Kiến thức giả
Hàng ngày chúng ta nghe báo chí nói nhiều về hàng giả: hàng hiệu giả, rau quả giả , thực phẩm giả… Nhưng ít thấy ai nói về kiến thức giả, dù rằng kiến thức giả là một hiện tượng lớn...
Trong pham vi bài này, chúng ta chỉ dùng các từ “kiến thức” và “giả” theo cách mọi người hay dùng hàng ngày, chẳng có gì đặc biệt cả. Cho nên, các bạn không nên nghĩ về hai từ này như là hai từ triết lý, vì triết lý đến tận cùng như triết lý Phật gia thì mọi kiến thức đều là giả. Hết chuyện nói.
Không biết chuyện mà cứ nói như là mình biết, đó là giả. (Và chữ “biết” trong câu này cũng là chữ tương đối ta dùng hàng ngày, không phải là chữ “biết” triết lý).
Hãy lướt qua các kiến thức giả ta thường thấy hàng ngày, theo mức độ lớn nhỏ ta thấy, lớn trước nhỏ sau:
1. Lảm nhảm các từ chính trị dù rằng mình biết là nó chẳng nghĩa lý gì trong thực tế, hoặc mình chẳng hiểu nó là gì.
Điều này thì ta thấy trên báo chí, diễn văn, và bài vờ có mùi chính trị trên Internet hàng ngày. Trong các nơi chứa kiến thức giả, thì chính trị là nơi có nhiều nhất. Vẹt nói rất nhiều.
2. Kế đến là các từ tôn giáo, nhất là các từ tôn giáo trong các bài viết chính trị.
Người viết thường là chẳng hiểu tí gì về các từ dùng, hoặc là cố tình dùng nó phản lại nghĩa nguyên thuỷ của nó.
3. Mở miệng ra là “Tử nói”, “Phật nói”, “Decartes nói,” “Pascal nói”… mà không biết rằng câu nói đó chẳng ăn nhập gì đến câu chuyện đang nói.
4. Nói chuyện theo công thức.
Nguyên một bài diễn văn hai tiếng đồng hồ, có thể chỉ là một con số zero to tướng, vì chỉ toàn là khẩu hiệu (chính trị) cộng lại, như là một công thức toán cộng, chẳng có nghĩa lý gì cả, người nghe chẳng nắm được điều gì cả ngoại trừ những khẩu hiệu và công thức rỗng tuếch nghe đã vài nghìn lần, như là: dân giàu nước mạnh xã hội công bằng văn minh, phát triển dân chủ cơ sở, nhân quyền nhân bản, tư bản xã hội, tự do kinh tế, kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tự do ngôn luận, dân chủ tự do, công bình bác ái… kiểu AQ đọc diễn văn. Như là dùng computer chọn các khẩu hiệu và công thức bẳng cách may rủi và ghép lại theo cách may rủi, sau đó lên cầm micro đọc. Lâu lâu có dịp tra tấn thiên hạ.
(Nói thì dễ rồi, nghe được năm này qua năm kia mới là siêu! Mà người nói có biết là họ nói vẹt không, hay là họ thực sự hiểu được họ nói gì, mà không ai khác thấy gì cả?).
5. Mới học được đâu đó vài ba chữ mới, xổ ngay ra một chùm,trong khi chính người nói cũng chưa thật sự hiểu được nó là gì, vì mới đọc được loáng thoáng đâu đó.
6. Thích xổ cổ ngữ và ngoại ngữ dù mình chưa hiểu đến nơi.
Trong văn hóa thế giới, đôi khi mình phải kèm theo ngoại ngữ để người đọc hiểu đúng ý mình, vì nói về một câu chuyện ở Đức chẳng hạn, thì một số từ tiếng Việt không đủ chính xác để diễn tả, phải kèm theo tiếng Đức. Đó là chuyện đương nhiên. Ở đây, ta chỉ muốn nói đến các vị thích xổ La Tinh, Hán ngữ, ngoại ngữ cho dù rằng mình chẳng hiểu được sâu xa chữ mình nói.
7. Biết chỉ được một tí, mà nói là biết nhiều.
Vi dụ: “Tôi chắc chắn chuyện này nó phải thế này”, thay vì: “Theo kinh nghiệm của tôi trong hai năm nay, thì chuyện này thường là thế này. Có ngoại lệ không thì tôi chưa được gặp.”
Hay là: “Kiến thức của thầy về việc này chỉ tới đó. Mai này em có thể học cao hơn và nghiên cứu cao hơn. Rồi lúc đó em cho thầy biết kết quả nghiên cứu của em.”
8. Cứ lôi các câu trong sách ra nói, nhất là sách cổ, mà chẳng hiểu gì hoặc chẳng giải thích rõ thêm được gì.
Đây là do lối học từ chương, học thuộc lòng như vẹt mà ra. Nếu không giải thích được cho người nghe, thì đó là vì mình dốt chứ không phải người nghe dốt. Làm ơn tôn trọng sự thông minh của người nghe, và thành thật với cái dốt của mình.
9. Nói mà không ai hiểu được mới giỏi.
Thường là người viết/nói cũng chẳng biết mình viết/nói gì. Nhưng như thế mới là thông thái!
Qui luật viết/nói ngày nay: Tôi viết cho bạn, hoặc nói với bạn, mà bạn không hiểu, thì đó là do tôi viết tồi nói tồi, chứ không phải vì bạn đọc tồi nghe tồi.
Kiểu kiến thức ngày xưa của các ông đồ nho nói chữ Hán dân quê không hiểu tí gì và phục sát đất, thời bán khai đó đã qua rồi. Ngày nay, anh nấu ăn mà tôi ăn không ngon là anh nấu tồi, chứ không phải tôi ăn tồi. Anh nói tôi không hiểu , đó là vì anh không biết nói, chứ không phải tôi không biết nghe.
Các bạn có thể thêm vào vài ví dụ nữa về vấn đề kiến thức giả.
.
Điều quan trọng ở đây là chúng ta cần thành thật.
Thành thật là khởi nguồn của trí tuệ.
Thành thật với chính mình để biết kiến thức của mình đến đâu, mình biết đến đâu, và đâu chưa biết.
Rồi thành thật với mọi người, biết đến đâu nói biết đến đó, điều gì chưa chắc thì nói là chưa chắc, điều gì chưa biết thì nói là chưa biết.
Chỉ một chữ “thành thật” thôi, có gì phức tạp đâu. Sao mà khó quá vậy? Sao mà nhiều vấn đề quá vậy?
Nếu chúng ta tiếp tục để kiến thức giả phát triển quá nhiều trên đất nước, kiến thức thật sẽ tiếp tục bị ngộp thở mà chết, như là cây tốt bị chết ngợp giữa đám cỏ hoang.
Các vị giáo chức bị buộc phải dạy các em những điều mình không tin hay chưa tin, vì mình chưa nắm vững vấn đề hoặc mình tin là nó sai, các vị có thể làm một bước trưởng thành tâm linh rất lớn cho đời mình, bằng cách nói với thủ trưởng: “Anh làm ơn cho tôi dạy môn khác, tôi thật là không thể tự dối lòng, huống hồ là dối các em.”
Làm được như vậy là Phật tâm đó! Đó là từ bi bác ái với học trò của mình, và tích cực đóng góp vào việc phát triển tương lai của tổ quốc.
Truyền bá kiến thức mình không tin, là truyền bá kiến thức giả. Đừng làm vậy, nhất là đối với các học trò nhỏ. Giáo dục giả là tội rất lớn với tổ quốc, và với Chúa Phật, vì đó là tích cực hủy hoại đầu óc tuổi trẻ.
Trí tuệ lệ thuộc vào thành thật. Và đôi khi, can đảm.
Chúc các bạn một ngày vui.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015