Học với con
Gia đình trẻ hiện nay thường ít con, đứa bé trở thành hạt nhân trong hầu hết mọi nhà. Chuyện học hành của con cái bao giờ cũng là đề tài được quan tâm hàng đầu. Nhưng không phải ai cũng đạt được điều mong muốn trong sự học của con dù tốn nhiều công sức, tiền bạc.
Kềm con quá chặt
Vợ chồng anh B.T.N. đều là chuyên viên vi tính. Mỗi tối đến đúng bảy giờ đứa con gái 9 tuổi đều phải ngồi vào bàn học. Chị N. săm soi từng nét chữ viết, điểm số mỗi ngày của con. Hôm nào bé Lan lỡ mang về điểm 8 là chị khó chịu ra mặt, truy đi xét lại vì sao bị điểm “kém”. Chị quy định với con không được phép bị điểm dưới 9 cho tất cả các môn. Nhìn mặt bé ngơ ngẩn trước những lời chì chiết của mẹ mới thấy thật đáng thương: “Sao con đần thế, đã cho làm trước ở nhà mà vào lớp vẫn làm sai!” . Điệp khúc đó lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần đã làm cho bé mất dần tự tin vào chính bản thân mình. Không rõ tâm trạng bé lúc đó ra sao, trong khi mắt và hồn cứ dán vào màn hình xem trò chơi Hugo. Còn chị N. luôn luôn than vãn mình mất quá nhiều thì giờ cho con, đến nỗi chị thuộc lòng từng bài tập đọc, ngữ pháp, cả cách giải các bài toán mẫu của con mà chẳng bao giờ bé Lan được lọt vào top ten của lớp.
Phó thác cho gia sư
Chị H., chồng làm giám đốc lo chuyện kinh doanh thường xuyên xa nhà, mọi việc học hành của con được khoán trắng cho chị. Trình độ chỉ mới học hết cấp 3, lại phải quần quật cả ngày với việc nhà và lo chuyện ăn uống cho ba đứa con nhỏ khiến chị không còn thì giờ ngó ngàng đến việc học của con. Vì thế chị chỉ còn cách khoán trắng mọi chuyện cho gia sư. Có lần cô con gái lớn học lớp bảy đưa sổ báo điểm về để phụ huynh ký tên, chị mới phát hiện các bài kiểm tra môn tiếng Anh của con toàn điểm 1, điểm 2. Chị tá hỏa và trút hết cơn thịnh nộ lên đầu cô gia sư sinh viên đang dạy kèm cả 4 môn Anh, Toán, Lý, Hóa cho con mình: “Cô dạy kiểu gì mà con tôi ra nông nỗi này, tôi không tiếc tiền mà sao cô không tận tình?”. Thế là trong vòng hai tháng chị thay đến 3 lần gia sư và tình cảnh cũng không tiến triển gì hơn. Vì con chị không bao giờ tự giải bài tập mà tất cả đều trông chờ vào cô giáo dạy kèm “hướng dẫn”, hơn nữa thời gian chơi game trên máy tính của bé thường nhiều hơn thời gian học bài.
Tạo niềm say mê cho con
Em M.C., vừa đoạt giải 2 học sinh giỏi cấp thành phố môn Tiếng Anh lớp 9 mà không hề phải đến trường học thêm. Mẹ em kể cũng không phải mất nhiều thời gian kèm cặp con học. M.C. làm quen với môn tiếng Anh từ những đĩa nhạc thiếu nhi, những phim hoạt hình, các game trò chơi vui nhộn. Cả một thế giới mới lúc nào em cũng khao khát khám phá, thôi thúc em tự tìm học từ mới để có thể thâm nhập, tìm hiểu. Em nói rằng bố mẹ chỉ trao cho em công cụ, chìa khoá là những bộ từ điển phù hợp với trình độ rồi hướng dẫn cách tra cứu, tìm tòi chứ không làm thay. Khi em mắc mứu điều gì bố mẹ không bao giờ nói ngay đáp án hay cách giải mà chỉ gợi ý: “Con nên xem kỹ chỗ này, đọc thêm chỗ kia… sẽ tìm thấy hướng gỡ”. Cứ mỗi lần tự mình làm được bài tập khó em rất thích thú và có điều kiện là thích dấn thân vào những vấn đề khó để tìm hứng thú. Dần dần em tự hệ thống lại những điều đã học để dễ tra cứu khi cần và tích luỹ thêm những kiến thức mới cho riêng mình mà bố mẹ, thầy cô không đủ thời gian hướng dẫn. Có điều kiện em lại xin phép bố mẹ mua thêm sách, đĩa để tự học.
Xem ra sự học của các em, ngoài phần trách nhiệm lớn nhất từ nhà trường thì vai trò của những người làm cha làm mẹ cũng không kém phần quan trọng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường