Đứt dây mắc cỡ

03:51 CH @ Thứ Bảy - 30 Tháng Tám, 2003

Hết hàng dỏm, bằng dỏm, kiến thức dỏm và nhiều thứ dỏm khác lại tới tuổi dỏm. Đỉnh cao của tội lỗi là đem con nít ngây thơ trong trắng ra mà dạy nói dối như trong chuyện hạ tuổi các cầu thủ nhí.

Vì sao mà ra nông nỗi này khi sự dối trá dường như ngày càng trở thành phổ biến? Chúa và Phật đều có lời dạy "đừng gian dối", đi kèm với "chớ giết người", cùng với những nguyên tắc đạo lý cơ bản khác mang tính phổ quát. Sự gian dối không giết người bằng dao, bằng súng nhưng nó giết CON NGƯỜI, sinh linh duy nhất được tạo hoá ban cho cái gọi là LƯƠNG TÂM. Sự gian dối không giết người theo nghĩa đen nhưng nó có thể làm suy sụp một xã hội vì SỰ THẬT là nền tảng của đạo lý, sự TRUNG THỰC là cái trục chính điều phối mọi quan hệ, giao dịch giữa con người với nhau. Không có một quy chuẩn chung, xã hội không thể vận hành một cách suôn sẻ.

Gian dối là nguồn gốc của nhiều tội phạm khác nhau. Ví dụ như lừa đảo chiếm đoạt tài sản của kẻ khác. Làm ăn gian lận có thể làm cho đối phương tán gia bại sản. Hàng giả có thể làm suy sụp nền kinh tế, còn thực phẩm không an toàn gây ngộ độc hàng loạt và cả chết người. Đáng sợ nhất là bằng cấp giả, kiến thức giả có thể làm suy sụp cả một bộ máy. Sao người ta có thể làm điều đó một cách tỉnh bơ nhỉ?

Nó giống như một ổ mối, ngày nào đó sẽ làm suỵ đổ niềm tin của người có thiện chí nhất là giới trẻ, như các cầu thủ nhí. Có người gọi thẳng đó là tội ác và đòi phải có những biện pháp trừng trị đích đáng.

Tiếc thay khi dây mắc cỡ đã đứt nghĩa là khi người ta không còn biết hổ thẹn với lương tâm thì luật pháp, cảnh sát cũng không ngăn chặn hết được. Dẹp chỗ này sự gian dối lại mọc lên chỗ kia.

Hình như ta đang cần một hội nghị phân tích nghiêm túc và triệt để để tìm hiểu nguyên nhân sâu sắc nhất của vấn đề, phục hồi hệ thống đạo đức của cả dân tộc để trả lại cho CON NGƯỜI cái mà anh ta đang cần nhất: LƯƠNG TÂM.

Nguyễn Thị Oanh (Thời báo kinh tế Sài Gòn)

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: