Kinh tế chia sẻ chính là chủ nghĩa tư bản dựa trên đám đông?
Ngày 18/10/2018 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Trẻ đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nền kinh tế chia sẻ - Kinh nghiệm kinh doanh đắc nhân tâm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa” với các diễn giả được mời là ông Nguyễn Đình Thành – Giám đốc điều hành Công ty CSCI Indochina, ông Phạm Nam Long và bà Nguyễn Hoàng Anh – đồng sáng lập startup Abivin. Các diễn giả đã chia sẻ những góc nhìn thú vị và bổ ích về nền kinh tế chia sẻ...
Ông Phạm Nam Long và bà Nguyễn Hoàng Anh - các đồng sáng lập của Startup Abivin cùng ông Nguyễn Đình Thành - Giám đốc điều hành Công ty CSCI Indochina
Kinh tế chia sẻ thực sự bùng nổ trong thời đại vạn vật kết nối
Theo ông Nguyễn Đình Thành, chia sẻ không hề là khái niệm mới. Cụ thể như cho ai đó đi cùng xe, đón khách về căn hộ nhàn rỗi, làm những việc vặt cho ai đó… là những việc hết sức bình thường. Cái mới nằm ở chỗ, trong “kinh tế chia sẻ”, ta không giúp bạn bè miễn phí mà cung cấp dịch vụ cho người lạ để kiếm tiền cho mình.
Kinh tế chia sẻ đã thực sự bùng nổ trong thời đại Internet kết nối vạn vật. Đó là “chủ nghĩa tư bản dựa trên đám đông” như chuyên gia Arun Sundararajan – tác giả cuốn sách “Nền kinh tế chia sẻ - sự kết thúc của việc làm và sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản dựa trên đám đông”. Khi trao đổi thương mại ngang hàng làm phai mờ những ranh giới giữa cá nhân và chuyên nghiệp thì điều đó tác động ra sao lên nền kinh tế, xã hội và luật lệ của chính phủ?
Những thực tế của Uber, Grab và mới đây là GoViet cho thấy, bất cứ ai có nhu cầu đi taxi thay vì gọi điện thoại vào số tổng đài của một hãng taxi truyền thống nào đó đều có thể gọi được một chiếc xe đang rỗi khách đã đăng ký với Uber, Grab, GoViet ở gần mình nhất qua điện thoại thông minh và thực hiện hành trình dự kiến của mình với giá cả biết trước.
Những người chạy xe ôm bằng ứng dụng Grab trên điện thoại thông minh hiện rất đông đả
Kinh tế chia sẻ không chỉ thấy với các dịch vụ như Uber, Grab, GoViet về dịch vụ gọi xe mà còn với nhiều thứ khác như nhu cầu thuê phòng trọ, khách sạn, cho thuê vật dụng, làm thuê theo giờ… Với điện thoại thông minh trở nên phổ biến, bất kỳ ai sở hữu nó đều có thể tìm ra khách hàng và đối tượng cung cấp dịch vụ cho mình trong khoảng cách gần nhất.
Đương nhiên, điều có thể nhận thấy qua các dịch vụ như Uber, Grab, GoViet là họ phải tạo lập được đám đông khách hàng đi xe và cộng đồng những người có xe để cung cấp dịch vụ. Những kết nối giữa hai cộng đồng này sẽ tạo nên dịch vụ và công việc của Uber và Grab là cung cấp thuật toán để tự động tìm kiếm ra chiếc xe nào gần nhất đang rỗi khách cho khách hàng có nhu cầu.
Đương nhiên, Uber, Grab, GoViet sẽ thực sự cạnh tranh với các hãng taxi truyền thống bởi có thể gọi xe rất thuận tiện mọi nơi, mọi lúc. Song taxi truyền thống cũng không hề mất đi nhưng cũng chỉ trụ lại với những thương hiệu nổi tiếng, đẳng cấp. Tương tự, các dịch vụ tìm phòng trọ, khách sạn rẻ tiền trên mạng cũng không hề cạnh tranh với các khách sạn đẳng cấp bởi đây là phân khúc dành cho khách hàng sẵn sàng chi trả để được phục vụ với chất lượng cao.
Cơ hội cho các startup biết quản trị
Theo ông Phạm Nam Long, kinh tế chia sẻ chính là môi trường thuận lợi cho các bạn trẻ khởi nghiệp (startup). Trong các cấu thành của một startup có 3 yếu tố là công nghệ, quản trị và truyền thông sau khi có một ý tưởng kinh doanh rõ ràng. Tuy nhiên, công nghệ không phải là yếu tố quyết định bởi rất nhiều người đều có thể có ý tưởng độc đáo cho mình và đưa ra công nghệ để thực thi ý tưởng đó. Song điều mà các nhà đầu tư mạo hiểm có quyết định rót vốn vào các startup hay không phụ thuộc vào năng lực quản trị của chính các startup đó.
Qua kinh nghiệm thực tế của Abivin khi được Shark Dzung Nguyễn đầu tư 200.000 USD chính là năng lực quản trị vì công nghệ là do ông Nam Long chủ trì triển khai thực hiện nhưng việc quản trị phải là do bà Nguyễn Hoàng Anh thực hiện một cách chuyên nghiệp. Abivin hiện là một doanh nghiệp phát triển các giải pháp phân tích và tối ưu hóa dữ liệu cho những tập đoàn hàng đầu thế giới. Phần mềm quản lý vận tải tối ưu của Abivin gồm 2 thành phần chính: web app dành cho người quản lý và mobile app dành cho nhân viên giao hàng.
Một buổi tọa đàm về khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch tại Đại học Quốc gia Hà Nội
Nhận xét về phong trào khởi nghiệp mà Chính phủ đang kỳ vọng với lớp trẻ Việt Nam những năm gần đây, ông Nguyễn Đình Thành cho rằng, trước khi muốn thực sự làm chủ cho những khát vọng của chính mình thì nên phấn đấu trở thành những người luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các doanh nghiệp khác. Sau quá trình này, khi đã hội đủ các kiến thức cả về chuyên môn và quản trị thì bắt tay vào khởi nghiệp cho mình cũng chưa muộn. Và một lần nữa cũng phải nhắc lại, sự thành công hay không của các startup chính là yếu tố quản trị và đó chính là sự thuyết phục lớn nhất của các startup với các nhà đầu tư cho họ.
Riêng về yếu tố đắc nhân tâm, ông Nguyễn Đình Thành cho biết, trong nền kinh tế chia sẻ thì công nghệ không phải là tất cả mà mọi dịch vụ đều phải đem đến sự hài lòng cho khách hàng. Chính sự hài lòng của khách hàng sẽ là yếu tố quyết định để các dịch vụ trong nền kinh tế chia sẻ lớn mạnh và phát triển được thị trường của mình.
Một vài thông tin về các diễn giả: Ông Nguyễn Đình Thành là thạc sĩ quản trị văn hóa, tốt nghiệp ĐH Paris Dauphine (Pháp). Ông có kinh nghiệm trong các lĩnh vực truyền thông, marketing, văn hóa doanh nghiệp, xây dựng hình ảnh, tổ chức sự kiện, xây dựng thương hiệu... Ngoài ra, ông cũng là một dịch giả uy tín và là tác giả cuốn sách chuyên khảo về truyền thông "Thần thoại PR". Ông là diễn giả của nhiều chương trình truyền thông tại Hà Nội, TPHCM và là khách mời của nhiều chương trình truyền hình của VTV, VTC... Ông Phạm Nam Long từng là học sinh chuyên toán tại ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau đó đi du học tại Anh và từng đạt Huy chương đồng Tin học Quốc tế năm 2007 trong đội tuyển của nước Anh. Sau khi tốt nghiệp ngành Khoa học Máy tính tại ĐH Cambridge, ông từng làm việc cho Google trước khi về Việt Nam khởi nghiệp với công ty Abivin. Năm 2015, ông được lọt vào danh sách 30 gương mặt trẻ tiềm năng do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn. Bà Nguyễn Hoàng Anh từng học chuyên ngữ của ĐH Quốc gia Hà Nội. Sau đó, bà tốt nghiệp ngành Kinh doanh Quốc tế tại ĐH Đông Nam Phần Lan. Bà từng làm việc cho một công ty về dịch vụ logistics và công ty phần mềm có trụ sở chính tại Silicon Valley. Bà là đồng sáng lập công ty Abivin với ông Phạm Nam Long - chồng mình. |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015