Hội chứng "ít chịu học hỏi" tự mình mê mình ở người Việt
Nhiều người Việt sống ở nước ngoài đã chia sẻ với chúng ta cảm giác thương mến nhớ nhung khi xa Tổ quốc. Nhưng bên cạnh đó, những ngày gần đây, người trong nước còn nhận được những lời tâm sự kín đáo và những suy nghĩ thâm trầm .
Như trường hợp Vĩnh Sính giáo sư đại học Alberta, Canada.
Vĩnh Sính (1944-2014) là một nhà sử học, một nhà nghiên cứu về lịch sử tư tưởng Nhật Bản, về giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản và các nước Đông Á, đặc biệt giữa Nhật Bản và Việt Nam, với nhiều tác phẩm có giá trị đã đưa anh tới vị trí giáo sư sử học chuyên về Đông Á tại đại học Alberta, như:
Overturned Chariot: The Autobiography of Phan-Boi-Chau (VS chủ biên và là đồng dịch giả, University of Hawai’i Press, 1999); Hyôden Tokutomi Sohô [Tokutomi Soho: A Critical Biography] (Iwanami Shoten, 1994); The Future Japan (VS chủ biên và là đồng dịch giả của cuốn sách tiếng Nhật Shorai no Nihon của Tokutomi Soho, University of Alberta, 1989), cuốn này được giải thưởng sách Canada-Japan của Canada Council’s 1990 ; Phan Bội Châu and the Đông Du Movement (Yale Center for International and Area Studies, 1987).
Tập sách "Việt Nam và Nhật Bản -- giao lưu văn hoá "(1)của ông có nội dung khá phong phú.
Có bài khái quát "Vị trí lịch sử của Trung quốc đối với Việt Nam và Nhật Bản" hoặc đề cập tới "Trục giao lưu văn hoá Nhật Bản Trung quốc Việt Nam vào đầu thế kỷ XX."
Có bài giới thiệu về các nhân vật của lịch sử Nhật như Fukuzawa Yukichi và Asaba Sakitarô .
Có bài so sánh những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ với những đề án có tính cách khải mông của những học giả trong hội trí thức Meirokusha.
Điều đáng nói là ở đó người ta bắt gặp mấy đoạn ghi nhận về một khía cạnh còn đang ít được nói tới trong tâm lý dân mình, nhưng lại rất thiết yếu với công cuộc hội nhập đang trở thành câu chuyện hàng ngày của dân ta hôm nay.
Lời nhắn nhủ của Vĩnh Sính bộc lộ trong ba trường hợp :
1/"Thiên kỷ III đang mỉm cười" là mấy trang sổ tay, ở đó Vĩnh Sính chỉ kể lại ít điều ông ghi nhận được từ một hội nghị văn hoá châu Á tổ chức ở Hàn quốc vào tháng 11-1998.
Khi bàn về giáo dục, trước hết ông nhắc lại ý kiến của học giả Trung quốc Hà Phương Xuyên là để vươn lên tầm thời đại, các dân tộc châu Á cần chuẩn bị hành trang cho cuộc giao lưu văn hoá.
Rồi ngay sau đó ông dừng lại khá kỹ ở một thứ chủ nghĩa quốc gia văn hoá, hay gọi đích danh ra là một thứ “chủ nghĩa sô-vanh văn hoá ” cần phê phán.
Nguyên đây là một ý trong bài phát biểu của giáo sư Hàn quốc Park Seong Rae bàn về Hội chứng độc lập (independence syndrome) hay nói nôm na là “ bệnh độc lập ” của người Hàn.
Theo Park Seong Rae “ nếu người Hàn quốc càng nhấn mạnh độc lập văn hoá của nước họ đối với các nước láng giềng ( Nhật Bản và Trung quốc ) -- chẳng hạn như cảm xúc nghệ thuật độc đáo của người Hàn quốc -- thì chính bản thân họ lại càng phải chịu thiệt thòi nhiều hơn ” (tr 336).
Liên hệ tới Việt Nam, Vĩnh Sính viết “ Hội chứng độc lập trong con người Việt Nam cũng khiến đa số chúng ta thiếu tinh thần tiếp thu những điều hay cái lạ của các nền văn hoá khác, đồng thời chỉ thích nói về những gì hay ho ưu việt trong văn hoá Việt Nam hơn là nói ra những khuyết điểm của mình để sửa chữa. Hội chứng độc lập cũng khiến ta thiếu tinh thần khách quan khi buôn bán làm ăn hay giao lưu với nước ngoài, chỉ biết mình nhưng không biết người ” ( tr. 337).
2/ Bài viết về Shiba Ryôtarô ( 1923-1996 ) giới thiệu một trong những tác giả đại diện cho nước Nhật và một trong những người viết sử có ảnh hưởng nhất ở Nhật.
Ông này có viết riêng một cuốn sách phân tích quá trình lịch sử Việt Nam. Theo ông ở Việt Nam, “ làng xã vẫn là một đơn vị xã hội có tầm quan trọng hơn nhà nước “(tr 280), và đó là một nhân tố gốc, nó quy định trình độ phát triển của xã hội Việt. Theo tôi hiểu ý nhà viết sử này muốn nói là tình trạng lộn ngược đó ( làng quan trọng hơn nước), là bằng chứng về tình trạng lạc hậu rõ rệt của cộng đồng mà chúng ta đang sống.
Trên đường đi vào tâm lý dân tộc, nhà nghiên cứu Nhật cho là người Việt có một số căn bệnh chưa biết bao giờ mới chữa nổi, như cái tình trạng thiếu tinh thần hợp tác với nhau để làm việc chung .
Đặc biệt, theo Shiba Ryôtarô, một khuynh hướng của người Việt là “ xem người dân tộc mình ưu việt so với người dân tộc khác ” ( các tr 288 –289), do đó là một sự cản trở đối với việc học hỏi và chung sống với thế giới.
3/Một dịp khác, Vĩnh Sính dừng lại ở câu chuyện về một nhân vật của thế kỷ XVII.
Đó là Chu Thuấn Thuỷ (1600-1682) một trí thức Trung quốc sống ở thời nhà Minh bị Mãn Thanh xâm chiếm.
Trong quá trình vận động phản Thanh phục Minh, có mấy lần Chu đã lưu lạc sang Việt Nam.
Chính quyền đương thời tức các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã có lúc tính chuyện dung nạp ông, nhưng việc không thành, về sau Chu sang ở hẳn Nhật, trở thành một trí thức có công giúp đỡ cho việc đưa nước này vào một giai đoạn hưng thịnh.
Những ngày làm việc với người Việt được Chu ghi lại qua tập sách mỏng An Nam cung dịch kỷ sự dịch ra là Ký sự về việc phục dịch ở An Nam , 1657. (2)
Dưới con mắt Chu, xã hội Việt Nam hiện ra với những nhược điểm cố hữu của một cơ chế khép kín ít tiếp xúc với bên ngoài. Ngay với thế giới Trung Hoa tưởng là quá quen thì hiểu biết của người Việt cũng rất hạn chế.
Vừa gặp Chu, các nha lại địa phương đã giở trò hống hách, bắt người ta lạy, hỏi người ta bằng cấp gì, và nếu không có bằng cấp thì lập tức rẻ rúng.
Đúng là cái bệnh quá quê mùa và hay chấp nhặt mà ngày nay tới thế kỷ XXI, chúng ta còn bảo lưu khá đầy đủ !
Đến như những câu chuyện mà các bậc gọi là thức giả bấy giờ quây vào hỏi Chu Thuấn Thuỷ thì phần lớn cũng là chuyện tầm thường.
Sự yếu kém trong đời sống tinh thần của xã hội bộc lộ ở nhiều mức độ.
- Thứ nhất là lối học chỉ hớt lấy những cái lạ mà thiếu cơ sở học thuật, một sự ngây thơ trong tư duy khiến đương sự phải cười thầm “ Người quý quốc đọc những truyện như Tam quốc diễn nghĩa hoặc Phong thần mà cả tin là thật, cứ đến đây hỏi tôi hết chuyện này sang chuyện khác mãi không thôi. [Trong khi ấy thì lại bỏ qua không nghiên cứu những sách kinh điển như Ngũ Kinh, Tam sử ]. Tựa như bỏ vàng ngọc mà chọn gạch đá, nhổ lúa xanh mà trồng cỏ tranh, không hiểu cái gì phải lấy, cái gì phải bỏ ” (tr.393).
- Thứ hai là mê muội vì những trò mà nói theo thuật ngữ hiện đại là văn hoá tâm linh. “ Nhưng tại sao chư quân tử từ trên xuống dưới lại cứ đến đòi xem tướng số. Hỏi thật không nhằm chỗ, đến cuối cùng không biết là đã làm nhục Du (tức CTT).
Người coi tướng, người xem sao đông biết bao nhiêu mà đếm cho hết. Trong tứ dân (tức sĩ nông công thương -- Vĩnh Sính chú) và chín học phái (tức cửu lưu : Nho gia, đạo gia, âm dương gia vv… Vĩnh Sính chú ), họ là hạng người thấp hèn nhất. So họ với nhà nho có đức nghĩa, khác xa một trời một vực, như đen với trắng, như nước với lửa, hoàn toàn tương phản ” (tr 392).
Sau hết, Chu cho rằng xứ này “ tuy là nước nhỏ, nhưng khí kiêu ngạo, học vấn nông cạn, kiến thức có giới hạn, tuy có thể tuyển chọn được người tài năng trong nước Dạ Lang của mình, nhưng không tránh được vẻ ếch ngồi đáy giếng ” (tr.401).
Theo ghi chú của Vĩnh Sính, “nước Dạ Lang” nói ở đây là một ẩn dụ, bắt đầu từ câu chuyện có thật về một nước nhỏ thời Hán, trong giao thiệp với thiên hạ mắc bệnh hoang tưởng, từng tranh luận với các sứ giả quanh chủ đề “ nước Dạ Lang so với Trung Quốc bên nào lớn bên nào nhỏ ”. Dạ Lang tự đại đã thành một thành ngữ có ghi cả trong các từ điển Hán—Hán phổ thông như Tân Hoa, Tứ giác, chuyên để chỉ những cộng đồng quen sống biệt lập nên không có ý thức đúng đắn về vị trí của mình trên thế giới.
Chú thích:
(1) Nhà xuất bản Văn nghệ TP HCM và Trung tâm Nghiên cứu quốc học xuất bản , 2001. Những số trang ghi trong bài đều dựa theo bản in trên
(2) Bản dịch cuốn sách này , do Vĩnh Sính thực hiện đã được Hội khoa học lịch sử VN cho xuất bản, 1999 , với nhan đề "Ký sự đến Việt Nam năm 1657."
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015