Lời xông đất

01:19 CH @ Chủ Nhật - 06 Tháng Hai, 2011

I. Cuối thế kỷ XIX, Nietzsche đã làm xôn xao giới tư tưởng đương thời vì một lời tuyên bố dứt khoát và quyết liệt: Thượng Đế đã chết!

Mặc dầu Nietzsche là một trong số ít những triết gia mà tôi đặc biệt kính trọng, tôi cũng buộc phải bất đồng ý kiến với ông.

Nietzsche không hiểu rằng mặc dầu là một quy định hết sức ngặt nghèo và phần nào tàn nhẫn cái chết quyền uy tối thượng chỉ có khả năng làm luật đối với những chủ thể hiện sinh. Thượng Đế ở ngoài phạm vi chế ngự của luật đó không phải vì ông là đáng chí tôn mà chỉ đơn giản là vì ông chưa bao giờ xuất hiện.

Chưa ai được xem mặt Thượng Đế.

Sức mạnh bất diệt của Thượng Đế nằm ở chỗ ông hiện diện ở mọi nơi mọi lúc mà chưa từng xuất hiện bằng xương bằng thịt ở bất cứ địa chỉ cụ thể nào.

Thượng Đế không có tên đăng ký trong tất cả các sổ hộ khẩu thường trú (kể cả KT3).

Tuy Thượng Đế chưa bao giờ xuất hiện (mà cũng chẳng biết ông ta có tồn tại hay không) nhưng lại tối cần thiết đối với loài người.

Tôi xin gạch dưới mấy từ loài người.

Mặc dầu số lượng sách đọc tuy không thể nói là nhiều nhưng cũng không đến nỗi ít trong dằng dặc cuộc đời làm chữ của mình, tôi cũng chưa từng thấy có đại gia nào đề cập đến nhu cầu Thượng Đế của loài vật.

Có lẽ vì cuộc đời loài vật là ở phía sau của loài người là ở phía trước. Không phải không có lý do mà các nhà triết học hiện sinh từ Kierkegaard qua Heiderger đến Sartre thường đặc biệt nhấn mạnh đến khái niệm phóng sinh (không phải theo nghĩa nhà Phật mà theo nghĩa dự án (project) của một Bộ Kế hoạch đầu tư siêu cao cấp nào đó).

Văn hóa loài người hình như bắt đầu với sự ra đời của thời tương lai.

Chính thời tương lai là môi trường thân thiện nhất cho sự ra đời của Thượng Đế.

Kafka đã viết một câu tối nghĩa và phức hợp đến giờ người ta vẫn chưa lý giải xong:

Đấng cứu thế sẽ chỉ xuất hiện sau khi ngươi tới – Đấng cứu thế sẽ không tới vào ngày cuối cùng mà vào ngày hôm sau”.

Thượng Đế tồn tại và cần thiết như một hy vọng, một bến hẹn trong hải trình dông gió đầy bất trắc và đơn lẻ của kiếp người.

Thượng Đế thường “đến hẹn lại lên” nhưng bao giờ cũng trễ giờ thậm chí cả vào lúc ngày hội bắt đầu rã đám.

Có thể nói cả nhân loại đều ít nhiều thất tình Thượng Đế.

Hy vọng là thứ lương thực tinh thần cũng thiết yếu như các thứ lương thực vật chất khác của con người.

Loài người có thể chết đói vì thiếu Thượng Đế, loài vật thì không.

*
* *

Tôi đã bỏ mấy chục năm mà vẫn không dịch nổi hai câu thơ “cực kỳ” của Appollinaire khi ông đứng trên cầu Mirabeau xem nước chảy.

Khổng Tử ngày trước khi nhìn dòng nước chảy cũng có một câu thật hay:
“Ôi! Cứ trôi chảy như thế này mãi ru”

Nhưng nó không “độc” như của nhà thơ người Pháp

Comme la vie est lente
Et comme l’espérance est violente

Mắt chữ (nhãn từ) của hai câu thơ này nằm trong tính từ violente. Tính từ này gồm hai ngữ tố violcó nghĩa là cưỡng hiếp, xâm hại và lentchậm chạp.

Tạm dịch nghĩa:
Cuộc đời lừ đừ trôi
Hy vọng thì dữ dội

Quá xoàng và hiền lành. Làm sao diễn đạt nổi bản chất hy vọng thường quyết liệt và dữ dội như một tình yêu ngoài luồng!!!

*
* *

II. Chúng ta có một thói quen không tốt là ít thực hành tư duy khái niệm, tức là ít bận tâm đến chiều sâu, lật đi lật lại tìm hiểu kỹ những tầng nghĩa của chữ. Nói một cách hình ảnh hơn chúng ta thường quen khai thác ngữ nghĩa lộ thiên hơn là khai thác hầm lò.

Trong lôgich người ta gọi phép ăn sổi nghĩa đó là “phép tư duy huyền thoại”, nó thường dẫn đến những loại suy hấp dẫn và lầm lẫn.

Ví dụ: khi các đoàn Olympic học sinh của ta đạt được những giải cao trong các cuộc thi quốc tế, nhiều người trong chúng ta vội vàng “kết luận” về giới trẻ của ta thông minh vượt trội nhất “Đông Nam Á”, rằng cách đào tạo của ta là ưu việt hàng đầu… Chúng ta quên mất rằng người ta có thể đi từ những dữ kiện rất đúng, đến những kết luận loại suy rất sai.

Trong giới truyền thông thường lưu truyền câu nói cửa miệng “những con số biết nói” mà không lưu ý rằng những con số cũng “biết nói dối”, vì thế mà trong chương trình phát triển giới tri thức nước ta trong thời hạn năm mười năm tới có người đã dự kiến đào tạo 20.000 tiến sĩ (!!!) mà không để thời giờ phân tích từ tiến sĩ như một khái niệm học thuật. Không nên quên rằng một từ dùng trong ngôn ngữ hàng ngày và một từ chuyên dùng (nghĩa là khái niệm) nội dung có thể khác nhau “một trời một vực”.

Chính vì tư duy huyền thoại mà nhiều người trong chúng ta còn dễ bị mê hoặc bởi sự hào nhoáng của một số mỹ từ như “giải thưởng quốc tế”, “du học”, “viện sĩ Mỹ” (giá rẻ từ 100 đến 200 đô một ông), “thần dược”…

Một nhà thơ già đã gọi chúng là “những từ mẹ mìn dụ dỗ con gái nhà lành bán sang bên kia biên giới của sự tỉnh táo”.

Kể cũng hơi quá nhưng không phải hoàn toàn không có lý do.

*
* *

Từ nhà thơ trẻ là một từ lưỡng cư phức hợp vì nó phát nghĩa trên hai mặt bằng tự nhiên và văn hóa. Nhà thơ trẻ lẽ tự nhiên là người còn trẻ. Tuổi trẻ cho họ những ưu thế tự nhiên đối với những thế hệ khác (ví dụ: tính năng động, tính táo bạo, dễ hấp thụ cái mới…) Nhưng nhà thơ trẻ không phải tự nhiên có được tiếng nói thơ trẻ (điều này thuộc bình diện văn hóa).

Phần lớn các nhà thơ trẻ khởi đầu đều nói tiếng nói đã già (tôi rất thích từ “nhầu” của giới truyền hình) của cha ông. Họ phải học tập lao động rất công phu để trẻ tự tạo một tiếng nói riêng của mình. Và chỉ khi nào có tiếng nói riêng đó họ mới được coi là trưởng thành và đủ điều kiện tách hộ bố mẹ ra ở riêng.

Có những người trẻ đến già vẫn sống nương nhờ “phụ mẫu”.

Các thế hệ đàn anh phải thông cảm với họ, hết lòng khuyến khích họ có tiếng nói độc lập, tạo điều kiện cho họ sớm ra ở riêng thay bằng ne nét họ, bắt họ giống mình bằng những đòi hỏi quá khe khắt về truyền thống.

Truyền thống là để phát triển chứ không phải để tồn kho. Cải biên chỉ là một cách tiện nhất chứ không phải tốt nhất càng không phải duy nhất cho việc phát triển.

*
* *

Một trong những bi kịch của con người (đồng thời cũng là ưu điểm lớn nhất của họ) là xuất phát từ những kiến thức đã biết để tổ chức những kiến thức chưa biết (mà thiên hạ thường gọi là phát minh). Điều này có ưu điểm là bảo đảm tính liên tục của sự phát triển, nhưng kèm theo nó bao giờ cũng tồn tại rủi ro bảo thủ cũng như nguy cơ bỏ sót những cái độc đáo.

Kiến thức loài người không phát triển theo đường thẳng mà theo hình Kim tự tháp. Các thế hệ đàn anh phải có đức tính hy sinh “cúi đầu làm ngựa đứa nhi đồng” và lớp trẻ phải có can đảm “trèo lên vai” lớp đàn anh để nhìn “xa hơn, cao hơn”.

Nó không những đòi hỏi các nhà thơ trẻ phải nỗ lực học tập tu dưỡng mà còn đòi hỏi các đàn anh cũng phải nỗ lực họp tập tu dưỡng để đủ khả năng hiểu và giúp đỡ lớp trẻ.

Tôi xin phép được nhắc lại: Các thế hệ đàn anh tuyệt đối không nên áp đặt những kiến thức, những sở thích của mình (kể cả của đám đông đối với họ).

Viên Châu, một trà sư được các đệ tử hết lời ca ngợi trong việc lựa chọn bộ sưu tập trà. “Mọi thứ thế này ai mà chẳng thích. Rõ ràng là tiên sinh có khả năng thẩm mỹ hơn Lợi Hưu – Bộ sưu tập ấy cả ngàn người xem mới có lấy một người thích.” Viên Châu buồn rầu nói: “Điều đó chỉ chứng tỏ rằng tôi là một kẻ tầm thường phàm tục. Lợi Hưu dám chuộng những vật mà chỉ riêng một mình ông ấy thích, còn ta thì vô tình chiều theo ý thích của đa số. Sự thực, cả ngàn trà nhân mới có một người như Lợi Hưu” (Okakuro Kakyzo)

III. Một nhà thơ già có nói một câu rất đáng giá “Các nhà thơ trẻ được sự bảo trợ của Thượng Đế” vì cùng một họ tương lai.

Có điều là sự bảo trợ của Thượng Đế hẳn là khác xa với chế độ ô dù của xã hội loài người.

Chế độ ô dù trần gian tỷ lệ thuận với số lượng phong bì trong khi sự bảo trợ của Thượng Đế lại tỷ lệ thuận với nỗ lực tự tu dưỡng và thành tâm lao động của bản thân chủ thể.

Điều này được niêm yết minh bạch và công khai tại cửa tiếp dân của Nhà Trời.

“Hãy tự giúp rồi Thượng Đế sẽ giúp”.

*
* *

Các nhà thơ trẻ,

Nếu các bạn nỗ lực tu dưỡng và dốc lòng chữ, thế nào các bạn cũng có cơ may Thượng Đế đến thăm và phát ngôn qua miệng bạn.

Đúng. Các bạn đều có cơ may trúng tuyển M. C của Thượng Đế trong một lóe chớp đốn ngộ.

*
* *

Ôi được làm nhà thơ trẻ hạnh phúc biết bao!


LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Trò chuyện với nhà thơ Lão Thực

    09/12/2006Vũ Ngọc TiếnCó một thời ấu trĩ, hễ ai nhắc đến Hiện sinh còn bị chuốc vạ vào thân, đã kìm hãm sự phát triển văn học Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XX. Đáng tiếc, bước vào đổi mới, có một số người, để tỏ ra mình cấp tiến hơn các bạn viết, đã cố gồng cây bút lên cho có vẻ Hiện sinh, mà có khi Hiện sinh là gì họ còn chưa hiểu hết, sách Hiện sinh chắc gì đã đọc cho nghiêm túc. Ngược lại, có không ít người lại tỏ ra dị ứng, ác cảm với Hiện sinh. Triết học nào lập ra cũng vì con người, hướng dẫn con người đi tìm đến cội nguồn của hạnh phúc...
  • Nhà thơ trong thiên văn học

    11/10/2006
  • Nhà thơ - người thợ lành nghề hay nhà tiên tri?

    08/09/2005Những lý thuyết về thơ từ những thời kỳ xa xưa đều xoay quanh ý niệm nhà thơ như người thợ thủ công khéo léo, như nhà tiên tri đầy cảm hứng, hay như một sự kết hợp thế nào đó của cả hai. Trong thế giới cổ đại, từ “thơ” nguyên nghĩa là “chế tác”, và bao gồm mọi hình thái sáng tạo sinh sôi của con người – chế tác những cái hũ cũng như chế tác những bài thơ. Nhưng nó sớm mang ý nghĩa nghệ thuật “chế tác” văn chương, sự trình bày có tính chất tưởng tượng về hành động, tính cách, và cảm xúc con người – thông qua từ ngữ. “Sự chế tác” như vậy bao gồm những tác phẩm kịch, ...