Ngục tù của tư tưởng

07:31 CH @ Thứ Năm - 26 Tháng Năm, 2011

Thưa các bạn,

Tôi đã định bỏ qua câu chuyện của ông Đào Hiếu, nhưng nghe chuyện “không nói có” mà bỏ ngoài tai, mình cũng hèn quá*).

Tự do ngôn luận là linh hồn của mọi thứ tự do!(Voltaire)

Tôi không muốn mổ xẻ lại từng câu chữ như các bạn khác đã buộc phải làm. Chỉ xin nói về bối cảnh sinh ra tình huống nực cười này, khi người nói một đằng, người nghe một nẻo.

Quyền tự do là quyền thiêng liêng mà dân tộc Việt Nam đã tốn bao xương máu mới có được. Tự do ấy tối thiểu là cái gì: là tự do mưu cầu hạnh phúc.

Nếu một người muốn tự mình mưu cầu hạnh phúc cho mình, thưa các bạn, đó có phải là muốn tự được suy nghĩ cái gì đúng cái gì sai đối với mình? Nói cách khác, tự do mưu cầu hạnh phúc có bao gồm tự do về tư tưởng.

Một người công nhận quyền tự do tư tưởng của mình, vậy người ấy có cho là người khác cũng có quyền như thế không?

Tại sao một người phát biểu ý kiến của mình về một phiên tòa thì bị coi là “bất thường”? Ấy là vì trong xã hội người ta không thường xuyên phát biểu ra ý kiến của mình, mà còn phải nhìn trước ngó sau, xem có cái lề nào không.

Sao lại có người được quyền phát biểu suy nghĩ của mình về mọi sự kể cả chính trị, được đăng có vẻ "tự do" trên báo chí thì sao người khác lại bị cản trở nói lên suy nghĩ của mình, theo một cách "mất tự do"?

Tại sao ý kiến của một người không theo cái lề có sẵn nào cả thì bị la ó lên là “phi chính trị”, “thái độ nước đôi”, thậm chí bị gọi là “vụ lợi”. Ấy là vì những kẻ gọi người ấy như thế, trong tâm trí họ đã đầy ắp những định kiến,tính toán, mặc cả, còn có chỗ nào trống để nghe được cái “tôi” của người khác nữa đâu. Chính họ đã nhốt tư tưởng của mình trong “lồng cũi”, họ cũng đang mất tự do về tư tưởng.

Thưa các vị, nếu có một thái độ “phi chính trị”, “nước đôi”, “vụ lợi” mà tốt cho lý trí, cho xã hội, cho dân chủ, thì chúng ta hãy lắng nghe. Trong toàn bộ các công việc phục vụ cho lợi ích công, yêu cầu “phi chính trị” đảm bảo tính khách quan.

Cũng như vậy, nếu các vị không tán thành mà cho là sai trái, hay non yếu điểm gì đó, xin hãy cho chứng cớ, hãy lập luận. Vì cớ gì mà đến thế kỷ XXI này chúng ta không thể tranh luận với nhau bằng một thứ ngôn ngữ trong sáng và tôn trọng nhau như những bậc mở đường chữ quốc ngữ đầu thế kỷ XX. Vì sao không nói ra mà cứ để ấm ức bốc lên trong người, rồi dùng những từ ngữ thóa mạ quan điểm của người khác?

Mà tôi cũng thấy lạ các vị lãnh đạo ngày nay, thấy dân tranh luận đến vậy mà không mấy mặn mà giáo huấn, lên lớp chỉ dẫn kỹ về phát huy tự do ngôn luận, tự do tư tưởng... Tuyệt nhiên ngôn từ, văn bản của thời nay vắng bặt hẳn những từ “tự do”, “dân chủ” mà trước kia các lãnh tụ nước ta dùng rất thường xuyên, thuyết phục, lý giải rành rẽ, từng tí một cho nhân dân hiểu, cho cán bộ nắm rõ ràng để dẫn dắt cách mạng đến được đích thực sự. Chả thế mà nay, mỗi người hiểu về tự do, dân chủ theo một kiểu, nước ta với nước ngoài ít khi cùng ngôn ngữ, cách nghĩ về điều này. Mỗi người dân, kể cả cán bộ rất ngại ngùng nói về nó như một thứ bị cấm đoán, một thứ chẳng cao đẹp gì, rồi lại còn nhìn, xét người khác nói về tự do, dân chủ như những kẻ đòi hỏi vô lý, kẻ cơ hội chính trị, kẻ thù bên trong, bên ngoài…

Lật lại các trang sách về Tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi thấy mình có thể hiểu rõ ràng cái tinh thần tự do của Người, đau đáu suy nghĩ nhất quán, rõ ràng đến cả thế kỷ nay:

Năm 1922:
“Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập…”

Năm 1942:
“Trên đời ngàn vạn điều cay đắng
Cay đắng chi bằng mất tự do
Mỗi việc mỗi lời không tự chủ
Để cho người dắt tựa trâu bò"

Năm 1945:
“Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì”

Năm 1946:
“Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do”

"Dân chủ là làm sao cho dân mở miệng, đừng để cho dân sợ không dám mở miệng, nhưng điều đáng lo hơn nữa là khiến dân không thiết mở miệng..."

Năm 1956:
"Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý."

Năm 1967:
"Đảng viên, đoàn viên, cán bộ phải giữ gìn, phát triển đạo đức cách mạng, làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm"

Thông qua lời dạy của Hồ Chí Minh, tôi thấy rõ hơn tương lai tự do của quốc dân mà những nhà lập quốc cả đời theo đuổi. Nhưng khi đọc cụ thể hơn những điều được viết trong Hiến pháp 1946 ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công và những điều tương đương viết trong Hiến pháp 1992, tôi lại thấy giá trị tự do bị phai nhạt đi nhiều, đúng hơn là nó đã chuyển sang được nêu không mấy dứt khoát. Nguyên nhân có thể chỉ là do hành văn câu chữ khá dài, kiệm dùng từ “tự do”, “dân chủ” thái quá. Xin nêu một vài đối chiếu ở hai bản Hiến pháp:

Hiến pháp 1946:

Hiến pháp 1992:

Lời nói đầu

Cuộc cách mạng tháng Tám đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hoà.

Sau tám mươi năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân, đồng thời đã gạt bỏ chế độ vua quan. Nước nhà đã bước sang một quãng đường mới.

Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ.

Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Quốc hội nhận thấy rằng Hiến pháp Việt Nam phải ghi lấy những thành tích vẻ vang của Cách mạng và phải xây dựng trên những nguyên tắc dưới đây:

- Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo.
- Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.
- Thực hiện
chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.

Điều 6
Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá.

Điều 7
Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình.

Điều 10

Công dân Việt Nam có quyền:
- Tự do ngôn luận
- Tự do xuất bản
- Tự do tổ chức và hội họp
- Tự do tín ngưỡng
- Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.

Lời nói đầu

Hiến pháp này quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước, thể chế hoá mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo,nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ qúa độ lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam nguyện đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường xây dựng đất nước, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Điều 3

Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân; xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện công bằng xã hội, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Điều 50
Ở nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật.

Điều 52
Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Điều 69
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.

Không biết những quy định "nhạt đi" trong văn bản cao cấp như Hiến pháp hiện nay có xuất phát từ một tinh thần, một nhận thức thiếu đầy đủ, chính xác về giá trị tự do, cũng như sứ mệnh, mục tiêu lâu dài của Công cuộc cách mạng hay không?

Đến bây giờ tôi hiểu hơn lúc nào hết câu nói của Nelson Mandela khi nước Nam Phi của ông giành được độc lập từ tay người Anh: Chúng ta chưa có tự do, chúng ta mới chỉ có quyền được tự do mà thôi.

Nay trên thực tế, nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, mà người dân của nó vẫn chưa hiểu biết và không sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình, không chấp nhận quyền tự do của người khác, ấy là chứng tỏ tinh thần và tư tưởng của họ vẫn bị nhốt trong “ngục tù”.

---------------
*) Thái độ phi chính trị là ảo tưởng (BBC, Đào Hiếu)
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2011/04/110410_daohieu_feedbacks.shtml

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Từ Hệ tư tưởng đến Hệ giá trị

    09/06/2018Nguyễn Trần BạtGiá trị của các hệ tư tưởng chỉ có tính chất tương đối, mang tính lịch sử. Tư tưởng và hệ tư tưởng không phải là những giá trị bất biến, càng không phải là những tín điều để tôn thờ, nó đang và sẽ bị thay thế bởi hệ giá trị, là một hệ thống các tiêu chuẩn để quy định, định hướng và tổ chức hành vi của con người trên phạm vi toàn cầu...
  • Tự do ngôn luận để khích lệ thảo luận hoặc tranh luận

    23/10/2014Nguyễn Trần BạtTrên các diễn đàn, các ý kiến đóng góp vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI đang diễn ra phong phú. Đây là một hoạt động mang tính dân chủ tạo cơ hội để người dân, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động chính trị, xã hội tranh luận, thảo luận nhằm góp ý cho sự nghiệp Đổi mới lên một tầng cao mới...
  • Tự do báo chí bất ngờ ở Tunisia

    24/01/2011Ulrike PutzTruyền thông Tunisian đã chứng kiến một thay đổi bất ngờ và sửng sốt: Sau nhiều năm kiểm duyệt ngột ngạt, tất cả các hạn chế bỗng dưng biến mất. các báo được tường thuật tự do, các nhà báo làm việc thâu đêm - và dường như mọi người dân Tunisa đều muốn nói chuyện chính trị...
  • Tự do ngôn luận

    07/09/2009Huỳnh Thúc KhángĐây nói tự do ngôn luận là mệnh ý phần nhiều, người mà theo cái nghĩa thông thường, tự do ngôn luận tức là tự do xuất bản (liberté de la presse), như viết báo, làm sách là thuộc về loại ấy.