Người Việt đang thể hiện cái văn hóa gì vậy?
Ở đây không chỉ là câu chuyện với hoa! Vặt hoa, giẫm đạp lên hoa chỉ là thể hiện một thứ văn hóa. Nhưng, cái văn hóa gì vậy?
Cách đây nhiều năm, khi Nhật Bản đưa hoa anh đào tới Hà Nội, lần đầu tiên người Việt sững sờ tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp kiêu sa, trắng muốt của một loài hoa lạ chưa được thấy bao giờ. Sống miền lúa nước, cây xanh, hoa trái, tình yêu hoa đã có sẵn trong lòng, không chỉ lớp trẻ mà mọi người dân vẫn thấy choáng ngợp trước vẻ đẹp của loài hoa đến từ xứ sở mặt trời mọc.
Nhưng tình yêu hoa chưa kịp thỏa mãn, đã phải buồn vì những nết xấu như được dịp hiếm hoi để phô ra. Người xem hoa thay vì chiêm ngưỡng cái đẹp của hoa thì đã phũ phàng vặt hoa, bẻ cành. Thay vì cùng mọi người thưởng hoa, người ta muốn chiếm hữu hoa làm của riêng đưa về nhà. Hoa bị tàn sát vì lòng tham sở hữu, buồn thay lại núp dưới bóng chiêm ngưỡng cái đẹp. Đành rằng tình yêu luôn có xu hướng đẻ ra nhu cầu sở hữu, nhưng không thể như vậy với tình yêu hoa. Bẽ bàng với bạn Nhật và trước hết là với chính mình. Thương vì người đã biết yêu hoa mà giận vì cách cư xử quá tệ.
Nhiều năm sau vụ anh đào, tưởng là người yêu hoa đã trưởng thành, nhưng không phải như thế. Hàng ngàn người, đa số là lớp trẻ đã cất công đi hàng trăm dặm đường lên Hà Giang, Mộc Châu; vào tận miền núi hẻo lánh xứ Nghệ; đến tận Đà Lạt... để ngắm hoa tam giác mạch, hoa hướng dương và hoa cải vàng trên những cánh đồng bạt ngàn, nơi lần đầu tiên những thứ hoa đẹp một cách hào phóng ấy được quảng bá, được biết tới và hâm mộ. Một lần nữa, chúng ta có thể vui và thấy ấm lòng khi trên đất nước vốn nghèo và vất vả gian nan vì chiến tranh đã “biết yêu và được yêu hoa” như nhiều dân tộc may mắn khác.
Hoa không phụ người, hoa vẫn đẹp, vẫn cháy hết mình vì người. Nhưng người đã lại phụ hoa! Nhiều cánh đồng dã quỳ, tam giác mạch hay cải vàng chưa kịp trọn một kiếp đã bị giẫm đạp, xéo nát không thương tiếc. Không phải vì vụ lợi, vì muốn sở hữu mà chỉ là để thỏa mãn những ý thích nói thẳng ra là rất trẻ con, của một trình thẩm mỹ chưa trưởng thành. Lại đành “giận thì giận mà thương thì thương”. Giận vì cái không chịu trưởng thành của rất nhiều người, mà thương vì tình yêu khát khao với cái đẹp của con nhà nghèo nay mới được biết hưởng thụ một chút vẻ đẹp của cuộc sống. Cũng tội nghiệp lắm thay!
Nhưng không chỉ với hoa! Vặt hoa, giẫm lên hoa chỉ là thể hiện một thứ văn hóa. Cái văn hóa gì vậy?
Trong quá khứ, người Việt luôn được coi là những con người tế nhị, biết tôn trọng giá trị tinh thần và rất tinh tế trong cư xử. Cái “dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” không chỉ riêng người Hà Nội mà là của Việt Nam nói chung. Những miếng trầu cánh phượng, những đĩa hoa nhỏ, xinh xắn thơm hương đưa lên chùa hay bày lên bàn thờ gia tiên, những dãy hàng rào cây xanh phủ dây tơ hồng vây quanh mái tranh, hoa các loại trong chậu, trong vườn người giàu và cả người nghèo là nơi gửi gắm tâm hồn tinh tế của người Việt. Người ta ngắm hoa, thưởng hoa chứ không ngửi hoa, vặt hoa, giẫm lên hoa!
Con người đối xử với nhau như bầu bí chung giàn, như nhiễu điều phủ lấy giá gương, như gà cùng một mẹ. Cái truyền thống văn hóa ấy đang bị biến dạng đến mức khó nhận ra. Đành rằng nhân loại có quá nhiều điều bất cập và phải luôn hoàn thiện mình trong nhiều thiên niên kỷ, chưa có dân tộc nào thật sự hoàn hảo như mong ước. Nhưng chúng ta hãy nghiêm chỉnh nhìn lại mình ngày hôm nay. Thứ văn hóa phản văn hóa giẫm lên hoa chỉ giúp chúng ta dễ nhìn bản thân mình, dễ so sánh mình với các dân tộc khác trong gia đình nhân loại mà thôi.
Nam thanh nữ tú của chúng ta, ngay ở Hà Nội hay Sài Gòn đã cư xử như thế nào trong nhà, ngoài đường phố? Hàng ngàn người đã đổ dồn về một đường phố hẹp, chen chúc giẫm đạp nhau để mong nhận một cái bánh sushi miễn phí. Sau hàng chục năm sống trong cảnh bao cấp, thiếu thốn, mãi đến nay người ta vẫn chưa học được thói quen xếp hàng. Người ta chen lấn khắp nơi, thậm chí lúc chỉ có hai ba người. Hình như nỗi ám ảnh “mất phần” vẫn dai dẳng sống trong tâm trí nhiều người, hễ có chút danh lợi là nghĩ ngay đến “cướp”!
Hai lễ hội vào loại lớn nhất nước đều ở miền Bắc là Hội Gióng và Hội Khai ấn đền Trần. Cả hai lễ hội đều có tiết mục “cướp”. Ở Hội Gióng là chuyện cướp lộc Thánh hoa tre cầu giàu sang. Còn ở Thiên Trường thì người ta cướp “ấn” (tờ giấy có đóng triện đỏ sản xuất hàng loạt) để nuôi hy vọng được làm quan, đang làm quan thì được thăng chức hay được bầu khóa nữa. Tóm lại cả hai hội đều có tiết mục Thánh ban phát danh lợi. Mà danh lợi là thứ mật ngọt luôn có số lượng hạn chế. Nhưng ruồi lại quá nhiều nên phải cướp mới xong. Và cái tâm lý nhanh chân nhanh tay không thì thiệt đã làm nhiều thanh niên (kể cả những người có học) giẫm lên hoa nhiều khi chỉ để chụp một kiểu ảnh họ cho là đẹp!
Cách đây gần hai phần ba thế kỷ, nhà thơ Tản Đà có hai câu thơ làm chua xót tâm can người Việt: “Dân hai lăm triệu đâu người lớn/ Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”. Thời đó nước đang mất, nhà đang nát. Ngày nay thế nước đã khác. Nhưng liệu bao nhiêu người trong chúng ta đã thực sự trưởng thành, hết cái nết trẻ con?
Nguồn:Một Thế Giới
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự Lập