Không có gì “khó nói”

09:16 CH @ Chủ Nhật - 11 Tháng Năm, 2008

Dư luận đang “nóng” với vụ “xì-căng-đan 100 triệu” ở Cà Mau. “Nóng” vì khoản tiền lớn này được ông Bí thư tỉnh ủy nói rõ là tiền “chạy chức” – một căn bệnh phổ biến nhưng “bắt tận tay, day tận trán” quả là chuyện hy hữu. Vấn đề đặt ra là tại sao việc công bố danh tính người đưa tiền lại thành chuyện “khó nói” đến như vậy? Làm sao để trị dứt điểm “căn bệnh” đã thành nhức nhối này?

Không phải đến thời cơ chế thị trường mới nảy sinh chuyện chạy chức, chạy quyền. Quan niệm về địa vị, nấc thang xã hội khá nặng nề đã nảy sinh nhiều chuyện dở khóc, dở cười kiểu “một miếng giữa làng”. Hơn thế, khi quyền lực đi liền với lợi ích, chuyện chạy vạy, xoay xỏa để có vị trí nhằm giành bổng lộc, “vinh thân, phì gia” càng nóng bỏng là điều dễ hiểu. Vấn đề là thái độ ứng xử của người “cầm cân, nảy mực” đã đủ nghiêm minh để bịt kín “lỗ hổng” đó hay không. Nhớ chuyện đời Trần, có người “chạy” cửa sau, cạy cục xin Thái sư Trần Thủ Độ chức “câu đương” – một vị trí nhỏ cai quản cấp làng xã bấy giờ. Đến lúc xét, Thái sư gọi người ấy lên mà bảo: “Ngươi vì có công chúa xin cho được làm câu đương nên không thể so với người khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt”. Người ấy sợ quá xin mãi mới được tha. Từ ấy, nạn chạy chức tiệt nọc, không còn ai dám đến xin xỏ nữa...

Thực chất việc đồng chí Bí thư Cà Mau trình báo tổ chức số tiền chạy chức, chạy quyền của cấp dưới là gì? Đó là biểu hiện của sự liêm khiết hay là trò mị dân? Hình như cái gì dù quý đến mấy thì đồng tiền cũng mua được!? Nếu mua chức, mua quyền kiểu vụ đó mọi tỉnh, mọi vị trí... thì thiên hạ đại loạn thật mất rồi!

Nói chuyện xưa để ngẫm chuyện nay. “Chạy chức” đang là một vấn nạn thật sự nguy hiểm, thậm chí đã thành căn bệnh trầm kha. Khi công tác “nhân sự” còn là chuyện bí mật, “khép kín”, thì quy trình tổ chức dù chặt chẽ đến đâu, vẫn có những khe hở do thiếu cơ chế công khai, minh bạch giám sát. Đó là mảnh đất để kẻ cơ hội phát huy “sở trường” chạy “cửa sau”, mà có người đã gọi đúng tên là lối “văn hóa nhanh chân”. Trong điều kiện hệ thống pháp lý chưa đồng bộ, công tác quy hoạch, bồi dưỡng còn bất cập, quy trình đề bạt thiếu thống nhất, việc chọn cán bộ cho xứng đáng phụ thuộc vào “cái tâm” và tầm vóc người lãnh đạo, nhất là lãnh đạo chủ chốt. Khi lãnh đạo hiểu thấu vai trò của công tác cán bộ, hiểu nỗi bức xúc của dân khi nhìn thấy những chuyện bổ nhiệm trái khoáy, chọn người, xếp ghế khiên cưỡng, thậm chí đậm màu “cơ chế thị trường”, chắc chắn công việc hệ trọng này sẽ được tiến hành nghiêm túc, khách quan hơn.

Người làm công tác cán bộ cũng phải có chính kiến rõ ràng, không bị ngả nghiêng vì những sức ép nào đó. Đã ý thức đặt việc công lên trên hết, không vì tình riêng làm lệch cán cân thì không có gì là “khó xử” hay “khó nói”. Thái độ đó thể hiện bản lĩnh, phẩm chất người “quân tử”, tấm lòng ngay thẳng, vì muôn dân mà lo việc lớn. Nếu người “đứng mũi chịu sào” biết học cái công tâm của các bậc tiền nhân, tuân thủ đúng quy trình, không thiên vị, chắc chắn sẽ không còn những vụ “chạy chức” làm dư luận bất bình như “điểm nóng” Cà Mau!

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lại chuyện văn hoá từ chức

    04/11/2010Hà Văn ThịnhChuyện ở xứ Hàn. Vì điên khùng bất chợt, một anh lính rút súng bắn chết 8 người. Ông bộ trưởng quốc phòng từ chức. Ông bộ trưởng không hề biết người lính ấy thuộc ông quản lý, có thể bị điên. Nhưng ông ta nghĩ, nhất định mình phải chịu trách nhiệm...
  • Những kịch bản thất thoát người tài

    12/06/2007Hải AnNhân tài là nguyên khí quốc gia. Thật đau lòng khi thấy đất nước, dân tộc đang để tuột khỏi tay những tài nguyên vô giá...
  • Nhân tài và sử dụng nhân tài

    18/04/2007Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupTrước khi bàn về việc làm thế nào để phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng nhân tài, cần xem xét lại quan niệm về nhân tài...
  • “Văn hóa nhanh chân”

    17/04/2006Trần Đăng TuấnCó một thứ trái với công bằng xã hội - đó là "Văn hóa nhanh chân" chúng ta cần chặn đứng...
  • Nhân tài trong thời đại mới

    23/12/2005Chu HảoChưa có thời đại nào chúng ta lại cần có nhiều nhân tài và phải trọng dụng nhân tài như ở thời đại này. Bởi vì chính họ, những nhân tài là những cỗ máy cái quan trọng nhất sản xuất ra tri thức và biển tri thức thành của cải vật chất và tinh thần cho toàn xã hội. Chỉ có họ mới có năng lực vượt trội trong việc sử dụng tri thức cho phát triển...
  • Trước hết phải bịt cửa chạy chức

    09/11/2005Diệp Văn SơnCó lập luận cho rằng bất kể xấu tốt cái gì lặp đi lặp lại với tần suất cao, trở thành tập quán, phong tục thì dù là mỹ tục hay hủ tục đều có thề gọi là văn hoá, cuộc tranh luận chưa ngã ngũ.
  • “Độc quyền chức vụ” cái gốc của tham nhũng

    01/10/2005TS. Phạm Anh TuấnTham nhũng ở Việt Nam hiện nay đã trở thành quốc nạn. Quốc nạn tham nhũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo năng lực quản lý của bộ máy Nhà nước không còn phù hợp với sự phát triển của đất nước. Vì thế, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng đang được Quốc hội đưa ra lấy ý kiến nhân dân để sớm ban hành, áp dụng. Tham nhũng, dù xảy ra ở đâu thì cũng là tội phạm đặc biệt, được thực hiện trước hết bởi các quan chức...
  • xem toàn bộ