Cuộc tranh luận giữa 2 "triết gia" về "hiện sinh"

07:15 SA @ Thứ Ba - 07 Tháng Mười Hai, 2010

Lời dẫn của chungta.com:

Chungta.com đã từng đăng lời cảnh tỉnh về hiện tượng Tha hóa, mất phẩm chất người rộng khắp do những hạn chế của không gian tự do bên ngoài và bên trong của con người. Từ rất nhiều nguyên nhân đa dạng từ nghèo đói, kinh tế, văn hóa, chính trị… dẫn đến con người, cộng đồng người mất dần và thiểu năng trong phát triển. Trường hợp riêng là hiện tượng tha hóa con người cả chủ lẫn thợ tràn lan trong xã hội tư bản theo Karl Marx kết luận, hay như sự tha hóa của quan và dân rộng khắp trong sự cai trị kém cỏi, tham nhũng, bóc lột, lộng hành, con người mất tự do… theo Nguyễn Trần Bạt.

Ngày 05/12/2010, chungta.com tình cờ ghi chép một tranh luận ngắn của 2 "triết gia"về một chủ đề tương tự, bao quát cho mỗi người, từ cuộc đời của người dân đến đời của các lãnh đạo chính trị… trong quan điểm của chủ nghĩa hiện sinh. Tha hóa hayHiện sinhlà những khái niệm, những quan điểm sâu sắc của giới triết học đem đến cho mỗi con người, cho các nhà lãnh đạo chính trị thế giới để có thêm nhận thức điều quan trọng nhất, xác định đúng đắn giá trị của tự do và trợ giúp, thiêt lập cơ chế bảo vệ và hoàn thiện các thân phận tự do.

Chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism) đã là một trào lưu của văn học, triết học châu Âu vào sau chiến tranh thế giới thứ hai. Điểm chung của trào lưu này là lấy con người làm chủ thể - là cá thể sống có cảm xúc, tư duy và hoạt động. Xuất phát điểm của cá nhân được mô tả là "thái độ hiện sinh" - một tình trạng mất định hướng, bối rối trước thế giới có vẻ vô nghĩa và phi lý.

Trong thế kỷ 19, Soren KierkegaardFriedrich Nietzsche là 2 triết gia đặt nền móng cho Triết học hiện sinh. Hai ông quan tâm tới đấu tranh thầm lặng của mỗi cá nhân đối với sự vô nghĩa của cuộc sống và dùng giải trí để chống lại buồn chán. Hai ông xem xét vai trò lựa chọn tự do - trong đó có chọn những giá trị và niềm tin căn bản - những lựa chọn đó thay đổi bản chất của người chọn lựa thế nào. Hai ông đối lập nhau trong vấn đề tồn tại của Thượng đế tạo nên 2 nhánh triết học: hữu thần (Kierkegaard) và vô thần (Nietzsche). Sang thế kỷ 20, trào lưu văn hóa hiện sinh nổi lên qua 2 nhà văn, kịch gia Pháp là Jean Paul Sartre, Albert Camus và triết gia Đức Heigegger. Họ chú trọng đến các chủ đề "nỗi sợ, sự buồn chán, sự lạc lõng trong xã hội, sự phi lý, tự do, cam kết và hư vô" như là nền tảng của sự hiện sinh con người.

Về triết học hiện sinh các bạn có thể đọc thêm các bài viết:

Jean-Paul Sartre (1905-1980) một nhà hiện sinh vô thần nổi tiếng

TS triết học Nguyễn Văn Vịnh: Jean Paul Sartre là nhà triết học đẩy chủ nghĩa hiện sinh lên đỉnh cao. Đáng tiếc cho những nhà lãnh đạo đất nước nào mà không biết đến Jean Paul Sartre. Nếu như họ biết đến ông này, người đã từng từ chối giải Nobel văn học năm 1964, thì họ sẽ hiểu một câu chuyện lớn hơn, không phải ở vấn đề có lý tưởng chung mà ở câu chuyện thân phận của những Con người. Trong một thời gian lịch sử, nhiều người vẫn ghi nhận ông có xu hướng cộng sản về triết học theo một nghĩa rất hẹp là chủ nghĩa đám đông. Nhưng nếu hiểu ông với tư cách là Giáo chủ của Chủ nghĩa hiện sinh đầy lạc quan thì Jean Paul Sartre đưa đến cho chúng ta một thông điệp rất phổ quát cho những thân phận con người: chúng ta đến với thế giới này rất ngẫu nhiên và chúng ta được tự do lựa chọn mình phải làm cái gì đó trên đời. Điều này trái ngược với con người trong các thể chế độc tài bị tước đoạt quyền tự do được lựa chọn…

Ô. Ng. Đức: Theo trí nhớ của tôi, Jean Paul Sartre đã từng 3 lần vào và ra Đảng cộng sản Pháp. Nhưng Đảng cộng sản đối với Jean Paul Sartre chỉ là chọn một lối sống mang tính xã hội, không liên quan đến quan điểm, lý thuyết triết học của ông. Nhưng một cách rốt ráo, đời sống của nhà triết học gắn chặt với tư tưởng của họ. Jean Paul Sartre ra khỏi và ở trong Đảng cộng sản Pháp có 2 thời kỳ tương đối siêu hình gắn với 3 thời kỳ: Jean Paul Sartre đã lưỡng lự tiến từ chủ nghĩa hiện sinh vô thần, để chọn hữu thàn. Có thể tóm gọn trong hai câu: 1-vô thần: Thiên Chúa là một giả thuyết vô ích; 2- hữu thần (nếu như Thiên Chúa cứu rỗi chúng ta, mà chúng ta không tự cứu rỗi mình, thì chẳng có ích gì). Trong mệnh đề 2, Jean Paul Sartre đã mơ hồ xác định rằng, có Thiên Chúa mặc dù vậy giống như có mưa xuống, nếu chúng ta không tự giác cứu rỗi, giống như muốn tắm, thì dù có mưa, người vẫn bẩn!

Về ý kiến của TS Vịnh rằng Jean Paul Sartre cho con người sinh ra là ngẫu nhiên, chính xác hơn theo cách tôi hiểu Jean Paul Sartre cho rằng không có bản tính con người tiền định và cố định, chỉ có con người xuất hiện sau hoàn cảnh và bị hoàn cảnh khống chế và quyết định. Theo triết học nghĩa là con người ngẫu nhiên, hoàn cảnh tất định. Việc này đảo ngược triết học cổ điển, cũng là đảo ngược các nhà hiện tượng luận - hiện sinh: không phải bản tính quyết định hiện tượng mà chính hiện tượng quyết định bản chất. Nhưng khi Jean Paul Sartre ra khỏi Đảng cộng sản 3 lần, và chọn hữu thần là đích cuối cùng thì toàn bộ con người ngẫu nhiên đã sụp đổ hoặc bị bỏ qua.

TS triết học Nguyễn Văn Vịnh: Tôi lấy làm tiếc về hiểu biết và đánh giá của ông Đức về Jean Paul Sartre. Ông không phải là người đầu tiên nói về cái Chết của Thượng Đế. Người đầu tiên đưa ra thông điệp này là Nietzsche, sau đấy là Heigegger với cái Chết của Thượng Đế, con người trở thành một sinh thể mất định hướng. Nếu sự hiện sinh chỉ là một chứng minh cho những soi sáng của Thượng Đế, những phương trình định sẵn. Jean Paul Sartre nói với loài người một điều rất lớn: Con người không cần Thượng Đế, ngài sống hay chết là chuyện của ngài. Con người và loài người cần phải biết chấp nhận cái Chết của Thượng Đế để hiểu rằng bản chất của tồn tại là sự Cô Đơn cuối cùng của Thượng Đế. Con người phải tự trưởng thành, từ hành động trong những cảm nhận cá nhân cụ thể! Để chứng minh con người đang sống cần phải hành động một điều gì đó trong sự hướng đến tính Chân – Thiện – Mỹ. Điều này có thể khiến con người bất lực, nhưng con người không hề tuyệt vọng. Có thể đấy là thông điệp Jean Paul Sartre muốn gửi cho loài người chăng?

Ô. Ng. Đức: Bằng thực chứng, chúng ta không hề nhìn thấy một Thượng Đế, hay Thiên Chúa nào cả - bằng một nhãn quan thực chứng. Vì vậy, chúng ta giả thuyết ông sống và chết là hoàn toàn mơ hồ, bởi đã từng sống đâu mà chết. Việc người ta tạo ra các giả thuyết như thế là một cuộc chơi của tu từ pháp. Tu từ pháp đó không thể thay được các thực tại trong tâm hồn mỗi người: hơn 90% con người tin rằng có một Đáng Sáng tạo – Chủ Chăn. Về lý thuyết việc này có thể sa đà, dài dòng. Tôi muốn ông Vịnh chỉ ra việc giới lãnh đạo một nước mà không biết đến Jean Paul Sartre thì hậu quả là gì?

TS Triết học Nguyễn Văn Vịnh: Người ta vẫn nói Jean Paul Sartre là sự kế tục về chủ nghĩa hiện sinh triết học từ Kierkegaard và Heigegger như một sự phỏng đoán. Nhưng tôi tin rằng những suy tư của Jean Paul Sartre về thân phận người luôn là vấn đề trung tâm, vấn nạn của triết học. Sự cô đơn, thất vọng của loài người vốn là bản chất của những tư duy triết học độc đáo. Tôi nghĩ rằng khi Jean Paul Sartre tuyên bố vềcái Chết của Thượng Đế, loài người trở thành những sinh thể cô đơn theo nghĩa không có chỗ dựa tinh thần, và con người cần phải làm cái gì đó để đi đến tự do cho chính mình. Các hành động này của con người không bao giờ phải bắt buộc, tất yếu và được quyền lựa chọn trong tình thế lựa chọn: là tự do cuối cùng của loài người.

Ô. Ng. Đức: Về ý kiến ông Vịnh, tôi lĩnh hội 2 ý chính:
1- Con người là vấn đề trung tâm triết học
2- Con người cần làm gì đó để siêu vượt khỏi bản thân mình, nghĩa đen rằng: con người không cần Thượng Đế mà nó siêu vượt để thành Thượng Đế cho bản thân mình.

Tôi xin lý giải từng điểm 1. Về điểm thứ nhất, con người là vấn đề trung tâm của triết học, hiện tượng quyết định bản thể. Hoàn cảnh quyết định bản tính con người. Jean Paul Sartre có lý giải về hoàn cảnh quyết định con người, đặc biệt với chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản giả hiệu. Khi người ta sống tụ tập đám đông: mệnh lệnh áp đặt từ trên xuống dưới như Hít le, Mao Trạch Đông, Stalin… có thể áp đặt những cá nhân/cá sinh phải đánh rơi bản ngã của mình để tạo thành nhân cách cộng đoàn.

Về điểm thứ hai, về việc siêu vượt khỏi bản thân. Chúng ta đã được chứng nghiệm trong phạm vi toàn cầu. những ảo tưởng trở thành Thượng Đế là hoàn toàn bất lực và vô vọng. Bởi vì con người hữu hạn của chúng ta (khoa học đã chứng minh) không cách gì trở thành vô hạn. Điều này Nietzsche và Jean Paul Sartre chứng tỏ sự bất lực như một người bình thường.

TS. Triết học Nguyễn Văn Vịnh: Nói luôn cho nhanh, tôi thực sự lấy làm tiếc không chỉ cho ông Đức, những người hiểu như ông Đức về Nietzsche, Jean Paul Sartre. Thượng Đế của ông Đức và Thượng Đế của hai ông kia và của loài người nói chung khác nhau. Tôi không tin ông Đức hiểu Thượng Đế giống hai ông kia.Cái Chết của Thượng Đế là biểu hiện sự đáng thương của nhân loại. Hai ông phát ngôn đầy nhân đạo, sứ mệnh, đầy cảnh báo. Loài người không tin điều này. Đáng thương cho nhân loại và hai ông. Trong ánh sáng chói lòa, con người không bao giờ chấp nhận cô đơn vì Thượng Đế đã chết. Loài người vẫn phải có Thượng Đế của mình. Nhưng Thượng Đế đáng thương của họ, nhiều khi là những gì trải qua đã giản đơn trong lý thuyết nhảm nhí. Trong tỉnh táo, cảnh báo mang nhiều hy vọng để loài người tự đứng vững trên hai chân của họ được Nietzsche sử dụng trong khái niệm (đạo đức chủ và đạo đức nô, Ý chí Quyền lực, Siêu nhân và Vĩnh hằng Luân hồi ???) được các triết gia khuyến cáo hành động hướng đến tính Thiện, tính mạnh mẽ của Lý trí. và Jean Paul Sartre đã nói rằng: Sự hiện sinh có trước tồn tại.

Ô. Ng. Đức: Ông Vịnh nói cái Chết của Thượng Đế là đáng thương cho nhận thức của loài người, nhưng chính hai ông nói điều đấy có đáng thương không? Ông Vịnh nói nhân dân cần Thượng Đế - những Thượng Đế đáng thương của họ. Như vậy là cả Thượng Đế và nhân dân đều đáng thương như nhau? Tôi cũng được ông xếp vào một người đáng thương! Không biết còn ông Vịnh có đứng ngoài những người đáng thương không hả?

TS. Triết học Nguyễn Văn Vịnh: Sự đáng thương của con người mang tính phổ quát. Con người không bao giờ chịu đựng được sự cô đơn, không bao giờ dám chịu trách nhiệm. Họ chờ đợi sự ban ơn của các Chúa trời. Có những thiên sứ cảnh báo cho họ rằng, những Thiên Chúa của họ không bao giờ có. Vì vậy, con người phải tự chịu trách nhiệm, phải tự dám suy tư về thân phận cá nhân của mình!

Mặc dù chúng ta đã vòng qua tranh luận đôi điều tương đối phức tạp về hữu thần/ vô thần nhưng tôi nói trên tinh thần hiện sinh, những nhà lãnh đạo của các nước trước hết cần xét tới quyền tự do công dân, tức là tất cả được tự do lựa chọn các hành động để làm chủ được thân phận của mình. Các vị chủ nhân thực sự của một đất nước cần trao quyền cho người dân làm chủ thân phận làm người của mình. Đó là thông điệp mà tôi đã đưa ra và chốt lại tại đây!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chủ nghĩa Hiện sinh ở Miền Nam Việt Nam 1954-1975 (trên bình diện lý thuyết)

    02/10/2019PGS.TS. Huỳnh Như PhươngĐể chọn một lý thuyết triết học và mỹ học được du nhập và có ảnh hưởng rộng rãi nhất trong lý luận và sáng tác văn học ở miền Nam Việt Nam những năm 1954-1975, có lẽ nhiều người sẽ không ngần ngại chọn chủ nghĩa hiện sinh. Ảnh hưởng đó thể hiện ở chỗ đây là trào lưu, tuy lúc đậm lúc nhạt, nhưng đã hiện diện gần như trọn cả một giai đoạn lịch sử đen tối và phức tạp.
  • Chủ nghĩa hiện sinh, nhìn từ góc độ văn hóa học

    14/12/2017Đỗ Minh HợpPhải chăng chủ nghĩa hiện sinh thật sự như là nó được hiểu trong các tài liệu viết về nó? Phải chăng nó đã thật sự thuộc về dĩ vãng? Và, cuối cùng, việc nghiên cứu hiện thời về chủ nghĩa hiện sinh liệu còn có ý nghĩa gì nữa không? Đối với tôi, chủ nghĩa hiện sinh chưa chết, hiện sinh còn là một tâm tính xác định trong con người của thời hiện đại ở phương Tây.
    ...phân tích chủ nghĩa hiện sinh còn cho phép chúng ta hiểu rõ hơn những chuyển biến văn hoá ở thế kỷ XX...
  • Tự do và trách nhiệm trong đạo đức học hiện sinh

    29/04/2008TS. Đỗ Minh Hợp, Viện Triết họcTrên cơ sở làm rõ tự do và trách nhiệm với tư cách những phạm trù đạo đức cơ bản trong triết học hiện sinh qua việc làm rõ quan niệm của các nhà triết học hiện sinh tiêu biểu về những phạm trù này, tác giả bài biết bước đầu đưa ra những ý kiến đánh giá để đóng góp của triết học hiện sinh trong đạo đức học...
  • Quan niệm của Gi.P.Xáctơrơ về con người trong “Hiện sinh một nhân bản thuyết”

    01/01/1900Hoàng Văn ThắngTheo Gi.P.Xáctơrơ (Jean - Paul Sartre - 1905 - 1980), chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân đạo. Trong quan niệm của ông, chủ nghĩa nhân đạo này không phải là lý thuyết đề cao "lòng thương người, mà là một học thuyết về con người- một triết học về sự tồn tại của thực thể người trong thế giới. Mục tiêu của nó là mang lại tự do cho con người và vì thế, ông đã dồn công sức để nghiên cứu về con người.
  • Chủ nghĩa hiện sinh

    13/01/2006Điều đầu tiên cần lưu ý về các triết gia hiện sinh là khi họ dùng từ “hiện sinh” họ muốn nói tới sự hiện tồn của con người.Họ không quan tâm gì đến sự tồn tại của những cái bàn và những cái ghế, những ngôi sao và các nguyên tử, hoặc nhiều vật thể khác. Chúng ta cũng phải lưu ý rằng khi đề cập đến sự hiện tồn của con người là họ muốn nói đến sự hiện hữu của từng cá thể đặc thù, chứ không phải tất cả loài người. ...