Khoác lác
Trong mọi nước trên trái đất đều có những kẻ khoác lác. Chắc chắn rồi. Nhưng xem ra trong các thuộc địa của Pháp, những kẻ khoác lác này lại có nhiều hơn gấp bội. Và nhất là trong đám các nhà cai trị và những kẻ tuyền truyền do họ khêu gợi hay trả tiền. Đó là quảng cáo của nhà nước. Thứ quảng cáo này lại không thuộc loại có thể tạo tin tưởng hơn là các lời quảng cáo loan báo với toàn thế giới các hiệu lực chữa trị hoàn toàn có tính cách phép mầu của một số thuốc kích thích, chẳng hạn các viên Pink.
Ở đây, tại xứ Đông Dương thân yêu của chúng ta, chủ đề cổ điển từ sáu mươi năm nay chẳng hề thay đổi; chủ đề này bàn một cách không mệt mỏi về những lợi ích của nền hòa bình Pháp và các tổ chức vật chất nối tiếp nền hòa bình này. Chỉ có thế. Còn về sự biến chuyển đạo đức và trí thức của các dân cư bản xứ, các ông chủ da trắng của chúng ta chẳng dám nói tới nhiều, bởi vì họ đã làm mọi cách để ngăn cản tiến trình tự nhiên của nó; chính sách ngu dân, dò xét để tố cáo, phát triển mãi dâm, đầu độc cả dân tộc một cách có hệ thống bằng rượu và thuốc phiện, vân vân và vân vân.
Nhưng ngay cả trong lĩnh vực vật chất, có cần phải tỏ ra hãnh diện và huênh hoang đến như vậy chăng?
Nếu chúng ta so sánh Đông Dương với các nước châu Á không bị mất nền độc lập của họ, và sau đó, đã có thể tiến bộ một cách bình thường, sự so sánh này sẽ bất lợi cho nước Pháp thực dân. Nhưng cũng phải thú nhận rằng về phương diện vật chất, Đông Dương là vùng giàu nhất và đông dân cư nhất trong số các thuộc địa của Pháp, nhưng lại không có được bộ mặt tốt lành trong số các thuộc địa mà các cường quốc khác có ở Viễn Đông.
Nền hòa bình Pháp! Trời ơi! Đó là nền hòa bình của những người Hy Lạp bị nhốt trong hang của Cyclope. (Tên vị thần một mắt khổng lồ trong truyện thần thoại Hy Lạp). Dù các tác giả thực dân vốn hay buộc tội chúng tôi là học thuộc lòng Rousseau và Voltaire có bằng lòng hay không. Chúng tôi sẵn lòng đồng ý. Chúng tôi cũng xin mạn phép nói với họ rằng tất cả các người trí thức An Nam phải thuộc lòng đoạn sau đây trong tác phẩm “Dân Ước” (Contrat Social): “Người ta sẽ nói rằng kẻ độc tài bảo đảm cho các thần dân của mình sự bình yên dân sự; nhưng họ được hưởng gì ở đó, nếu các cuộc chiến tranh mà tham vọng của nhà độc tài gây nên cho họ, nếu lòng tham không đáy của nhà độc tài, những sách nhiễu của bộ máy của ông ta làm phiền lòng hơn cả những bất đồng của họ có thể gây nên? Họ được gì ở đó, nếu sự bình yên này là một trong những nỗi khốn cùng của họ? Trong ngục tối người ta cũng sống yên ổn vậy: như vậy đã đủ để hài lòng ở trong đó hay không? Những người Hy Lạp bị giam nhốt trong hang của Cyclope cũng sống yên ổn trong khi chờ đợi đến phiên mình bị đem ra ăn thịt”.
Nếu Rousseau còn sống tới ngày nay, ông cũng sẽ mô tả tốt hơn tình trạng hiện tại của người An Nam với một số nét mãnh liệt mà ông đã vạch ra để diễn tả nỗi thống khổ của tất cả các dân tộc bị trị.
Còn gì nữa? Cuộc đại chiến ở châu Âu đã chẳng gây nên cái chết cho hàng chục triệu người An Nam bị trưng dụng và gửi đi, kẻ thì tới trận địa làm bia đỡ đạn, kẻ khác trong các binh xưởng để được dùng làm những công việc độc hại nhất để rồi sẽ chết một cách cũng chắc chắn như bởi súng đạn của Đức. Và nước Maroc? Nước Syrie? Đã có mấy ngàn người An Nam bỏ xương ở đó trong các cuộc chiến tranh mà những người Pháp tốt lành ở Pháp công khai gọi là… những vụ cướp bóc mang tính thực dân? Và có trời mới biết có bao nhiêu người An Nam khác cũng sẽ phải chịu một số phận tương tự nơi này, nơi nọ vì lý tưởng của chủ nghĩa đế quốc Pháp. Còn về những sách nhiễu của chế độ thực dân thì chẳng cần phải nói, bởi vì chúng ta chứng kiến hàng ngày. Đó là việc kẻ đi chinh phục bóc lột không chút xót thương kẻ bị chinh phục – Và những người An Nam bị giam giữ trong các Khám lớn của các thành phố lớn như Sài Gòn và Hà Nội, cũng có vẻ sống bình yên trong đó đấy chứ? Luôn có những nhà báo người Pháp nhiều khi nói đi nói lại rằng các tù nhân này sống trong đó tốt hơn ở ngoài là nơi họ không có gì để ăn.
Đó là đại loại bộ mặt thật của nền hòa bình mà người An Nam được hưởng (hãy nói để làm vừa lòng các ông chủ của chúng ta) dưới sự bảo trợ của nước Pháp. Bạn sẽ nói với tôi rằng xem ra nó gợi lại nền hòa bình mà người Hy Lạp bị nhốt trong hang của Cyclope được hưởng.
Giờ đây, chúng ta có cần dừng lại ở các tổ chức vật chất trang trí cho nền hòa bình nổi tiếng này chăng?
Chỉ cần nói là nước Pháp chỉ việc nhìn vào các thuộc địa của các cường quốc khác để thấy một cách chính xác sự yếu kém của mình trong từng lĩnh vực.
Chủ nghĩa thực dân Anh chẳng hạn, về mặt luân lý, cũng tồi tệ chẳng kém gì chủ nghĩa thực dân Pháp, nhưng người Anh đã xây dựng đường xe lửa để băng qua các sa mạc, trong khi, sau hơn sáu chục năm chiếm đóng, người Pháp đã chẳng xây dựng được đường xe lửa tại xứ Nam Kỳ của họ, phì nhiêu và giàu có như vậy, trừ một tuyến đường nhỏ bé Sài Gòn – Mỹ Tho vốn có dạng một xe điện chạy hơi chứ không phải một đường sắt thực sự.
Và để tóm tắt, có thể nói mọi thứ còn lại đều tương tự như vậy.
Vả lại, làm sao có thể khác được trong một xứ sở mà bộ máy công chức thuộc địa đã ngốn hết 8/10 ngân sách, trong khi quỹ đen và các mánh khóe khác của nhà nước cũng ngốn phần lớn số còn lại.
Vậy, không nên khoác lác nhiều như vậy trong các diễn văn chính trị.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý