Sỉ nhục con cái - chuyện không nhỏ

08:08 CH @ Thứ Sáu - 17 Tháng Mười Một, 2006

Vì bất lực và nóng giận, không ít bậc cha mẹ tuôn ra những lời nhục mạ, xúc phạm con cái. Họ tưởng như vậy là đang răn dạy con, song những lời độc địa, chua cay ấy có sức phá hoại ghê gớm, còn hơn cả đòn roi.

Một em gái 15 tuổi viết: “Em không hiểu sao mẹ lại có thể nói với em những lời cay độc đến thế. Giá em có lỗi, mẹ cứ đánh, em còn đỡ thấy đau lòng hơn. Những lời xỉ vả của mẹ khiến em cảm thấy mình là đứa ngu đần, vô tích sự chẳng làm được gì, chỉ làm khổ bố mẹ. Sau những lời chửi bới, em không thể tập trung vào học tập được nữa. Có lúc em nghĩ có khi mình chết đi, chắc bố mẹ mừng lắm... Sau này có con, em sẽ không đối xử với nó như bố mẹ đối xử với em!”.

Cũng chỉ vì không đỗ đại học, cô bé Thu ở Hưng Yên bị cha mẹ mắng nhiếc rằng: “Nhục nhã quá, cũng cơm ấy, gạo ấy, con người ta thi đâu đỗ đấy. Đằng này chỉ giỏi đua đòi, ăn diện. Không biết chúng tao còn dám ngẩng mặt lên với ai được nữa”. Xấu hổ, buồn chán, quẫn trí, cô bé đã dại dột uống thuốc ngủ tự tử. May mà gia đình kịp phát hiện ra, nếu không, chẳng biết đến bao giờ họ mới thôi ân hận về sự quá lời của mình.

Còn Trung, 16 tuổi, là một học sinh trường giáo dưỡng Thanh Trì, Hà Nội. Do bỏ nhà đi và có những hành vi phạm pháp nên em đã được đưa vào trường. Trung tâm sự: "Hết thời hạn học tập, cháu xin ở lại đây hoặc đi đâu tiếp thì đi chứ dứt khoát không về nhà. Cháu không thích bị rủa là đồ ăn hại!".

Tại sao bố mẹ sỉ nhục con?

Không hiểu biết: Nói rằng cha mẹ sỉ nhục, nhiếc mắng con cái vì họ không yêu con là không đúng. Trong khi nói ra những lời cay độc, họ vẫn luôn nghĩ rằng có thế trẻ mới thấy và sửa chữa khuyết điểm.

Bất lực trong giáo dục: Khi con có lỗi, cha mẹ thường dọa nạt, trừng phạt bằng đòn roi. Thấy không còn hiệu quả, họ chuyển sang dùng những lời nhẹ nhàng, nhưng mang nặng tính giáo huấn. Thấy con không chuyển biến, cha mẹ đành dùng đến những lời cay độc. Cứ như vậy, họ tạo thành cái vòng luẩn quẩn, không giúp con tiến bộ mà chỉ khắc sâu thêm oán thù.

Giận cá chém thớt: Cuộc sống vất vả, căng thẳng, sức ép công việc khiến cho đầu óc cha mẹ lúc nào cũng căng lên như dây đàn. Thế là về đến nhà, bao nhiêu bực dọc, cha mẹ đổ lên đầu con cái.

Trước đây cũng bị đối xử như thế: Mỗi người chúng ta đều mang trong ký ức của mình "một bộ sưu tập'' những lời la mắng, “di tích” của quá khứ, nhưng đôi khi chúng ta không ý thức được điều đó. Có người mẹ đã kể rằng: “Thời nhỏ tôi thường bị cha mẹ chửi mắng là ngu đần. Lúc ấy tôi vô cùng tức giận và căm phẫn cha mẹ tôi. Vậy mà nhiều lúc bây giờ tôi cũng mắng con đúng như vậy. Tôi không thích điều đó, nhưng những lời đó cứ tuôn ra một cách tự nhiên, không cần sắp xếp lại”.

Lời khuyên của nhà tư vấn

Trẻ rất nhạy cảm và dễ phản ứng với những lời nói xúc phạm của người lớn. Vì vật khi nói chuyện, khi giáo dục, ngay cả khi phê bình con, cha mẹ nên nhớ mấy điểm sau:

Không nhận xét kiểu ''chụp mũ'': Không có đứa trẻ nào xấu hoàn toàn. Do đó khi con có lỗi gì, cha mẹ hãy nhận xét, nhắc nhở về khuyết điểm đó. Nếu hôm nào con được điểm kém, cha mẹ cũng chỉ nên nói: “Hôm nay con lại không cố gắng, lại để bị điểm kém à''. Tuyệt đối không nói: “Sao mày ngu thế, dốt thế”. Nhận xét như vậy là xúc phạm trẻ, là sổ toẹt mọi cố gắng từ trước đến nay của trẻ, sẽ gây phản ứng mạnh mẽ.

Cho trẻ cơ hội giãi bày: Khi có lỗi, không phải trẻ không đau buồn và ý thức về chuyện đó. Hãy cho trẻ cơ hội nói lên nỗi lòng nó. Thấy con điểm kém, cha mẹ có thể hỏi: “Sau hôm nay lại thế. Mọi khi con cố gắng lắm cơ mà”. Biết đâu khi ấy ta lại được nghe giải thích: “Con cũng cố gắng rồi nhưng hôm nay con mệt quá”, hoặc: “Con cũng không hiểu sao hôm nay con lại lơ đãng thế. Con sẽ cố gắng hơn vào lần sau”. Được như thế, nguy cơ bùng phát giận dữ của cha mẹ sẽ giảm bớt.

Phê phán bằng cách diễn tả cảm xúc: Không ai không có lúc tức giận. Không nên kìm nén sự tức giận của mình, bởi nó khó kìm nén lâu. Có nhiều cách thể hiện tức giận khác nhau nhưng dù giận dữ thế nào cũng không được xúc phạm nhân cách hay tính tình của con. Thay vì bảo con là “ngu đần”, “hư hỏng”, “vô tích sự”, cha mẹ hay nói lên cảm xúc của mình. Chẳng hạn: “Con thi trượt mẹ buồn quá” hay “Chơi điện tử thích lắm hả con? Nhưng dù sao bố cũng không vui khi con mải mê quá độ”. Những câu nhận xét, thể hiện cảm xúc như vậy có tác dụng khơi gợi và dẫn dắt cái tốt hơn là những lời đao to búa lớn. Hãy luôn nhớ rằng giận dữ chỉ là sự tan phá chứ không có tính xây dựng.

Đừng tiếc lời xin lỗi: Tại sao khi ta có lỗi với ai đó ở cơ quan hay ngoài xã hội, ta áy náy và tìm mọi cách nói lời xin lỗi; vậy mà ta lại không dám xin lỗi con? Con là người mà ta yêu thương, là người sống cùng ta hằng ngày, lẽ nào không quan trọng bằng người ngoài? Giá mà sau khi đã mắng mỏ con quá đáng, người bố biết nói: “Ban nãy bố giận quá, nên hơi quá lời, con đừng trách bố nhé”. Người mẹ cũng có thể bảo: “Chắc con ghét mẹ lắm vì mẹ mắng con phải không?”. Chỉ cần thế, trẻ em đủ độ vị tha để không bùng phát những thái độ phản ứng tiêu cực.

Yêu con thôi chưa đủ. Để giáo dục con, cha mẹ cần có kỹ năng, phương pháp giáo dục nhân bản. Một trong những kỹ năng đó là biết làm chủ cơn giận dữ của mình, tránh những lời lăng mạ xúc phạm đến lòng tự ái của trẻ em.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nguồn gốc của hạnh phúc và bất hạnh

    20/03/2016Trong cuộc sống, mọi người đều có thể cùng nhau vun đắp hạnh phúc. Tuy nhiên, không phải bất kỳ cặp nam nữ nào cũng có thể chung sống đến đầu bạc răng long. Hôn nhân trong cuộc sống hiện đại là một thử thách lớn cho hai người trưởng thành...
  • Xây dựng hạnh phúc gia đình qua những bữa cơm hàng ngày

    05/04/2006Lê Thi (GS, Trung tâm nghiên cứu Gia đình và Phụ nữ)Hạnh phúc gia đình được thể hiện qua những việc làm nho nhỏ trong cách ứng xử, đối xử giữa các thành viên, qua những nét sinh hoạt cụ thể, diễn ra hàng ngày trong đời thường, như ăn uống, nghỉ ngơi, chuyện trò, vui chơi...