K. Jaspers - Nhà triết học Hiện sinh Tôn giáo
Karl Theodor Jaspers (23/2/1883 – 26/2/1969) là nhà triết học, nhà phân tâm học, thầy thuốc chữa bệnh tâm thần người Đức, người có ảnh hưởng lớn tới thần học, phân tâm học và triết học hiện đại. Cùng với Heidegger, Jaspers đã sáng lập chủ nghĩa hiện sinh Đức nổi tiếng trong thế kỷ XX.
Vốn là con một giám đốc ngân hàng, sinh ra tại Oldenburg và sớm quan tâm đến triết học, nhưng Jaspers lại chọn ngành luật và đã học ba học kỳ tại các trường đại học ở Heidelberg, Muenchen, do chịu ảnh hưởng bởi cha ông. Từ năm 1902 – 1903, ông chuyển qua học y tại Berlin và Goettingen.
Jaspers tốt nghiệm trường y năm 1909 và bắt đầu làm việc tại một bệnh viện tâm thần ở Heidelberg. Khi làm việc ở đây, ông thực sự thất vọng với phương pháp mà giới y học lúc bấy giờ nghiên cứu, tiếp cận bệnh tâm thần và ông tự đặt cho mình nhiệm vụ nâng cao phương pháp phân tâm học. Năm 1913, ông giành được một vị trí tạm thời tại Đại học Heidelberg với tư cách giảng viên tâm lý học. Về sau, ông trở thành giảng viên chính thức và không bao giờ quay lại với công việc điều trị lâm sàng nữa. Năm 1923, ông cho xuất bản cuốn Triết học - tác phẩm được các nhà nghiên cứu đánh giá là quan trọng bậc nhất của ông và là nòng cốt cho triết học hiện sinh.
Ở tuổi 40, Jaspers chuyển từ tâm lý học sang triết học, mở rộng những đề tài mà ông đã từng nghiên cứu trong các công trình y học trước đó. Jaspers đã trở thành triết gia lừng danh tại Đức và cả châu Âu. Trong thời kỳ phát xít, do vợ ông là người Do Thái và bản thân ông từ chối cộng tác với chính quyền phát xít, ông đã bị cấm giảng dạy. Năm 1948, ông nhận chức giáo sư triết học tại Đại học Basel ở Thuỵ Sĩ và với những đóng góp của mình, Jaspers lại nổi bật trong giới triết học cho tới khi qua đời năm 1969 tại đây(1).
Trong cuộc đời nghiên cứu lý luận của mình, Jaspers đã nhiều lần được phong tặng bằng tiến sĩ danh dự, được tặng giải thưởng Goethe năm 1947 và giải thưởng hoà bình của Hiệp hội kinh doanh sách Tây Đức năm 1958. Sau nhiều năm cống hiến và hoạt động trên lĩnh vực triết học, y học, nhà hiện sinh người Đức đã để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm có giá trị, như Triết học gồm 3 tập (1932); Ý tưởng đại học (1946); Câu hỏi về tội lỗi của nước Đức (1946); Đức tin triết học (1948); Nguồn gốc và mục tiêu của lịch sử (1949); Tương lai nhân loại (1961); Đức tin triết học đối với sự mặc khải (1962), v.v.. Cho đến trước khi qua đời, Jaspers đã xuất bản 30 tác phẩm và ngoài ra, ông còn để lại hàng nghìn trang bản thảo viết tay chưa được công bố cũng như rất nhiều thư từ quan trọng trao đổi với nhà triết học Mỹ gốc Đức - Hannah Arendt(2). Khác với nhà triết học M. Heidegger đã gia nhập Đảng Quốc xã, Jaspers phản đối kịch liệt chủ nghĩa phát xít và ông cho rằng: "Bất kỳ ai tham gia tích cực vào việc chuẩn bị hay thực hiện những tội ác chiến tranh chống lại loài người đều có tội về mặt đạo đức"(3).
Cho tới nay, những nhà nghiên cứu triết học trên thế giới đều thống nhất về vai trò to lớn của Jaspers đối với triết học thế giới nói chung, với triết học hiện sinh nói riêng. Và, rõ ràng là, một phần, Jaspers có sự tiếp nhận nguồn cội hiện sinh trong triết học của Nietzsche, Kierkegaard và phần khác nữa, ông dành cho chủ đề về tự do cá nhân một dung lượng lớn trong các công trình của mình. Tác phẩm Triết học gồm 3 tập (1932) là tác phẩm quan trọng nhất, chứa đựng hầu như trọn vẹn chủ đề hiện sinh của Jaspers. Ở đây, ông đã trình bày những hiểu biết, đánh giá của mình về lịch sử triết học và đưa ra quan niệm về vũ trụ hiện sinh trên một số phương diện sau đây:
1) Về tình huống giới hạn.
Trước đó, trong tác phẩm Tâm lý học của thế giới quan (1919), lần đầu tiên Jaspers đã nói đến khái niệm "tình huống giới hạn" như một khái niệm then chốt để hiểu được triết học hiện sinh.
Theo Jaspers, chỉ trong “các tình huống giới hạn”, như cái chết, tội lỗi, cuộc đấu tranh, sự ngẫu nhiên,… người ta mới có thể cảm nhận được mình là ai. Trong những tình huống đó, những định hướng và giá trị của ai đó sẽ được bộc lộ và do vậy, cần phải nhìn thẳng vào những “tình huống giới hạn” ấy với đôi mắt mở to. Thêm nữa, những “tình huống giới hạn” còn có thể làm sâu sắc ý nghĩa của thực thể siêu việt (Thượng đế). Do vậy, chúng là những kích thích quan trọng nhất của triết học, là cái có thể giải tỏa sự căng thẳng và cho phép chúng ta thực sự cảm nhận được tính chủ quan của mình, khích lệ sự tự phản tư của mình.(2)
2) Cái Tôi kinh nghiệm, cái Tôi ý thức và cái Tôi hiện sinh.
Trong tác phẩm Triết học gồm 3 tập, khi nhìn vào toàn thể vũ trụ, Jaspers đã chỉ ra ý nghĩa của tất cả hiện hữu để hướng lên một cách mạnh mẽ, từ lĩnh vực những sự vật vật chất lầm lỳ, qua hiện sinh tinh thần của con người đến miền siêu việt của Thiên Chúa mà ông gọi là Tồn tại tự nó (An-sich-Sein).
Theo Jaspers, không phải bất cứ con người nào, bất cứ ai cũng có thể vươn tới cấp hiện sinh nhân vị. Từ cấp sự vật đến cấp hiện sinh, con người luôn cần đến một bước nhảy, một sự vượt bỏ, bởi theo ông, con người tuy được sinh ra làm người, nhưng do chưa thực sự vươn tới mức hiện sinh, nên họ vẫn sống chỉ như cây cỏ, cầm thú, sống vô ý thức, vô trách nhiệm, sống nô lệ cho dư luận… và do vậy, họ chỉ như những đơn vị người chứ chưa phải là những đơn vị tự do, và luôn bị giới hạn trong những ràng buộc của cuộc sống. Để trở thành nhân vị tự do và đạt được tự do, theo ông, con người phải ý thức sâu xa về trách nhiệm làm người của mình và phải nắm lấy ý nghĩa nhân sinh của cuộc đời mình và phải tự quyết về cuộc đời mình. Với quan niệm này, ông phản đối việc sử dụng phương pháp thực nghiệm trong nghiên cứu con người, đặc biệt là hiện sinh người và đề nghị thay thế phương pháp này bằng phương pháp “soi vào hiện sinh”. Với Jaspers, con người luôn có giới hạn và mong muốn hướng tới hiện sinh, siêu việt và do vậy, nó phải trải qua các bước nhảy để đi từ lĩnh vực vật chất tới lĩnh vực tinh thần của hiện sinh. Trong lĩnh vực hiện sinh, con người cũng cần đến nhiều bước tiến, mặc dù những bước tiến này không được gọi là những bước nhảy thực thụ (vì nó không đưa tới một lĩnh vực khác hẳn), nhưng chúng cũng luôn thúc đẩy con người tiến lên. Con người luôn phải vượt lên chính mình và trong đà đi lên không ngừng này, tới một lúc nào đó, nó sẽ cảm thấy “bị chặn lại” bởi những tình trạng giới hạn và khi đó, nó buộc phải thực hiện những bước nhảy và bước nhảy cuối cùng có tên gọi là “niềm tin triết học”. Theo Jaspers, tính có giới hạn của con người thể hiện tính có cấp độ của Tồn tại; và ông chia nó thành ba cấp độ khác nhau theo mức độ “bị giằng xé” của hiện sinh người - đó là: sự vật, nhân vị và siêu việt.
Từ đó, khi nhấn mạnh vai trò quan trọng của lý tính trong việc làm “sáng tỏ sự hiện sinh”, Jaspers cho rằng, có phương pháp tư duy không (có ý nghĩa) phổ biến nhưng lại phát hiện được cái cấu thành chỗ dựa và chuẩn tắc của cuộc sống. Nó không đem lại tri thức về những sự vật xa lạ, mà chỉ ra một cách hoàn toàn rõ ràng cái Tôi thực sự thấu hiểu, cái Tôi mong muốn và những cái gì tôi thực sự tin. Khi tôi tư duy như vậy, tôi tự tạo ra tôi và làm cho tự ý thức của tôi trở nên trong sáng. Như vậy, có thể nói, cách lập luận này của Jaspers có chứa đựng tinh thần của triết học Descartes. Và hơn nữa, trong tư tưởng của ông còn thể hiện sự gắn bó giữa hiện sinh và siêu việt: sự tồn tại của chúng luôn có sự tương hỗ lẫn nhau và nếu không còn siêu việt thì hiện sinh ấy là hiện sinh không đáng tin cậy. Nhà nghiên cứu Wahl đã nhận xét, với Jaspers, “hiện sinh không phải chỉ là nhân vị, tự ý thức về mình và có tương quan với chính mình; do nhân vị này còn phải giữ mối tương quan với siêu việt với tư cách bản nguyên của mình, nên hiện sinh còn là chính mối tương quan đó với siêu việt mà nếu không có nó, không có hiện sinh trung thực"(4).
Triết học có vai trò quan trọng là làm sáng tỏ sự hiện sinh, đưa ý thức đến với bản thân mình và sự giao tiếp với các hiện sinh khác. Với quan niệm này, Jaspers đã buộc tội sinh học, tâm lý học, xã hội học khi nghiên cứu con người đã bỏ qua sự hiện sinh. Theo ông, sự hiện sinh trong tính đơn nhất và không lặp lại của mình không thể trở thành đối tượng của những tranh luận vô bổ, chung chung, mà bao giờ cũng là sự hiện sinh của tôi, của riêng tôi chứ không phải là của một ai khác và do vậy, không thể đồng nhất hiện sinh của tôi với của ai khác trong cuộc đời này và sự hiện sinh đích thực không thể đạt được bằng con đường khoa học. Rằng, với tư cách cái có nhân cách, sự hiện sinh không có điểm nào chung với sự vô nhân cách: Tôi tồn tại vì tôi không tự cho phép mình trở thành đối tượng, thành khách thể; tôi thấu hiểu mình, tôi tồn tại trong quá trình hiện thực hoá những khả năng của mình và do vậy, tôi là con người tồn tại trong khả năng; tôi đồng nhất với bối cảnh, tôi không thể là một cái gì đó, nếu tôi đã là một cái gì đó, tôi trùng hợp với thực tại và sứ mệnh của mình.
3) Hiện sinh và tự do.
Theo Jaspers, hiện sinh khác so với sinh tồn và chủ nghĩa sinh tồn; rằng, hiện sinh là việc con người vươn lên trên mức sống của sinh vật, vì nó là cuộc sống tinh thần; hiện sinh là nghĩa của đời sống, người ta chỉ vươn tới hiện sinh khi người ta đã ý thức được mình sống để làm gì, sống để thể hiện cái định mệnh cao quý và độc đáo của mình chứ không phải sống để mà sống.
Với Jaspers, hiện sinh bắt đầu xuất hiện khi con người ý thức sâu xa rằng mình là một chủ thể, tức là chủ động tạo lấy nhân cách và bản lĩnh của mình. ở đây, khoa học thực nghiệm hoàn toàn bất lực, vì hiện sinh là một thực tại tinh thần nên không một máy móc, một công thức nào có thể diễn tả được. Jaspers gọi đây là hiện sinh khả hữu (existence possible) để nói lên vai trò chủ động trong việc xây dựng nhân cách và định mệnh của tôi: Tôi chỉ là cái Tôi do chính tôi tạo nên và tôi chỉ tạo nên cái Tôi trung thực mà thôi, đó là cái Tôi đang trở thành con người trung thực mà bạn và tôi vẫn đang mang sẵn trong người. Trên phương diện hiện sinh, con người tự nhận mình là một chủ thể tự do, đồng thời cũng ghi nhận sự tự do ấy của chủ thể khác.
Tự do là hành động xuất phát tự trong tâm khảm của ta. Tự do là do tự ta đã quyết định như thế và ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự quyết định này. Đây thực sự là nghĩa sâu xa của hiện sinh và cũng là đặc tính của hiện sinh. Con người chỉ tự do thực sự khi và chỉ khi nó ý thức sâu xa về tính chất giới hạn của tự do hiện sinh: Tự do của hiện sinh trước hết là một tự do có giới hạn và bị quy định, bị giới hạn. Bởi lẽ, chính thân xác cũng bị quy định bởi sức khỏe, bởi sức chịu đựng; bị giới hạn bởi khả năng suy nghĩ, bởi hoàn cảnh... Vì thế, Jaspers khẳng định: "Tự do của con người không thể có khi thiếu ý thức về sự kiện bị giới hạn của hiện sinh"(5). Quan niệm này cho thấy, với Jaspers thì ý nghĩa của tự do hiện sinh nằm trong chính sự thất bại của tự do. Jaspers đã sử dụng phương pháp soi vào hiện sinh để lý giải tự do và để thấy tự do là một hành động đầy ý thức chứ không phải là hành vi tùy tiện của con người. Và, ông quả quyết “tự do là nguồn mạch”, tự do đồng nghĩa với tự chọn.
Như vậy, có thể nói, tự do hiện sinh của Jaspers khác với tự do sinh tồn, tự do bừa bãi, khác với tự do tiêu cực của những kẻ yếu hèn. Tự do hiện sinh là trách nhiệm và lo âu của con người tự giác và dám tự quyết. Nhân vị tự do là ý thức về quyền tự do của mình, đồng thời cũng ý thức sâu xa về trách nhiệm làm người của mình. Nhưng, rốt cuộc, tự do theo quan điểm của Jaspers vẫn chỉ là tự do theo chân Chúa. Chính ông đã lập luận: Con người không tự sáng tạo nên mình và do vậy, tự do của con người là một tặng phẩm do Chúa ban cho, tự do của con người không phải là sự tuyệt đối, mà là một khả năng hữu hạn, một tự do hữu hạn vì chính con người là hữu hạn. "Hữu hạn tính của con người không khép kín lại như nơi con vật"(6).
4) Siêu việt - định hướng cơ bản của con người.
Coi sự siêu việt là đích hướng của hiện sinh, triết học hiện sinh của Jaspers đã hướng tới siêu việt như hướng về đích tối hậu của nó. Đây là phần đặc sắc và khó hiểu nhất của triết học Jaspers. Và, trong triết học Jaspers, hiện sinh và siêu việt luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau tới mức, nếu không nắm được mối liên hệ này thì hiện sinh không còn đáng được coi là hiện sinh trung thực nữa. Trong mối tương quan đó, Jaspers đã trình bày quan điểm về thế giới và quan niệm về hiện sinh.
Triết học Jaspers là sự kết hợp tinh tế và sâu sắc triết học Kierkegaard với triết học Nietzsche, cộng với một tinh thần năng động của truyền thống và hiện đại, khác với đường lối tiêu cực của Sartre. Trong triết học Jaspers, người ta nhận thấy tinh thần hiện sinh khá sâu sắc, khi ông tha thiết với tất cả mọi hình thái hiện sinh của con người trong không gian và thời gian. Và, khi chống lại những luận điểm về con người của Plato, Comte, Hegel, Nietzsche…, ông cho rằng, những quan niệm này nhất định sẽ đưa con người tới chỗ tự tôn mình làm Thượng đế và do vậy, sẽ đưa con người tới những cái điên rồ, vô lý.
Với quan niệm này, Jaspers đi tìm cái siêu việt qua chủ nghĩa vô thần và tôn giáo. Theo ông, cái vô thần và tôn giáo có thể tìm thấy bằng phương pháp “soi vào” để nhận ra hiện sinh trung thực qua những hình thức sinh hoạt được mệnh danh là tự do. Coi đây cũng là phương pháp để nhận định đâu là siêu việt đích thực, ông đã chỉ ra những khiếm khuyết của Nietzsche trong quan niệm về con người khi đặt con người ngang hàng với Thượng đế.
Theo Jaspers, con người là hữu hạn, con người không tự sáng tạo nên mình và do vậy, tự do của con người là một tặng phẩm do Thượng đế ban tặng. Tự do của con người là không tuyệt đối; nó chỉ là một tự do hữu hạn, vì bản tính con người là hữu hạn.
Với phương pháp “soi vào hiện sinh”, Jaspers đã vạch rõ, vô thần là con đường cùng (impasse), là giới hạn của hư vô, là lời cảnh cáo, mách bảo chúng ta là không thể đo lường vô thần để đạt tới siêu việt.
Jaspers còn sử dụng phương pháp “soi vào hiện sinh” để dõi theo sinh hoạt của con người tôn giáo và ông đã nhận ra ở đó những ưu điểm lớn, nhưng cũng cảnh báo những nguy hiểm mà các hình thức tôn giáo có thể mang lại cho hiện sinh. Ông phê phán tôn giáo và khước từ tôn giáo vì hai lẽ: Đức tin tôn giáo thường là sự an nghỉ và đức tin tôn giáo có thể sinh ra mê tín. Theo ông, sự khiếp nhược và lười biếng đã sinh ra tôn giáo. Do vậy, khi “soi vào hiện sinh”, ông cho rằng, ít ra là ở điểm này, tôn giáo không đưa tới siêu việt, mà chỉ đưa tới những thần tượng, tức những siêu việt giả hiệu mà thôi. Tuy nhiên, ông cũng chỉ rõ vai trò của tôn giáo và không khước từ tôn giáo như đã khước từ vô thần: "Tôn giáo đã thực hiện tất cả những gì là lợi ích và vững bền trong lịch sử nhân loại"(7).
Theo Jaspers, “niềm tin triết học” là một hình thức tín ngưỡng. "Niềm tin triết học là niềm tin của con người vào những khả năng của mình. Niềm tin này nói lên tự do tính của con người"(8). Quan niệm này cho thấy, với Jaspers thì niềm tin triết học không phải là tri thức, mà là vô thức, tức là một niềm tin; nó không có mục đích thay thế đức tin tôn giáo, mà chỉ có ý nghĩa củng cố cho đức tin đó tự vượt lên chính mình.
Jaspers không đưa ra một định nghĩa cụ thể về siêu việt. Ông mới chỉ cho chúng ta thấy mối tương quan giữa con người và siêu việt. Theo ông, con người không có khả năng bắt gặp siêu việt thể một cách rõ ràng và phân minh. Siêu việt chỉ là đối tượng của hiện sinh, nghĩa là kinh nghiệm sống, chứ không phải là đối tượng của tri thức. Do vậy, siêu việt thể vừa là khả nghiệm, vừa bất khả nghiệm; con người chỉ có thể bắt gặp Thượng đế trong sinh hoạt tinh thần, chứ không không thể bắt gặp Ngài trong những luận lý khách quan. Hơn nữa, con người cũng bất khả ngôn về vấn đề này, vì Thượng đế "vượt quá bình diện khả nghiệm"(9). Và, với tư cách vừa là khả nghiệm, vừa là bất khả nghiệm, siêu việt chính là đối tượng của hiện sinh, tức là kinh nghiệm sống, chứ không phải là đối tượng của tri thức.
Jaspers thường coi bao dung thể như một thực tại bao trùm trên bốn bình diện của tồn tại: hữu thể khả nghiệm; lĩnh vực của ý thức nói chung; lĩnh vực của tinh thần; lĩnh vực của hiện sinh. Với ông, hiện sinh tương quan với siêu việt trong sự thành kính, tin tưởng và nếu mất đi tương quan này thì hiện sinh cũng mất đi tính trung thực và không còn tính vươn lên nữa. Điều này cho thấy, quan niệm của Jaspers về bao dung thể mới chỉ là một ý tưởng căn bản và đó cũng là một trong những ý tưởng khó hiểu nhất của ông(10).
Từ những điều trình bày trên, có thể nói, triết học Jaspers là kết quả của những tư tưởng, những suy ngẫm chân thành và sâu sắc về con người. Trong triết học của ông, người ta thấy những suy tư trong việc đi tìm định mệnh con người, thấy sự cố gắng của ông trong việc giúp cho con người thoát ra khỏi cảnh sa lầy tự mãn và do vậy, những suy tư, cố gắng này của ông đã có ảnh hưởng tích cực tới nền triết học hiện đại.
Điều đáng ghi nhận nhất trong triết học về con người của Jaspers là sự thức tỉnh con người, buộc con người phải tự ý thức về trách nhiệm làm người của mình và phải sống sao cho xứng đáng với sự hiện sinh ấy.(9)
Tư tưởng của Jaspers về tự do tính, về tôn giáo cũng mang ý nghĩa sâu sắc, khi nó giúp cho con người nhận thức được tự do có giới hạn, tự do là ý nghĩa căn bản của hiện sinh, nhưng đó không phải là tự do vô lối, vô ý thức của con người.
Bên cạnh những giá trị đó, triết học Jaspers lại thể hiện lập trường duy tâm chủ nghĩa trong việc nghiên cứu con người, khi không thấy được ý nghĩa vật chất, kinh tế cũng như tính xã hội trong việc giải thích nguồn gốc và bản chất của ý thức con người, không thấy được con người là sự thống nhất biện chứng của cái sinh học và cái xã hội; nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa cá nhân, nhưng lại không thấy được động lực thực sự của lịch sử. Do vậy, chủ nghĩa hiện sinh của ông chưa phải là một chủ nghĩa nhân vị chân chính, vì nó không đi tới sự tuyên bố xoá bỏ chế độ người bóc lột người. Đây chính là hạn chế căn bản trong triết học của ông so với lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin.
(*)Giảng viên triết học, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
(**)Giảng viên, Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy, Bộ Công an.
(1) Xem: Mai Sơn. 101 triết gia. Nxb Tri thức, Hà Nội, 2007, tr. 630.
(2) Xem: Mai Sơn. Sđd., tr. 639.
(3) Dẫn theo: Mai Sơn. Sđd., tr. 636.
(4) Wahl. La pensée de I"existence, Flammarion, 1951, p.89.
(5) Jaspers. Foi philosophique, p. 86.
(6) Jaspers. Ibid., p. 90.
(7) Dẫn theo: Trần Thái Đỉnh. Triết học hiện sinh. Nxb Văn học Hà Nội, 2008, tr. 241.
(8) Dẫn theo: Trần Thái Đỉnh. Sđd., tr. 242.
(9) Wahl. La pensée de I"existence. Flammarion 1951, p. 111.
(10) Xem: Trần Thái Đỉnh. Sđd., tr. 246.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá