Nguyễn Hiến Lê và không khí của văn hóa VNCH

08:40 CH @ Thứ Ba - 14 Tháng Mười, 2014

Ngày 8 tháng Giêng năm nay đánh dấu ngày sinh nhật 100 năm của Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), học giả nổi tiếng của thế kỷ 20.

Với khoảng 100 tác phẩm phát hành trong thời chiến, cụ Nguyễn Hiến Lê có thể là tác giả viết nhiều, in nhiều, và được đọc nhiều nhất trong thời kỳ 1950-1975 ở miền Nam. Lại có khoảng 20 bản thảo của cụ được in sau ngày thống nhất quốc gia, phần lớn là sau khi cụ qua đời. Nhiều tác phẩm cũ của cụ cũng được phát hành lại từ cuối thập niên 1980 tới nay. Mặc dù đã quá cố gần 30 năm, ảnh hưởng của cụ còn khá lớn lao.

Nhưng con số tác phẩm chỉ là một khía cạnh của Nguyễn Hiến Lê. Một khía cạnh khác là cụ viết rất nhiều thể loại: ngôn ngữ, văn chương, lịch sử, địa lý, giáo dục, du ký, tiểu sử, và sách “học làm người”. Đối với chúng ta, hậu duệ của cụ lớn lên trong văn hóa nặng chuyên môn, điều này nghe khá đặc biệt. Nhưng nó không lạ lùng với thế hệ trí thức của cụ Lê.

Họ là thế hệ trưởng thành trong hai thập niên cuối thời thuộc địa, cũng chuyên môn nhưng rộng rãi hơn về đọc, viết, và suy tưởng. Họ lớn lên và hấp thụ không khí văn hóa thành thị sôi nổi như nhóm Tự Lực Văn Đoàn và báo Phụ Nữ Tân Văn trong thập niên ba mươi, hay các nhóm Thanh Nghị, Tri Tân, và Hàn Thuyên trong thập niên bốn mươi. Đây là thời điểm rất nhiều bàn cãi và tranh luận trong nhiều lãnh vực về đường hướng và tương lai Việt Nam. Bầu không khí có nhiều lúc gây cấn, nhưng không eo hẹp hạn chế, mà ngược lại mở mang nhãn quan về xã hội, cá nhân, và đời sống hiện đại.

Rồi họ viết báo in sách trong những năm cuối thập niên bốn mươi và đầu thập niên năm mươi. Thời điểm này nổi bật nhất là cuộc kháng chiến chống Pháp và hình thành hai chế độ Nam Bắc: quân sự và chính trị. Còn văn học, nghệ thuật, và văn hóa thường bị đặt phía dưới. Nhưng thời điểm này có một số người làm văn hóa, nhất là tại Sài Gòn, bắt đầu gây dựng sinh lực mới về văn hóa và xã hội, tiếp nối phát triển của văn hóa tiền chiến.

Họ là những người đã có tiếng tại Hà Nội nhưng vào Nam trong thời kỳ 1945-1954 như Nguyễn Vỹ và Lê Văn Siêu. Họ cũng là người gốc miền Nam và luôn sống trong Nam như Nguyễn Duy Cần và Phạm Văn Tươi. Hòa hợp Nam Bắc thời kỳ này rất ư quan trọng và làm đường cho phát triển văn hóa miền Nam sau 1954.

Về Nguyễn Hiến Lê, thời điểm này quan trọng vì cụ gặp được Ngô Trọng Hiếu và Phạm Văn Tươi. Cụ Hiếu, một nhân vật chính trị trong chính quyền VNCH sau này, trợ giúp tiền bạc in quyển sách đầu tay của cụ Lê tại Long Xuyên. Rồi quyển sách dẫn tác giả đến cụ Tươi trên Sài Gòn. Dưới sự điều khiển của cụ Tươi, một loạt sách nhãn hiệu “học làm người” được phát hành qua những tay viết khá mới mẻ, nhất là Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Xuân Việt, Nguyễn Duy Cần, và Phạm Cao Tùng. (Phạm Cao Tùng không phải ai xa lạ, mà là bút danh của Phạm Văn Tươi.) Mặc dù cụ Lê chỉ hợp tác với nhà xuất bản Phạm Văn Tươi vài năm, cụ luôn ngưỡng mộ và mang ơn sự chăm chút của cụ Tươi, một người tiên phong mở mang văn hóa miền Nam trong thời kỳ chuyển tiếp thuộc địa qua độc lập.

Còn về cụ Lê, thành công về sách giáo khoa và học làm người giúp cụ độc lập về tài chánh cũng như nghề nghiệp. Nhưng cụ cũng cần một bàn tựa văn hóa, và cụ kiếm được nó khi hợp tác với tạp chí Bách Khoa, sáng lập và lãnh đạo bởi Huỳnh Văn Lang rồi sau đó Lê Ngộ Châu. Đây là một trong những hợp tác lâu dài và thành công nhất của lịch sử báo chí Việt Nam thế kỷ hai mươi. Chi tiết về Bách Khoa vẫn cần được tìm hiểu thêm. Nhưng một điều chúng ta có thể khẳng định, là nó hỗ trợ cho tính tình độc lập và ham muốn tìm hiểu của cụ qua gần 20 năm.

Nhìn lại Nguyễn Hiến Lê, chúng ta thấy cụ có nhiều tương phản. Cụ là người lớn lên trong miền Bắc, nhưng yêu quý miền Nam và lấy hai người vợ đều người Nam. Cụ viết về nhiều nơi nhiều nước khắp hoàn cầu, nhưng cả đời chỉ đi ra ngoài Việt Nam một hay hai lần. (Ngay cả trong nước, sau 1950 cụ ít ra ngoài Sài Gòn và Long Xuyên.) Cụ đọc nhiều về chủ nghĩa cộng sản và biết không thể chấp nhận nó được. Nhưng vì tình cảm với một số bạn bè kháng chiến chống Pháp cũng như sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trong miền Nam, cụ nghĩ là chế độ Hà Nội sẽ không tệ sau thống nhất: một ý tưởng cụ hối hận sau này. Cụ không thích chính phủ Sài Gòn lắm, nhưng cụ không thể nghiên cứu và phổ biến nếu không có nền văn hóa tương đối tự do của chế độ này.

Điểm cuối cùng đáng được nhấn mạnh, không phải chỉ vì cụ Lê sẽ mất hết độc lập nếu sống ở miền Bắc. Mà là vì môi trường văn hóa cũng như pháp luật VNCH, dù hạn chế, vẫn tạo nhiều cơ hội cho tầng lớp trí thức phát triển và phổ biến tư tưởng. Một thí dụ là học hỏi hàm thụ. Cụ Lê rất chăm học hàm thụ trong thập niên bốn mươi và năm mươi, và dùng nhiều tài liệu hàm thụ khi viết lúc này. Một phần là vì sở thích của cụ. Nhưng cũng một phần vì chế độ Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, và Nguyễn Văn Thiệu cho phép thư từ và bài vở qua lại dễ dàng giữa Sài Gòn và Paris.

Một thí dụ khác là sự thành hình và phát triển các nhóm văn chương, nghệ thuật, và văn học, thường thường là bên một tạp chí. Bên trên chúng ta có nhắc tạp chí Bách Khoa. Nhưng còn nhiều tạp chí với những nhóm khác, như Phổ Thông của Nguyễn Vỹ, Thời Nay của Nguyễn Văn Thái, hay Văn dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Đình Vượng, Trần Phong Giao, và Mai Thảo. Những tạp chí và bè nhóm vừa tạo nên và vừa phản ảnh văn hóa đa dạng thành thị bấy giờ.

Vì những lý do trên, khi kỷ niệm sinh nhật 100 năm ngày sinh Nguyễn Hiến Lê, chúng ta cũng nên tưởng niệm môi trường phong phú văn hóa thời VNCH. Không có nó, cụ Lê đã khó mà thành công trên con đường văn hóa cụ đi.

Tác giả Hoàng Anh Tuấn dạy sử Hoa Kỳ và Á Châu bán thời gian tại Palm Desert Campus của California State University, San Bernardino, và nghiên cứu về văn hóa thành thị thời VNCH cũng như lịch sử người Việt tị nạn và di dân qua Hoa Kỳ sau 1975.
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Về sách “Học làm người” của Nguyễn Hiến Lê

    15/07/2017BS Đỗ Hồng NgọcĐáp lại câu hỏi của một “hâm mộ”: “… nhờ đâu từ thuở “mồ côi cha” với đàn em gái bé bỏng, níu áo bà quả phụ trẻ sống lay lắt với bà con bên nội bên ngoại ở thị xã Phan Thiết; mà từ tuổi 12 đã có ý chí sắt đá tự lập miệt mài học tập để có thành công như ngày nay?"
  • Nguyễn Hiến Lê - một người Hà Nội

    10/10/2015Ngô Thế OanhBút danh Lộc Đình được nhà văn hoá của dân tộc Nguyễn Hiến Lê dùng ký dưới một bài văn ngắn từ hồi trẻ… Lộc là ngõ Phất Lộc, còn Đình là cái đình ấy…
  • Nguyễn Hiến Lê - hai mươi năm, một trăm cuốn sách

    02/08/2014Phan QuangTừ miền Trung đi thẳng vào Sài Gòn, ngay sau khi thành phố vừa giải phóng, một trong những mong ước đầu tiên của tôi là gặp gỡ một số trí thức và văn nghệ sĩ từng nghe tiếng...
  • Nguyễn Hiến Lê, người trí thức chân chính

    29/09/2013Nhà văn Nguyễn Hiến Lê trong con mắt của những người đồng thời và của lớp hậu sinh thường được nhìn nhận như là một học giả có sự nghiệp trứ tác đáng nể về đủ mọi phương diện khảo cứu, biên soạn, dịch thuật với 122 tác phẩm để đời mà hầu như tác phẩm nào cũng có một giá trị riêng biệt đáng được nhắc nhỏ, mà ít ai nhấn mạnh đầy đủ đến khía cạnh ông là một trí thức chân chính thể hiện ở thái độ yêu nước thương dân chân thành,lúc nào cũng bận bịu việc đời, trăn trở với những nỗi thăng trầm của dân tộc cũng như về những vấn nạn của thế giới mà số phận của dân tộc không thể tách rời...