Về sách “Học làm người” của Nguyễn Hiến Lê
Đáp lại câu hỏi của một “hâm mộ”: “… nhờ đâu từ thuở “mồ côi cha” với đàn em gái bé bỏng, níu áo bà quả phụ trẻ sống lay lắt với bà con bên nội bên ngoại ở thị xã Phan Thiết; mà từ tuổi 12 đã có ý chí sắt đá tự lập miệt mài học tập để có thành công như ngày nay?”; BS Đỗ Hồng Ngọc cho biết:
“Chính là nhờ mẹ tôi luôn động viên khuyến khích - bà là người rất có ý chí - lại nhờ cậu tôi là nhà văn Nguyễn Ngu Í dẫn đến trường và nhất là nhờ những cuốn sách quý giá của ông Nguyễn Hiến Lê, đã ảnh hưởng lớn đến tôi như Kim chỉ nam của học sinh, Gương danh nhân, Gương can đảm, Gương kiên nhẫn... Tuổi thơ tôi gặp nhiều khó khăn nhưng may mắn là luôn có những tấm gương tốt quanh mình để tôi noi theo”.
Về loại sách Học làm người của cụ Nguyễn Hiến Lê, trong bài Ông Nguyễn Hiến Lê và tôi đăng trên Bách khoa số 426 [2], BS Ngọc nhận định như sau:
“Nhìn lại toàn bộ tác phẩm của ông, không ai chối cãi giá trị của những cuốn Đông Kinh nghĩa thục, Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Đại cương triết học Trung Quốc, Ngữ pháp Việt Nam… và những Chiến tranh và Hoà bình, Sử kí Tư Mã Thiên, Chiến Quốc sách… Những tác phẩm đó thực sự có ích cho các nhà nghiên cứu, các sinh viên đại học và đã đóng góp một phần đáng kể cho nền văn hoá miền Nam. Nhưng theo tôi, những tác phẩm quan trọng trong đời ông, đáng cho ông hãnh diện chính là những tác phẩm nho nhỏ ông viết nhằm mục đích giáo dục thanh niên, hướng dẫn họ trong sự huấn luyện trí, đức. Đó là cuốn Kim chỉ nam của học sinh, Tự học để thành công, Tương lai trong tay ta, Rèn nghị lực…, và nhất là bộ Gương danh nhâncủa ông. Mà họ là ai? Là những thanh niên thất chí bán hàng xén như tôi thuở đó, một anh thợ may lận đận như anh chín NS, là một giáo viên tiểu học, một y tá hương thôn, một thư kí nghèo trong một công tư sở nào đó. Họ là người có thiện chí, có tinh thần cầu tiến, hiếu học, nhưng vì hoàn cảnh mà lở dở. Họ là là thành phần đông đảo nhất trong xã hội ta bây giờ, một xã hội có vốn liếng hơn ba mươi năm chiến tranh. Nhờ những cuốn sách đó, trước mắt họ mở ra những cánh cửa mới, trong lòng họ nhen lên ngọn lửa nồng, và dù có không “thành công” nhiều thì đời sống họ cũng sẽ được nâng cao, ít ra là về mặt tinh thần”.
Đoạn trên được cụ Nguyễn Hiến Lê trích dẫn trong Hồi kí. Cụ cho biết: “…nhờ những cuốn Học làm người mà tôi được nhiều người biết danh, nhiều thanh niên kính mến, và tôi đã được coi là “một nhà giáo dục quần chúng”, như một nhà văn đã nói. (…) Vậy tôi không mất thì giờ để viết loại Học làm người, và ông Đỗ Hồng Ngọc đã mến tôi mới rất bực mình [và viết như trên – Goldfish] khi tôi xếp những cuốn đó vào hàng thứ yếu”.
Một tác phẩm của cụ Nguyễn Hiến Lê dùng bút danh Lộc Đình:
Làm con nên nhớ (viết chung với Đông Hồ), Nxb Lá Bối – 1970
Cuốn Kim chỉ nam của học sinhcũng được BS Ngọc nhắc đến trong bài Sách và người [3]:
“Quả thật trong đời có những cuốn sách là bạn ta, là thầy ta. Ta như bắt được cái tần số của nó, như chia sẻ cùng tác giả những nghỉ suy, những cảm xúc. Học là một việc nặng nhọc, vất vả, nhưng không ai chỉ cho ta một phương pháp học sao cho nhẹ nhàng, cho sảng khoái, cho thấy sự học là vui, là hạnh phúc, giúp ta “enjoy” cái sự học đó ngay trong lúc đang học chứ không phải đợi lúc thành đạt. Kim chỉ nam của học sinh đã giúp ta điều đó. Tuy sách đã ra đời từ nữa thế kỷ trước, nhiều điều nay đã lỗi thời nhưng các nguyên tắc, phương pháp thì vẫn còn nguyên vẹn giá trị của nó. Như muốn học được lâu dài, học tốt, thì không thể không chăm sóc đến cơ thể, không thể không biết cách ăn, cách ngủ, cách nghỉ ngơi sao cho có sức bền. Ngay từ thời đó, tác giả đã khuyên rằng “phải theo nổi chương trình” mới nên học, không nên vì danh hão mà học quá sức mình, rằng “Việt Nam cần rất nhiều thợ lành nghề”, rằng “Đừng quá chú trọng bằng cấp. Phải ngay thẳng trong kỳ thi”, thì vẫn còn giá trị trong thời buổi thừa thầy thiếu thợ, bằng giả, bằng dỏm… hiện nay. Vai trò của người thầy cũng được nhắc đến, rằng thầy không phải là người nhồi nhét kiến thức cho trò mà là người chỉ dẫn, đưa cho trò cái chìa khoá để mở kho tàng “tự học”. Những chương như “Làm sao giỏi” vẫn là chương có ích, chỉ cho ta cách học một bài sử, bài địa, bài toán, bài văn… như thế nào một cách cụ thể vì được viết từ những kinh nghiệm sống của tác giả chứ không phải từ những lý thuyết viễn vông…
Điều đáng quý hơn hết với tôi là Kim chỉ nam của học sinh đã tạo được trong tôi một niềm tin – niềm tin vào chính mình – khi bắt tay tổ chức việc học sao cho dễ thành công. Tôi mong cuốn sách nhỏ này cũng sẽ tiếp tục giúp các bạn trẻ bây giờ cũng như đã giúp cho chú nhóc là tôi hơn 40 năm về trước”.
Cuốn Kim chỉ nam của học sinhchẳng những giúp BS Ngọc “tổ chức việc học sao cho dễ thành công” mà tác giả cuốn đó, cụ Nguyễn Hiến Lê, qua thư từ trao đổi đã khuyên "chú nhóc" học nhảy lớp. Việc này được BS Ngọc nhắc lại trong bài Cậu tôi Ông Nguyễn Ngu Í Nguyễn Hữu Ngư, viết năm 1996 [3]:
“Năm đệ lục, tôi tình cờ gặp cuốn “Kim chỉ nam của học sinh” của ông Nguyễn Hiến Lê, tôi áp dụng ngay vì thấy cách chỉ dẫn của ông cũng giống cách tôi làm, chỉ khác là ông hệ thống hoá một cách khoa học, làm tôi tự tin hơn. Thấy sức học dư, tôi quyết định nhảy lớp. Tôi viết thư hỏi ý kiến ông Nguyễn Hiến Lê, ông khuyến khích. Tôi thi thí sinh tự do Trung học đệ nhứt cấp, đậu. Thời đó, thi Trung học đệ nhất cấp mỗi năm hai lần, thi viết và cả vấn đáp tất cả các môn. Tỷ lệ đậu từ năm, mười phần trăm, nên ai đậu cũng mừng lắm”.
Tại toà soạn Bách Khoa
Nguyễn Hiến Lê - cà vạt màu. Vi Huyền Đắc -cà vạt đen
BS Ngọc còn cho biết: “Chính học giả Nguyễn Hiến Lê là người đã khuyên tôi nên học y khoa. Ông nói học y khoa mà giỏi thì sau này có thể đi giảng dạy được, rồi hành nghề nhiều năm, tiếp xúc nhiều cảnh đời, lại có tâm hồn thì có thể viết lách được” [4]. Cụ Nguyễn Hiến Lê còn viết Tựa cuốn sách đầu tay của BS Ngọc, cuốn “Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò” (Lá Bối in lần đầu năm 1972). Có lẽ, lúc còn sinh tiền, cụ Nguyễn Hiến Lê còn giúp đỡ, khuyến khích, động viên không chỉ một mình “độc giả” Đỗ Hồng Ngọc; và chúng tôi cũng đoán rằng trong số các độc giả đó, ít ra là trong giới bác sĩ, BS Ngọc là người nói nhiều về cụ Nguyễn Hiến Lê nhất. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin trích thêm vài đoạn trong bài Nguyễn Hiến Lê, một tấm gương kiên nhẫn (Báo Thanh niên, 1988) [3]:
“Gần đây, nhà xuất bản Long an đã cho in lại tập Gương Kiên nhẫn trong tủ sách Gương danh nhân của ông là một việc đáng mừng. Đọc Gương Kiên nhẫn, tôi thấy đời ông quả thực cũng là một tấm gương kiên nhẫn cho thanh niên. (…) Khi ông học một khoá hàm thụ ở Pháp về tổ chức học, ông thấy đa số người mình thường mơ mộng hơn thực tế, làm việc thường tuỳ hứng hơn là có kế hoạch, ông viết hàng loạt những cuốn Tổ chức công việc theo khoa học, Tổ chức công việc làm ăn, Kim chỉ nam của học sinh v.v… Ông chủ trương một tủ sách loại “Học làm người” như tủ sách La Bibliothèque de l’Honnête Homme của Bỉ, Culture Humaine của Pháp, Self-improvement của Anh Mỹ để giúp thanh niên tự rèn luyện, bổ sung cho cái học của nhà trường. Vì theo ông, nhà trường chỉ dạy cho ta cách học, còn mỗi người thì phải tự học suốt đời và học là để hành và hành là để học. Ông viết cũng là để tự học tốt hơn. Muốn viết thì phải đọc, phải nghiên cứu và nhờ đó hiểu sâu hơn…”.
Để khép lại bài viết này, chúng tôi xin được chép lại một lần nữa nhận định của BS Ngọc về cuốn Kim chỉ nam của học sinh mà chúng tôi tin là đúng: “Tuy sách đã ra đời từ nữa thế kỷ trước, nhiều điều nay đã lỗi thời nhưng các nguyên tắc, phương pháp thì vẫn còn nguyên vẹn giá trị của nó”. Chỉ cần, như lời cụ Nguyễn Hiến Lê đã nói: “Cứ hiểu nguyên tắc, hiểu phương pháp rồi chịu khó áp dụng tuỳ khả năng, hoàn cảnh của mỗi người, cũng đủ có lợi nhiều rồi” [5]. Chúng tôi chỉ đọc qua (và áp dụng một phần rất nhỏ) vài cuốn Học làm người của cụ Nguyễn Hiến Lê, nhưng chúng tôi cho rằng, theo như cách nói của BS Đỗ Hồng Ngọc, các cuốn Học làm người của cụ Nguyễn Hiến Lê tuy “nhiều điều nay đã lỗi thời nhưng các nguyên tắc, phương pháp thì vẫn còn nguyên vẹn giá trị của nó”. Nếu các bạn trách chúng tôi vì quá ngưỡng mộ cụ Nguyễn Hiến Lê nên “suy diễn càn” như thế, thì chúng tôi không dám cãi.
(Viết lại ngày 01/06/2008: sửa chữa và bổ sung)
[1]Theo Hồng Dung trong bài “Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: Thà có trái tim đau yếu vì tình yêu còn hơn có trái tim... lãnh cảm!”, Thanh Nien Online, ngày 07/02/2004.
[2] Trong Hồi kí Nguyễn Hiến Lê (Nxb Văn hoá, 1993); ghi là “436”, có lẽ do in nhầm vì số Bách khoa cuối cùng là “426” (ngày 20/04/1975).
[3] Các bài này đều được BS Ngọc cho in trong cuốn Những người trẻ lạ lùng.
[4] Theo bài Trò chuyện với BS Đỗ Hồng Ngọc
[5] Nguyễn Hiến Lê, Sđd, tr. 298.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015