Lâm chung di chiếu - bản di chúc ngót 1000 năm tuổi

05:39 CH @ Thứ Sáu - 27 Tháng Giêng, 2017
Con người ta, khi gần đất xa trời, thường viết di chúc để lại cho con cháu. Di chúc thể hiện ý chí, nguyện vọng, lời dặn dò, răn dạy của người sắp chết đối với người đang sống. Đó là những lời gửi gắm thiêng liêng mà thế hệ con cháu đời sau phải cố gắng thực hiện. Di chúc cũng không quên vấn đề phân chia tài sản của bố mẹ cho con cái, tránh tranh chấp, mâu thuẫn sau này.
Đó là di chúc của những thường dân.
.
Di chúc của những người đứng đầu đất nước thì quan trọng hơn nhiều, nó liên quan đến vận mệnh của một quốc gia, sự tồn vong của một triều đại.
Bản di chúc xưa nhất của một vị nguyên thủ quốc gia mà sử sách còn ghi lại được, đó là di chúc của vua Lý Nhân Tông, mà thời bấy giờ gọi là Lâm chung di chiếu. Lý Nhân Tông là vị vua thứ tư của triều Lý. Ngày nay đọc lại di chiếu của vua Lý Nhân Tông, ta không khỏi cảm động vì những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người đứng đầu đất nước đều hướng về dân, lo cho dân,trăn trở cùng vận mệnh của đất nước, sự tồn vong của triều đại. Nhà vua bình tĩnh đón nhận cái chết như một quy luật tất yếu ở đời, đã có sinh ắt phải có tử, không ai ra ngoài quy luật đó. Vì vậy mà phải bình thường hoá cái chết : Trẫm nghe, phàm các loài sinh vật, không loài nào không chết. Chết là số lớn của trời đất là lẽ đương nhiên của mọi vật(1). Có chân lý nào đơn giản hơn thế. Vì vậy cho nên ông căn dặn : Chôn cất hậu làm mất cơ nghiệp, để tang lâu làm tổn tính mệnh, trẫm không cho là phải. Ta ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết đi lại khiến cho thứ dân mặc áo sô gai, sớm tối khóc lóc,giảm ăn uống, bỏ cúng tế, làm cho lỗi ta thêm nặng, thiên hạ bảo ta là người thế nào! Sự nghiêm nhường giữ mình của nhà vua đến thế là cùng. Ông sợ quần thần và dân chúng vì lo tang mà vất vả, sợ đời sau đánh giá không hay về mình. Sự nghiệp cả đời ông, lo cho dân, cho nước, thiên hạ thái bình, biên thuỳ yên ổn, thế là thoả mãn lắm rồi, chết không còn gì phải ân hận: Trẫm xót phận tuổi thơ phải nối ngôi báu, ở trên các vương hầu, lúc nào cũng nghiêm kính sợ hãi. Đã 56 năm nay, nhờ anh linh của tổ tông, được Hoàng thiên phù hộ bốn biển yên lành, biên thuỳ không biến, chết mà được xếp sau các bậc Tiên quân là may lắm rồi, còn phải thương khóc làm gì? Ở đây, chính người chết lại đi an ủi người sống,thật là đặc biệt. Rồi ông nêu lên những phẩm chất tốt đẹp của người được ông chọn làm kế vị và gửi gắm con côi cho triều thần: Thái tử Dương Hoán tuổi đã tròn một kỷ (tức 12 tuổi), có nhiều đức độ, thông minh, thành thật, trung nghiêm, kính cẩn, có thể theo phép cũ của trẫm mà lên ngôi Hoàng đế. Nay kẻ ấu thơ chịu mệnh trời, nối thân ta, truyền nghiệp của ta, làm cho rộng lớn thêm công nghiệp thời trước. Nhưng cũng phải nhờ quan dân các ngươi một lòng giúp rập mới được.

Tượng vua Lý Nhân Tông tại đền Đô, Bắc Ninh
.
Cuối cùng, ông nhắc nhở cụ thể hơn về việc tang : Việc tang chỉ ba ngày bỏ áo trở, nên thôi thương khóc, việc chôn cất thì nên theo Hán Văn Đế, cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên để ta hầu bên cạnh Tiên đế. Đọc đến đây, ta lại nhớ đến di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng dặn về việc tang: “Chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi tổn hại đến thì giờ, tiền bạc của nhân dân”. Về việc chôn cất, Bác Hồ cũng di chúc lại rất cụ thể là hoả táng : “Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo và Ba Vì hình như có nhiều đồi tốt. Trên mộ nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi” (Trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Hà Nội, 1989). Ôi, các bậc vĩ nhân xưa cũng như nay, đến cái chết của bản thân mình cũng không muốn tốn kém phiền hà cho dân, làm sao cho dân được thuận lợi nhất.

Lý Nhân Tông (1066-1128) là con trưởng của Lý Thánh Tông, được lên ngôi vua từ năm 6 tuổi,ở ngôi được 56 năm (1072-1128) là vị vua nổi tiếng hiền minh. Ông lại được những vị tướng tài như Lý Thường Kiệt giúp rập, nên triều đại của ông nổi tiếng là triều đại võ công, văn trị. Bên ngoài thì đánh thắng giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, bên trong thì kinh tế phồn vinh, muôn dân no đủ. Chính ông là người lập ra trường Quốc tử giám (1076) và mở khoa thi chọn hiền tài đầu tiên ở nước ta (1075).

Một ngàn năm sau đọc lại di chiếu của Lý Nhân Tông càng thấy nổi bật lên tính chất nhân hậu, nhân văn cao cả của một vị vua luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, lúc nào cũng đau đáu đến muôn dân trăm họ. Vĩ đại thay mà cũng giản dị thay!
CHIẾU ĐỂ LẠI LÚC SẮP MẤT
(Dịch nghĩa từ bản chữ Nho)

Trẫm nghe: các giống sinh vật không giống nào không chết. Chết là số lớn của trời đất, là lẽ đương nhiên của muôn loài. Thế mà người đời không ai không ham sống, ghét chết. [Có người] chôn cất linh đình đến huỷ hoại cả cơ nghiệp; [có người] coi trọng việc tang chế đến hao tổn cả tính mệnh, trẫm rất không ưa. Trẫm đã ít đức, không làm gì cho trăm họ được yên đến khi chết đi lại bắt dân chúng mặc xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, để làm nặng thêm lỗi lầm của trẫm thì thiên hạ sẽ bảo trẫm là người như thế nào?

Trẫm vẫn sót vì tuổi nhỏ phải đảm đương ngôi báu lớn, ở trên các vương hầu, lúc nào cũng nghiêm kính sợ hãi, đến nay đã năm mươi sáu năm. Nhờ anh linh của tổ tông và hoàng thiên tin giúp nên bốn bể yên lành, biên thuỳ ít loạn, đến khi chết đi được dự đứng sau tiên đế là may lắm rồi, việc gì còn phải khóc thương!

Trẫm từ khi đi xem dân gặt hái đến nay, trong mình bỗng thấy không khỏe, bây giờ bệnh đã trầm trọng, sợ không kịp căn dặn đầy đủ, nên hãy thận trọng mà nói việc kế tự thôi! Thái tử Dương Hoán tuổi đã tròn mười hai, có độ lượng, thông minh, thành thực trung hậu, ôn hoà nghiêm kính, có thể theo phép cũ của trẫm, lên ngôi hoàng đế.

Này đứa trẻ thơ, con hãy vâng nhận mệnh ta, nối dõi thể thống, giữ gìn cơ nghiệp, làm rộng lớn thêm công đức của tiền nhân. Trẫm mong thần dân hết lòng phụ tá.

Hỡi ngươi Bá Ngọc, [ngươi] thực có phong độ người quân tử. Hãy sửa sang giáo mác để dự phòng những việc bất trắc, chớ làm sai mệnh trẫm, trẫm dù nhắm mắt cũng không ân hận gì.

Việc tang thì sau ba ngày nên bỏ áo trở, thôi khóc than. Chôn cất thì nên theo cách kiệm ước của Hán Văn Đế, không cần xây lăng tẩm riêng, hãy để trẫm được hầu bên cạnh tiên đế.

Than ôi! Mặt trời đã xế, tấc bóng khôn dừng; trăng trối mấy lời, nghìn năm vĩnh quyết!

Các ngươi nên thực lòng kính nghe lời trẫm, tỏ bày với các bậc vương công và bá cáo cho mọi người cùng biết.
(Nguyễn Đức Vân dịch)
.
Chú thích:
  • Những chữ in nghiêng là trích nguyên văn Di chiếu của vua Lý Nhân Tông ( trích Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, 2003, Tập 1, trang 454-455 )
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bản di chúc đặc biệt của một nhà triệu phú tại Washington D.C

    29/07/2015Hà Phương biên soạnBa mươi năm trước đây tại thủ đô Washington D.C, vợ của một nhà doanh nhân đã đánh rơi chiếc ví của cô ấy tại bệnh viện trong một đêm mùa đông. Nhà doanh nhân này rất lo lắng và quay lại bệnh viện để tìm ngay trong đêm đó, bởi vì trong chiếc ví không chỉ chứa 100.000 USD mà còn có cả các tài liệu marketing rất quan trọng...
  • Di chúc

    02/09/2014Lăng Đỉnh QuânChỉ vài chục dòng ngắn ngủi trong gia phả 3 đời gia đình họ Phương mà như lược lại lịch sử xã hội Trung Quốc suốt một thế kỷ, quả là bút pháp tài tình. Từ chỗ coi đạo làm trọng, rồi cuốn theo một lý tưởng cách mạng, cuối cùng là giật mình khi cơn lốc thời mở cửa hội nhập...
  • Di chúc

    23/01/2014Có một ông xẩm mù cao tuổi, ngón đàn của ông thật tuyệt diệu, nổi tiếng xa gần. Ông mang theo một đứa bé mù, đi hát rong kiếm sống, lang bạt khắp nơi...
  • Bác Hồ viết Di chúc

    17/05/2009Phạm Văn ĐồngTrong bản thảo viết tay của những lời dặn cuối cùng, mọi người chúng ta đều thấy có một số đoạn Bác để lại những dấu tích chứng tỏ Bác còn suy nghĩ, chưa phải đã thật hài lòng. Như Bác đã nói, Bác chỉ để lại mấy lời, như vậy những lời đó càng quan trọng và giàu ý nghĩa biết bao...