Nghệ thuật tương tác có phải là nghệ thuật?

04:07 CH @ Thứ Bảy - 19 Tháng Mười Hai, 2009

Sau nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn… gần đây người ta bắt đầu nhắc đến nghệ thuật tương tác (hay còn gọi là nghệ thuật quần chúng) đang như một “thỏi nam châm” với các nghệ sĩ theo đuổi hội hoạ ngoài giá vẽ. Thỏi nam châm này liệu có trở thành một trào lưu mới?

Làn sóng “tương tác”

Những ai quan tâm đến nghệ thuật đương đại hẳn chưa quên cuộc trình làng rầm rộ của dự án Marathon Art (Việt dã nghệ thuật) cách đây chừng ba năm. Trong vòng ba tháng triển khai dự án, sáu thành viên của Marathon Art mang lại cho công chúng không ít ngạc nhiên. Kim Hoàng rủ rê mọi người bước vào Thế giới đa nguyên, một thế giới dành cái nhìn thân thiện cho những ai thuộc giới tính thứ ba. Ngô Lực mời khán giả ghé thăm Quán nhìn (toạ lạc ngay trong một quán cà phê), để làm gì tuỳ ý. Với Mỗi người chúng tôi là một đề nghị, Lý Đợi và Lê Quý Anh Hào phát không máy ảnh cho những người dân bình thường, rồi nhận về hàng trăm bức ảnh khắc hoạ chân dung muôn màu cuộc sống theo những cách rất riêng… Thông qua chuỗi dự án “con” nằm trong Việt dã nghệ thuật, người ta dần dà cảm nhận được thế nào là nghệ thuật tương tác. Hiểu nôm na thì nó cho phép công chúng thoải mái tham gia vào tác phẩm như một đồng tác giả với nghệ sĩ và không cần quá coi trọng tính nghệ thuật. Còn một định nghĩa chuẩn, theo nghệ sĩ Như Huy là không có, vì “tương tác đơn giản là kết nối với công chúng, có thể gọi đó là nghệ thuật cộng đồng hay nghệ thuật quần chúng. Ai thích thì cứ việc “phiêu” khái niệm tương tác theo cách riêng. Còn tôi, làm tương tác là để “chạm” đến khán giả”, thủ lĩnh của Maraton Art khẳng định. Riêng hoạ sĩ Ngô Lực không giấu tham vọng “xoá nhoà mọi ranh giới giữa nghệ sĩ và khán giả”.

Nói là làm, sau thành công của Maraton Art, Ngô Lực ra mắt dự án cá nhân Vào chợ (ảnh). Địa điểm “họp chợ” là Hà Nội, khu vực còn tương đối dè dặt với nghệ thuật tương tác. Trong chợ bày sẵn hàng chục bức tranh, các tác phẩm sắp đặt, bút lông, màu vẽ… Khách vào chợ cứ việc… bôi trét lên tác phẩm theo ý tưởng riêng hoặc làm sắp đặt, trình diễn, hát, múa… tức bất cứ hành vi nào cũng được, miễn không vi phạm thuần phong mỹ tục. Điều bất ngờ là không khí “chợ” vui như tết. Không chỉ các nghệ sĩ của thủ đô mà cả khán giả cũng hăng hái “đi chợ” để “tương tác”. Phấn khích, tác giả quyết tâm mở thêm một cái “chợ” nữa ở TP.HCM, lấy tên là Vào chợ 2, dự kiến quy tụ 20 “nhà” bao gồm nhà báo, nhà thơ, nhà văn… cùng tương tác với nhau và với khán giả. Trong khi Vào chợ 2 chờ xin cấp phép thì Ngô Lực đã nhanh tay khởi động dự án Ra đường, hợp tác cùng các hoạ sĩ Hà Nội. Không chịu “chậm chân”, Như Huy cũng đang gấp rút lên kế hoạch cho Marathon Art 2 cùng một vài dự án với sự góp mặt của các nghệ sĩ nước ngoài.

Tuy nhiên, so với thời kỳ đầu cốt vui là chính, các dự án tương tác càng về sau càng đi theo khuynh hướng… gây sốc. Lê Anh Hoài biến mình thành cái cột điện (theo đúng nghĩa), để người đi đường muốn làm gì với mình thì làm, thậm chí cả những hành động khiếm nhã. Dự án sắp tới – Ăn đi của nhóm Ngô Lực – một cuộc “hợp hôn” giữa ba loại hình nghệ thuật: trình diễn – sắp đặt – tương tác cũng hứa hẹn đem đến cảm giác mạnh cho người xem. Bảy nghệ sĩ sẽ nhốt mình trong một không gian chung và phơi bày cho bàng dân thiên hạ thấy toàn bộ những sinh hoạt thường ngày như đi chợ, nấu nướng, ăn, ngủ, nghỉ… và hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Dù mức độ gây sốc của một số dự án khiến người ta băn khoăn nhớ lại tiêu chí ban đầu của nghệ thuật tương tác là “chạm đến khán giả ở mức độ cao nhất có thể”, nhưng làn sóng tương tác vẫn tiếp tục lan toả mạnh mẽ ở cả hai miền Nam, Bắc.

Có trở thành một trào lưu mới?

Điều thú vị là mặc dù được liệt vào dạng nghệ thuật đương đại – hình thức nghệ thuật chưa phải là phổ biến ở Việt Nam, nhưng đường đi nước bước của nghệ thuật tương tác lại khá suôn sẻ, nếu so với những búa rìu dư luận mà nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật sắp đặt đã phải hứng chịu trong giai đoạn trình làng. Người ta nói vui rằng, may mắn của nghệ thuật tương tác chính là sinh sau đẻ muộn, khi những nghi ngại về nghệ thuật đương đại đã phần nào dịu lắng. Xem Vào chợ (qua tivi) của Ngô Lực, hoạ sĩ Lê Huy Tiếp, chủ tịch hội đồng Nghệ thuật hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định: “Đấy là một dạng nghệ thuật cộng đồng, mang dấu ấn của nhiều người. Nó khá lôi cuốn khán giả, cho người ta cảm giác thoả mãn về thị giác và thích thú vì được thoả sức “nghịch” với màu sắc, được giải toả stress. Đó là điểm tích cực”. Nhưng, mặc dù nhìn nhận nghệ thuật tương tác với một con mắt khá cởi mở, hoạ sĩ Lê Huy Tiếp cũng như đa số các hoạ sĩ lão thành khác, đều cho rằng: “Hoạt động mỹ thuật vô cùng phong phú. Có những con đường trở thành nghệ thuật đích thực, có sức sống lâu dài, nhưng có những lối đi chỉ tồn tại nhất thời, không nên khẳng định đó là trào lưu nghệ thuật”.

Tính nghệ thuật vẫn quan trọng nhất

“Suy cho cùng, vai trò của nghệ thuật vẫn là định hướng thẩm mỹ. Trong nghệ thuật tương tác, mục đích tối thượng là đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, để nâng cao tính dân chủ trong quá trình đối thoại, để không áp đặt khán giả. Cho nên, nghệ thuật vẫn phải là trung tâm của quá trình tương tác.

Chúng ta mới chỉ chập chững những bước đầu tiên. Vậy nên, các tác phẩm chưa đồng đều về chất lượng. Có những tác phẩm bề nổi ồn ào nhưng lại thiếu chiều sâu. Có những tác phẩm mặt ngoài nhẹ nhàng, nhưng lại có sức nặng. Nhìn chung, các nghệ sĩ trẻ chưa có đủ kinh nghiệm để làm tương tác một cách thực sự sâu sắc, dài hơi, và kèm theo là một hệ thống nghiên cứu. Tuy nhiên, nghệ thuật nào cũng vậy, muốn đạt đến thời hoàng kim phải có nhiều yếu tố hỗ trợ: sự phát triển của cộng đồng nghệ thuật đến một độ chín nào đấy (hiện nay chúng ta có những cá nhân “chín” nhưng chưa có một đội hình “chín”), được đào tạo bài bản về nghệ thuật mới (chúng ta cũng chưa có) và một môi trường ủng hộ về vật chất và pháp lý”.

Hoạ sĩ Trần Lương

LinkedInPinterestCập nhật lúc: