"Kinh doanh cũng không đơn giản là để kiếm tiền"
Theo ông Bạt, kinh doanh là một cách thức để con người xác lập địa vị xã hội. Sau hơn 20 năm đổi mới, người ta mới thấy giá trị doanh nhân.
Trước hết theo tôi kiếm tiền luôn là động cơ tối thiểu khi người ta tiến hành hoạt động kinh doanh. Nhưng nếu chỉ có vậy thì không còn gì để nói, ý nghĩa hoạt động kinh doanh nằm trong nội dung kinh doanh, cách thức kinh doanh và động cơ hoạt động kinh doanh.
Đối với tôi kinh doanh cũng không đơn giản là để kiếm tiền, đôi khi người ta phải giải thích hành vi của mình với đối tượng khác và khi sử dụng mục tiêu kiếm tiền để giải thích thì dễ dàng tìm được sự đồng thuận của những người liên quan như gia đình, bạn hữu. Nhưng tôi nghĩ rằng tiềm ẩn trong tâm lý các nhà kinh doanh thì không đơn giản như thế
Đôi khi người ta tìm kiếm sự độc lập bản thân. Ví dụ, các bạn trẻ tìm kiếm sự độc lập của bản thân với bố mẹ để thỏa mãn những nhu cầu của bản thân trong việc hoàn thiện các chức năng hay các nghĩa vụ gia đình và xã hội. Với những người kinh doanh thành công, tiền không phải là động cơ chính.
Ông Nguyễn Trần Bạt là Chủ tịch - TGĐ của InvestConsult Group, công ty chuyên về tư vấn pháp lý, tư vấn dự án... |
Vậy đâu là động cơ chính cho các nhà kinh doanh trên con đường trở thành doanh nhân thành đạt?
Tôi cho rằng kinh doanh cần được giải thích, hiểu sâu sắc hơn, cao quý hơn. Không phải chỉ một mình tôi, với nhiều người tiền không phải là động lực cơ bản để tạo ra sự nghiệp kinh doanh. Nếu là tiền thì buôn lậu kiếm tiền nhanh hơn, tham nhũng có tiền nhanh hơn là làm kinh doanh.
Động cơ trước tiền mới là động cơ chính, mới đủ sức để doanh nhân theo đuổi công việc lâu dài và tạo ra sự nghiệp. Nếu là tiền không thôi thì động cơ đó dễ bị bẻ gãy bởi sự mệt mỏi, sự tầm thường trong qua trình kiếm tiền.
Nhiều người giải thích tiền bạc là động lực chủ yếu, nhưng ngay cả họ cũng giải thích sai về chính họ. Họ định kinh doanh để kiếm tiền thì cũng vẫn là họ hiểu nhầm chính họ. Động cơ trước đó, làm nền tảng cho việc kiếm tiền không tiền chút nào. Họ đi kiếm tìm chỗ đứng trong xã hội, mà sự nghèo khổ, không có tiền khiến họ không xác lập địa vị xã hội của bản thân mình.
Đó là quan điểm của ông. Vậy lý do nào khiến ông nghĩ như vậy?
Bởi vì kinh nghiệm học vấn, kinh nghiệm hiểu biết có chất lượng hàn lâm, sự thiếu hụt văn hóa làm họ - những nhà kinh doanh - giải thích nhầm về chính họ. Hay tâm lý thích tiền một cách đơn giản, hời hợt của đời sống nên người ta nói một cách đãi bôi để thỏa mãn sự tò mò của người khác.
Tôi quen hầu hết nhà kinh doanh lớn của Việt Nam.Ví dụ anh Lê Văn Kiểm công ty Huy Hoàng, là người cùng tôi tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh. Có thể trong quá trình kiếm tiền anh ấy rất thành công, nhưng tôi không tin tiền là động lực cơ bản sâu xa cho quá trình kinh doanh của anh ấy.
Hay trường hợp anh Trương Gia Bình, cái mà tôi thường nghe thấy không phải là tiền. Anh ấy thường hỏi tôi liệu công nghiệp phần mềm có giữ được vị trí nào trong đời sống phát triển kinh tế xã hội Việt Nam hay không?
Tôi có thể khẳng định tiền không phải động lực cơ bản tạo ra doanh nghiệp và để chi phối hành vi kinh doanh. Tiền chỉ là yếu tố chi phối hành vi kinh doanh trong giai đoạn khó khăn, kinh doanh sơ đẳng ban đầu của cả quá trình trở thành doanh nhân thành đạt. Tinh thần doanh nhân không lấy tiền ra để giải thích được.
Ông có cho rằng kinh doanh là con đường đi tìm kiếm tự do của các doanh nhân?
Đương nhiên kinh doanh là con đường tìm kiếm tự do, nhưng không được hiểu khái niệm tự do đồng nghĩa với nghĩa phi nhà nước, phi chính trị hóa tất cả các ràng buộc xã hội đặt lên từng cá nhân
Kinh doanh là một cách thức để con người xác lập địa vị xã hội. Sau hơn 20 năm đổi mới, người ta mới thấy giá trị doanh nhân.
Cách đây 30 năm khi nói đến doanh nhân, người ta có thể gọi là vua nhựa, vua lốp nhưng xã hội vẫn tẩy chay bởi tâm lý vẫn là nhất sĩ, nhì nông.
Chính vì lẽ đó mà chúng ta vẫn thấy nhiều doanh nhân đi tìm kiếm bằng cấp một cách đơn giản, ngây thơ và hy vọng tìm kiếm vinh dự cá nhân, địa vị xã hội thông qua một số chứng chỉ. Đấy là rơi rớt của một quan niệm sai lầm về địa vị xã hội và giá trị của con người với xã hội
Những người có kinh nghiệm thật, khát vọng thật thì họ sẽ tìm đến học vấn thật. Khi có học vấn và có kinh nghiệm của học vấn thì bản thân hành vi của họ sẽ có chất lượng hàn lâm.
Đã đến lúc xã hội cần chấm dứt cách nhìn bằng cấp là chứng chỉ cơ bản cho giá trị hàn lâm. Tôi cũng là một ví dụ để khẳng định rằng bằng cấp không liên quan đến hiểu biết có chất lượng hàn lâm.
Tuy nhiên trong công ty của ông có rất nhiều người có trình độ, bằng cấp cao như tiến sĩ, thạc sĩ. Vậy ông có gặp khó khăn trong quản lý đội ngũ nhân viên có những chứng nhận về trình độ cao hơn mình không?
Thứ nhất tôi không đánh giá cao lắm và ngay từ đầu bằng cấp không giữ bất cứ địa vị có ích thực sự trong việc khẳng định giá trị cán bộ trong công ty của tôi
Chúng tôi từng có chuyên gia có 2 bằng tiến sỹ mà học ở những trường cao cấp như Cambridge chẳng hạn, nhưng đáng tiếc là chúng tôi không nhận thấy giá trị thực tế của họ
Có lẽ chất lượng hàn lâm được khẳng định từ cống hiến, từ những thỏa mãn đòi hỏi hằng ngày của đời sống công việc mới là cái chúng tôi cần.
Tôi chưa thấy có bất kỳ sự khó khăn nào trong việc sử dụng người có bằng cấp cao hơn tôi. Các cộng tác viên của tôi nhiều người là giáo sư, nhiều có một nửa thế kỷ là giáo sư, nhiều người từng giữ những địa vị rất cao trong đời sống, nhưng tôi không thấy khó khăn nào khi làm việc với họ.
Càng hiểu biết thì sự làm việc của tôi với họ càng dễ. Dễ ở đây không phải tôi giỏi hơn họ hay ngược lại mà do những người hiểu biết thực sự nói chuyện với nhau rất đơn giản. Chỉ những người giả hiểu biết mới khó khăn khi làm việc, trao đổi với nhau.
Nhiều người làm ông chủ cũng ra vẻ hiểu biết, dạy dỗ cấp dưới, lên gân, lên cốt. Với những người hiểu biết thực sự, người ta không chấp nhận những sự biểu diễn như vậy.
Sử dụng lao động trí thức có cái khó nếu anh không hiểu họ, anh không phải trí thức thật thì anh không biết cách lôi kéo giá trị bên trong họ.
Con tằm chỉ nhả tơ trong một số điều kiện nhất định.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh