lấy làm tiếc vì quân “Thiên triều” sang tàn sát lương dân của thần, cướp của, giết người, đốt nhà khiến dân chúng uất ức không chịu được nên chống lại, có gây thiệt hại đến sinh mạng của binh lính “Thiên triều”… Hốt Tất Liệt đã xuống Biểu “quở” như sau: Việc “biên hấn” nếu xảy ra tại sao không tâu về Thiên triều để ta kịp xử lí mà Khanh lại để cho quan quân của Khanh ra tay như vậy? Từ nay, nếu việc đó xảy ra Khanh phải tâu báo ngay cho Trẫm biết.
Lời lẽ của ta khiêm nhường như thế vì cha ông ta chủ trương cương kết hợp với nhu. Nhu nhưng không nhược.
PV: - Phải chăng bài học đó còn giá trị đến bây giờ, thưa nhà văn?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: - Đó là cách hành xử khôn ngoan. Phụ thuộc về mặt chính trị - không bao giờ! Nhân nhượng về đất đai - không bao giờ! Nếu ta càng nhân nhượng, họ càng lấn tới. Từ lấn biển sẽ đến lúc chúng biến nước ta thành bãi rác, biến dân ta thành tôi tớ.
PV: -Vì sao từ trước đến nay ta không sợ Trung Quốc mặc dù đó là một nước lớn?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: -Trong các thời nhà Trần, nhà Lý, sở dĩ chúng ta đánh thắng được các cuộc “biên hấn” là vì khi đó Triều đình là của nhân dân, trên - dưới đồng lòng. Trái lại cũng có thời kì chúng ta mất nước, ví dụ như thời nhà Hồ (Hồ Quý Ly). Mặc dù thời kì này có Hồ Nguyên Trừng là một chuyên gia chế tạo vũ khí vào hàng kiệt xuất không chỉ đối với Việt Nam, ta có nhiều binh khí mạnh hơn hẳn nhà Minh. Nhưng khi họ đem 20 vạn quân sang đánh chiếm nước ta thì chỉ trong vòng 10 ngày ba cha con Hồ Quý Ly đã bị giặc bắt. Là vì sau khi tiếm quyền nhà Trần, giành được ngôi báu, Nhà Hồ đã quay lưng lại với muôn dân, sưu cao thuế nặng, phu phen tạp dịch, nhân dân đói khát khốn cùng, vẫn phải nai lưng xây cất cung điện và thành quách cho nhà Hồ. Của cải trong dân chúng đều tập trung hết trong kho đụn nhà nước. Mặc cho dân chúng rên xiết… làm muôn nhà oán giận. Vì thế khi có giặc, đất nước lâm nguy, dân đã quay lưng lại với Nhà Hồ - Tình thế ấy, nước không còn là của dân nữa, dẫn đến mất nước. Chỉ khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, muôn dân hướng về làm nên cuộc kháng chiến trường kì gian khổ đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi.
Thiết tưởng giữa hai triều đại Nhà Hồ và Nhà Lê đều để lại cho hậu thế những bài học sống động. Cho tới nay những bài học này vẫn còn nguyên giá trị.
PV: - Cảm ơn và kính chúc nhà văn mạnh khoẻ!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn