Những hạt cây gieo bằng sách
Liệu những thiết bị kỹ thuật số có làm thói quen đọc sách bị... tuyệt chủng? Câu hỏi này đặt ra từ lâu mà đến giờ vẫn còn nhiều tranh cãi.
Cha mẹ hãy dành thời gian cuối tuần để đi chọn sách, đọc sách cùng con (Ảnh minh họa)
.
Nhưng có lẽ những quyển sách dù nhỏ bé, vẫn là một thứ không dễ gặp phải số phận như loài khủng long.
Trăm không bằng một
Một bà mẹ 40 tuổi bày tỏ tình cảnh khá bi thiết: “Làm sao cho hai đứa nhỏ ở nhà tôi thích đọc sách bây giờ? Nịnh nọt, dọa dẫm, treo thưởng... đủ kiểu rồi mà tụi nó vẫn không màng”.
Hay là sách cho bọn trẻ không phù hợp với lứa tuổi? “Không. Đi hiệu sách là chở hai đứa theo tự lựa thoải mái. Nhưng lần nào tụi nó cũng mang ra chỗ tính tiền toàn đồ chơi”.
Hóa ra nguyên nhân là ở chính những người đang than thở. Bà mẹ đó có sở thích luyện phim bộ mỗi tối.
Cứ có phim bộ là mắt chị dán vào màn hình tivi chặt như dính bằng keo dán sắt. Cứ tình cảm éo le, đong đầy nước mắt là chị không thể bỏ qua. Mẹ coi, con cũng khoái lây. Còn ba? Nếu không đi uống vài chai với bạn, ở nhà cha lũ trẻ lại khoái “cày” game.
Đủ loại trò chơi trên mạng từng kinh qua nhưng cứ thấy trò mới hấp dẫn là mắt anh lại sáng như đèn ôtô.
Với trẻ nhỏ, cách thuyết phục hiệu quả nhất là bằng hành động. Điều chúng thấy mỗi ngày sẽ tác động đến chúng hơn hẳn “công tác tuyên truyền” bằng... đài phát thanh! Nếu cha mẹ không đọc sách, rất khó để tụi nhỏ tin được rằng sách rất bổ ích cho thế giới tinh thần.
Cho nên thấy cha mẹ đọc sách thường xuyên, trẻ nhỏ sẽ có một hình mẫu để bắt chước. Việc này càng đơn giản nếu từ lúc chưa biết chữ, trẻ đã được chamẹ đọc sách cho mỗi ngày. Nên tin vào điều này thôi: “Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ”!
Chọn sách gì?
Có một thực tế rằng không ít bậc cha mẹ bị ám ảnh bởi giấc mơ muốn con trở thành thiên tài. Ngay lúc mang thai, từ chế độ dinh dưỡng, ăn ngủ tới giải trí (nghe nhạc hoặc xem phim hay đọc sách), họ nhất nhất tuân thủ “công thức để con hơn người”.
Hình ảnh quen thuộc là bà mẹ áp tai nghe phát nhạc giao hưởng vào bụng, tay cầm một quyển sách đầy trí tuệ. Những thứ ấy luôn có tác dụng dễ kiểm chứng là tạo nên một giấc ngủ tít mít. Ép mình đọc, nghe thứ mình không thích thì thường xôi hỏng bỏng không.
Trẻ nhỏ cũng thế thôi. Trong cấu trúc não bẩm sinh của mỗi con người đã ngầm quy định những điều cơ bản của tính cách, xu hướng nhưng không có gì là bất biến. Nhiều thói quen sẽ được hình thành từ sinh hoạt hằng ngày.
Đọc là một thói quen bền vững, khi đã có thì rất khó mất. Và ngay cả khi đã có thói quen đọc, mỗi đứa trẻ cũng có vài thể loại sách được yêu thích hơn những loại khác.
Tuy vậy cũng như ăn uống, không “món” sách nào đủ hết cho nhu cầu tinh thần. Lúc mới biết chữ trẻ sẽ hứng thú với truyện tranh. Lớn thêm, truyện dài, sách khoa học, từ điển... càng có sức hấp dẫn.
Có những quyển sách rất thú vị dành cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Nếu cả cha mẹ cùng đọc sách đó với con, chắc hẳn sẽ xuất hiện những bàn luận lý thú.
Người viết bài này đã cùng đọc với con các bộ truyện như Bu Bu, Những câu hỏi tại sao, Truyện cổ Grim, Tây du ký... và nhiều quyển sách khác. Cũng theo thiển ý của người viết, truyện tranh Nhật Bản không phải là lựa chọn tốt cho ngôn ngữ hay tư duy của trẻ nhỏ.
Dù sách mua online bây giờ khá dễ dàng, nhưng niềm vui khi tự tay chọn từng quyển ở nhà sách vẫn là điều khó có gì thay được.
Nếu có thể, cha mẹ hãy dành thời gian cuối tuần để đi chọn sách, đọc sách cùng con. Những hạt cây gieo bằng những quyển sách sẽ tạo thành miền xanh theo hết cuộc đời.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015