Người đàn ông gồ ghề trong "thế giới phẳng"

08:08 SA @ Thứ Hai - 19 Tháng Sáu, 2006

Thế giới phẳng là tên cuốn sách thứ 13 trong tủ sách SOS2 mà TS.Nguyễn Quang A vừa dịch xong, sắp xuất bản. Tác giả sách là Thomas Friedman, một nhà báo nổi tiếng của tờ New York Times. Sách nói về toàn cầu hoá và công nghệ thông tin, về cuộc tấn công của "bầy thú điện tử" - những tập đoàn đa quốc gia - cùng cơ hội và thách thức của mỗi con người, doanh nghiệp, quốc gia trước cuộc tấn công đó... Thật thú vị là tất cả những điều rối rắm và to tát ấy đều được diễn đạt bằng một văn phong giản dị, dễ hiểu, nhiều đoạn hóm hỉnh nữa.

´ Vì sao lại là SOS2, thưa ông?

- Nhiều người cứ lầm tưởng đây là tủ sách "Khẩn cấp bình phương", nghĩa là rất khẩn cấp, tối khẩn cấp. Hiểu thế cũng được, nhưng không hoàn toàn đúng. SOS2 là viết tắt của từ tiếng Anh: Social Operating System (phần mềm hệ điều hành xã hội). Xã hội cũng giống như một hệ thống máy tính phức tạp. Trong đó, phần quan trọng nhất là phần mềm, là nội dung, chứ không phải phần cứng.

Phần mềm xã hội là luật pháp, chính sách, quy chế, quy tắc, phong tục tập quán, văn hoá v.v... những thứ không cầm nắm được nhưng lại không thể thiếu vì chúng điều khiển, quy định, hướng dẫn mọi ứng xử của các cá nhân và tập thể trong xã hội. Đó là cái quan trọng nhất trong các phần mềm xã hội.

´ Thomas Friedman gọi thế giới của chúng ta là phẳng bởi với sự phát triển của khoa học, công nghệ; giờ đây con người ta, dù ở bất cứ đâu trên trái đất này có thể hợp tác và cạnh tranh với nhau dễ dàng hơn bao giờ hết. Thế giới không tròn như ngày xưa nữa, mà là phẳng - phẳng như màn hình tivi ư?

- Theo Friedman, chúng ta đã trải qua 3 lần toàn cầu hoá. Nói theo ngôn ngữ máy tính, toàn cầu hoá 1.0 là khi Columbus giương buồm tìm ra Châu Mỹ, mở ra sự giao thương giữa thế giới cũ và thế giới mới, biến thế giới từ rất to lớn thành trung bình.

Toàn cầu hoá 2.0 kéo dài từ 1800 đến năm 2000, với đường sắt, nhà máy, điện thoại, điện tín, PC, cáp quang và phiên bản ban đầu của World Wide Web (WWW), thế giới từ trung bình trở thành bé. Còn toàn cầu hoá 3.0 là phần mềm, là internet, là những ứng dụng số, nó biến mọi người trên thế giới thành láng giềng sát vách, thế giới trở nên bé xíu.

Và nếu như người dẫn dắt toàn cầu hoá 1.0 là đại diện của các quốc gia. Toàn cầu hoá 2.0 là các doanh nghiệp, thì toàn cầu hoá 3.0 là cuộc chơi của các cá nhân. Với tri thức, với máy tính nối mạng toàn cầu, một cá nhân có thể cạnh tranh với toàn cầu. Đó là điều tôi tâm đắc nhất.

´ Ngày 31.5 vừa qua, VN đã ký thoả thuận với Mỹ về việc VN gia nhập WTO. Nếu không có gì thay đổi, VN sẽ bước lên "con tàu WTO" vào tháng 10 tới, sẽ hoà nhập hẳn vào "thế giới phẳng". Theo ông, cuộc sống của chúng ta có thay đổi nhiều không?

- Dù có vào hay chưa vào WTO thì chúng ta cũng đã ở trong "thế giới phẳng" đó rồi. Khi vào WTO không thể có chuyện mọi điều thay đổi ngay lập tức. Chỉ biết là cuộc cạnh tranh sẽ rất khốc liệt, những anh lười, anh ăn bám sẽ chết. Những ai chuẩn bị tốt, có trí tưởng tượng, có tài, sẽ sống, và sống khoẻ là đằng khác.

´ Quay lại chuyện sách. Phải nói thật là những sách ông chọn dịch khá khó đọc đối với bạn đọc đại trà. Kornai, Soros, Stiglitz, Popper... - những nhà kinh tế chính trị học của Hungary và của thế giới đương đại đầy biến động; những luận điểm của họ ngay ở các nước phát triển cũng đang gây nhiều tranh cãi. Ông mong đợi điều gì khi giới thiệu những tác phẩm đó tới bạn đọc VN?

- Đó đều là những tác phẩm phân tích một cách rất khoa học về sự vận hành của các hệ thống - chính là điều mà xã hội và nền kinh tế của chúng ta đang rất cần. Tôi sẽ hạnh phúc nếu các tác phẩm mà tôi dịch có đóng góp một chút gì đó cho tư duy hiện nay và tương lai của các nhà hoạch định chính sách, học giả, các doanh nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ. Tôi nghe nói là cuốn "Hệ thống XHCN" của J.Kornai (người Hungary) bán khá chạy trong các quầy sách bên hành lang Quốc hội. Tôi làm sách không phải vì tiền - sách có bán được mấy đâu, nhưng tôi vẫn vui vẻ làm, và sẽ còn làm nữa.

´ Gần đây, thấy ông thường phát biểu trên báo chí, truyền hình. Vì đã chán công việc kinh doanh, vì có nhiều thời gian rỗi, hay đơn giản đó là cách là để bộc lộ những trăn trở của mình...?

- Được nói thật những điều mình nghĩ, mình bức xúc là nhu cầu muôn đời của con người và xã hội. Thời còn lãnh đạo một ngân hàng, tôi phải thận trọng vì những gì tôi nói sẽ ảnh hưởng đến cả trăm con người. Gần đây không làm lãnh đạo nữa thì nói năng có thể mạnh mẽ hơn, chỉ mình mình chịu trách nhiệm với mình. Và bây giờ cũng là thời điểm xã hội cởi mở, dân chủ hơn, người ta có điều kiện để nói hơn.

´ Và một bằng chứng của sự dân chủ hơn đó là việc lần đầu tiên Đảng đã để toàn dân đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị trước thềm Đại hội X. Quan điểm của ông về dân chủ?

- Dân chủ và tự do là hai giá trị căn bản nhất của con người. Nếu anh có nhiều tiền, nhưng anh không có tự do, dân chủ thì anh mới chỉ cảm thấy hạnh phúc một phần ba, một phần tư. Dân chủ - trong mỗi điều kiện lịch sử, địa lý khác nhau có những đặc thù khác nhau, không có một khái niệm dân chủ chung cho tất cả. Và dân chủ cũng không bao giờ đồng nghĩa với vô chính phủ.

´ Đại hội Đảng X mới đây chính thức cho phép "đảng viên làm kinh tế tư nhân". Nhưng ông thì đã làm điều này từ rất sớm. Hãy kể bước ngoặt nào đã khiến ông quyết định ra làm kinh tế tư nhân?

- Hồi đó, cách đây 17-18 năm rồi, tôi đang làm công chức (ở Tổng cục Điện tử tin học). Đang chán vì ăn không ngồi rồi, các sếp hục hặc với nhau, quân thì chẳng có việc gì làm, có người bạn bảo ở trong TPHCM đang có một dự án hay lắm, thế là tôi vào làm thôi. Số phận run rủi thế. Chẳng có chiến lược, kế hoạch hay bước ngoặt gì to tát cả.

´ Trong kinh doanh nói riêng và cuộc đời nói chung, ông tự thấy mình là người thành công hay thất bại?

- Thật khó đánh giá. Có lúc được, có lúc mất. Có lúc tưởng là thất bại, sau ngẫm nghĩ lại thấy là một thành công. Cuộc đời là thế.

´ Những lúc thất bại, ông thường làm gì?

- Phải quên ngay lập tức, đi làm việc khác, mọi suy ngẫm để sau. Cái máy tính phải biết xoá đi những dữ liệu cũ để bắt đầu chạy một chương trình mới cho ngày hôm nay.

´ Là chuyên gia tin học, là doanh nhân, là chủ ngân hàng, là người viết báo, dịch sách¿ Vậy thì cuối cùng - ông là ai?

- Trong Thế giới phẳng Thomas Friedman có viết về một loại người. Đó là người tự chuẩn bị cho mình rất nhiều góc cạnh khác nhau của cuộc sống. Họ có thể thay đổi nhanh từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Và ở lĩnh vực nào cũng cố gắng rèn luyện để không ở mức trung bình. Tôi là thế chăng?

Gương mặt góc cạnh, mái tóc rậm xoã xuống trán, đôi mắt sâu lúc bình thường thì kín đáo nhưng khi say chuyện là long lên sôi nổi. Tôi nghe tên ông Quang A từ lâu, từ đầu những năm 90, khi 3C của ông đang nổi đình nổi đám. Sau này làm báo lại có nhiều dịp đặt ông viết bài cho Lao Động. Nếu chuyển hẳn sang đi làm báo, chắc hẳn ông Quang A cũng sẽ là một nhà báo cừ.

Những bài viết của ông, dù dài tới 3.000 chữ hay chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay, dù được viết rất nhanh hay cắn bút tới cả tuần, dù nói về công nghệ thông tin, nạn làm bằng giả hay mô hình các tập đoàn kinh tế... thì cũng đều giống nhau ở một điểm: gai góc (đến mức nhiều khi gây sốc), nhưng không ác ý và luôn tràn đầy nhiệt huyết. Những bài viết đó... gồ ghề, như chính khuôn mặt và con người ông.


Ông Nguyễn Quang A sinh năm 1946 tại Bắc Ninh, từng là cán bộ quân đội. Năm 1987, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ điện tử viễn thông tại Hungary, ông về nước công tác tại Tổng cục Điện tử - Tin học, sau đó chuyển sang làm việc tại Liên doanh máy tính VN Genpacific. Năm 1989, tham gia thành lập và làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty máy tính truyền thông điều khiển 3C. Năm 1993 là thành viên sáng lập, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cổ phần Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VP Bank).

Các tác phẩm chính đã dịch: "Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường" (J.Kornai, NXB VHTT 2002), "Hệ thống XHCN" (J.Kornai NXB VHTT 2002), "Giả kim thuật tài chính" (G.Soros), "CNXH đi về đâu?" (J.E.Stiglitz), "Xã hội mở" (G.Soros). "Thế giới phẳng" (Thomas Friedman)... sắp xuất bản.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vài cảm nhận về thời đại

    09/11/2010Giang AnhNhững đặc trưng lớn của thời đại này là gì? Dòng chảy của lịch sử sẽ đi về đâu và vị trí của trí thức trẻ Việt Nam trong dòng chảy chung ấy thế nào?
  • Thế giới phẳng hay không?

    06/04/2006Nguyễn Vạn PhúSau thành công với cuốn Chiếc Lexus và cây ôliu, Thomas Friedman lại vẫn là tác giả viết về đề tài “toàn cầu hóa” thành công hơn cả khi tung ra cuốn Thế giới là phẳng vào tháng tư năm ngoái và đến cuối năm bán được trên 1,1 triệu cuốn. Tuy nhiên, giới học giả nghiên cứu và giới phê bình, điểm sách lại không ngớt chê bai đủ điều về cuốn sách này. Vì sao có chuyện lạ thế?
  • “Thế giới phẳng” và Việt Nam chúng ta

    31/03/2006Nguyễn Trung“Thế giới phẳng” của Thomas L. Friedman giống cái bánh mỳ nóng mới ra lò, người mua háo hức như đã từng háo hức với “Chiếc xe Lexus và cây ô-liu” cũng của ông ta cách đây dăm năm. “Phẳng” với ý nghĩa quá trình toàn cầu hóa kinh tế kéo theo quá trình toàn cầu hóa mọi mặt đời sống xã hội loài người trên hành tinh này đi vào “luật chơi chung”...
  • Toàn cầu hoá: Cuối cùng đó là một trái đất phẳng

    05/02/2006Thomas L. Friedman, “It’s a Flat World, After All”, The New York TimesNăm 1492, Christopher Columbus vượt biển tới Ấn Độ, đi về hướng Tây. Ông trở về quê hương và tuyên bố: “Trái đất tròn”. 512 năm sau, tôi cũng bay tới Ấn Độ bằng máy bay hãng Lufthansa. Tôi đi về hướng đông. Trở về nhà tôi thì thầm với vợ mình: “Trái đất phẳng”...