Hán Nôm với văn hóa Việt Nam hôm nay

08:46 SA @ Thứ Năm - 20 Tháng Năm, 2010

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khuynh hướng tái sinh những giá trị văn hóa cổ xưa, nguồn tri thức Hán Nôm đang bị trưng dụng một cách vô tội vạ, thậm chí là có nhiều sai lệch đến lố bịch. Ông Trần Trọng Dương, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cho rằng đó là hậu quả của sự “đứt gãy văn hóa”.

TBKTSG: Trong những năm gần đây, một số địa phương có xu hướng phục dựng nhiều lễ hội cổ truyền cùng với sự đa dạng thư pháp Hán Nôm. Ông nhìn nhận hiện tượng này thế nào?

- Ông Trần Trọng Dương: Sự tái sinh văn hóa cổ là nét tích cực trong sinh hoạt văn hóa ngày nay. Nhiều người đã ý thức hơn về những giá trị của nền văn hóa Hán Nôm xưa. Nhiều người già sau khi nghỉ hưu, nhiều bạn trẻ trong khi đang ngồi trên ghế nhà trường đã chủ động học chữ Hán, chữ Nôm để tìm lại những giá trị nhân văn của văn hóa cổ truyền. Nhiều di tích, đình chùa, miếu mạo trong quá trình xây dựng, trùng tu cũng đã thể hiện sự mong muốn tìm lại nguồn mạch tâm linh xưa cũ. Tuy nhiên, việc phục dựng các giá trị văn hóa cổ mà thiếu tính tổ chức của hoạt động chuyên môn thì dễ có nguy cơ gây ra tác dụng ngược.

TBKTSG: Có người coi kho tàng Hán Nôm đã thuộc về quá khứ, không mấy ý nghĩa đối với đời sống hôm nay. Ông nghĩ thế nào?

- Với cha ông chúng ta, chữ Hán cùng với chữ Nôm do chính người Việt sáng tạo, là phương tiện để ghi chép lại toàn bộ tri thức văn hóa, lịch sử, khoa học, tôn giáo, tư tưởng… trong suốt một thời kỳ dài của dân tộc. Hán Nôm là một ngành khoa học tổng hợp, đa-liên-ngành, là chìa khóa để đi vào mọi cánh cửa của văn hóa Việt Nam trong quá khứ.

TBKTSG: Ông có thể nói rõ hơn kho tàng Hán Nôm có thể đóng góp gì cho đời sống hôm nay?

- Hơn 2.000 năm qua, tiếng Hán luôn là thứ ngôn ngữ ngoại giao chính thống của các nước đồng văn. Ngày nay, ngành Hán Nôm học giúp chúng ta tìm hiểu rõ hơn lịch sử ngoại giao của ta với các nước trong khu vực. Trong xu thế khu vực hóa về kinh tế cũng như văn hóa hiện nay, những văn tự Hán Nôm còn là chiếc cầu nối hữu hiệu để kết nối văn hóa và truyền thống giữa các dân tộc đồng văn.

Hiện tượng các con rồng châu Á - sự phát triển vượt bậc của các nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc trong mấy thập niên vừa qua, đã khiến cho giới khoa học không chỉ ở châu Á mà cả ở phương Tây phải đi tìm nguyên nhân. Trong đó, không ít học giả coi sự trỗi dậy của kinh tế và văn hóa các nước này là một biểu hiện của văn minh chung - văn minh chữ Hán. Tuy còn nhiều lý do khác nữa, nhưng nền tảng lịch sử dùng chung văn tự giữa các nước này là điều không thể bác bỏ. Ngoài ra, học Hán Nôm cũng sẽ biết đến tiếng Hán hiện đại. Vừa biết cổ vừa biết kim, vừa thông hiểu về quá khứ vừa hòa nhập với hiện tại là một lợi thế của những người làm văn hóa và ngoại giao.

TBKTSG: Như vậy, Hán Nôm đang giữ vị trí và đóng vai trò như thế nào trong các ngành khoa học xã hội nhân văn của Việt Nam hiện nay?

- Không chỉ lúc này mà trong suốt một thế kỷ vừa qua, việc học Hán Nôm luôn được các học giả trong nước và nhiều nước châu Á đặt ra, như Hoàng Xuân Hãn, Phan Ngọc, Trần Ngọc Vương, Tomita Kenji…, bởi vì Hán Nôm là quá khứ của chúng ta. Tôi muốn dẫn một quan điểm của thầy tôi - cố Giáo sư Trần Đình Hượu: “Đến hiện đại từ truyền thống”. Tôi tin rằng chỉ khi chúng ta tích trữ truyền thống và có một nền tảng quá khứ đủ mạnh thì mới có thể đi đến hiện đại một cách vững vàng và có bản sắc riêng.

Theo tôi biết, văn hóa Việt Nam hiện lưu trữ một trữ lượng giá trị quá khứ khá loãng. Đây là lỗi của việc xóa bỏ văn tự truyền thống, trong đó có văn tự Hán Nôm, gây nên sự đứt gãy văn hóa trong suốt một thế kỷ qua. Sự đứt gãy không chỉ về mặt thời gian - giữa hiện tại với truyền thống mấy ngàn năm lịch sử, mà còn ở khía cạnh không gian - giữa Việt Nam và các nước đồng văn trong khu vực.

Tôi nhớ Giáo sư Phan Ngọc đã từng viết: “Việc trí thức Việt Nam không chịu học chữ Hán là một tổn thất nặng nề”. Có người cho rằng ý kiến này hơi khắt khe, nhưng có lẽ đã phản ánh đúng thực trạng của khối khoa học xã hội và nhân văn hiện nay.

TBKTSG: Từng là giảng viên dạy môn Hán Nôm ở bậc đại học, ông có thể cho biết thực trạng học tập và nghiên cứu Hán Nôm hiện nay như thế nào, nhất là trong giới trẻ?

- Như tôi đã nói, có nhiều bạn trẻ chủ động đăng ký học bộ môn Hán Nôm, cho thấy họ thực sự đánh giá cao những giá trị mà Hán Nôm có thể mang lại cho hôm nay và cả trong tương lai. Nhưng thực lòng mà nói, tình trạng giáo dục Hán Nôm hiện nay làm thất vọng nhiều bạn trẻ và có lẽ với tất cả những ai quan tâm nghiên cứu “cổ học”. Đa phần không có giáo trình cho các chuyên ngành như lịch sử, y học cổ truyền, bảo tàng, thư viện, triết học, Việt Nam học, Đông phương học, ngôn ngữ học…

Nhiều giáo viên cũng không có khả năng viết giáo trình do không đủ năng lực dịch thuật văn bản và yếu kém trong nghiên cứu, cập nhật công nghệ thông tin. Hậu quả là giảng dạy theo cách… tung hỏa mù và Hán Nôm trở thành một môn học “kinh hoàng”, một trò tra tấn tinh thần đối với sinh viên.

TBKTSG: Trong hệ thống giáo dục đào tạo chính quy còn vậy thì chắc hẳn trong các sinh hoạt phục cổ của đời sống văn hóa dân gian hiện tại khó có thể tránh khỏi những sai lệch. Ông suy nghĩ vấn đề này thế nào?

- Đề cập ở khía cạnh nội dung (chứ không phải hình thức) của vấn đề, tôi biết trong xã hội vẫn có nhiều người có tâm huyết gìn giữ những giá trị văn hóa Hán Nôm, chủ yếu ở những người ngoài 40 tuổi. Tuy nhiên, hầu hết những hành động này đều nằm ngoài sự đầu tư, tổ chức hoặc hỗ trợ của Nhà nước.

Tôi nghĩ các cơ quan hữu quan thuộc các ngành văn hóa, khoa học xã hội nhân văn cần nhận thức lại về sự cần thiết phải điều chỉnh các hoạt động nghiên cứu, giáo dục đào tạo Hán Nôm để đi vào thực chất các giá trị văn hóa mà dân tộc ta đã có, làm nền tảng khai phá những giá trị mới trong tương lai. Chúng ta cần có nhiều người hiểu biết Hán Nôm hơn con số hiện nay, nhưng trên thực tế, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Quốc học với quốc văn

    01/07/2019Phạm QuỳnhBàn về quốc học không thể không nói đến quốc văn. Quốc học với quốc văn vẫn có quan hệ với nhau rất mật thiết. Nước ta sở dĩ không có một nền quốc học chân chính, phần nhiều là bởi không có một nền quốc văn xứng đáng.
  • Bồ Đào Nha và công trình sáng chế chữ Quốc ngữ

    20/04/2016Roland JacquesLàm sao quên được công trình vĩ đại mà các vị tiên phong của công cuộc truyền giáo tại Việt Namđã thực hiện? Những điều mà các vị truyền giáo dòng Tên đến từ Bồ Đào Nha, do Bồ Đào Nha gửi đi, đã thực hiện trong phạm vị ngữ học kỳ cùng là những công trình có tính cách quyết định cho tương lai văn hóa Việt Nam...
  • Chữ nho với văn quốc ngữ

    27/10/2009Phạm QuỳnhQuốc văn là phần chính, chữ Hán là phần thuộc; quốc văn là cứu cánh, chữ Hán là phương tiện, nhưng là cái phương tiện rất cần, không có không được
  • Chữ Nho với văn quốc ngữ

    29/07/2009Phạm QuỳnhVăn quốc ngữ do Hán văn mà ra, không thể dời khuôn phép của Hán văn mà thành lập được; nhưng hiện nay chữ Hán không mấy người biết nữa, làm thế nào cho quốc văn thành được? Có thể bỏ hết chữ Hán mà chỉ dùng tiếng Nôm được không?
  • Ngôn ngữ mới của nước Nam

    03/07/2009Phạm QuỳnhKhông thể chối cãi là hiện giờ đang có một ngôn ngữ mới của nước Nam đa dạng hơn, uyển chuyển hơn, đủ khả năng hơn cho sự diễn tả các tư tưởng mới và các quan niệm trừu tượng so với ngôn ngữ đó cách đây mười lăm, hai mươi năm.
  • Cuộc tiến hóa của tiếng nước Nam (*)

    09/04/2009Phạm Quỳnh (1)Thưa quý ngài, khi hai người không hoà thuận với nhau, các ngài bảo đó là họ không nói cùng một thứ tiếng. Chúng tôi thì nói: ngôn-ngữ-bất-đồng (không có cùng một ngôn ngữ). Đối với các cá nhân đã vậy; đối với các dân tộc càng như vậy. Để đi sâu vào tâm thức của một dân tộc, để có thể thiện cảm với nó, không gì bằng sự hiểu biết ngôn ngữ.
  • Hán Nôm học Việt Nam trong bối cảnh kinh tế hàng hóa và xu thế hội nhập

    13/02/2009Cao Tự ThanhBắt đầu hình thành từ cuối thế kỷ XIX như một phản ứng văn hóa của dân tộc chống lại vòng vây "khai hóa" của ngoại nhân, Hán Nôm học cũng từng bước phát triển trong thế kỷ XX và trở thành một phương tiện học thuật góp phần đưa con người Việt Nam bước vào xã hội hiện đại. Sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố chính trị, văn hóa và khoa học như vậy khiến ngành Hán Nôm có thể và cần phải trở thành một bộ phận trong nhóm xung kích, đội tiên phong của hệ thống các khoa học xã hội và nhân văn của quốc gia để đáp ứng các yêu cầu văn hóa và xã hội, thông tin và giáo dục trong hoàn cảnh mới. Vì vậy, việc tìm hiểu nội dung của sự phát triển Hán Nôm học Việt Nam trong bối cảnh kinh tế hàng hóa và xu thế hội nhập hiện tại là một vấn đề cần thiết được đặt ra.
  • Ngày xuân nói chuyện thư pháp

    23/01/2009Trung Vũ ChấnThư pháp là nghệ thuật viết chữ Hán bằng bút lông trên giấy, lụa, có bố cục đẹp với những nét chữ như tranh vẽ: Trước kia viết chữ là minh họa cho bức tranh, sau này là bức họa toàn thằng chữ. Đây là một nghệ thuật nổi tiếng của Trung Quốc và nhiều nước phương Đông, được gọi là nghệ thuật Thư pháp.
  • Tân văn - Tân thư và ảnh hưởng của nó đến tư tưởng yêu nước ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

    07/11/2006PGS, TS Lê Thanh BìnhTân thư góp phần giúp cho trí thức Việt Nam tiêu biểu thời đó học được phương pháp mà sau này người ta thường gọi là: “Tự thức tỉnh, tự phê phán" để nhìn nhận rõ các ưu khuyết, nhất là các nhược điểm trầm trọng của chính tầng lớp mình, của nhân dân mình, dân tộc mình đặng sửa chữa, khắc phục...
  • xem toàn bộ