Mèo trong tục ngữ

10:18 SA @ Thứ Ba - 01 Tháng Hai, 2011

Mèo, con vật nuôi thân thiện trong nhà và cũng là con vật được dân gian hình tượng hóa nhiều vào ca dao, tục ngữ, ví như:

Ăn nhạt mới biết thương tới mèo: Ngụ ý người ta có lâm cảnh khổ thì mới biết thương người không may mắn bằng mình.
Ăn nhỏ nhẹ như mèo: là ăn từ tốn, từng miếng một. Phụ nữ ăn nhỏ nhẹ được khen là có nết. Nhưng đàn ông ăn như mèo thì bị coi người thiếu sinh khí, sức mạnh.
Buộc cổ mèo, treo cổ chó: Nói kẻ hà tiện, có tính bủn xỉn.
Chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào: Nghĩa là mỗi người đều có sở trường riêng của người ấy, chưa chắc ai đã hơn ai.
Chó giữ nhà, mèo bắt chuột: ý nói ai cũng có nghề nghiệp chuyên môn của mình, đừng tị nạnh nhau và cũng đừng can thiệp vào việc của nhau.
Chó chê mèo lắm lông: Phê phán kẻ không thấy lỗi mình, mà chỉ thấy lỗi người.
Chuột gặm chân mèo: Làm một việc liều lĩnh, nguy hiểm.
Chửi chó mắng mèo: Tỏ vẻ tức giận người khác bằng cách chửi mắng vu vơ.


Đá mèo, quèo chó: Bực mình vì sự việc khác nhưng lại trút bực tức sang những người xung quanh yếu thế hơn mình.
Giấu như mèo giấu cứt: Chê những người có ý giấu giếm những điều không cần thiết.
Hùm mất hươu hơn mèo mất thịt: Cái mất của người có địa vị cao thì càng đau khổ hơn người ở địa vị thấp.
Im ỉm như mèo ăn vụng: ám chỉ những kẻ cố tình che giấu tội lỗi bằng cách im lặng tuyệt đối, hoặc những kẻ hễ thấy lợi là giấu giếm hưởng một mình, không cho ai hay biết.
Không có chó bắt mèo ăn cứt: Phải dùng một người trong một việc không đúng với sở trường, khả năng của người đó.
Lèo nhèo như mèo vật đống rơm: Nói dai, nói đi nói lại để nài xin.
Lôi thôi như mèo sổ chuột: Chỉ sự thẫn thờ, ngơ ngác của người đang tiếc rẻ, vì trót lầm lỡ một dịp may nào đó.


Mèo cào không xẻ vách vôi: Ngụ ý khuyên trước khi làm việc gì phải tự lượng sức mình, cố gắng cho lắm cũng vô ích.
Mèo con bắt chuột cống: Chỉ người trẻ tuổi tài cao, làm được việc mà nhiều người lớn làm không nổi.
Mèo già hóa cáo: Ngụ ý người già sống lâu nên đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu. Cũng còn nghĩa là người mới đầu làm việc gì thì rụt rè nhút nhát, nhưng ở lâu năm thì tinh ma ranh mãnh.
Mèo già lại thua gan chuột nhắt: ý nói người lớn tuổi thì không còn bạo gan như kẻ thanh niên.
Mèo hoang lại gặp chó hoang/ Anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai: Chỉ những kẻ vô lại mới kết bè tựu đảng với nhau.
Mèo khen mèo dài đuôi: Tự đề cao, khen ngợi mình.


Mèo làm ai nỡ cắt tai/ Gái kia chồng rẫy khoe tài làm chi?: Chỉ những người đàn bà bị chồng che, chồng bỏ vì hư đốn, phải về nhà cha mẹ ruột, thay vì chỉ còn biết âm thầm sống đến già, không mong được ai cưới hỏi nữa, nhưng lại khoa trương nọ kia để củng cố danh giá mình.
Mèo lành chẳng ở mả/ Ả lành chẳng ở hàng cơm: Chê người đàn bà ngày hai bữa cứ ăn cơm hàng cháo chợ, không lo chợ búa cơm nước cho gia đình, đó là tính xấu, tính hư.
Mèo mả gà đồng: Ám chỉ hạng người vô lại, trai trộm cướp, gái lăng loàn khiến ai cũng khinh ghét.
Mèo mù móc cống: Chỉ những kẻ không còn phương kế sinh nhai.
Mèo mù vớ cá rán: Vận may bất ngờ đến với kẻ nghèo hèn đang túng quẫn.
Mèo bé bắt chuột con: Khuyên hãy biết liệu sức mình mà đảm đương công việc. Tài hèn sức mọn mà ham đảm trách việc lớn thì chỉ chuốc lấy thất bại thôi.
Mèo tha miếng thịt xôn xao/ Hùm tha con lợn thì nào thấy chi: Nghĩa bóng nói đến kẻ có quyền hành làm việc sai trái thì không sao, trong khi kẻ dưới bị trừng phạt nặng.
Mèo vật đụn rơm: Chỉ kẻ tài thô trí thiển, làm việc không có ý nghĩa.
Mỡ để miệng mèo: Ý nói đặt trước mặt người ta một thứ gì mà người ta đang mong muốn, thèm khát, đó là hành động sơ sểnh, dễ bị tước đoạt.
Như mèo thấy mỡ: Giễu người tỏ vẻ hăm hở trước thứ gì mình thèm muốn.
Tiu nghỉu như mèo cắt tai: Ý nói vì thất vọng nên buồn rầu lắm, không muốn nói năng, không muốn làm gì.
Rình như mèo rình chuột: Sự kiên nhẫn, siêng năng cho đến khi được việc mới thôi.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cảm nhận triết lý tục ngữ, ca dao

    10/10/2014Song PhanTheo một lối suy ngẫm nào đó, có thể coi những thể ngữ ca dao đọng lại cho đến bây giờ là kết quả của vô vàn những cuộc tuyển chọn, nên thường là những điều người hôm nay vẫn tâm đắc, gật gù, thấy chúng. nghiệm đúng với mình. Thế là chúng mang tính triết lý. Triết lý chẳng qua là những kinh nghiệm sống, nghiệm đúng nhiều trường hợp. Nghiệm đúng càng nhiều thì triết lý càng nâng cao...
  • Về vấn đề giải nghĩa Tục ngữ

    25/08/2010Nguyễn Đức DươngChúng ta có một gia tài tục ngữ thật đồ sộ với khoảng trên dưới năm sáu nghìn đơn vị. Lý thú hơn nữa là hầu như đơn vị nào trong cái di sản đó cũng đều mang dáng dấp một châm ngôn, truyền đạt một triết lý đậm đà chất hiền minh dân gian, và cũng đều được diễn đạt bằng những phương tiện ngôn từ vốn làm nên những tinh hoa của tiếng Việt. Cái khối ngữ liệu bề thế và quý giá cả về nội dung lẫn hình thức ấy, tiếc thay, hiện vẫn đang bị lãng phí một cách oan uổng, vì tới tận bây giờ hàng loạt câu hết sức thông dụng vẫn chưa được thuyết minh ngữ nghĩa đủ minh xác...
  • Đối đáp bằng tục ngữ Con Trâu

    25/01/2009Thủy TậpCó hai vợ chồng nhà nọ hồi nhỏ là mục đồng, lớn lên đều theo nghề lái trâu, nên tục ngữ về con trâu rất... giàu. Mới 28 tết, mà anh chồng đã say khướt, đi đâu gần nửa đêm mới về, bị chị vợ “phang” cho...
  • Tìm hiểu những yếu tố triết học (hay triết lý dân gian) trong tục ngữ Việt Nam

    24/03/2006Vũ HùngTục ngữ và triết học là hai lĩnh vực, hai hiện tượng ý thức xã hội khác nhau. Tục ngữ thuộc lĩnh vực nghệ thuật, là một thể loại folklore, còn triết học thuộc lĩnh vực khoa học, là khoa học về thế giới quan và phương pháp luận. Tri thức của tục ngữ là tri thức dân gian, được rút ra trên cơ sở quan sát và miêu tả cái cụ thể, đó là những tri thức kinh nghiệm, những "lẽ phải thông thường"...
  • Triết lý dân tộc Việt Nam qua tục ngữ

    10/03/2006Võ Thu TịnhTheo các nhà biên khảo thì các câu tục ngữ là một "quyển sách khôn, một kho tàng kinh nghiệm và hiểu biết về vũ trụ và về nhân sinh" giúp cho dân gian ta "có được một tri thức thông thường để làm ăn và cư xử ở đời"...
  • Tiêu chí kiểm định đạo đức con người qua tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam

    02/11/2005Lê Huy ThựcTục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam là kết quả lao động sáng tạo, thể hiện những tài triết lý sâu sắc được đúc rút từ thực tiễn của cha ông ta. Chúng ta thấy trong đó chứa đựng nhiều việc cụ thể, hoặc nhận thức cảm tính và suy luận… Mặc dù vậy, tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam cũng thừa nhận rằng, việc kiểm định đạo đức con người không phải là dễ dàng, đơn giản; song không phải vì thế mà ý nghĩa của tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam giảm đi, mà trái lại, càng nói lên giá trị hiện thực của loại hình văn học độc đáo này...
  • xem toàn bộ