Lan man từ “Câu chuyện Tiên Lãng”

10:20 SA @ Chủ Nhật - 12 Tháng Hai, 2012
Câu chuyện thu hồi đất diễn ra tại một địa phương của thành phố Hải Phòng đang thu hút dư luận xã hội bởi vì nó liên quan đến một vấn đề nóng và sẽ còn nóng hơn khi Luật Đất đai được thông qua năm1993 sắp tròn 20 năm, thời điểm mà đến năm 2013 hạn giao đất đã hết đối với nhiều người sử dụng ...

“Câu chuyện Tiên Lãng” giống như một giọt nước làm tràn cốc nước và chắc chắn rồi sẽ đọng lại trong lịch sử giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ và đầy gian khó này.

Câu chuyện diễn ra tại một làng quê nhỏ bé và trong thực tế đã từng xảy ra ở rất nhiều nơi, những cuộc khiếu kiện liên quan đến đất đai có hoàn cảnh tương tự đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” của cả nước rồi. Nhưng có lẽ chỉ vì nó có mùi... thuốc súng gắn với hành vi manh động của người dân mới khiến cả xã hội giật mình. Người gây nổ đang chờ pháp luật xét xử, nhưng những người gây chuyện, ở đây là một số thành viên trong bộ máy công quyền địa phương, bước đầu đã bị xử lý như những người đã làm sai đối với luật pháp và xử tệ đối với dân...

Câu chuyện Tiên Lãng lúc này dường như râm ran ở mọi chốn. Mới đầu tuần này, ngay trên bàn tiệc đám cưới con của người bạn, tôi được nghe một cựu giám đốc công an của thủ đô, cũng nguyên là đại biểu Quốc hội kể lại một câu chuyện với một lời bình làm tôi nhớ mãi: “Thua dân thì có gì mà ngại”.

Ông kể, một lần ông phải huy động lực lượng để tổ chức cưỡng chế giải toả một khu đất để làm sân golf ở ngoại thành Hà Nội vào cái thời dân ta mới biết đến cái trò chơi sang trọng này, tức là cách nay đã ngoại chục năm rồi. Cũng bất ngờ, quân của ông gặp sự chống trả quyết liệt của dân địa phương bằng... những chiếc súng caosu làm bằng chạc ổi như lũ trẻ thời ông vẫn chơi, nhưng dùng... những mẩu dây thép gai cắt ra làm “đạn”. Thế là quân của ông cũng bị thương, xe cũng bị đốt.

Thấy tình hình căng hơn sự tưởng, nên ông lệnh cho quân rút lui để tìm hiểu thêm với lập luận “Thua dân thì có gì mà ngại”. Trước tình hình đó, một vị lãnh đạo cấp rất cao ra lệnh sớm bằng mọi cách phải tổ chức trấn áp để giữ kỷ cương. Nhưng cũng rất bất ngờ, vị lãnh đạo cao hơn, cao nhất nước hồi đó lại yêu cầu trước hết phải họp kiểm điểm vì sao lại để quan hệ giữa nhà nước với nhân dân đến cơ sự ấy và khiển trách một số người có trách nhiệm ở địa phương, đồng thời cử người tiếp cận với dân tìm giải pháp... Chỉ một thời gian ngắn sau đó, dân địa phương lại mở cờ giong trống “mời” chính quyền vào nhận đất khi mọi khúc mắc của dân đã được giải toả.

Câu chuyện tương tự cũng từng xảy ra hồi năm 1997 dân ở một số địa phương Thái Bình biểu tình và cũng nhờ người lãnh đạo sâu sát tiếp cận với dân nên không chỉ ổn định được tình hình mà còn làm sâu sắc hơn nhận thức về yêu cầu đấu tranh chống quan liêu cường hào trong bộ máy chính quyền có nguy cơ thoái hoá...


Bác Hồ tại lễ mừng Liên hiệp Quốc gia Phật tử tổ chức tại chùa Bà Đá, Hà Nội, ngày 5.1.1946.

Cũng đầu tuần này, dân làng Lim lại mở hội gây nhớ câu chuyện gần hai mươi năm trước. Đổi mới gây men cho lòng nhớ nhung quá khứ. Dân làng Lim nhớ tới ngôi đình làng hoành tráng đã bị Tây mang xe tăng về giật đổ rồi san bằng. Sau giải phóng, làng đã nghèo, chuyện đình chùa bị lẫn lộn với mê tín dị đoan nên không dựng lại được. Đất đình nằm sát đường cái, hợp tác xã đã đưa vào làm hiệu sách và cửa hàng bán phân lân phục vụ dân sinh.

Bước vào thời Đổi mới, dân muốn lập lại đình và chỉ muốn về chỗ cũ vì đất đình là thiêng, nhưng lãnh đạo địa phương muốn chuyển sang nơi khác vì đất ven lộ ngày càng có giá, lại đã có dự kiến gì đó rồi... nên quyết không trả. Trí dân cao, nên nhằm ngày sinh nhật Bác, các cụ trong làng dẫn đầu già trẻ, trai gái rước ảnh Bác Hồ đi quanh làng rồi dựng bàn thờ ngay tại đất cũ và cố thủ tại đó. Chính quyền từ làng đến xã rồi lên huyện, lên tỉnh biến việc làm của dân thành “bạo loạn”.

Dân khôn, không cho đám trai làng giữ đất dễ gây rắc rối mà huy động toàn ông già, bà cả, cựu chiến binh, hưu trí thay nhau vừa trực, vừa làm báo tường ca ngợi Bác Hồ và Đổi mới, vừa hát quan họ hay bình thơ... Chính quyền bao vây rồi báo cáo lên trên xin được giải toả. Bà con liền cho người ra Hà Nội đến Viện Sử học nơi tôi đang công tác xin công văn xác định đình Lim xưa có giá trị. Viện Sử ra văn bản xác nhận lại ủng hộ dân dựng lại đình trên đất gốc, còn tìm được ảnh cũ của Viện Viễn Đông Bác cổ khảo tả cho thấy đình xưa thật to và đẹp.

Văn bản của Viện Sử được dân làng Lim phóng thật to treo ở hiện trường làm chỗ dựa để tiếp tục giữ đất. Tết năm đó, dự hội Lim nhớ mãi cái cầu gỗ dân dựng để trèo qua bức tường bao quanh đất đình để khỏi phải phá khoá cửa ra vào, dễ bị vu là “phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa”. Dân đứng trên cầu gỗ vắt qua tường mà giao lưu quan họ... Nghe nói, trong đám người đến xem hội có cả người của các nhà lãnh đạo cấp cao cử đến điều tra và đánh giá tình hình... Bộ đội ở địa phương cũng được điều đến nhưng nghe đâu vị chỉ huy sau khi tiếp xúc với dân lại khuyên dân cố giữ đất đình nhưng đừng làm gì hại đến trật tự trị an...

Thế rồi không biết lệnh cấp trên như thế nào mà thấy lãnh đạo tỉnh, huyện, xã... lại vui vẻ bàn giao đất cho dân, rồi từng bước hỗ trợ, cùng dân dựng lại đình... Đến nay thì đình Lim đã trở nên khang trang hơn trước rất nhiều, lại được cấp thêm đất mở rộng có cả hồ nước, vườn hoa... Giữ tình xưa nghĩa cũ, hàng năm các cụ vẫn biếu chúng tôi trà sen và mời dự hội...


Cuộc họp báo về vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng ngày 7.2. Ảnh: TL

Cứ nghĩ đến “câu chuyện Tiên Lãng” lại nhớ đến “câu chuyện Kiến Thuỵ” cũng trên đất Hải Phòng, nhưng hơn ba chục năm về trước. Chính tại xã Đoàn Xá của huyện (khi đó gồm cả Đồ Sơn) khi tình hình làm ăn của hợp tác xã đã rơi tận đáy vì quản lý kém cỏi, dân đói và nghèo, chính thường vụ đảng uỷ xã đã bất chấp lệnh cấm của cấp trên cấp ruộng cho dân khoán chui, mà cũng chỉ dám giao 10% ruộng. Kết quả tốt trông thấy nhưng vẫn sợ cấp trên phát hiện.

Cấp trên là huyện tuy cũng sợ cấp tỉnh nhưng đưa ra chủ trương cán bộ “bám đội, lội đồng...” sâu sát nắm dân. Ông bí thư huyện về xã ngủ một đêm (20.4.1980), thấy được vấn đề nên đến ngày sinh nhật Bác năm đó (19.5.1980) ông “bật đèn xanh” cho xã bằng việc phát thẻ Đảng, những tấm thẻ đã bị ghim lại vì nghi ngờ xã “khoán chui”. Rôi bí thư huyện uỷ KiếnThuỵ, ngày 4.6 mạnh dạn ra chỉ thị giao khoán hẳn 50% số ruộng. Phản ứng dây chuyền lên cấp trên không phải là sự răn đe mà trái lại, bí thư và chủ tịch Thành phố xuống khảo sát rồi thì chỉ 3 tuần sau (27.6.1980) đã ra nghị quyết giao luôn cả 100% ruộng cho xã viên. Vì thế cùng với những đột phá của các địa phương khác mà đến ngày 13.1.1981, Ban Bí thư Trung ương đã ra được cái chỉ thị lịch sử gọi là “khoán 100”.

Hình như câu chuyện của hơn ba mươi năm trước ở Kiến Thuỵ lại khác ngược hoàn toàn với Tiên Lãng cũng của Hải Phòng hôm nay. Tôi phải đưa ra ngày tháng cụ thể không chỉ để “nói có sách mách có chứng” về sự việc mà còn muốn nói đến “tốc độ tư duy” của thế hệ lãnh đạo Hải Phòng ba mươi năm về trước, thế hệ đã từng thử lửa qua chiến tranh để mà suy ngẫm...

Thế rồi, lại Hải Phòng! Đầu tuần rồi, xem chương trình “Chào buổi sáng” của VTV1 bất ngờ có một tin ngắn về việc dân làng Hoà Liễu, cũng lại Kiến Thuỵ, cũng của thành phố Hải Phòng từ mười năm nay phục hồi một lễ hội cổ truyền của làng mình tổ chức sáu ngày Tết. Thấy dân làng kéo nhau ra đình, phía trước bàn thờ thành hoàng làng vẽ một cái vòng tròn. Thế rồi lần lượt các vị lãnh đạo trong làng, ngày xưa là ông chánh tổng hay lý trưởng, ông tiên chỉ hay các vị chức sắc, còn nay là bí thư, chủ tịch v.v... lần lượt bước vào cái vòng tròn với vẻ mặt nghiêm trang và thành khẩn khấn rằng sẽ không tham ô của công, hạch sách quấy nhiễu dân... và thề rằng nếu không làm được điều đó thì “thần linh đả tử”. Hay hơn nữa là không chỉ có quan thề mà dân cũng thề, đại ý sống cho ngay thẳng, đóng góp vào việc làng... Mới hay cái lý của người xưa rất là sâu sắc: họ không chỉ phòng “quan tham” mà còn phòng cả “dân gian”. Chính dân gian mới đẻ ra quan tham và quan tham khiến cho dân phải gian mới sống nổi...

Nói đến chuyện thề bồi lại nhớ đến những lời thề có trong lịch sử, từ những thời đại xa xưa vua quan đã kéo nhau ra các ngôi đền thiêng thề “trời chu đất diệt” những kẻ không trung hiếu với dân với nước. Lại kéo cả quân giặc xâm lược đã thua trận ra nơi linh thiêng mà thề cùng nhau giữ hoà hiếu, không gây chuyện binh đao... Lên Tân Trào trước ngôi đình di tích vẫn còn “hòn đá thề” cùng vết dao chém của cụ Hồ thay mặt Quốc dân đại hội đại biểu dõng dạc: “..Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề”. Thành nếp, lập Chính phủ mới, các thành viên cũng thề trước Quốc hội; ký hiệp ước với Tây, thấy dân lo cụ Hồ cũng ra trước Nhà hát Lớn: “Hồ Chí Minh thà chết chứ không bao giờ bán nước!”(7.3.1946)... Vì thế mà dân đã tin càng thêm tin tưởng, mà được dân tin thì việc gì khó mấy cũng làm được.

Để làm bằng chứng, xin gửi bạn đọc tấm hình chụp ngày 5.1.1946, nhân dự lễ mừng thành lập Liên hiệp Quốc gia do Phật tử tổ chức tại chùa Bà Đá, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần cùng đông đảo đai diện mọi đảng phái đến dự, đứng trước bàn thờ Phât tổ, Cụ Chủ tịch thay mặt tất cả khấn: “Đối với dân, ta đừng có làm trái ý dân... Nói hy sinh phấn đấu thì dễ, nhưng làm thì khó. Trước Phật đài tôn nghiêm, trước Quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần thiết, hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ”.

Vậy mà có lần ở Quốc hội tôi đưa ra đề nghị quan chức tuyên thệ (cũng là thề) trước dân khi nhận chức như Cụ Hồ và các bậc tiền bối, người của Chính phủ nói rằng lâu nay không giữ tập quán đó, Quốc hội lại chưa quy định nên chưa thể... Mới hay, trong mọi nguyên nhân, có cái lỗi ta không chịu học lại những bài học của lịch sử!


FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan lên tiếng về Tiên Lãng

    12/02/2012Vũ Khoan (nguyên Bí thư TƯ Đảng, nguyên Phó Thủ tướng)Vụ việc ở Tiên Lãng tưởng như chỉ mang tính địa phương nhưng lại rất điển hình, phản ánh nhiều điều đang diễn ra trong cả nước. Một phần nào đó nó phản ánh khá rõ nét những điều đã được Hội nghị Trung ương lần thứ Tư khóa XI họp đúng dịp này nêu ra và nó cần được xử lý đúng theo tinh thần Nghị quyết của Hội nghị
  • Bài học về tổ chức xã hội trên nền tảng luật pháp

    11/02/2012PGS. TS. Nguyễn Ngọc ĐiệnCó một hiện tượng dường như không bình thường phát sinh từ vụ cưỡng chế
    thu hồi đất ở Tiên Lãng: người có hành vi chống trả dẫn đến thương tích
    cho nhân viên công lực lại đang nhận được từ công luận sự cảm thông,
    chia sẻ, hơn là sự phê phán, trách móc...
  • Vấn đề xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân

    09/02/2012Trần Trung ThựcHằng năm chúng ta Chào mừng Quốc khánh vào ngày 2 tháng 9 với niềm tự
    hào về sự kiện ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Nhà nước công
    nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Niềm tự hào ấy không mang tính hình thức mà
    là bản chất của Nhà nước của dân, do dân và vì dân...
  • Cơ chế đang tạo kẽ hở tham nhũng

    08/02/2012Nguyễn Tuấn thực hiệnGS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng, pháp luật và thực thi pháp luật về đất đai đang có những bất cập, kẽ hở cho tham nhũng từ đất đai ngày càng lớn hơn...
  • Trường ca về anh Đoàn Văn Vươn: NỖI ĐAU NƠI ĐẦU SÓNG

    03/02/2012Hồ Bá ThâmAi về Cống Rộc Tiên Lãng quê tôi
    “Tri huyện” ra tay cưỡng chế rồi
    Huy động hàng trăm quân khiếp quá
    Thời nào đây hỡi, phải cái thời?
  • Từ sự kiện Tiên Lãng, nhớ lại và suy ngẫm

    02/02/2012GS. Tương LaiGiờ đây, trước sự kiện Tiên Lãng vừa xảy ra mở đầu cho năm 2012 gây bức xúc trong dư luận, nhìn lại “Sự kiện Thái Bình” năm 1997 để suy ngẫm càng thấy rõ cái logic tất yếu của sự bùng nổ từ những nung nấu tiềm ẩn trong đời sống nông thôn và trong tâm trạng của người nông dân bị đẩy đến bước đường cùng.
  • Giải thưởng Fields và cánh đồng Tiên Lãng

    01/02/2012Hạ AnhTrở về Việt Nam những ngày đầu năm 2012, ở tuổi 40 - độ tuổi giới hạn cuối cho giải thưởng quốc tế về toán học Fields, GS Ngô Bảo Châu đã thổi bùng cuộc tranh luận về "trí thức" trên các trang mạng...

  • Nhân vụ Tiên Lãng bàn về công vụ

    31/01/2012GS. TS. Toán Hoàng Xuân PhúHai tiếng “công vụ” cứ lặp lại, vang lên như tiếng chuông dồn dập trong buổi chiều tà, khi cái ác hoành hành, nhân danh công vụ để ức hiếp dân lành, khiến tâm hồn bất an, lương tri bứt rứt. Vì vậy tôi phải gạt bao việc cần kíp sang một bên để viết bài này...
  • Ý kiến của luật sư Ngô Ngọc Trai về vụ Đoàn Văn Vươn

    31/01/2012Luật sư Ngô Ngọc TraiLà một luật sư đã tham gia giải quyết nhiều vụ việc thu hồi đất, tôi xin phân tích chỉ ra một số quy định bất cập trong hệ thống các quy định về thu hồi đất hiện nay. Bài viết nêu lên trách nhiệm của Bộ tài nguyên và môi trường trong việc soạn thảo các văn bản trình chính phủ ban hành, và trách nhiệm của UBND huyện Tiên Lãng trong việc thực thi các quy định chính sách về đất đai. Mục đích là mong muốn chúng ta cùng nhìn rõ thực tại khách quan và chỉ ra những thiếu khuyết nào đưa đến những tệ trạng đó...
  • Trái lòng dân thì hại nước

    31/01/2012Lê Quý HiềnPhát biểu của luật sư Lê Đức Tiết: Chưa ở đâu tôi thấy có hố ngăn cách giữa người dân (cả người liên quan và không liên quan đến vụ việc) với cán bộ chính quyền lớn như ở Tiên Lãng lần này...
  • Vài câu hỏi về vụ Đoàn Văn Vươn

    29/01/2012TS. Nguyễn Quang ANăm 2012 mở đầu bằng một vụ cưỡng chế thu hồi đất tai họa. Tại cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, bốn công an và hai bộ đội tham gia thi hành cưỡng chế thu hồi đất ngày 5-1-2012 đã bị mìn tự tạo và súng săn của những người bị thu hồi đất làm trọng thương...
  • Tiền bạc, ruộng đồng, và... thân phận của người nông dân

    29/01/2012Nhà thơ Nguyễn Quang ThiềuVụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng đã cho thấy một cách xử lý bất hợp lý của chính quyền địa phương với người nông dân. Điều hệ trọng hơn là chính quyền đã không hiểu và không có cảm xúc về lịch sử và công lao của người nông dân với ruộng đồng của họ...
  • xem toàn bộ