Lê Thái Sơn, tranh và rác

09:23 SA @ Thứ Tư - 22 Tháng Bảy, 2015

Lê Thái Sơn có thể cười nói phơ phớ cả ngày về chuyện mỹ thuật, tranh pháo chẳng bao giờ chán. Sơn cũng sẵn sàng lên đường ngay tắp lự nếu biết ở đâu đó có một nguồn tranh mới cần bán, cần trao đổi...

Thậm chí chỉ đến để xem tranh thôi cũng được! Mê tranh kinh khủng! Đụng đến Sơn như đụng một cái mỏ ngầm về tranh.

Mới năm ngoái, tôi ra Hà Nội, khi Phan Huyền Thư gọi đến chơi ở công ty “làm phim thuê” của Thư trên phố Bà Triệu, tôi hẹn anh Trần Hùng - bạn rất thân của Sơn đến chè chén, hút thuốc lá vặt.

Ba anh em ngồi chơi một lúc anh bảo: “Thằng Sơn nó vừa bỏ vợ, Minh biết chưa?” Ngạc nhiên quá trời đất: "Em mới đi uống với nó. Có nghe nói gì đâu?...”.

“Chắc nó giấu đấy! Bỏ rồi! Hai đứa đang làm giấy tờ?”; “Vì lý do gì anh biết không?”; “Thì bức xúc! Vợ nó không hiểu chuyện tranh pháo của nó! Con vợ nó bảo ông đưa tiền đi mua rác về nhà! Chỉ một câu nói nó bỏ phát một...”.

Ôi tranh là tranh mà rác là rác! Nhưng cũng lắm khi tranh chính là rác mà rác chưa hẳn không phải là tranh! Trong cái nghề sưu tập tranh phiêu phỏng nổi nênh thực hư này ma ma phật phật chẳng biết đường nào mà lần!

Sơn đã trót lỡ theo con đường này buồn vui bát nháo nghiệp chướng đủ cả nhưng nói phũ như lời vợ thì đau đớn quá!

Đàn bà mấy ai hiểu cho Sơn được. Mê tranh đến đờ dại, lú lẫn. Nếu phải chọn giữa tranh và vợ chắc Sơn sẽ chọn tranh.

Sơn có hai cô con gái xinh đẹp như hoa nhưng chưa bao giờ mình thấy Sơn khoe, chỉ khen vừa mua được tranh đẹp! Cái chuyện gia đình thành ra thứ yếu!

Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, rất thành công trong kinh doanh mua bán hóa chất, thì đột nhiên Sơn quyết định dừng hẳn, để toàn tâm toàn lực vào sưu tập chuyện tranh.

Sơn đi lê la từ sáng đến chiều, từ khuya đến tối mịt mới mò về nhà. Sơn có nhiều nhà.

Một căn ở Cộng Hòa, một căn ở quận 2. Và sau này là căn trên đường Phạm Ngọc Thạch (đều ở TPHCM) mà mua được Sơn rất ưa ý tuy hơi nhỏ. - “Cái căn ở quận 2 mấy lần Sơn định xây thành một gallery. Đã nhờ một kiến trúc sư trẻ là con trai của nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân vẽ thiết kế mấy lần. Bản vẽ được vẽ đi vẽ lại cuối cùng vứt xó. “Mình làm sưu tập tranh mà ở mấy cái hóc bò tó xem cũng khó coi! - Sơn nói - Khách hàng muốn giao dịch hay anh em đến xem tranh thì cứ phải ở khu trung tâm...”.

Sơn đi từ sáng đến tối là nhưng gặp gỡ toàn bọn báo chí văn nghệ để nói chuyện tranh pháo. Thường thì hay đến cà phê sang trọng trên đường Ngô Thời Nhiệm quận 3.

Ở đó gần cái sàn giao dịch chứng khoán me mé phố Lê Ngô Cát. Thuận một công đôi việc. Vừa bàn chuyện tranh vừa nghe ngóng cổ phiếu lên xuống. Được giá thì bán, thấp giá thì mua. Và bao nhiêu tiền kiếm được thường đập hết vào tranh.

Nhà sưu tập tranh Lê Thái Sơn từ trần vào khoảng 23 giờ tối 26-7-2012 tại phòng tranh do đột quỵ trong sự bàng hoàng của người thân và bạn bè. Lê Thái Sơn sinh năm 1968, tốt nghiệp ĐH chuyên ngành Hóa, rồi trở thành một doanh nhân thành đạt và rất yêu hội họa. Anh đã có 15 năm sưu tập tranh, chủ yếu là ký họa chiến tranh và tác phẩm hội họa thời chiến.

Bộ sưu tập mà anh để lại có khoảng 500 tác phẩm.

Khổ thế! Nhiều lần Sơn chở tôi chạy loanh quanh thành phố ghé ngân hàng rút tiền. Sau đó hai thằng ôm một bọc lên xe hơi phóng đi lấy tranh. Cái nguồn tranh của Sơn cũng là “cái kho” tiềm ẩn thâm kinh bí sử.

Không biết nghe ở đâu, quan hệ thế nào mà hóc hẻm Sài Gòn này còn giữ tranh quí của ai, họa sĩ nào Sơn đều biết. Thế mới kinh! Khi Sơn mua căn nhà trên đường Phạm Ngọc Thạch - quận 3 thì gallery Thái Sơn ra đời và “tổng hành dinh” tranh pháo của Sơn lui về đây với mấy quán cà phê trước ngõ như Miss Sài Gòn, 69...

Cuộc sống nhiều thâm trầm hơn, đòn đau cũng lắm nên ít tranh luận ngợi ca hếch hoác như xưa. Nhiều khi Sơn gọi, tôi đến và thấy Sơn ngồi một mình buồn rầu với đống tranh.

Sơn “tử thủ” với tranh khi thị trường nhếch nhác biến loạn không còn ai đế ý gì đến hội với họa nữa! Cổ phiếu chết trước. Tranh từ từ ngất ngoải theo sau. Tôi ngồi im lặng. Cho Sơn bớt cô đơn.

Sơn có một cái xe hơi để đi oách ơi là oách thì đùng cái bán vèo vì mua tranh. Bộ tranh vẽ đề tài kháng chiến của Lưu Công Nhân.

“Tôi sẽ mua lại xe lúc khác! Còn bây giờ tiếp tục cần tiền để mua tranh cái đã! Tranh của danh họa, của các cụ không phải lúc nào mua cũng được! Còn xe thì lúc nào chả có!...”.

Nói rồi Sơn cười he he. Mắt xa xôi, buồn, buồn lắm. Nhưng rốt cuộc thấy Sơn có “tậu” lại con xe nào đâu! Bởi cái thị trường tranh Việt Nam như ma trơi. Có đó, mất đó! Lúc ẩn lúc hiện. Muốn sống được phải đi đêm, làm tranh giả, tranh chép để bán...

Thấy Sơn như chàng Đông Ki sốt đánh nhau với cối xay gió. Cái cách sống thẳng phơ của Sơn nhiều người yêu nhưng lắm kẻ ghét. Đặc biệt với những ai cùng làm nghề.

Vì với mỹ thuật, Sơn không chịu được sự giả dối và sao chép. Cho dù là sao chép “tinh tướng”, “tinh vi” đến đâu đi nữa! “Chẳng làm đếch gì với cái thứ đó! Ngoài việc bịp bợm lừa tiền người khác!..”.

Và Sơn cho rằng chính việc “đi đêm” của nhiều nhà sưu tập tranh có sự thông đồng của một vài họa sĩ “ăn mảnh” tranh bán được thì cứ chép dài dài.

Mỗi lần có dịp đi nước ngoài xem các triển lãm Art Singapore, tham gia hội chợ đấu giá tranh quốc tế của các nhà sưu tập Sotheby, Christie’s… trở về nước bao giờ Sơn cũng điện cho tôi mơ ước thế này thế nọ...

Ở gallery Thái Sơn ngoài tranh là các bộ sưu tập các cuốn sách, bài báo, bài viết nghiên cứu về tranh của các cây viết phê bình mỹ thuật nổi tiếng...?Nhiều lần để hiểu thêm về hội họa Sài Gòn trước 1975 tôi đã lục tìm tư liệu ở đây.

Nhiều người chỉ biết Sơn sưu tập tranh của các họa sĩ trong nước. Ít ai biết Sơn rất mê hội họa nước ngoài mà đặc biệt là tranh của Affandi. Affandi (1907 - 1990) là một trong những bậc thầy của mỹ thuật châu Á, trong số ít ỏi danh họa có tranh đấu giá cao ngất ngưởng ở Asean.

Ông theo trường phái ấn tượng Indonesia. Trong sưu tập của Sơn theo tôi biết là có tranh của họa sĩ này. Đây cũng là điều bí mật mà rất Sơn rất ít khi tiết lộ. Nghe đâu giá tranh Affandi vượt xa kỷ lục 500 ngàn đô.

Sơn mua được khi người ta bán đổ bán tháo cùng nhiều tranh khác mà Sơn vẫn hay đùa là “giá rác”! “Chơi tranh là phải tìm hiểu về tranh. Là phải biết giá trị của nó! - Sơn kể - Nhiều khi vàng ròng trong tay mà lại đem bán đi với giá đồng nát...

Nhưng cái thế giới màu sắc đường nét này cũng lạ lắm! Lắm khi như vật báu tìm người, quý cô tìm chủ. Không phải muốn là được! Và có nhiều tiền càng không được...”. Khi đưa tranh về được nhà Sơn đã điên dại vì sướng. Sơn đã làm các trích lục xung quanh bức tranh.

Liên lạc qua mạng với bảo tàng danh họa Affandi ở Indonesia để kiểm tra và thực hiện các xác nhận chứng từ. Bước đầu nhân viên giám định bảo tàng xác nhận là có dấu hiệu đây là bức tranh của danh họa từ đường nét, phong cách ông vẽ.

Nhưng vì thời gian quá lâu và bức tranh bị hư hỏng khá nặng nên muốn làm các chứng thực tiếp theo phải đưa tranh qua Indonesia giám định trực tiếp và cũng phải tốn một khoảng tiền không nhỏ.

Sơn mất đột ngột không biết trong gia đình có ai biết được giá trị rất lớn từ bộ sưu tập của Sơn hay không? Nếu không giữ được, bán đổ bán tháo thì thật là uổng tiếc!...

Ngồi rưng rưng nhớ lại, khi tôi sinh đứa con đầu lòng, Sơn luôn quan tâm hỏi “Ông đã chuẩn bị được gì chưa?”. Cu Bo đầy tháng, thôi nôi Sơn không bao giờ quên có quà cho cháu.

Ngày tôi đón hai mẹ con từ nhà ngoại Xuân Lộc lên, Sơn đưa xe hơi bảo tài xế đi đón. Sơn làm những chuyện này nhẹ nhàng, tinh tế bạn bè khó mà từ chối được. Nói chung là chân thành.

Khi hội quán của một nhạc sĩ khá nổi ra đời có treo giới thiệu những bức tranh bảo là của họa sĩ Dương Bích Liên. Sơn đến và với con mắt nhà nghề đã phát hiện ngay đó là tranh giả. Sơn thất vọng - “Đây là hội quán trí thức! Trí thức tại sao lại treo tranh giả?...”.

Sau lần đó Sơn không bao giờ đến nữa! Đáng tiếc là ở hội quán ấy, các nhà nghiên cứu nghệ thuật, mỹ thuật tầm cỡ như vẫn vào ra nói chuyện thuyết trình vanh vách. Cứ xem những bức tranh kia là vô can. Chẳng ảnh hưởng gì đến mình.

Bộ sưu tập của Sơn cho đến ngày anh mất có khoảng 500 bức. Đó là một gia tài không nhỏ với một người ham mê “truy tầm” tranh trong vòng 10 năm. Tôi nhớ không nhầm, Sơn bắt đầu bước vào sưu tập năm 2002.

Sơn có nhiều kỷ niệm làm việc với các văn nghệ sĩ, tên tuổi cỡ “gộc” của Việt Nam. Anh đang tập hợp bộ Nhật Ký Chiến Tranh gồm nhiều bức tranh từ sơn dầu, màu nước, ký họa, chân dung, chiến trường...

Sơn sưu tập của nhiều họa sĩ tên tuổi Bắc Nam vẽ về cuộc chiến thống nhất đất nước. Sơn ý thức một cách kỳ lạ về mảng tranh này. “Tại sao một đề tài hay như thế mà chưa có một nhà sưu tập nào ý thức để làm nhỉ? Đành rằng là tranh chiến tranh khó bán nhưng có tính lịch sử! Làm nghệ thuật đâu phải vì tiền...”.

Sơn nằm xuống không một lời trăn trối. Anh Trần Hùng điện thoại kể lại như sau. Đêm đó có một tiệc vui ở nhà anh Lưu Quốc Bình, con trai họa sĩ Lưu Công Nhân, gặp gỡ một số bạn bè văn nghệ Hà Nội vào.

Có cả Trần Huy Hoan, Dương Minh Long...Sơn không uống nhiều nhưng ngồi lâu. Đến khi về nhà đã 11 giờ. Loay hoay thế nào mở cửa gallery thì té ngã. Hàng xóm thấy gọi xe chở đưa bệnh viện. Nhưng có gì như định mệnh. Tất cả không kịp nữa!

Ngẫm lại cái thân gió bụi của Sơn sao mà khổ! Khi sống người đời nhìn vào ngỡ sung sướng! Nhà cửa, vợ đẹp, con khôn, tranh pháo, lên xe xuống ngựa... Khi nằm xuống không biết gửi thân vào đâu? Có mệnh hệ gì mà trước đó ly dị vợ, tranh không bán được, cổ phiếu đầu tư vào gần như tan nát...

Sơn nằm xuống xung quanh người thân đâu chả thấy chỉ thấy anh em văn nghệ... Mãi đến trưa hôm sau gia đình Sơn ngoài Ninh Bình vào quyết định đưa về Bắc, về quê để liệm. Ít ra Sơn còn có một chỗ nằm.

An Bình, Thủ Đức 3 giờ rạng sáng 27-7

Ghét kẻ hợm của

Một lần Sơn tâm sự: - “Bây giờ nhiều người giàu lắm ông ạ! Tiền như vỏ hến! Nhưng giàu tiền chứ không phải giàu văn hóa...?- Rồi Sơn thở dài: - Vừa rồi tôi tiếp xúc một nhân vật ở Hà Nội. Tay này có người giới thiệu đến xem tranh. Y nói muốn xem để mua 1 bức tranh như ý làm quà tặng. Rồi khi xem xong, y gạ, anh có muốn bán hết cả phòng tranh không? Ra giá đi, em “múc” một lần luôn thể...”.

Tự dưng tôi thấy giận kinh khủng. Ơ kìa, không lẽ vốn liếng tâm huyết của mình bao năm lọ mọ theo tranh pháo mà chỉ để một thằng có tiền hắn “múc sạch” một lần? Nghĩ lại thấy đau quá!...

Thời buổi gì kỳ lạ! Người nghèo thì dí sát đất không tìm thấy cái ăn mà có người giàu thì tít tận trời không thấy chốn để tiêu! Có phải cứ cái gì có tiền vứt ra là “múc” đâu? Nếu vì tiền thì tôi kinh doanh bao nhiêu thứ có lãi hơn nhiều chứ theo tranh làm gì? Tôi chỉ muốn tống tên hợm ấy một phát ra khỏi cửa...”.

Nguồn:Tiền Phong
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Phái đẹp qua hội họa

    08/03/2020Vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp hình thể và vị trí thiên nhiên mà tạo hoá đã ban tặng cùng thiên chức của người phụ nữ đã được đề cao và khai thác đến đỉnh điểm, để từ đó khẳng định và chứng minh một chân lý: Không có phụ nữ, không có nhân loại và cũng không thể có nền văn hoá – văn minh trên trái đất...
  • Hội họa trừu tượng 100 năm

    11/04/2016Nguyễn QuânRiêng hội họa trừu tượng ở Việt Nam, đến nay nhiều ý kiến vẫn tạm cho Tạ Tỵ (1921- 2004) là một họa sĩ tiền phong, khi những năm đầu của thập niên 1950 ông đã vẽ những bức tranh trừu tượng. Nếu cứ liệu về cột mốc này đúng, thì tính đến nay, hội họa trừu tượng Việt Nam đã có khoảng 60 năm lịch sử (?).
  • Mười kiệt tác hội họa đắt giá nhất mọi thời đại

    22/10/2009Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)Đây là tác phẩm hội hoạ được bán đấu giá cao nhất thế giới từ trước tới nay, hiện nay thuộc sở hữu của Chính phủ Áo. Bức tranh gây nhiều tranh cãi trong hơn một năm và sau đó được trao trả cho Áo sau một thời gian bị Đức quốc xã chiếm trong Thế chiến thứ hai. Bức tranh được danh hoạ Gustav Klimt vẽ vào năm 1907. Năm 2006, bức hoạ được Ronald S Lauder mua lại để làm tài sản thừa kế.
  • Sao hóa thân thành nhân vật hội họa

    09/08/2009Sự kỳ diệu của công nghệ số khiến nhiều người liên tưởng cứ như các danh hoạ Van Gogh, Raffaello, Paul Rubens... đang sống lại cầm bút vẽ nên các bức hoạ...
  • 100 năm hội họa trừu tượng

    14/04/2009Văn NgọcMột trong những bước ngoặt quan trọng của hội hoạ phương Tây vào những năm đầu của thế kỷ XX, là sự xuất hiện của những tác phẩm hội hoạ trừu tượng đầu tiên của : Picabia, Caoutchouc (1909), Kandinsky, Aquarelle abstraite (1910) ; Mondrian, Malevitch, Léger, Kupka, Magnelli (1911-1920), khẳng định sự tồn tại độc lập của chức năng thẩm mỹ đối với các chức năng khác của hội hoạ, như : chức năng thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật cái đẹp của thiên nhiên và hiện thực cuộc sống của con người, dưới các góc cạnh lịch sử, xã hội, đạo đức, tôn giáo, v.v.
  • Hội họa của nỗi u hoài

    11/11/2008Diên VỹHọa sĩ Thái Tuấn, một gương mặt lớn của hội họa Sài Gòn, đã ra đi vĩnh viễn ngày 26/09 vừa qua trong căn nhà nhỏ ông đã sống và vẽ từ khi rời Hà Nội vào Nam năm 1954.
  • xem toàn bộ