Quyền được sai và hoài nghi...
Đó là ý kiến của dịch giả Nguyễn Đôn Phước khi bàn về việc làm thế nào để cải thiện phương pháp luận khoa học - một “gót chân Achilles” của đa số sinh viên Việt Nam.
Vì người trẻ cần phương pháp luận
Nếu ai đó tò mò rằng, cơn cớ nào mà ông Nguyễn Đôn Phước lại lao vào dịch sách hàn lâm. Ông sẽ giải thích thế nào?
Tôi nghĩ mình chỉ là người dịch nghiệp dư vì tôi không được đào tạo về dịch thuật qua trường lớp bài bản. Đó cũng là tình trạng chung của việc dịch sách học thuật, vì chỉ có những người trong ngành, nghiên cứu mới có điều kiện thuận lợi để hiểu sâu, rõ hầu dịch sao cho không quá sai.
Thật ra, tôi không chọn việc này mà nó đã chọn tôi, một cách rất tình cờ. Khi tôi cần tìm hiểu một vấn đề nào đó, và thấy rằng sách báo Việt Nam chưa đề cập nhiều, thì tôi dịch. Dịch thuật với tôi là một cách tự học hiệu quả nhất. Những hiểu biết tiếp thu ở đại học chỉ là nền, còn lại phải tự mình cập nhật và nâng cấp qua việc dịch sách. Có những kiến thức tôi tưởng như đã hiểu hết nhưng khi bắt tay vào dịch mới “ngộ” thêm nhiều điều.
Hơn nữa, xã hội luôn tồn tại nhu cầu về các sách phổ biến khoa học, sách dẫn nhập – những thứ rất thiếu ở nước ta. Khi tôi còn trẻ, Việt Nam đã từng có những bản dịch sách kinh điển rất hay như Toán xác suất của H. Cramer nhưng bây giờ không có những loại sách như thế nữa. Tôi thấy những gì mà ngày xưa tôi được hưởng mà bây giờ các bạn trẻ lại không có thì tôi làm, lý do rất đơn giản như vậy thôi.
Điều mà ông chú trọng nhất khi tiến hành dịch những tác phẩm kinh điển sang tiếng Việt, là gì?
Khi chọn sách để dịch tôi luôn chú ý đến hoàn cảnh bạn đọc Việt Nam. Được ưu tiên là những quyển sách trình bày rõ ràng những cơ sở, nền tảng kiến thức và có chú trọng về phương pháp luận. Dù có nhắc đến hay định nghĩa thế nào là phương pháp luận hay không, các sách này đều thể hiện một tính sư phạm cao, trình bày khá trung thành những cách tiếp cận khác nhau.
Để phục vụ cho nhu cầu tham khảo, khi tác phẩm nào đã có bản dịch tôi đều ghi chú đầy đủ bản tiếng Việt và cũng giúp bạn đọc tận dụng công cụ Internet bằng cách, khi có thể, chú giải thêm trong các thư mục những địa chỉ vào thẳng những bài miễn phí bản nguyên gốc. Nhờ vậy, các bạn có thể tìm đọc trực tiếp văn bản gốc, điều rất quan trọng trong tiếp nhận tri thức. Tôi thích một châm ngôn của người Tây phương: “Thà đối thoại trực tiếp với Thượng đế còn hơn thông qua các vị thánh thần”…
... Để tư duy trừu tượng
Nhưng với những bạn sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm, liệu có thể tiếp cận được với những kiến thức được coi là hàn lâm trong các sách của ông dịch không?
Được chứ, vì chính khi còn trẻ là lúc có nhiều thời gian để tích lũy và tiếp thu kiến thức nhất. Tuy nhiên, nói thực là đôi lúc không dễ dàng. Nhưng “không có con đường cái quan nào trong khoa học cả” hay … “không có bữa trưa nào là miễn phí”, bạn tùy nghi lựa chọn (Cười).
Chính vì ý thức được tầm quan trọng và khó khăn trong bước đầu tiếp cận các sách kinh điển thuộc loại tủ sách Tinh hoa, nên trên thế giới sách phổ biến khoa học có nhiều tầng nấc khác nhau. Tôi cũng học theo cách làm này của thế giới.
Chẳng hạn để giới thiệu tư tưởng của Williamson, tôi dịch ba quyển là Kinh tế học doanh nghiệp, Kinh tế học tổ chức và Các lý thuyết mới về doanh nghiệp. Quyển thứ nhất thuộc tủ sách phổ thông, đề cập chuyên ngành này bằng nhiều minh họa sống động về chiến lược các công ty như Louis Vuitton, Bic, v.v.
Nếu thích thú, bạn tiếp tục với quyển thứ nhì vừa mới xuất bản trong tủ sách Dẫn nhập (tôi khuyên các bạn đọc bài phỏng vấn đồng chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2009 trong phụ lục trước) phân biệt tổ chức và thị trường. Và nếu muốn có một cái nhìn rộng hơn, bạn đón đọc quyển thứ ba, vốn là một giáo trình về chuyên ngành đang phát triển mạnh này.
Để làm được những việc như ông vừa nói, chứng tỏ ông đã cảm nhận được một “cơn đói” vô hình của người trẻ về phương pháp tư duy. Vậy thì, khi nhìn về những người trẻ, ông đứng ở góc độ nào?
Do thói quen xử lý thống kê kinh tế, nên với tôi những con số “nói” được nhiều nhất là trên 60% công dân Việt Nam dưới 30 tuổi, còn lứa tuổi 15-30 chiếm gần 30% dân số và có chưa đến 30% dân chúng sống ở đô thị. Điều đầu tiên đập vào mắt người Tây phương khi đến Việt Nam là cái TRẺ của dân số.
Trong khi ấy, nếu một bạn trẻ của ta du lịch sang phương Tây chỉ nhìn thấy cái hào nhoáng bên ngoài mà không thấy rằng khi mình bước xuống tàu điện ngầm, nhìn xung quanh hóa ra thường mình lại là người trẻ nhất.
Con số 60% ấy đặt ra biết bao nhiêu vấn đề về mặt kinh tế-xã hội: từ y tế, giáo dục, văn hóa, v.v. và đó là bấy nhiêu thách thức. Để góp phần giải quyết các thách thức ấy, các bạn cần nhận ra tiềm năng của mình và phát triển nó, chứ không phải dùng bất kỳ xã hội nào khác làm khuôn mẫu.
Nhưng để “nhận ra tiềm năng của mình và phát triển nó” thì cũng cần có phương pháp?
Sau này, khi ra trường, các bạn sinh viên sẽ có nhiều thay đổi về việc làm nhưng điều cốt yếu nhất vẫn là cách tự học, chuẩn bị cho mình một nền tảng kiến thức, học cách tư duy trừu tượng, khái quát vấn đề. Kiến thức nền càng rộng thì sau này càng dễ xoay xở. Tôi lấy ví dụ trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa rồi, trong các trường đại học trên thế giới có chuyên ngành chứng khoán, thì số sinh viên khóa 2008-2009 tự nhiên sụt hẳn, chuyên ngành đó cũng không còn độ “hot” như trước. Sinh viên có thể buộc phải chuyển hướng theo tình thế.
Còn nếu như bạn đã đi làm, gặp khủng hoảng như vậy, nếu không có một kiến thức nền vững chắc thì rất khó thích ứng để chuyển qua một chuyên ngành khác, phù hợp hơn với yêu cầu thị trường được. Như vậy, nội dung công việc đã thay đổi nhưng bạn vẫn có thể làm tốt và học được thêm nhiều điều nếu như bạn có một “background” ổn và phương pháp tốt.
Có người cho rằng, sinh viên ở ta chưa quen (và khó khăn) với cách tư duy trừu tượng. Ông thấy ý kiến này thế nào?
Thực ra, người trẻ Việt Nam không phải kém cỏi trong việc khái quát vấn đề hay còn gọi là tư duy trừu tượng. Có gì còn trừu tượng hơn là môn Toán nhưng Việt Nam luôn tự hào là nước có nhiều người tư duy rất tốt về Toán. Nhưng vì sao việc khái quát vấn đề với những sự việc trong cuộc sống với các bạn trẻ lại khó khăn?
Một trong những lý do là các bạn chưa có đủ kiến thức để khái quát thành một vấn đề lớn hơn. Nếu các bạn sớm được tiếp cận với những cách đặt vấn đề khác nhau, không chịu giam mình trong chuyên môn hẹp mình đang học hay làm và tự bằng lòng với việc tiếp thu những kĩ năng cụ thể thì rồi cũng sẽ nhận ra sự cần thiết tự trang bị cho mình một kiến thức nền rộng và chắc.
Tư duy trừu tượng thực ra là một thói quen. Nghĩa là người ta sẽ nhìn rộng, nhìn khái quát vấn đề như một phản xạ. Nếu được rèn luyện, nó cũng sẽ trở thành thói quen của các bạn trẻ chúng ta. Đó là lý do vì sao tôi luôn nhấn mạnh rằng ẩn sau các cuốn sách tôi dịch, là phương pháp luận, cho dù không nói một cách lý thuyết nó được định nghĩa như thế nào.
... Và quyền được sai
Ông có nhắc đến việc phải tự nghiệm lại chính mình và xây dựng nền tảng kiến thức cho bản thân. Cách làm đó giúp ông thế nào trong việc tiếp nhận thông tin tri thức?
Đó là cách đón nhận thông tin một cách không thụ động. Khi đọc được một thông tin hay cũng là một kiến thức, tôi phải xem ở nhiều nguồn, nhiều phản hồi khác nhau. Như vậy mới mong thấy được bản chất vấn đề và tránh được tình trạng a dua theo thông tin, và những quan điểm được “gài gắm” trong thông tin.
Bản thân tôi luôn phải tìm hiểu thêm chứ không thể tin ngay một thông tin nào, dù cho người phát ngôn có học hàm, học vị cao đến đâu. Tôi đặc biệt cảnh giác với những phát biểu đại ngôn. Nói đúng hơn là dị ứng. Vì những phát biểu đại ngôn, mà thiếu căn cứ lập luận, dễ làm cho người không tỉnh táo và thụ động đôi lúc phải trả giá rất đắt.
Hoài nghi - đó có phải là một cách tập tư duy cho các bạn trẻ?
Đúng vậy. Tuy nhiên, phải tập dần dần để trở thành một thói quen tư duy. Thực ra, có những vấn đề khi trẻ tôi thấy đúng nhưng giờ nghĩ lại thấy mình đã sai. Tôi cũng sai lầm và tự đòi hỏi cho mình quyền được sai lầm. Tôi muốn chia sẻ điều này với các bạn trẻ. Các bạn hãy cứ mạnh dạn phản biện với các vấn đề, đừng ngại sai.
Ngay cả với tôi, tôi cũng sẵn sàng lắng nghe. Tuy nhiên, tôi chỉ là một người làm dịch thuật, nên để đưa ra một phương pháp chuẩn cho tư duy của bạn trẻ, thì cần có một cuộc nghiên cứu nghiêm túc: 60% dân số và là phần dân số quan trọng nhất nhưng lại chưa có một nghiên cứu đúng mức để đánh giá và đưa ra những chính sách hợp lý cho đối tượng này.
Xin cảm ơn ông!
Dịch giả Nguyễn Đôn Phước, sinh năm 1951, tại Huế. Ông tốt nghiệp Trường Thống kê và Quản lý kinh tế của Pháp. Sau đó công tác hơn 20 năm ở Pháp, Thụy Sĩ,… và có nhiều năm làm việc cho Liên Hợp Quốc. Một số tác phẩm đã dịch: Kinh tế học môi trường; Từ điển phân tích kinh tế: Kinh tế học vi mô, kinh tế học vĩ mô, lý thuyết trò chơi v.v...; Tư tưởng kinh tế kể từ Keynes; Ngân hàng Thế giới – Đi tìm mô hình phát triển và trường hợp Việt Nam; Xã hội học về tiền bạc; Giải Nobel Kinh tế; Kinh tế học tổ chức… “Tôi có thể khẳng định rằng, đọc sách tôi dịch không giúp gì cho các bạn trong việc… thi đậu các kỳ thi. (Cười) Nhưng tôi hy vọng sau khi đọc, lần hồi, các bạn sẽ nhận được lợi ích từ nó. Nếu chỉ để đi thi không nên đọc sách tôi dịch, nhưng để chuẩn bị cho tương lai thì nên đọc”. |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh