'Hồ thiên nga' - ballet cổ điển trên nền giải trí hiện đại

04:52 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Tám, 2015

Những bước nhảy của dàn "thiên nga trắng" trước ánh đèn màu cùng phông nền giả lập thổi làn gió mới cho vở nhạc kịch kinh điển của nhà soạn nhạc Tchaikovsky...

Tối 1/8, Nhà hát Talarium Et Lux biểu diễn vở ballet Hồ thiên nga tại Hà Nội. Suốt gần ba tiếng, tác phẩm kinh điển của Tchaikovsky được tái hiện. Ở đó, những người yêu nhạc kịch, đặc biệt thế hệ từng một thời gắn bó với xứ bạch dương, có thể đắm mình với chuyện tình cổ tích giữa Siegfried và Odette cũng như lắng mình chiêm nghiệm về triết lý mâu thuẫn trong bản thân mỗi con người.

Hồ thiên nga kể về mối tình giữa hoàng tử Siegfried (Sergey Sergeyevich Smirnov đóng) và nữ hoàng thiên nga Codette (Elisaveta Sergeevna Nebesnaya). Vào ngày sinh nhật Siegfried, trong khi người dân ăn mừng linh đình, hoàng hậu bày tỏ lo lắng về cuộc sống vô tư của con trai rồi yêu cầu chàng phải chọn một người vợ trong bữa tiệc hoàng gia hôm sau.

Hoàng tử thất vọng do không được kết hôn vì tình yêu, những người bạn rủ chàng đi săn để quên nỗi buồn. Trong chuyến săn, Siegfried bắt gặp nữ hoàng thiên nga Odette - người bị nguyền rủa bởi phù thủy nửa người nửa cú Von Rothbart - tại hồ nước ma thuật. Chàng thề sẽ yêu Odette mãi mãi để giải phóng nàng khỏi lời nguyền.

Hôm sau, tại vũ tiệc hoàng gia, phù thủy Von Rothbart mang đến một Odette giả để đánh lừa hoàng tử. Vừa cất lời thề thì thấy bóng thiên nga trắng lao vào cửa kính rơi xuống, Siegfried mới nhận ra đó là Odette thật. Hoàng tử lao theo nàng tới hồ nước, cầu xin tình yêu tha thứ. Von Rothbart lúc này xuất hiện ngăn cản. Nhờ sự giúp đỡ của các nàng thiên nga khác, hoàng tử giết được kẻ ác, giải lời nguyền và được mãi mãi ở cạnh người thương.

Vở ballet kinh điển của Tchaikovsky thông thường được trình diễn với hai cách kết thúc trái ngược: một là hai nhân vật chính quyên sinh để phá giải lời nguyền, hai là cùng nhau chiến đấu với thế lực đen tối nhằm giành lại hạnh phúc. Phiên bản Hồ thiên nga trình diễn tối 1/8 ở Hà Nội chọn lối kết có hậu, phù hợp với tâm lý khán giả phương Đông nên dễ dàng tiếp cận với nhiều đối tượng, đặc biệt là người chưa từng tiếp xúc với ballet.


Những điệu múa ballet cổ điển vẫn tạo nên sức hút lớn khi được phối cùng ánh sáng và kỹ thuật trình chiếu hiện đại. Ảnh: Xuân Bình.

Dưới sự chỉ đạo của huyền thoại ballet thế giới Mikhail Leonidovich Lvrovsky, mọi phân cảnh của vở ballet diễn ra trơn tru.

Về dàn dựng, Hồ thiên nga giữ nguyên giá trị vốn có của ballet kinh điển. Khán giả được ngắm nhìn những đôi chân bay nhảy trên không trung, sự thanh thoát duyên dáng của thiên nga trắng hay cú xoay vòng liên tiếp của thiên nga đen ở vũ hội. Đặc biệt, trích đoạn múa của bốn thiên nga trắng vốn quen thuộc với khán giả Việt khiến người hâm mộ thổn thức. Sự khổ luyện giúp các diễn viên có mối giao cảm chặt chẽ trên sân khấu. Mọi động tác đều được thực hiện chuẩn mực, không thừa thiếu. Những đôi giày múa khi chạm xuống mặt sàn tạo nên những tiếng "lách tách" như gợn nước trên mặt hồ. Tất cả nhịp nhàng, "ăn rơ" và thi vị như từng nốt nhạc mà Tchaikovsky biên soạn.

Nhưng đêm ballet không chỉ tái hiện các giá trị kinh điển. Việc dựng sân khấu 3D cùng hệ thống đèn màu hiện đại thay vì phông nền vẽ tay và ánh sáng vàng - trắng truyền thống tạo nên hơi thở mới cho dòng nghệ thuật kén người xem.

Những bức họa kinh điển được thay thế bằng màn hình LED ôm trọn sân khấu. Đó là hồ ma thuật phẳng lặng lấp lánh ánh sáng của đom đóm, những ngôi nhà kiến trúc cổ hay cung điện hoàng gia xa hoa dưới ánh lửa. Mỗi phân cảnh kết thúc, từng hình ảnh được chuyển giao theo nhiều cách, từ zoom xa đến mờ dần, biến vở nhạc kịch giống như một bộ phim nhiều lớp lang phức tạp hơn là sân khấu chỉ có diễn viên chạy ra vào. Ánh sáng phản chiếu trên nền váy trắng của diễn viên tạo chuỗi liên tưởng nghệ thuật về những đóa hoa khoe sắc giữa màn đêm ảo diệu.

Việc sử dụng công nghệ hiện đại là điểm mới nhưng cũng là thách thức với ê-kíp sản xuất cùng diễn viên múa. Bình thường, người nghệ sĩ chỉ cần lắng nghe giai điệu để chọn thời điểm xuất hiện trên sân khấu, với Hồ thiên nga, họ cần sự tập trung nhiều hơn thế. Khi những chú thiên nga chao liệng từ bầu trời bay xuống hồ, hình ảnh mặt hồ loáng lên vì sóng nước tương ứng với một con người xuất hiện. Tất cả mang tính khoảnh khắc, chỉ chậm một giây, "đoàn tàu" Hồ thiên nga dễ bị trật mình khỏi nhịp.


Sự chuẩn mực, nhịp nhàng trong động tác của các diễn viên ballet.

Tuy gặp vài lỗi nhỏ, chương trình được khán giả và nghệ sĩ Việt khen ngợi về giá trị nghệ thuật cũng như sự đầu tư kỹ thuật.

Từng thừa nhận Trung tâm Hội nghị Quốc gia không đạt tiêu chuẩn ballet thế giới, việc ê-kíp Hồ thiên nga đưa vở diễn lên sân khấu này đồng nghĩa họ chấp nhận những hạn chế nảy sinh. Sử dụng nhạc nền thu sẵn thay vìdàn nhạc sống giúp đoàn múa diễn linh hoạt, tiết kiệm chi phí nhưng không thể giải quyết trọn vẹn việc đưa cảm xúc khán giả đến cao trào. Các màn hình LED dựng theo tiêu chuẩn sân khấu ballet thế giới nhưng vẫn không đủ lớn khi đặt trong không gian của trung tâm hội nghị. Điều này ảnh hưởng đến tầm nhìn của khán giả và tác động, hiệu ứng giao thoa của âm thanh.

Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - chia sẻtrong thời bao cấp, các đoàn múa nước ngoài tới Việt Nam diễn ballet không ít nhưng đa phần là vở nhỏ. Ông cũng từng nhiều lần xem ballet ở nước ngoài, trong đó bốn lần xem Hồ thiên nga. Hoàng Dũng tâm sự: "Tôi trân trọng nỗ lực của êkíp khi đưa vở diễn kinh điển Hồ thiên nga về Việt Nam. Nó khiến người trong ngành múa phải suy nghĩ và có động thái tích cực hơn bởi từ lâu sân khấu chúng ta chỉ có múa minh họa chứ không phải các loại hình nghệ thuật cao như ballet".

Ca sĩ Tùng Dương bày tỏ: "Trước chương trình, tôi từng nghe nhiều ý kiến cho rằng mặt bằng thẩm mỹ của khán giả Việt còn hạn chế nên việc đưa những chương trình nghệ thuật cao như thế này không mấy phù hợp. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta cần cởi mở hơn để đón nhận những tinh hoa thế giới. Có như vậy, nền nghệ thuật nước nhà nói chung cũng như múa Việt Nam nói riêng mới có thể phát triển được". Nam ca sĩ cho biết dù hơi tiếc vì chương trình không có dàn nhạc giao hưởng, âm thanh chưa tối ưu làm tinh thần diễn nghệ sĩ bị hạn chế, anh vẫn đánh giá cao nỗ lực của ê-kíp.

Câu chuyện tình yêu giữa hoàng tử Siegfried và nữ hoàng thiên nga Odette vẫn khiến các trái tim yêu ballet phải thổn thức.

Với nội dung mang tính nghệ thuật, dàn dựng công phu, diễn viên giỏi, Hồ thiên nga để lại cảm xúc đẹp trong lòng công chúng. Tại đây, người Việt lớn tuổi được một lần nữa quay về với những điệu múa, nốt nhạc gắn với chốn kỷ niệm thời trẻ mà những lớp thế hệ đi sau cũng có cơ hội tiếp cận và hiểu hơn dòng nghệ thuật vốn bị liệt vào danh sách "trưởng giả học làm sang" như ballet.

Nguồn:Vnexpress
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Các định chế của nghệ thuật và toàn cầu hóa

    29/06/2016Hou Hanru ( Hầu Hàn Như)Hiện tượng toàn cầu hóa ngày nay, không nghi ngờ gì nữa, chính là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản xuyên quốc gia - được tạo điều kiện thuận lợi hơn, thông qua những tiến bộ trong lĩnh vực truyền thông và du lịch. Hiện tượng ấy làm lộ ra những khả năng mạnh mẽ và cũng đầy mâu thuẫn của sự biến cải về kinh tế, văn hóa và xã hội trong cả hai khu vực phương Tây và "phi phương Tây ".
  • "Thảm họa" Lệ Rơi: Đừng nhầm lẫn nghệ thuật và giải trí

    15/07/2014Nhạc sĩ Trần Minh PhiTừ những cái bẫy bản năng tự nhiên và cái bẫy ý đồ giăng ra, cuối cùng cả quần chúng lẫn truyền thông đều tự sập bẫy của nhau, tạo nên một bộ mặt văn hóa nhếch nhác và cẩu thả...
  • Cứ "cởi đồ” là “hi sinh vì nghệ thuật”?

    21/09/2010Ngày càng nhiều Sao Việt chấp nhận “cởi đồ” trên phim để thực hiện sứ mệnh “hi sinh vì nghệ thuật”. Nhưng liệu những vai diễn trên phim mà nghệ sĩ thực hiện có hoàn toàn vì sứ mệnh ấy???

  • Nghệ thuật sắp đặt (installation) và tương lai của nó tại Việt Nam

    23/05/2010Lê Mỹ ÝTrong đời sống mĩ thuật Việt Nam hiện tại, cùng với "nghệ thuật trình diễn ", cụm từ "nghệ thuật sắp đặt " có lẽ được nhắc đến với tần số khá lớn. Cùng với chúng là những khái niệm khá mơ hồ về các loại hình nghệ thuật thị giác có tên gọi chung là "nghệ thuật đương đại " ...
  • Nghệ thuật rực rỡ thời 2.0

    16/02/2010Nguyễn Phương LinhNếu bạn nghĩ nghệ thuật là những bức tranh, những điều khắc đẹp đẽ… và bạn đứng lặng yên chiêm nghiệm chúng; nghệ thuật là những thứ hàn lâm và bạn là người đứng xem từ phía bên ngoài…
  • Bản chất nghệ thuật

    25/12/2009Nguyễn QuânMỗi người là một nhân loại. Đó là cái gốc làm cho nghệ thuật có cớ tồn tại mãi. Nghệ thuật đó chính là hơi thở của đời sống. Ở tác phẩm nghệ thuật loài người có một đời sống khác, họ hiện diện ở một dạng đặc biệt và trở nên trường cửu. Nghệ thuật do vậy cũng giống như bản năng sinh sản, nam yêu nữ, nó là một hạt nhân di truyền văn minh của con người. Chính ở chỗ giống như bản năng sinh sản, nghệ thuật bộc lộ nghĩa vụ cao cả của con người tức nghĩa vụ đối với giống nòi.
  • Nghệ thuật tương tác có phải là nghệ thuật?

    19/12/2009Hương Lan, ảnh nghệ sĩ cung cấpSau nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn… gần đây người ta bắt đầu nhắc đến nghệ thuật tương tác (hay còn gọi là nghệ thuật quần chúng) đang như một “thỏi nam châm” với các nghệ sĩ theo đuổi hội hoạ ngoài giá vẽ. Thỏi nam châm này liệu có trở thành một trào lưu mới?
  • Sáng tạo nghệ thuật và tiềm thức

    29/11/2009Nguyễn QuânCó sự có mặt của tiềm thức như một thực tế không đồng nhất với ý thức - được coi là tầng sâu, tầng nền của ý thức. Trong ngôn ngữ học các nhà khoa học đang nghiên cứu rất nhiều về ngôn ngữ bên trong - tức cái có trước - khi nó chưa hiện ra thành ngôn ngữ của một khái niệm, một biểu đạt.
  • xem toàn bộ