Học sinh cấp I đọc truyện dành cho tuổi 15
Chị Dân ngay lập tức phong tỏa ngăn kéo đựng hàng chục cuốn Nữ hoàng Ai Cập của con gái. Nhưng vài ngày sau, một tập truyện khác lại xuất hiện trong cặp sách. Hỏi ra mới biết, ở tiểu học, bạn nào cũng có vài cuốn nên mẹ cấm thì con mượn của bạn khác.
Em Nguyễn Hồng Chân Cương, học sinh lớp 4 trường tiểu học Nguyễn Việt Hồng, TP HCM, cho biết: “Em thích đọc truyện tranh của Nhật như Nữ hoàng Ai Cập, Thám tử Conan vì ít chữ, các tình tiết hồi hộp”. Nhiều năm qua, Doremon, Pokemon, Asari tinh nghịch, Con nhà giàu lôi kéo sự thu hút của các em chỉ vì tranh nhiều, chữ ít, giàu tính tưởng tượng. Nội dung của đa số truyện đều chung một motive là nhân vật trở thành vị cứu tinh của xã hội, chống lại cái ác, bảo vệ cái thiện. Kèm theo đó là những câu chuyện tình lãng mạn mà người lớn đọc xong cũng bị sốc. Cô Nguyễn Thị Út, phụ huynh em Hồ Nguyễn Hương Giang (9 tuổi), quá bất ngờ khi xem qua cuốn Nữ hoàng Ai Cập, trong đó có những câu như: "Đây là lần đầu tiên trong đời mình thấy người khác phái dầm mình trong nước... tại sao cơ thể ta nóng bừng lên thế này" (truyện Nữ hoàng Ai Cập). Những hình vẽ nóng bỏng và tình cảm yêu đương cứ xuyên suốt 40-50 tập truyện.
Theo các chuyên gia tâm lý, những loại truyện này ít nhất cũng phải dành cho các em lứa tuổi từ 15 trở lên. Tuy nhiên, có rất ít quyển ghi rõ ngoài bìa "truyện dành cho tuổi 15" như Dear boy, Con nhà giàu. Còn lại, nội dung "người lớn" tương tự nhưng không có dấu hiệu gì để quy định tuổi dành cho độc giả.
Các loại truyện này được bán nhan nhản bên ngoài các trường học cấp 1, cấp 2. Giá cho thuê 500 đồng một cuốn mới, truyện cũ bán 2.000 đồng/cuốn. Anh Cường, bán sách gần trường Trần Quang Diệu và Đoàn Thị Điểm, TP HCM, cho biết: “Loại sách truyện tranh Nhật Bản ở đây bán chạy vì hình vẽ hấp dẫn, nội dung đa dạng hơn truyện Việt Nam”. Kèm theo đó là vô số những hình ảnh, mẫu đồ chơi, dao, kiếm, súng được bán theo sở thích của học sinh. Nhiều phụ huynh do bận rộn và cũng chẳng thấy con có dấu hiệu gì bất thường khi ở nhà nên cứ cho đọc.
Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn, giáo viên dạy lớp 4 trường TH Đinh Công Tráng (quận 8, TP HCM), cho biết: “Là giáo viên tôi chỉ có thể khuyên các em không nên đọc loại truyện trên do nhiều cuốn có hình vẽ quá kích thích, đa số lời thoại là loại văn nói khiếm nhã như cưa, hổng dám đâu, cho má nhận không ra " .
Dù gần đây, các nhà xuất bản đã có cố gắng cho ra đời Danh nhân đất Việt, Thần đồng đất Việt, Cô tiên xanh nhưng cũng chưa cạnh tranh nổi với làn sóng truyện tranh hiện đại nước ngoài. Báo Nhi đồng được bán gần như bắt buộc cho học sinh, nhưng do hình thức báo quá đơn điệu và nội dung cũng chưa hấp dẫn nên các em học sinh lớp 1, 2 chỉ mua về để tô màu là chính. Tôn Bảo, học sinh một trường tiểu học quận Tân Bình, ca cẩm: "Trường cháu phát động học sinh tham dự giải Lê Quý Đôn trên báo. Nhưng bọn cháu cũng chỉ xem chỗ có bài dự thi, còn báo Nhi đồng không hay bằng Thám tử Conan".
Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, chuyên viên Phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục TP HCM, quan trọng nhất phải là phụ huynh định hướng các loại sách cho con em mình. Phải chọn những câu chuyện có tính nhân văn, nhân bản, như thế mới giáo dục được nhân cách của các em ngay từ khi còn nhỏ. "Nếu các em còn nhỏ mà đã đọc truyện của người lớn thì hiện tượng yêu sớm, trầm cảm chắc chắn sẽ diễn ra", bà Oanh cảnh báo.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi