Hãy chung tay làm việc có ích cho xã hội

05:32 CH @ Chủ Nhật - 28 Tháng Hai, 2021

Lợi ích của xã hội rất lớn, nhưng tình nghĩa lại dễ chia lìa, không gắn bó với nhau thì không thể thu hoạch được gì. Có bốn điều để gắn bó: một là tranh lên trước; hai là bác ái; ba là giữ chữ tín; bốn là rộng lượng thứ

Hãy bàn từng điều một.

4. TRANH LÊN TRƯỚC

Chồng vì vợ mà mưu sinh, vợ vì chồng mà lo việc nhà, việc cửa. Vợ chồng phục vụ lẫn nhau. Người thợ làm cày bừa cho nhà nông, nhà nông làm ra lúa gạo cho người thợ. Nông, công phục vụ lẫn nhau, đem lại lợi ích lớn cho xã hội. Những kẻ chơi bời, lười biếng, vô công rồi nghề, dựa vào người khác mà sống, họ hưởng lợi mà không sinh lợi, chẳng khác ký sinh trùng trong loài động vật. Đó là những con mọt nước... Có nhiều người như thế thì xã hội suy to. Cho nên, phàm người trong xã hội đều phải tranh lên trước, ra sức làm việc có ích. Họ có thể tranh lên trước khi công nghiệp chưa phát triển và có những nghĩa cử có ích, khởi xướng cho mọi người làm theo. Họ là đại công thần của xã hội. Bởi vì dụng tâm của họ gian khổ gấp bội lần người bình thường. Phần họ được hưởng thụ không bao nhiêu, mà lợi ích của mọi người thì vô kể. Người tranh lên trước lại có những nghĩa cử, vì lợi ích xã hội mà phải hy sinh thân mình, công lao càng to lớn. Những công lao này cũng chưa to lớn bằng biểu lộ dũng khí trước những người nhút nhát, cùng phấn đấu học hỏi, phát triển bách nghệ làm cho xã hội hưng thịnh. Công lao ấy thì không lường được.

Xã hội ta trì trệ, không tiến bộ, học thuật, kỹ nghệ sơ sài, càng mong mỏi điều đó, quốc dân ta phải tranh lên hàng đầu mới được.

Trong mười người chơi bời, lười biếng cũng có năm, sáu người có lòng tự ái, hiểu biết chút ít. Còn phần lớn thì câu nệ, giữ ý kiến cũ. Bỏ được phong thói ấy, tranh lên trước, hiếm lắm. Mỗi lần họ thấy những sáng kiến họ không quen thì họ chê bai, dè bỉu; hơn cả những kẻ ngu si đảo lộn phải trái, trắng đen. Không phải ai cũng như vậy, người tranh lên trước chớ vì thế mà vội nản lòng.

5. BÁC ÁI

Người trong xã hội đều như nhau, nhưng cũng có người tài ba lỗi lạc, cũng có người đần độn, ngu dốt. Có người giàu bạc triệu, cũng có người nghèo xác nghèo xơ. Trí, ngu, giàu, nghèo không đều, nên xã hội mới phân ra tầng lớp trên, tầng lớp giữa, tầng lớp dưới. Các nước trên địa cầu không nước nào tránh khỏi. Phần lớn lại là người thuộc tầng lớp dưới. 

Những người ngu dốt đã chơi bời, lười biếng, không có nghề nghiệp, lại vụng về trong việc mưu sinh, cho nên mới nghèo đói. Có kẻ nghèo đói cùng cực, do đó sinh ra làm điều xằng bậy. Nhỏ thì gian trá, phạm pháp; to thì làm loạn. Dù không làm loạn, xã hội cũng không thể trông mong gì vào họ mà chấn hưng. Vì thế, người giàu lòng bác ái nên tiết kiệm ăn mặc, bớt chi phí trong việc tiêu dùng hàng ngày, mà làm việc nghĩa. Như nuôi dưỡng trẻ nhỏ, người già yếu, tàn tật, chữa trị người ốm đau. Lại lập ra nhiều trường đại học, thư viện, công viên để cho kẻ ngu dốt cũng được hưởng thụ những cái mà người trí thức ban cho, người nghèo được hưởng những thú vui người giàu có đem lại. Như vậy thì có thể khiến họ nghĩ đến tiến thủ, dập tắt lòng oán vọng. Cuối cùng, bất bình đẳng tạm thời sẽ dần dần trở thành bình đẳng thật sự. 

Ngày nay, các nước văn minh Đông Tây đang ra sức thực hiện điều đó. 

Nước ta, những người ở tầng lớp dưới trong xã hội chiếm hơn phần nửa. Tình trạng khốn khổ, nguy ngập hết nói. Mặc dù trong nước có người làm việc từ thiện nhưng không đúng cách, người nghèo nhận được ơn huệ ban cho không được bao nhiêu. Thiếu niên chúng ta nên trau dồi lòng bác ái để khi gặp việc có ích chung, ai có sức thì đưa sức ra, ai có của thì đưa của ra. Những người khác cũng nên có trách nhiệm khuyên bảo kẻ ngu dốt, không nên “độc thiện kỳ thân” để người đời gọi là thằng ích kỷ, chỉ biết mình mà thôi.

6. CHỮ “TÍN”

Khổng Tử nói: “Người không giữ chữ tín thì không biết họ như thế nào”. Nghĩa lớn của ngũ luân là: bạn bè phải tin nhau, bạn bè là người trong xã hội. Người ta ở đời không thể không giao thiệp với nhau, chữ tín là quan trọng nhất trong giao thiệp. Không giữ chữ tín thì anh lừa tôi, tôi lừa anh, trăm chuyện sẽ nát, tinh thần xã hội tan rã. Người nước ta quen không giữ chữ tín, lâu thành thói, đến nỗi người thật thà thì cho là đồ bỏ, kẻ gian trá thì lại cho là tài! Buồn thay!

Bất tín lớn nhất: một là dối trá. Người nước ta vụng trong đường mưu sinh, nhưng lại giỏi dối trá, giả mạo... Thói xấu ấy đầy rẫy mà cứ điềm nhiên, không cho là quái gở. Người dối trá khi bại lộ thì thanh danh không còn, điều ấy không đáng nói rồi. Đau đớn hơn là một người dối trá, nhiều người khác bị nghi oan. Thế là hỏng hết, làm cho xã hội bại hoại. Hai là bội ước các quy chế, chương trình mà lại làm ra vẻ tuân hành. Nói mười nhưng không giữ được hai, ba. Ngay khi ký quy ước đã không có ý thực hiện, cứ ký bừa, bất kể sau này ra sao. Cho nên, quy ước chưa ráo mực mà như đã bỏ đi. Còn như ước miệng thì chỉ là “nói láo mà chơi, nghe báo chơi”, không đáng để tâm. Còn người châu Âu, thì cả những việc như tiệc tùng, thăm hỏi, họ đã hẹn là đến, không sai một phút, một khắc. Còn như việc giao thiệp, giải quyết công việc thì họ nhanh chóng, khẩn trương, họ cho là quan trọng hết sức. Cái đức của họ sao mà đẹp thế. Thiếu niên chúng ta sống trong thế giới đầy dối trá này, giao thiệp tất phải thận trọng, chu tất, đề phòng những chuyện bất tín. Bắt đầu từ chúng ta, trong bạn đồng chí với nhau, nên ước hẹn với nhau là nhất thiết bỏ sự dối trá, lừa đảo, bội ước, cho đó là những điều nghiêm cấm. Ai vi phạm thì về sau không đếm xỉa đến nữa, khiến cho không còn đất dung thân. Đó là kế duy trì xã hội, tuy hơi nghiêm khắc nhưng không quá đáng.

7. GIỮ ĐIỀU THỨ

“Thứ” có nghĩa là “điều gì mình không muốn thì chớ làm cho người khác”. 

Trong xã hội, có những lợi ích một người hưởng, có những lợi ích nhiều người cùng hưởng. Phải lấy chữ thứ mà bảo vệ sản nghiệp, tài vật, sinh mệnh, thanh danh, những lợi ích mà mọi người được hưởng. Nhặt được của rơi còn không được giữ cho mình, huống hồ là cướp tài vật của người khác. Giết người còn không được trả thù, huống hồ là làm thương tổn sinh mệnh người khác. 

Thanh danh cũng là thứ của cải vô hình, mất thanh danh thì không còn có thể mưu sinh, mà ta vô cớ làm cho người ta mất thanh danh, liệu có nên chăng? Sản nghiệp, tài vật chung gọi là lợi ích công cộng. Như chiếm đường quan, phá hoại cầu cống, lấy của công, phá trường học, công sở, đồ đạc trong thư viện, đèn điện trên hè phố, bẻ hoa ở công viên và vi phạm quy ước chung ở những nơi du hí, hội trường, nhà hát, tranh giành nhau, làm ồn ào náo động, phàm những kẻ mưu tiện lợi cho mình mà gây bất tiện cho số đông, đều không thể tha thứ được. Chúng là bọn giặc của xã hội. 

Trong nước mà nhiều người tự tư tự lợi, phương hại đến công ích thì ý thức xã hội không còn nữa. Thiếu niên chúng ta nên lấy làm răn.

Nội dung liên quan

  • Xã hội - Ái quần - Gia đình có phải là ái quần không?

    24/02/2021Khuyết danhNgười ta hợp quần mà thành xã hội. Chưa hề có quốc gia mà đã có xã hội từ đầu. Xã hội là lẽ sinh tồn của loài người...
  • Tân Đính Quốc Dân Độc Bản:  Sách đọc của quốc dân

    23/02/2021Đỗ Văn Hỷ và Vũ Văn Sạch dịchCuốn sách này gồm có hai phần (Tập I và Tập II) do tác giả khuyết danh biên soạn, được Đông Kinh Nghĩa Thục khắc in nhiều lần, phát hành với số lượng rất lớn (lên tới hàng vạn bản), phổ biến tại Đông Kinh Nghĩa Thục...
  • Luận bàn về ý thức trách nhiệm và thói vô cảm

    10/07/2017Phạm Lê Vương Các, sinh viên tp.HCMĐề thi Đại học môn Văn khối C năm nay được cho là hay nhất từ trước đến giờ với phần nghị luận về “tinh thần ý thức trách nhiệm và thói vô cảm” một vấn đề mang tính thời sự nóng bỏng. tuy nhiên có một số ý kiến nhận định cho rằng vấn đề này là “quá tầm” so với trải nghiệm của thí sinh. Vậy thì có tinh thần trách nhiệm và nói không với thói vô cảm có khó thực hiện như chúng ta vẫn nghĩ không hay là chúng ta chưa giáo dục được ý thức trách nhiệm cho thế hệ trẻ ngày nay?
  • Từ bi phải có trí tuệ

    05/05/2017Thượng TùngNhân dịp về Việt Nam giới thiệu cuốn sách Lòng tri ân: Sức mạnh và mầu nhiệm vừa xuất bản, thầy Huyền Diệu đã dành cho Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần một cuộc trò chuyện...
  • “Chúng ta đều phụ thuộc vào nhau”

    17/06/2016Kim Yến thực hiện, chân dung hội hoạ Hoàng TườngTin giáo sư Trịnh Xuân Thuận, người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng cao quý Kalinga của UNESCO về Phổ biến khoa học năm 2009 đã như ngọn gió lành làm nức lòng giới khoa học và tất cả độc giả đã từng yêu quý ông qua những tác phẩm viết về vũ trụ với cái nhìn tinh tế, giàu mỹ cảm, thấm đẫm tư tưởng triết lý của đạo học Phương Đông.
  • Tỷ phú Mỹ muốn tặng hết tài sản cho thiện nguyện trước 2020

    09/12/2014Năm 1988, ông đã được bình chọn là người còn sống giàu thứ 31 của nước Mỹ, với tổng tài sản là 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên không giống như các tỷ phú khác “nổi đình nổi đám”, bởi Feeney có đời sống riêng tư rất bình lặng và đơn giản. Hiện nay, ông sống trong một căn hộ đi thuê bởi toàn bộ tài sản đã hiến tặng cho các tổ chức từ thiện. Các con ông cũng phải tự lăn lộn kiếm sống từ khi đến tuổi trưởng thành...
  • Bài học từ người quét rác

    13/10/2014Nguyễn Mạnh HùngBài học từ người quét rác tập hợp những bài viết hay nhất trên các báo Vietnamnet, Vnexpress, Tạp chí Trí Tri, Thế giới Doanh nhân, Kinh doanh và Tiếp thị, Tuổi trẻ, Thanh niên,… của tác giả Nguyễn Mạnh Hùng – một con người đầy tinh thần nhiệt huyết, cống hiến sẻ chia và trách nhiệm xã hội.
  • Một số vấn đề về trách nhiệm xã hội ở doanh nghiệp Việt Nam

    13/07/2009Lê Đăng DoanhTrong bài viết này, sau khi nói về trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tác giả tập trung luận giải vấn đề xây dựng xã hội dân sự và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường. Theo tác giả trách nhiệm xã hội ở Việt Nam đã được nhận thức và bước đầu được thực hiện và đó chính là cơ sở để chúng ta tin rằng, cùng với quá trình phát triển đất nước, trách nhiệm đó sẽ được đề cao cùng với sự hoàn thiện của khung pháp luật, bộ máy nhà nước, thể chế kinh tế thị trường và các thể chế của xã hội dân sự.
  • Những điều xã hội không mong muốn

    28/06/2009Bùi Tiến QuýThấu hiểu sâu sắc những điều xã hội không mong muốn để tránh xa hoặc để khắc phục là việc làm có giá trị xã hội rất lớn lao, không thua kém gì thấu hiểu sâu sắc những điều xã hội mong muốn để phấn đấu thực hiện tốt.
  • Trách nhiệm

    18/06/2008Nguyễn Đức SơnChưa có bao giờ chữ ‘trách nhiệm’ được nhắc nhiều như bây giờ và cũng chưa bao giờ xã hội cần đến tinh thần đó như hiện nay. Tưởng như là nghịch lý, nhưng chỉ cần lướt qua những vụ việc xảy ra hàng ngày và chỉ trên phương tiện thông báo chí thôi, ai cũng có thể thấy được điều đó...
  • xem toàn bộ