Môi trường sống không để “trồng người”?

06:23 SA @ Thứ Sáu - 22 Tháng Tư, 2016

Một môi trường sống thiếu vắng cả không gian và thời gian tuổi thơ là một môi trường sống đang bị “sa mạc hóa”, chẳng cần chờ đến biến đổi khí hậu thì môi trường sống ấy đã là đáng báo động, là không có tương lai tốt đẹp cho việc “ trăm năm trồng người”!

Con trẻ trong môi trường sống nhân văn, gắn kêt với tự nhiên và cộng đồng, được là chính mình, đấy mới có thể là điểm khởi đầu cho một nền giáo dục chân chính xứng đáng với con người.

Trong bài viết ngắn này chỉ xin đi sâu một số bất cập phản lại bản tính tự nhiên của con người trong môi trường sống của người Việt hôm nay. Đó một môi trường sống, một văn hóa ở không có chỗ cho tuổi thơ mà các hệ lụy nặng nề, lâu dài của nó đối với giáo dục con trẻ hình như còn bị coi nhẹ, còn chưa được đề cập tới một cách đúng mức. Đây cũng có thể là một trong những hệ nguyên nhân trực tiêp gây ra hiện tượng “bạo lực học đường” mà cả xã hội chúng đang phải chiụ đựng và cùng phải trả giá đắt bằng cả các thế hệ tương lai!

1. Tuổi thơ bị tước đoạt

Giáo dục con trẻ VN hiện có nhiều bất cập cơ bản mà điểm mấu chốt là người lớn, môi trường giáo dục, môi trường xã hội và môi trường sống đều như đang về hùa với nhau để tước đoạt đi của chúng cả tuổi thơ tươi đẹp vốn là nền tảng không thể thay thế cho việc hình thành nhân cách làm người của các em. Một môi trường sống thiếu cả không gian và thời gian cho tuổi thơ đang trở thành nét chủ đạo trong đời sống đương đại của người Việt.

1.1.Văn hóa ở: Khi con người trở thành con tin trong chính ngôi nhà của mình !

Một môi trường sống rất thiếu không gian cho tuổi thơ. Để làm rõ hơn điều này. ta hãy xem xét một lĩnh vực còn ít được dề cập đến là văn hóa ở của người Việt đương đại. Về thăm các đô thị, các cộng đồng người Việt sinh sống tập trung, ta sẽ thấy ở đây trẻ em VN thường bị “nuôi nhốt”. Tuổi thơ của chúng phải lớn lên sau rất nhiều song sắt và các cánh cửa khóa chặt, cách biệt với thiên nhiên và cộng đồng. Chúng trở thành con tin tại chính ngôi nhà của mình.

Các con vật bị nuôi nhốt cách biệt với thiên nhiên, phát triển không bình thường, ngay cả thịt của chúng cũng không còn thơm ngon được nữa. Trong điều kiện nuôi nhốt, chúng thường sớm đánh mất bản ngã. Chúng dễ trở nên hung hãn hoặc trầm cảm, thậm chí không còn thực thi nổi thiên chức thiêng liêng và bản năng nhất của sự sống là truyền lại nòi giống cho đời sau. Trong cùng hoàn cảnh tương tự, con người cũng không là ngoại lệ. Thật đáng sợ khi nghĩ về sự thật này, vậy chúng ta vô tư “nuôi nhốt “ con cái chúng ta theo kiểu “gà công nghiệp” mà vẫn thấy yên tâm được sao ?

Không ít những đứa trẻ đã phải chạy trốn, nương náu vào thế giới ảo, sống xa lạ với chính những người lẽ ra gần gụi nhất, thân yêu nhất của chúng như cha mẹ, ông bà. Để cho con trẻ trở nên dị ứng với chính môi trường sống của chúng, trỏ thành vật thể lạ trong chính ngôi nhà của chúng, rồi mới bàn đến giáo dục là đã quá trễ vì đối tượng để chúng ta giáo dục đã bị biến dạng nặng nề rồi!

Trong hoàn cảnh như thế, con trẻ dễ có thiên hướng nổi loạn để giải phóng những sự bức bí về tinh thần hoặc những sự dồn nén về thể chất ở bên trong.

Chúng dễ bị chín ép hoặc bị lão hóa sớm ( Những biến dạng về thực thể, tâm thể và giới tính của con trẻ trong môi trường sống bức bối, cách biệt và ô nhiễm xin được đề cập trong một bài viết chuyên sâu khác!).

Hiện tượng sống thác loạn hay tình dục sớm ở tuổi học đường có thể tìm thấy nguyên nhân phát sinh từ đây! Và các video clips “bạo lực học đường” giưa các nữ sinh chỉ là một minh chứng đặc biệt đã làm tràn ly nước công luận xã hội vừa qua mà thôi ! Những điều này thật ra không có gì là lạ,cũng không có gì đáng phải ngạc nhiên nếu phân tích chúng theo tinh thần của luật nhân quả!

1.2. Không gian tuổi thơ trong cộng đồng

Hãy đi tìm không gian cho tuổi thơ ở ngoài ngôi nhà chúng sinh sống! Cũng chẳng có nhiều cơ hội và sự lựa chọn cho con trẻ.

Trong bài viết “ Trường học, nhà trẻ ở đâu trong bản quy hoạch của HN?” của tác giả KTS Trần Huy Ánh có đoạn mô tả như sau :

Trước khi đô thị hóa, các trường học ven sông Tô… nằm ở bìa làng, thoáng mát, tĩnh mịch, cửa sổ trông ra đồng lúa xanh rờn. Em bé thì được làng xóm thương qúy hơn nên đặt nhà trẻ giữa làng, dưới bóng đa mát rượi, nhìn ra giếng đình trong veo.Giờ đây, ruộng thành nhà, ao mương lấp sạch thành chỗ KĐT áp sát. Chen chúc giữa khu dân cư, có trường còn chung tường với nhà tang lễ bệnh viện, cảnh tắc đường, tiếng còi xe với âm thanh kèn trống, lời giảng gào to …nghe mãi thành quen!”. Vâng, những âm thanh này có thể là ký ức tuổi thơ êm đềm nâng đỡ tâm hồn của con cái chúng ta trưởng thành và đi suốt cuộc đời được sao?

Cố đi tìm không gian chơi đùa cho con trẻ ở các nơi chúng sống, quả là vô vọng. Trong nền kinh tế thị trường được vận hành bởi nhũng luật chơi và những bàn tay vô cảm, giá cả đất đai trên trời, không thể tìm được sự quan tâm từ các nhóm lợi quyền, không gian cho tuổi thơ trong cộng đồng chỉ còn là dĩ vãng xa vời!


2. Thời gian tuổi thơ

2.1. Không có thời gian tuổi thơ!

Thực ra vấn đề học nhồi nhét nặng nề của con trẻ ở nhà và ở trường đã được đề cập rất nhiều, tuy nhiên trong mối tương quan với môi trường sống của trẻ thơ, ta mới có thể thấy hết tính nguy hại và không thể chấp nhận được của nó!

Hãy xét về thời gian, ở các gia đình có điều kiện thì công việc hàng ngày của con cái họ chỉ có học và học thêm mà thôi và chi phí chính cho đúa trẻ là tiền học các loại. Đối với gia đình hoàn cảnh, đặc biệt ở nông thôn, bên cạnh việc học và học thêm, chúng còn phải phụ giúp gia đình việc chăn nuôi, đồng áng hoặc các hoạt động kinh tế.

Nhà giáo với các chương trình học thêm đã làm “ thay đổi mới” môi trường giáo dục, môi trường sống con trẻ theo hướng thị trường phản sư phạm. Phụ huynh là các “thượng đế bắt buộc” phải mua các mặt hàng “học thêm “ dù biết hay không biết rằng như thế là giết chết tuổi thơ của chính con em mình..

Kiểu học hành nhồi nhét vô tình hay hữu ý đã giết chết tuổi thơ của con trẻ bởi chính những tham vọng và quyền lợi vô lối, thiển cận của người lớn chúng ta. Con trẻ đang phải gồng mình lên, suốt ngày đêm học hành nhồi nhét vào đầu một đống tri thức các loại (bổ và vô bổ) chỉ để thỏa mãn những tham vọng của cha mẹ và lợi ích của thày cô (dạy thêm, luyện thi thêm!). Trở nên dị ứng với kiểu học hành nhồi nhét, học sinh VN sẽ chán học hoặc học không vào nữa, bị trơ, bị bão hòa, không còn khả năng hấp thu kiến thức và kết quả thi kém cỏi đến mức khó tin ở môn Sử và vài môn học khác đã gây sốc cho công luận xã hội Có cần phải hỏi thêm: Vì đâu nên nông nỗi này?!

Cứ như thế,trẻ em VN ngay từ tấm bé đã phải sống trong stress, bị đánh mất mình, không có thời gian để chơi bời, để sống theo đúng bản ngã của chúng nữa.

Tại sao trẻ em phải hy sinh tuổi thơ vì người lớn chúng ta ? Ai có thể hiểu được tại sao người lớn chúng ta lại quá dại khờ mà tự hủy hoại đi tương lai máu thịt của chính mình !

Đúng là không thể đổ lỗi tất cả cho giáo dục, và cái văn hóa đổ lỗi cũng không thể giúp cho ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng đáng sợ về giáo dục và đạo lý làm người hiện nay!

Sự thật là tất cả chúng ta đều đã cùng can dự, đều phải cùng tự sám hối., cùng phải nhận thức lại và cùng tự sửa.

2.2. Thời gian yêu thương và sẻ chia của cha mẹ dành cho con cái

Một khoảng thời gian rất quan trọng tuổi thơ là thời khắc tình yêu thương chăm sóc của cha mẹ, Ngày nay, do áp lực của cuộc sống chạy theo vật chất, đồng tiền trên thị trường đã lấy hết thời gian và sức lực của các bậc làm cha làm mẹ, khiến họ chẳng còn có đủ thời gian yêu thương và chía sẻ dành cho con cái.

Cứ nghĩ điều này chỉ xảy ra nơi thị thành nhưng không, ở các vùng nông thôn rộng lớn, sau mùa vụ người lớn cũng theo nhau tha phương cầu thực, bỏ lại nơi quê nhà con trẻ với ông bà già và một tuổi thơ bị đánh mất bởi thiếu vắng bàn tay yêu thương chăm sóc của chính những người sinh thành ra chúng !

Môi trường sống về tinh thần và tình cảm đang dần bị sa mạc hóa. Thiếu tình thương yêu của mẹ cha, tâm hồn con trẻ trở nên khô cằn, u ám, tính tình dễ trở nên hung bạo hoặc trầm cảm. Người lớn chúng ta mải miết làm ra tiền, nhưng chỉ với đồng tiên, chẳng thể mua được tương lai tốt đẹp cho con cái chúng ta! Đây lại là một chân lý rất giản dị của cuộc sống!

3. Bị thương tổn, bị gục ngã hay phản kháng bằng bạo lực?

Một tuổi thơ bị đánh mất bởi thiếu vắng tình yêu mẫu tử, bởi văn hóa ở kiểu con tin, bởi không có không gian và thời gian cho tuổi thơ gắn kết với thiên nhiên, được chơi bời, chạy nhảy cùng bè bạn, bởi áp lực của học hành thi cử do người lớn áp đặt đè nặng lên vai con trẻ đã được cảnh báo là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng chất lượng học hành thấp, học sinh chán học, tự tử, `bị trầm cảm, sống thác loạn hay hung bạo ngày càng xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một em học sinh tâm sự về diễn tiến dẫn đến ý định tự tử như sau : “họ cho rằng con cái họ chỉ cần hở ra một tí là hư hỏng ngay, nên họ áp đặi chế độ quân quản, thiết quân luật. Có cảm tưởng như chúng ta sống trong trại lính vậy. Bị ức chê, bị ép buộc những điều mà mình không muốn, cho rằng không ai hiểu mình, chẳng ai có thể chia sẻ tâm trạng lúc đó. Cảm thấy cô độc trong bóng tối, có khi tự khóc một mình….” Xin lưu ý về những đại từ nhân xưng ngôi thứ ba và sự phá cách về ngôn từ diễn đạt như một bằng chứng về sự chấn thương tâm lý của em học sinh này !

Dưới những ách áp bức nặng nề như vậy, những sinh linh nhỏ bé chưa trưởng thành đã bị tổn thương bởi môi trường sống thiếu tình thương, cô đơn và bế tắc dưới áp lực stress các loại,, chúng dễ bị gục ngã hoặc trở nên phản kháng, hung hãn và bất cần đời. “Bạo lực học đường” sẽ phát sinh trên những mảnh đất thoái hóa như vậy.

4. Môi trường sống có thể “trồng người” ?

Cũng như mối quan hệ hữu cơ giữa đất và cây, môi trường sống là một yếu tố quyết định trong việc nuôi trồng cây đời vậy!

Một môi trường sống thiếu vắng cả không gian và thời gian tuổi thơ là một môi trường sống đang bị “sa mạc hóa”, chẳng cần chờ đến biến đổi khí hậu thì môi trường sống ấy đã là đáng báo động, là không có tương lai tốt đẹp cho việc “ trăm năm trồng người”!

Trước khi bàn đến các mục tiêu cao xa xây dựng “con người XHCN” phát triển toàn diện với “ thuộc tính CNXH”, có các phẩm hạnh đặc biệt nếu đem so sánh còn cao cả hơn những con người khác ở phần còn lại của thế giới., xin hãy bắt đầu từ một việc cụ thể và căn bản của mỗi xã hội : Đó là xây dựng cho được một văn hóa ở, môi trường sống của người Việt sao cho ngang bằng, cho xứng đáng với phẩm hạnh làm người bình dị nhất.

Hãy trả lại cho con trẻ tuổi thơ mà chúng ta đang lấy mất của chúng, hãy để cho chúng được lớn lên phù hợp với lứa tuổi, bản ngã và được làm người tự do và hạnh phúc!

Con trẻ trong môi trường sống nhân văn, gắn kêt với tự nhiên và cộng đồng, được là chính mình, đấy mới có thể là điểm khởi đầu cho một nền giáo dục chân chính xứng đáng với con người.

Cải cách giáo dục có thể bắt đầu từ đâu nếu không có các tiền đề căn bản về con người với những giá trị nhân bản từ chính môi trường sống của họ?

Mong rằng sẽ bớt đi câu hỏi “ Ai là kẻ có lỗi ở đây?” bởi con trẻ và sự nghiệp giáo dục hình thành nhân cách làm người của chúng là môt quá trình rất phức hợp liên quan đến tất cả người lớn chúng ta, không chừa một ai!

Còn nếu theo văn hóa “đổ lỗi “ của người Việt thì tốt nhất ông trời mới là nguyên nhân gây ra tất cả, cần bắt lỗi ông ta theo kiểu “ Ông đã sinh ra voi, sao không sinh ra cỏ ?” vậy!

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bàn thêm về mối quan hệ giữa trí thức và nhân cách

    15/06/2020Vương Trí NhànGiữa con người và nhân cách có sự khác nhau: một bên là sản phẩm tự nhiên (ta hay nói ai cũng là một con người), còn bên kia là sản phẩm của quá trình tự đào luyện với sự giúp đỡ cửa lý trí sáng suốt. Nói cách khác: người ta không sinh ra đã là một nhân cách, người ta chỉ trở thành một nhân cách...
  • Nhân cách tuyệt chủng

    08/04/2020Dương Ngọc DũngChúng ta không thấy rằng hiện nay một hệ thống giá trị để giúp cá nhân định hướng sự phát triển tinh thần không tồn tại hay nếu có tồn tại cũng chỉ là một hình ảnh già nua, mờ nhạt, một kỷ niệm hơn là một động lực mạnh mẽ khuyến khích cá nhân tự thăng tiến theo một chiều hướng tích cực...
  • Ngành GD có thể làm gì để cứu vãn nhân cách Việt?

    12/04/2017Võ Thị HảoTự nhiên cho ra lò những công dân chính trực và hồn nhiên, thấy nóng thì biết bảo rằng nóng và ngược lại - đó là trách nhiệm và những điều ngành giáo dục có thể làm mà không tốn kém và không phải chờ đợi ai.
  • Nhìn lại việc giáo dục nhân cách cho sinh viên

    08/09/2016GS. Tương LaiNếu trong một thời gian dài, lòng trung thành được nói đến nhiều hơn sự trung thực thì đã đến lúc cần xếp lại vị trí ưu tiên cho cái cần được chăm lo bồi dưỡng, “cái đang thiếu”! Mà nếu thiếu cái gì đó, thì “cái còn lại còn gì là đáng giá” kể cả lòng trung thành!
  • Từ kiến thức đến nhân cách

    20/10/2015Vương Trí NhànCái vấn đề đặt ra chung quanh khái niệm người trí thức vốn khá đa dạng. Ở một số nước, người ta nhấn mạnh lương tâm trách nhiệm con người trí thức trước xã hội. Ở một số nước khác, người ta thích bàn đến mối quan hệ giữa tự do và phục vụ, dấn thân và "xây tháp ngà" để làm khoa học. Riêng ở Việt Nam, theo ý chúng tôi, trong nhiều trường hợp, câu chuyện nhân cách vẫn nổi lên rõ rệt hơn cả...
  • Bản năng, văn hóa và nhân cách

    19/09/2013TS. Hồ Bá ThâmBản năng và văn hóa là một vấn đề rất quan trọng, như một cặp phạm trù, một quan hệ tất yếu phổ biến trong quá trình tiến hóa, tha hóa và phát triển của con ngừời, của nhân cách có ý nghĩa phương pháp luận triết học nhân văn rất sâu sắc còn ít được nghiên cứu sâu, có hệ thống...
  • Vài kết quả về điều tra nhân cách người thành đạt theo phương pháp NEO PI-R

    29/02/2008Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta đều nhận thấy mỗi người một khác không ai giống ai và sự khác nhau này thể hiện ra từ những hình thức đơn sơ nhất. Mục đích của thuyết 5 nhân tố (Five Factor Model) là nhằm "quan sát người khác, ghi chép lại những sự khác biệt giữa các cá nhân đó"...
  • Giáo dục nhân cách sáng tạo và phát triển bền vững

    09/09/2006Vũ Minh TâmNhân cách sáng tạo là một phẩm chất phát triển của con người, trong đó con người, thông qua hoạt động sống của mình, tạo nên những giá trị tinh thần, giá trị vật chất có tính mới về chất đối với nhu cầu và lợi ích của sự phát triển xã hội. Bản chất con người vốn có khả năng sáng tạo, song, tiềm lực này có được "thực tế hóa" hay không, lại phụ thuộc vào điều kiện xã hội, giáo dục cộng đồng và ý thức cá nhân...
  • Giá trị đạo đức truyền thống và những yêu cầu đạo đức đối với nhân cách con người Việt Nam hiện nay

    10/08/2006Cao Thu HằngNhững giá trị tinh thần và đặc điểm của nhân cách con người Việt Nam có nguồn gốc sâu xa và bắt nguồn từ những hoàn cảnh địa lý, môi trường tự nhiên, lịch sử và xã hội...
  • Về nhân cách lý tưởng của thời đại kinh tế tri thức

    20/12/2005Viễn Phố dịch từ tài liệu tiếng TrungBài viết nói về nhân cách lý tưởng trong thời đại kinh tế tri thức, trong đó vạch rõ nhân cách đó do nguyên tắc sản xuất xã hội của thời đại kinh tế tri thức quyết định và thể hiện yêu cầu của nguyên tắc đó. Do vậy nhân cách lý tưởng của thời đại kinh tế tri thức phải vừa đề cao lý tính lại vừa thấm đượm tinh thần nhân văn.
  • Đi tìm nhân cách người Việt Nam

    05/01/2004KS. Trần Quốc KhảiThực sự mới ra khỏi chiến tranh hơn chục năm nay, người Việt Nam vẫn sống trong hào quang của chiến thắng. Kém về thể lực và trí lực, cộng với niềm tự kiêu đôi khi không tỉnh táo, thế hệ trẻ Việt tuy đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bứt phá trong tương lai, nhưng chỉ số nhân cách của người Việt Nam hiện đại đang ở đâu? Dưới kết quả nghiên cứu khoa học về nhân văn trên cơ sở vật lý và toán học, câu trả lời ấy là...
  • xem toàn bộ