Nén hương dâng ngày Thương binh Liệt sĩ

09:24 CH @ Thứ Sáu - 26 Tháng Bảy, 2019

Ngày còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi lại được ăn khoai lang luộc. Mẹ luôn mua khoai từ một bà lão gầy gò, lưng còng gần như gập xuống. Khoai của bà không ngon, luôn nguội lạnh. Dường như bà đã đi từ một nơi rất xa để có thể đến được ngõ nhà tôi. Chân bà đi đôi dép lê đã rách, khô nẻ cùng bụi đất. Một lần khi tôi đòi mẹ mua món khoai lang nóng hổi vừa được cô hàng xóm luộc và bày trước hiên nhà, mẹ thở dài và vuốt tóc tôi “bà lão bán khoai có hai con là liệt sĩ. Mình mua khoai giúp bà, con ạ!“.

Trong ký ức thơ bé của tôi có hình ảnh của bà lão bán khoai, một mình gánh đôi quanh trĩu nặng, cô độc đi trên con đường đất đỏ. Tôi hình dung sau một ngày vất vả, bà lại lặng lẽ trở về ngôi nhà quạnh quẽ, lặng lẽ thắp hương trước di ảnh của hai người con đã hy sinh.

Hơn hai mươi năm sau, tôi chứng kiến cảnh một người bạn lặng lẽ thắp hương trước di ảnh của cha mình. Di ảnh ấy là một chàng trai còn rất trẻ: cha của bạn tôi đã hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ mà chưa biết được mặt con trai. Hơn 20 năm qua, bạn tôi đã lặn lội khắp nơi để tìm mộ của cha. Bao chuyến đi xuyên qua rừng núi, bao nỗ lực đều vô vọng. Mẹ của bạn tôi ngày một già đi, không biết bạn tôi có đủ thời gian để thực hiện được ước nguyện duy nhất của mẹ: đưa hài cốt của cha về với mẹ?


Màu trắng của nghĩa trang Trường Sơn luôn ám ảnh tôi. Tôi ước gì mình có thể ở đó lâu hơn, có thể thắp hương cho từng ngôi mộ. Bạt ngàn những ngôi mộ trắng, trong đó có những ngôi mộ vô danh. Tôi ngồi cạnh một ngôi mộ với hai tấm bia: có hai gia đình cùng nhận người liệt sĩ này là con của họ.

Chiến tranh đã lùi xa ba mươi sáu năm. Có ai đó nói rằng thôi hãy đừng nói về chiến tranh nữa, đất nước hòa bình đã lâu rồi. Vậy mà sao chiến tranh vẫn gầm thét trong tôi khi chỉ ba tháng trước, tôi được chứng kiến một gia đình liệt sĩ Việt Nam trải bạt, dâng lễ, dâng hương ở cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, thuộc địa phận Lào. Những nén hương thắp cùng nước mắt và những lời thổn thức. Những lời cầu xin Trời đất và hương hồn các liệt sĩ phù hộ để họ tìm được mộ cha. Những người nông dân tôi gặp hôm ấy đã thắt lưng buộc bụng hơn 30 năm qua mới đủ tiền thuê xe và người hướng dẫn để sang Lào tìm mộ cha - một bộ đội Việt Nam đã hy sinh tại cánh đồng Chum. Có biết bao gia đình Việt Nam đang lặn lội sang Lào để tìm mộ người thân. Với rất ít thông tin, nhưng họ vẫn đi tìm với hy vọng mãnh liệt và cháy bỏng.


Chiến tranh đã lùi xa ba mươi sáu năm. Vậy mà khi tôi về Hà Tĩnh, quê hương của mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc, thấy xót lòng khi chứng kiến quá nhiều người phụ nữ phải bỏ quê, bỏ con cái tha phương kiếm sống. Tôi gặp một người phụ nữ trên 50 tuổi, trên tay đang cầm quyển hộ chiếu để sang Đài Loan làm giúp việc gia đình. Hai đứa con của chị khóc lóc van xin mẹ đừng đi. Buổi chiều hôm đó, tôi thắp hương tại Ngã ba Đồng Lộc, tự cảm thấy mình có lỗi trước sự hy sinh của những người đi trước.

Tôi viết hai bài thơ “Hai nẻo trời và đất“ và “Đồng Lộc“ từ những trải nghiệm kể trên. Ngày thương binh liệt sĩ năm nay, khi thắp hương tưởng nhớ đến sự hy sinh của các liệt sĩ, tôi cũng muốn thắp lên hy vọng rằng những người ở lại sẽ làm nhiều hơn nữa để hài cốt của các liệt sĩ được đoàn tụ cùng gia đình, để nỗi đau chiến tranh được xoa dịu, và để thế hệ trẻ luôn ghi nhớ và trân trọng rằng hòa bình đã được đổi bằng bao máu xương của những người đi trước.

HAI NẺO TRỜI VÀ ĐẤT

Trắng trời những ngôi mộ vô danh
Trắng đất những người con đi tìm mộ bố
Mưa tả tơi xuống họ

Những đứa con chưa biết mặt cha
Những người cha không thể trở về nhà
Tiếng gọi “con” còn chôn sâu trong ngực
Tiếng gọi “cha” hơn 30 năm thao thức

Đêm nay tôi nghe tiếng chân cha và con từ hai nẻo trời và đất
Những bước chân rần rật
Lần tìm về nhau
Những bước chân cạn máu
Lạc nhau qua triệu dặm đường
Lạc nhau qua nghìn thế kỷ

Mỗi bàn chân tôi đặt trên đất nước
đang đặt lên bao nhiêu thân thể lạnh khói hương trong lòng đất?
dẫm lên bao nhiêu biển nước mắt
của những người con chưa tìm được mộ cha mình?


ĐỒNG LỘC

Hoa không ngăn nổi mình
chảy dòng tang trắng
Cỏ không ngăn nổi mình
trào nấm mộ xanh
Tôi bé hơn hoa
thấp hơn cỏ
nghiêng mình

Con gió trắng bay qua đồi cát
Con gió trắng hát mười bài hát: Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Dương Thị Xuân, Trần Thị Rạng, Hà Thị Xanh, Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà, Trần Thị Hường

Mười suối tóc mười cung đàn ngân hát
Xanh
Xanh
Xanh
Nắng gió
Ngút ngàn
Mười dải mềm nối một dải Trường Sơn
Mười ánh mắt đã thành ánh sáng
Hoa không ngăn nổi mình hóa dòng tang trắng
Chảy về trời trong tiếng hát chị tôi

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình

    27/07/2016Lê Đức DụcNhững người đang sống đang nợ người đã khuất cái giá của phút bình yên hôm nay. Không chỉ nợ với những cô thanh niên xung phong Đồng Lộc đã hi sinh khi tuổi mười tám đôi mươi. Đấy còn là món nợ với tiền nhân đã đổ máu xương suốt dặm dài lịch sử làm nên hình hài Tổ quốc...
  • Vài điều tôi suy nghĩ nhân ngày 30-4

    31/01/2012Bùi Quang MinhLà một công dân, bạn hãy dành thời gian cùng tôi trả lời những câu hỏi của dân tộc ta: Chiến tranh đã qua đi, tôi và các bạn sẽ phải làm gì để ngẩng cao đầu trước lịch sử, trước thời gian, trước tổ tiên, trước con cháu chúng ta? Giờ đây "kẻ thù" của dân tộc Việt Nam là gì?
  • Những đứa con xứng đáng

    16/07/2011Nhà văn, nhà báo Lưu Quý KỳHồn người xưa nếu có thương có lẽ cũng đã mỉm cười sung sướng.
    Bởi vì, thế hệ đã nối tiếp được sự nghiệp đẫm máu, vinh quang của thế hệ trước.
    Bởi vì, cái khí thế quật cường, bất khuất, qua bao gió mưa bão táp của các thời đại vẫn được kể truyền từ đời này qua đời kia.
  • Sức mạnh của chúng ta

    13/07/2011Dương Trung QuốcMột bạn rất trẻ đặt cho câu hỏi: Vì sao ngày xưa chẳng có ai giúp đỡ, viện trợ mà chỉ bằng nội lực, ông cha mình vẫn đánh thắng được giặc Nguyên-Mông (thế kỷ XIII), giải phóng đất nước khỏi tay giặc Minh (thế kỷ XV) hay Quang Trung vẫn thần tốc đánh một chập cả hai đạo quân xâm lược ở phương Nam và phương Bắc (thế kỷ XVIII)?
  • Tổ quốc và vợ - chọn ai?

    04/07/2011Lê DũngNếu phải trả lời câu hỏi này thì e rằng có rất nhiều thằng đàn ông thời nay lúng túng. Đầu tiên quan trọng là cái khái niệm Tổ quốc là gì, có quan trọng thế nào đối với thằng ấy.
  • Điều Ngàn năm muốn nói…

    25/06/2011Nguyễn CẩnKhi Hà Nội tưng bừng lễ hội kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, người dân đã sống những ngày thật sự có ý nghĩa. Họ nhớ đến lịch sử và những năm tháng hào hùng trong niềm kiêu hãnh của người dân thủ đô, của người con đất Việt. Lễ hội đi qua cũng là lúc người ta xem xét những gì còn lấn cấn, vướng mắc khiến lễ hội có những điều không như ý: ngoài chuyện giữ xe “chém đẹp”, chen chúc mất trật tự… thì phải kể đến thái độ phá hoại công sản như bứt phá cây cảnh, vứt rác xuống hồ Gươm.
  • Sống một cuộc đời đáng sống

    11/12/2010Ý nghĩa của cuộc đời bạn nằm ở đâu? Có phải là nằm ở những giây phút trong đời bạn chia sẻ những điều tốt đẹp đến với những bạn bè ở khắp nơi trên cuộc đời này không?
  • Ký ức chính là một phần của lịch sử

    06/12/2010Nhà sử học Dương Trung QuốcNếu phải tìm một cái mốc thì có lẽ có một tác động nào đó từ cuốn tự truyện của nghệ sĩ Lê Vân. Cách suy nghĩ của một người đã đụng chạm đến quan điểm của nhiều nguời, nhất là về những vấn đề chung như đạo lý, lối sống...
  • Cần một chữ dũng

    24/11/2010Nguyễn Đăng TiếnÔng M. nghỉ hưu cách đây đã 5 năm ở chức Bộ trưởng. Bốn năm qua, mỗi lần đến dự tổng kết năm của Bộ, ông được mời đại diện cho cán bộ hưu phát biểu nhưng một mực từ chối. Vậy mà hôm nay ông hăm hở bước lên bục và nói: Khi nghỉ được vài năm, tôi đã tự nhủ "mũ ni che tai" là tốt. Song tôi nghĩ rằng mình phải nói ra điều bấy lâu nay chưa nói được
  • xem toàn bộ