Không thể ngập ngừng, do dự giải phóng tư duy
- Cần một cương lĩnh xây dựng chế độ dân chủ nhân dân(Bùi Đức Lại)
- Vấn đề xây dựng nền dân chủ nhân dân ở Việt Nam và cải cách thiết chế dân chủ(TS. Hồ Bá Thâm)
- Nhà nước của dân, do dân, vì dân(theo tư tưởng Hồ Chí Minh)
- Để người dân thực hiện quyền giám sát cán bộ(LS Lưu Thị Bích Thu)
- Phát huy dân chủ để hạn chế lạm quyền, độc quyền
- Tham nhũng vật chất và tham nhũng tinh thần(Nguyễn Trần Bạt)
Bản thân Mác đã phải dùng đến chữ “nổi loạn chống lại cái cũ”, còn Lênin nói “phải thay đổi căn bản”. Hồ Chí Minh đã đề cập đến “xem xét lại”...
Để góp ý về dự thảo Cương lĩnh, tôi tự xác định cho mình một phương pháp tiếp cận có tính nguyên tắc sửa đổi, phát triển cương lĩnh:
- Nắm bắt đúng đòi hỏi thực tiễn của toàn dân tộc, đó là khởi nguồn sức mạnh của mọi đường lối chủ trương khác của Đảng cầm quyền.
- Nhìn vào tương lai, thích nghi với thế giới kinh tế tri thức và hội nhập ngày càng sâu, rộng, đi đôi với cạnh tranh ngày càng quyết liệt.
- Chỉ ghi vào Cương lĩnh những gì được thừa nhận là đường hướng chỉ đạo hành động, đã được thực tiễn trong nước hoặc thế giới chứng minh là hợp lý, tiến bộ; tránh đưa vào những vấn đề có thể gây tranh luận liên miên, tạo sự phân tâm trong xã hội.
Đã có nhiều vị góp ý thật tâm huyết, trong đó có nhiều tư duy tiến bộ, xây dựng, nhưng chưa thấy bóng dáng trong cương lĩnh chuẩn bị trình Đại hội.
Xin nêu bốn thách thức lớn, có liên quan mật thiết, cái nọ vừa là biểu hiện, vừa là nguyên nhân của cái kia, đồng thời phân tích nguyên nhân tổng quát và hệ quả.
Bốn thách thức lớn
1. Dân trí nâng cao, nhưng dân chủ vẫn hình thức, thụt lùi
Nhờ một loạt công cụ hiện đại mà người dân được tiếp xúc nhanh với nhiều nguồn kiến thức hiện đại (30% dân số sử dụng Internet, hệ số điện thoại so với dân số gần 1,8 lần). Tuồng như trình độ dân trí đã vượt xa mức độ dân chủ mà họ đang thụ hưởng, tuy có cải tiến, nhưng vẫn còn nhiều biểu hiện hạn chế dân chủ, hoặc dân chủ hình thức, cũ kỹ, nhàm chán, nói nhiều mà sửa không bao nhiêu; và cũng do đó, đã hình thành đòi hỏi là phải thực sự tôn trọng ý nguyện người dân và nâng cao trình độ dân chủ hóa quản lý mọi hoạt động xã hội, trước hết là trong Đảng.
Vì vậy điều tôi thích thú nhất trong dự thảo Cương lĩnh mới bổ sung, là trong mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” trước đây, thì nay đã đưa mục tiêu dân chủ lên trước công bằng, vì có dân chủ mới có thể có công bằng và mọi tiến bộ văn minh khác. Tôi nhận thức đó là một chuyển biến căn bản, một tiến bộ, một thắng lợi lớn trong nhận thức tư tưởng của Đảng ta, đáp ứng một đòi hỏi khách quan của xã hội, một xu thế của thời đại, là một quy luật của phát triển nhanh và bền vũng.
Tuy nhiên, với sự phát triển tư duy này, lại nảy sinh trong tôi một câu hỏi: Vì sao không chuyển hẳn mục tiêu Dân chủ này lên hàng đầu tiên, hình thành cách sắp xếp mới về mục tiêu là: “dân chủ, dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh”? Ai muốn chứng minh đó là xã hội chủ nghĩa, được; ai muốn coi đó là nhân chủ nhân dân, hay gì nữa, xin tùy ý, không tranh luận.
Vì có dân chủ thì mới có dân giàu và nước mạnh được, đây cũng đang là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống đương đại. Nếu dám mạnh dạn bổ sung, phát triển Cương lĩnh 2011 như vậy, Đại hội XI của Đảng sẽ thắng lợi trọn vẹn hơn, và sẽ được ghi vào lịch sử Đảng ta là một Đại hội của Dân chủ, như Đại hội VI đã được dư luận xã hội tôn vinh là Đại hội Đổi mới.
Thắng lợi mới này sẽ đẩy lùi nhận thức cũ kỹ trước đây cho rằng mở rộng dân chủ là quyền ban phát của nhà quản lý, của cấp trên, với lý do là vì dân trí còn thấp kém, nên phải hạn chế. Xin thưa dân trí đã luôn nhạy cảm với cái mới, năng động tìm tới cái hiệu quả hơn, còn quan trí thì thường rơi vào trạng thái trì trệ, xơ cứng, giáo điều, tự mãn, bảo thủ; cho nên có thể nói dân trí đã cao hơn quan trí rồi.
Hơn nữa, còn cần khẳng định việc thụ hưởng các quyền dân chủ không phải là hàm ơn, nhận sự ban phát của cấp trên, mà là quyền lợi đầu tiên, tối thượng của mỗi công dân, mà các cấp quản lý phải tôn trọng nghiêm chỉnh, với tư cách là người công bộc phục vụ ông chủ là người dân.
Ngay thời xa xưa, ông cha ta đã nói: “Dân vi quý, Quân vi khinh", hoặc "quan nhất thời, dân vạn đại”. Bác Hồ kính yêu, ngay trong Tuyên ngôn Độc lập và trong Hiến pháp đầu tiên đã thể hiện ý nguyện và quyền lợi chính đáng đó của người dân, cho nên tên nước đầu tiên năm 1945 là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (trong khi một loạt nước quanh ta, giành đôc lập sau ta còn e dè, lo sợ không dám dùng hai chữ DÂN CHỦ khi đặt tên nước họ).
Cần dân chủ hóa toàn bộ hoạt động quản lý xã hội, nhưng trước hết là trong sinh hoạt Đảng, bằng một loạt giải pháp, để tạo động lực mới cho sự phát triển toàn diện của đất nước, xin phép nói ở phần sau.
2. An dân hay phiền hà, nhũng nhiễu dân?
Nhiều sự việc khiến người dân cảm thấy những tình cảm, tâm tư, quyền lợi thiết thực của mình phản ảnh trên các phương tiện thông tin công cộng, và ngay cả trong các thư thỉnh nguyện vẫn bị coi thường, và thậm chí không có hồi âm. Nhiều khẩu hiệu đúng, đầy sức thuyết phục về lý thuyết, như “ý Đảng lòng dân”, “nhà nước của dân, do dân vì dân”, trong nhiều trường hợp chỉ còn là câu đầu lưỡi, nói vậy nhưng không vậy, lời nói và việc làm không đi đôi. “Thịnh quốc cốt ở an dân". Ngày nay, Đảng ta vẫn nói “Đảng với dân như cá với nước”, nhưng thực tế, sự gắn bó Đảng - Dân có thật như vậy không? Những điều đó khiến lòng dân không yên. Không những không yên, mà ở một bộ phận không nhỏ, còn âm ỷ mất lòng tin. Đáng coi đó là thách thức lớn nhất vì mất lòng tin của dân là mất tất cả; “đẩy thuyền là dân, mà lật thuyền cũng là dân”.
3. Cái bẫy “Thu nhập trung bình thấp” và gắn với thu nhập thấp là “nô lệ kiểu thực dân mới…” ngày càng rõ, do nhiều nguyên nhân (nói ở mục dưới, phần kinh tế), mà chỉ khi quyền dân chủ của mỗi người dân được tôn trọng tối đa mới có cơ hội vượt qua.
4. Tuy kinh tế có tăng trưởng nhanh, nhưng vẫn tụt hậu ngày càng xa hơn - cái nhục cần quyết tâm vượt, mà chưa thấy rõ triển vọng khắc phục.
Đường lối xây dựng kinh tế có nhiều bất cập (kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, hình thành khu công nghiệp, thí điểm tập đoàn kinh tế v.v... có nhiều khiếm khuyết, bàn nhiều mà chưa kịp thời điều chỉnh, hệ quả như sau:
a) thực chất nền kinh tế vẫn mang tính gia công, công nghệ lạc hậu và chậm tiến.
b) tuy đã tận thu mà ngân sách triền miên thiếu hụt và đã vượt mức an toàn.
c) xuất khẩu chủ yếu là nông sản chế biến thô, khoáng sản và lao động rẻ mạt, mất cân đối nghiêm trọng ở cấp vĩ mô, thể hiện ở GDP sản xuất ra chưa đủ sử dụng cho tích lũy và tiêu dùng trong nước, buộc phải nhập siêu khiến thâm hụt thương mại đến mức “ngập đầu”, liên tục vượt hai con số nhiều năm nay (trong đó trên 90% với TrungQuốc); nói lên sự lệ thuộc nặng nề vào nước ngoài không khác kinh tế thời thực dân mới.
d) môi trường ô nhiễm khủng khiếp, đe dọa tính bền vững của phát triển và trực tiếp đe dọa đời sống con người.
b) tuy đã tận thu mà ngân sách triền miên thiếu hụt và đã vượt mức an toàn.
c) xuất khẩu chủ yếu là nông sản chế biến thô, khoáng sản và lao động rẻ mạt, mất cân đối nghiêm trọng ở cấp vĩ mô, thể hiện ở GDP sản xuất ra chưa đủ sử dụng cho tích lũy và tiêu dùng trong nước, buộc phải nhập siêu khiến thâm hụt thương mại đến mức “ngập đầu”, liên tục vượt hai con số nhiều năm nay (trong đó trên 90% với TrungQuốc); nói lên sự lệ thuộc nặng nề vào nước ngoài không khác kinh tế thời thực dân mới.
d) môi trường ô nhiễm khủng khiếp, đe dọa tính bền vững của phát triển và trực tiếp đe dọa đời sống con người.
Bốn biểu hiện trên đây vừa là những đặc trưng của một quốc gia tuy có độc lập về chính trị, nhưng về thực chất vẫn đầy đủ tính thực dân địa kiểu mới, mà GS Stigtlitz (Nobel Kinh tế) đã nói, vừa đồng thời là nguyên nhân cái nhục tụt hậu vừa nói. Đây là những điều cảnh báo rất cần quan tâm, vì đã tụt hậu về kinh tế thì khó nói đến bảo vệ tính chủ động trong các quyết định chính trị.
Nguyên nhân tồn tại những thách thức đó đã rõ là chất lượng xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền theo yêu cầu dân chủ công khai, minh bạch chưa được quan tâm đúng mức; khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” vẫn chỉ dừng ở khẩu hiệu, xuất hiện những nhóm lợi ích, mọc lên những “liên minh ma quỷ” (như nhận định của David Dapice, GS ĐH Harvard) bất chấp lợi ích của dân tộc. Hệ quả là tuy thu nhập đầu người có khá hơn, nhưng chất lượng cuộc sống xuống cấp, khoảng cách giàu nghèo ngày càng doãng xa, đạo đức và an sinh xã hội sa sút nghiêm trọng… khó tìm thấy cái chất xã hội chủ nghĩa trong mọi quan hệ xã hội như mong muốn. Vì vậy, lòng tin đối với chế độ dân chủ, đối với ý thức tư tưởng xã hội chủ nghĩa đang được thử thách.
Nói tổng quát là Cương lĩnh của Đảng trước đây chưa đánh giá đầy đủ giá trị của dân chủ, chưa tôn trọng đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân ngay trên mảnh đất mà mình đang sống.
Chỉ với ý thức tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân mới tạo được sự đồng thuận cao, chất kết dính quy tụ hoạt động toàn dân tộc thành một khối thực sự vững mạnh, gắn bó, tự mình làm chủ, năng động, sáng tạo, quyết tâm lao lên phía trước, vì lợi ích của bản thân và toàn dân tộc mình. Mọi thách thức sẽ có cơ vượt qua, như Bác Hồ đã nói: “Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”.
"Nổi loạn chống cái cũ"
II. Xác định một số vấn đề đáng cân nhắc theo yêu cầu dân chủ hóa quản lý cần bổ sung Cương lĩnh.
1. Nền tảng tư tưởng của Đảng: Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tôi thích thú và đồng tình sâu sắc dự thảo Cương lĩnh nói: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vần đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác và Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, là di sản tư tưởng và lý luận vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.
Thiết tưởng khi đã khẳng định như dự thảo nói “Tư tưởng Hồ chí Minh là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo của chủ nghĩa Mác Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta” là đã quá đầy đủ và đề cao ý nghĩa Macxit-Leninit rồi, với ngụ ý có chọn lọc, giữ lại và phát triển cái tinh hoa cốt lõi nhất của chủ nghĩa Mác-Lê, vừa đủ ý, lại cô gọn, dễ nhớ.
Theo kinh nghiệm giải phóng tư duy của các nước, phải là cuộc giải phóng tư duy triệt để, không ngập ngừng, do dự, bản thân Mác đã phải dùng đến chữ “nổi loạn chống lại cái cũ”, còn Lênin nói “phải thay đổi căn bản” và Hồ Chí Minh đã đề cập cần “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó bằng dân tộc học Phương Đông”.
Như vậy là ta thấy các nhà kinh điển đã phê phán bệnh “thần thánh hóa” những kiến thức cũ đang suy đồi, đồng thời cảnh báo chúng ta về sự lạc hậu với cuộc sống. Còn Hồ Chủ tịch thì đặt rõ vấn để về cơ sở lịch sử của học thuyết Mác cần được xem xét lại bằng dân tộc học Phương Đông, ngay từ năm 1924, khi Người mới tiếp cận với học thuyết Mác.
Cần suy ngẫm về tấm gương Lênin, trên giường bệnh, đã truyền lại tình cảm da diết của mình, dũng cảm phủ định mình, thừa nhận phải “thay đổi căn bản” những quan niệm cũ về chủ nghĩa xã hội mà chính Người đã truyền bá. Rõ ràng là trí tuệ và thông minh tuyệt đỉnh!
Hai căn bệnh thần thánh hóa các học thuyết này nọ, do đó lạc hậu với cuộc sống, liên quan mật thiết, hợp lực với nhau tạo ra thế cằn cỗi, xơ cứng về tư duy chính trị (trong khi thế giới đang thay đổi cực nhanh) sẽ không thể bắt kịp những biến đổi nhanh chóng của thời cuộc, tụt hậu sau cuộc sống, hoặc bỏ lỡ thời cơ.
Nếu người đảng viên cứ bám lấy những kiến thức cũ xưa thì khó tránh khỏi lạc lõng và lạc điệu trong lòng người dân, khi trình độ dân trí và ý thức công dân của họ ngày càng tiến bộ, và đòi hỏi ở người đảng viên, người lãnh đạo ý thức công dân cao hơn, tinh thần dân tộc mạnh hơn để có những giải pháp trí tuệ hơn, thông minh hơn trong bảo vệ chủ quyền và xây dựng đất nước hùng mạnh.
2. Học gì trong tư duy dân chủ của Hồ Chí Minh?
Người tốt đã học thực tâm. Nhưng cũng có nhiều người học giả dối quá, họ rất giỏi "nói theo”, nhưng không "làm theo”, nói hay nhưng hành động kiểu thực dụng, tận dụng “thời cơ nhiệm kỳ”, vơ vét vun vén cá nhân, trái ngược với đạo đức và tư duy dân chủ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên nhắc nhở.
Nguyên tắc tập trung dân chủ đã biến tướng thành tập trung quan liêu, dân chủ giả hiệu, nên tệ tham nhũng, mua quan bán chức có môi trường phát triển.
Điều mà tôi thấy thấm thía, thích thú nhất theo tư duy dân chủ Hồ Chí Minh tập trung ở hai điều sau:
a) một là cái Tâm của Người: Toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân, đặt tên nước là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
b) hai là tầm nhìn xa, tầm nhìn chiến lược trong quá trình hoạt độngcủa Người, đổi tên Đảng: Đảng Lao động Việt Nam, để tranh thủ thêm dư luận quốc tế.
Những diễn biến trong và ngoài nước những năm tháng gần đây ngày càng chứng tỏ cả cái Tâm và cái Tầm, phương pháp tư duy dân chủ, cầu thị, biện chứng và trí tuệ thiên tài của Người.
Hạn chế lạm quyền, độc quyền
3. Tận dụng dân chủ để giám sát, hạn chế lạm quyền, độc quyền
Từ nhiều Đại hội trước, đã có ý kiến: Đại hội bầu trực tiếp Ban Kiểm tra, giám sát. Ban này ngang quyền Ban chấp hành TƯ, có chức năng kiểm tra từ Tổng Bí thư đến mọi cấp trách nhiệm trong Đảng, phát huy quyền dân chủ đầy đủ trong nội bộ Đảng. Vì sao trì hoãn mãi?
Thực tiễn đã cho thấy quá nhiều dẫn chứng: Chỗ nào thiếu kiểm tra, giám sát thì chỗ đó tất nhiên biến chất; lạm quyền, độc đoán sẽ hoành hành, đổ vỡ là khó tránh (PMU18, PCI, Vinashin, Nguyễn Trường Tô...).
Kinh nghiệm về sự đổ vỡ của Liên Xô cũng chứng minh có nguyên nhân ở chỗ hạn chế dân chủ, giảm quyền hạn của Ủy ban kiểm tra và Ủy ban Giám sát TƯ do Đại hội bầu ra theo chỉ đạo của Lênin tại Đại hội XI ĐCS Liên Xô năm 1922, có quyền kiểm tra, giám sát từ Tổng Bí thư đến Bộ Chính trị và cả Ban chấp hành TƯ.
Nhưng từ năm 1934, theo chỉ đạo của Stalin, hạn chế quyền dân chủ, Ban chỉ được kiểm tra giám sát cấp dưới, đã là nguyên nhân chủ yếu nẩy sinh những tệ nsùng bái, lạm quyền, thiếu dân chủ trong sinh hoạt Đảng, ngay từ cấp TƯ, mất lòng tin, cuối cùng dẫn đến sự đổ vỡ đã thấy.
Trong phạm vi toàn xã hội, để tăng cường sự giám sát thiết thực của nhân dân, cần xây dựng những hình thức tổ chức xã hội đủ quyền hạn giám sát hoạt động của Đảng và nhà nước, đúng theo tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Vì vậy, vấn đề xã hội dân sự cần được nghiên cứu hình thành trong thể chế chính trị sửa đổi Hiến pháp thời gian tới.
4. Dân chủ hóa phân phối, theo tinh thần khoan sức dân
Khoan sức dân thể hiện ở tỷ lệ ngân sách so với GDP. Chủ trương khoan sức dân đã được đề cập từ sau Đại hội VI, trong chiến lược tài chính quốc gia, chỉ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 20% GDP, theo thông lệ lịch sử và kinh nghiệm nhiều nước. Mục đích việc hạn chế huy động vào ngân sách nhà nước như trên nhằm để lại một nguồn GDP trong dân biến thành nguồn tài sản cải thiện đời sống và vốn tích lũy tái sản xuất ngày càng mở rộng.
Kinh nghiệm nước ta thời gian qua cũng đã chứng minh nguồn vốn trong tay nhân dân luôn được sử dụng hợp lý hơn, hiệu quả hơn trong tay công ty nhà nước, vì họ năng động hơn trong việc tạo dựng cơ hội kinh doanh, hơn nữa đồng tiền liền khúc ruột, tránh được phô trương lãng phí. Ngay trong khủng hoảng kinh tế vừa qua, những số liệu thực tiễn đã chứng minh hùng hồn ưu thế đó của đồng vốn tư nhân.
Rất tiếc là từ khoảng năm 2000 trở lại đây, tỷ lệ đó dần nâng lên 24 - 28% và đột xuất đến gần 30% năm 2006, gần gấp đôi so với nhiều nước.
Nguồn vốn tập trung vào ngân sách nhà nước đã lớn, lại bị quản lý lỏng lẻo, thiếu bàn bạc cân nhắc dân chủ ở cơ quan quyền lực tối cao là Quốc hội, nên kém hiệu quả, mà điển hình như Vinashin chỉ là một trong trăm ngàn ví dụ khác, đến mức Thanh tra nhà nước đã kết luận “thanh tra đâu cũng thấy sai lầm, gian lận…”.
Điều đáng trách nữa là việc phân bổ sử dụng ngân sách đã chưa đáp ứng nhu cầu bức thiết của việc chăm sóc con người, tiền lương tối thiểu không đủ sống lại nặng tính bình quân, hai ngành y tế và giáo dục chăm lo cho con người thường được xếp hạng cuối cùng.
Đã không thực hiện nghiêm túc chủ trương khoan sức dân, mà còn tăng học phí, tăng viện phí, sáng tạo ra hàng trăm hình thức huy động đóng góp, làm kiệt sức dân, đang góp phần làm mất lòng tin trong nhân dân.
Hy vọng Đại hội XI có chủ trương chặt chẽ, rõ ràng về khoan sức dân, tôn trọng quyền của nhân dân sử dụng tài sản của mình, coi đó là yếu tố chính trị cơ bản để an dân, lấy lại lòng tin để phát triển bền vững.
Đại hội của dân chủ
5. Nêu cao Dân chủ ngay trong Đại hội, hình thành một Đại hội của Dân chủ, mở đường xây dựng truyền thống dân chủ trong xã hội ta.
Nguyên tắc lớn nhất của dân chủ trong Đại hội là thông tin công khai những vần để cần tranh luận và cân nhắc ngay trong hội trường Đại hội, và tận dụng diễn đàn Đại hội để tranh luận dân chủ từ giới thiệu nhân sự, đến những tư tưởng chiến lược của phát triển.
Quy chế tiến hành Đại hội cần tạo môi trường tự do trao đổi thông tin giữa các đoàn, tạo khí thế tranh luận sôi động ngay trên Hội trường, để hình thành một Đại hội theo đúng nghĩa là Đại hội, chứ không phải là con số cộng của các tiểu hội (sinh hoạt theo đoàn hay tổ là chủ yếu). Tránh dân chủ hình thức khi đưa về từng đoàn nhỏ thảo luận để lẩn tránh những vấn đề gay cấn đáng phải tranh luận kỹ lưỡng tại hội trường Đại hội trước khi biểu quyết.
Bầu trực tiếp Tổng Bí thư là một chủ trương mới thể hiện mong muốn phát huy hơn nữa dân chủ trong Đại hội. Nhưng chỉ có dân chủ thực sự trong bầu cử với các điều kiện như sau:
i. công khai khuyến khích ứng cử,
ii. chỉ tổ chức bầu khi ít nhất có hai ứng cử viên để lựa chọn,
iii. mỗi ứng cử viên phải công khai trình bày chương trình hành động của mình về những vấn đề lớn của Đại hội, kèm theo là bản giới thiệu về kê khai tài sản của bản thân và gia đình, để mỗi đại biểu có thông tin đầy đủ khi lựa chọn.
Cần rất thận trọng xem xét các điều kiện trên, đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng về các tiêu chí cần thiết của người lãnh đạo (có tầm nhìn sáng tạo, đổi mới, bàn tay sạch, có trình độ tổ chức thực hiện v.v...) không rơi vào bầu cử dân chủ hình thức hoặc giả hiệu, để tránh hậu quả khó lường.
Cũng theo luồng tư duy dân chủ hóa mọi hoạt động của Đảng, nên chăng từ các Đại hội sau, nên chia thành hai đợt, đợt một chỉ thảo luận các văn kiện, để hình thành những tư duy mới, quan điểm mới, vừa tạo sự tập trung tư tưởng cho đại biểu, vừa để phát hiện những người sốt sắng đổi mới. Đợt hai mới bầu nhân sự mới, chọn trên cơ sở những ai tán thành đường lối mới, quan điểm mới; như vậy sẽ chắc chắn chọn được những người năng động, dám dấn thân vì cái mới, tiến bộ hơn, tránh được lệch lạc hiện nay là tuy đại hội có hai nhiệm vụ, nhưng thực tế các đại biểu phân tâm rất nhiều, chăm chú quan tâm bầu cử là chủ yếu.
Cuộc sống thực tiễn đang đòi hỏi Cương lĩnh vứt bỏ những kiến thức cũ không còn phù hợp thực tiễn, để tạo khả năng tiếp nhận những tư duy mới của cuộc sống thời đại mới, thời đại của dân chủ, của kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế. Hy vọng và chúc Đại hội mở ra một kỷ nguyên mới, thực sự là Đại hội của Dân chủ. Sự tồn tại và phồn vinh của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân tùy thuộc sự chuyển biến lịch sử này.
Nguồn:Vietnamnet
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá