Quốc học với quốc văn

10:32 SA @ Thứ Hai - 01 Tháng Bảy, 2019

Bàn về quốc học không thể không nói đến quốc văn. Quốc học với quốc văn vẫn có quan hệ với nhau rất mật thiết. Nước ta sở dĩ không có một nền quốc học chân chính, phần nhiều là bởi không có một nền quốc văn xứng đáng.

Nói thế hoặc có người cãi rằng: Nước ta họ không có quốc văn sao? Thế Truyện Kiều là gì? Thế Cung oánlà gì? Thế những thơ Nôm phú Nôm từ đời Hàn Thuyên, đời Hồng Đức đến giờ là gì? Thế những câu ví câu hát bóng bảy lưu hành trong dân gian là gì? Đấy không phải là quốc văn hay sao?

Song quốc văn không phải chỉ là một môn thi ca tiêu khiển mà thôi. Tiếng An Nam ta về khoản này không phải là nghèo nàn thật; ấy là từ xưa đến nay không chịu tập luyện cho đến nơi đến chốn, cứ để phóng cho tự nhiên phát đạt mà thôi, chứ nếu biết khéo lợi dụng thì còn phong phú hơn nữa. Nhưng những lối từ phú thi ca đó là mối văn chương chơi cả, hoặc là tự trong dân gian phát ra, tự do mà mộc mạc, hoặc là do những tay văn sĩ có tài, ngoài thì giờ tập luyện Hán văn, soạn ra để làm một món tiêu khiển. Thuộc về phương diện di dưỡng tính tình, không phải là không có giá trị, nhưng thuộc về phương diện phô diễn tư tưởng thì hãy còn ấu trĩ lắm.

Thực ra thì tiếng An Nam ta từ trước đến nay, dùng về lối văn đạo tình hoặc cũng có, dùng về lối văn thuyết lí thì hầu như không từng thấy bao giờ. Nói đến nghĩa lí thì các cụ ta toàn dùng Hán văn cả, cho tiếng nước nhà là nôm na thô thiển, không đủ nghiêm trang sâu sắc để diễn những tư tưởng cao kì. Chỉ lúc nào nhàn rỗi, ngâm vịnh chơi mới dùng đến tiếng Nôm mà thôi. Mà cũng không phải là phổ thông như vậy. Thỉnh thoảng mới có một vài cụ sính quốc âm, cao hứng soạn dăm ba bài, nhiều khi cũng không có ý sưu tập để lưu truyền lại.

Thành ra tiếng An Nam tuy cũng giàu có, cũng bóng bảy, không phải hèn kém chi, mà cổ lai không bao giờ được cái danh dự dùng làm văn tự để truyền bá học thuật. Danh dự ấy toàn thuộc về chữ Hán cả.

Nay chữ Hán là một thứ "tử văn" (langue morte) hùng hồn cổ kính, uyên áo thâm trầm thật, nhưng đã ngưng trệ lại tự lâu đời rồi, không còn sinh hoạt, không còn tiến hóa nữa. Tử văn ấy chỉ có thể dùng làm khí cụ cho một cái học cũng đã kết tinh lại tự lâu đời, không có sinh hoạt nữa, một cái "tử học" (culure morte) vậy. Mà thật thế, cổ học của Tàu là một cái "tử học", cũng như cổ văn của Tàu là một thứ "tử văn" vậy.

Nước ta trong mấy mươi đời hấp thụ cái văn hóa của Tàu, bao nhiêu người thông minh tài tuấn trong nước, chỉ học một cái tử học đó, chỉ tập một thứ tử văn đó, nó trang nghiêm cổ ảo, đủ khiến cho mình kính phục rồi, không thể tưởng tượng rằng ngoài cái học đó còn có học thuật nào, ngoài thứ văn đó còn có văn tự nào khác nữa.

Tình trạng ấy không phải là riêng cho một nước Nam ta. Phàm nước nào sinh trưởng trong cái vòng khuôn một văn hóa cổ, đều phải làm nô lệ một thứ văn tự cổ cả, hi sinh tiếng nói trong nước mình đi mà sùng thượng thứ văn tự đó. Không kể Cao Li, Nhật Bản ở Á Đông, cũng như ta tiêm nhiễm cổ học của Tàu mà tập luyện cổ văn nước Tàu; tỉ như Ba Tư, Thổ Nhĩ Kì cũng vậy; hai nước ấy theo văn hóa Ả Rập, nên từ xưa đến mãi gần đây, vẫn dùng chữ Ả Rập làm văn tự, còn tiếng Ba tiếng Thổ thì coi như tiếng "Nôm" không có giá trị gì. Bởi thế nên hai nước đó thủy chung không có quốc văn mà cũng không có quốc học.

Lại như Âu châu về trước khoảng thế kỉ thứ 15 cũng vậy: các nước đều sinh trưởng trong vòng khuôn của văn hóa cổ La Hi cả, ngoài chữ Latinh, không còn có văn tự nào khác nữa; nước nào vẫn có tiếng thổ âm của nước ấy, nhưng chưa tiếng nào thành văn tự cả. Tự thế kỉ thứ 15 trở đi, các thổ âm dần thoát li chữ Latinh, độc lập thành quốc ngữ rồi tiến hóa thành quốc văn. Đã có quốc văn rồi mới có quốc học. Lấy nước Pháp làm thí dụ thì đủ rõ: trước khoảng thế kỉ thứ 15-16, tiếng Pháp cũng dùng một địa vị kém hèn như tiếng Nam ta thuở trước đây, chỉ dùng để làm những món thi ca tiêu khiển trong dân gian, không ai nghĩ đến dùng để truyền bá học thuật cả. Các học giả đều chuyên trị một thứ chữ Latinh là thứ “tử văn” mà thôi. Đến đầu thế kỉ thứ 17, nước Pháp đã gây thành quốc văn rồi mà những sách về triết lí vẫn còn viết bằng La tinh. Tự ông Descartes xuất bản sách Phương pháp luận (Discours de la Méthode) bằng chữ Pháp, bấy giờ mới bắt đầu dùng pháp văn để bàn về triết học.

Xem như thế thì ở Đông phương cũng vậy, ở Tây phương cũng vậy, nước nào còn tôn sùng một cái văn hóa cổ, tập luyện một thứ văn tự cổ thì không thể nào có quốc văn, có quốc học được. Bao giờ tiếng quốc âm của mình thoát li được cái văn tự cổ đó mà độc lập thì bấy giờ mới gây được thành quốc văn. Quốc văn đã thành lập, nhiên hậu mới có quốc học được. Có quốc văn, có quốc học mới thật là được độc lập về đường tinh thần.

Nay trong hai mối quốc văn và quốc học đó, thời quốc học là bản thể, quốc văn là hình chất, quốc học là cứu cánh, quốc văn là phương tiện. Không có hình chất thì không thể biểu lộ được bản thể; không có phương tiện thì không thể đạt tới nơi cứu cánh.

Vì tiếng An Nam ta trong thời đại Hán học, không thể tranh được với chữ Hán mà chiếm lấy cái địa vị, đảm lấy cái chức vụ truyền bá học thuật, ngõ hầu thành một nền quốc văn hoàn toàn chân chính, nên nước ta không thể gây dựng thành một nền quốc học xứng đáng.

Hoặc giả nói: đem quốc học buộc với quốc văn là làm hẹp mất cái vấn đề đi. Nếu nước ta quả có tài liệu dựng thành một nền quốc học đích đáng, thì dùng Hán văn mà biểu lộ cái quốc học ấy ra, này dùng Pháp văn nữa, có hề chi? Đã sẵn có cái văn tự hoàn toàn tốt đẹp của người ta dạy cho mình, cứ việc mượn mà dùng, hà tất phải tạo ra một thứ văn tự mới, nửa Ngô nửa Tây, tặng cho nó cái tên là quốc văn làm chi cho nhiêu khê, mà cũng chưa chắc đã ra gì!

Đó là một cái thuyết nguy biện, mới nghe dường như có lí mà xét kĩ không thiết sự thực. Lời nói tuy là cái áo của tư tưởng, nhưng tư tưởng phát biểu ra được cũng nhờ ở lời nói. Tư tưởng thật không thể rời với lời nói được. Hai bên làm lần lót cho nhau mà in nhau như hệt. Nếu mượn lời nói của giống khác, thì tức là mượn tư tưởng của giống khác, vì là đem cái óc của mình khuôn vào từ điệu cú pháp của người, đem cái hồn của mình nhiễm lấy tính tình phong vị của người, đem cốt cách tinh thần của mình mà hi sinh đi để chuốc lấy cái cốt cách tinh thần của người; một là thành công, nhưng thật thành công cũng là khó lắm, thì mình không phải mình nữa, mà thành một bản phỏng của người; hai là không thành công thì mình không còn hẳn là mình mà chưa biến hẳn thành người, ấy mới dở dang thay!

Cho nên trừ những dân bán khai còn mộc mạc, chửa có văn hóa gì, hoặc có thể đồng hóa theo giống khác được, bỏ cả tiếng nói của mình mà học tiếng người, nhưng dẫu cho thành công cũng vẫn là bác tạp, coi nó lang lổ sặc sỡ thế nào, chứ không được thuần túy. Còn những giống đã có chút văn minh khai hóa, có ngữ ngôn văn tự hẳn hoi, thì nó còn khuyết điểm, chỉ nên bồi bổ cho nó được hoàn toàn, quyết không nên hi sinh đi mà học theo ngôn ngữ văn tự của người. Vì mượn lời nói của người tức là rập mình cho in theo như người, đem óc mình làm nô lệ cho người, không mong bao giờ còn có thể tự lập về đường tinh thần được nữa.

Nói về cá nhân thời hoặc có những kẻ thông minh lỗi lạc: tự mình đã có cốt cách rồi, có thể học thêm của người để tài bồi cho cái cất cách ấy được vững vàng mạnh mẽ thêm lên. Còn đại đa số người ta thời phàm học ngôn ngữ văn tự của nước ngoài, chẳng qua như con yểng học nói, lắp đi lắp lại nhiều lần rồi nó quen miệng, quen tai, quen trí não đi, thành những câu sáo sẵn, tích lũy lại cho nhiều, rồi gặp dịp cứ thế mà phát hành ra. Thuộc về sự giao tế thường thì cái cách học thuần bằng kí ức đó, cũng là đủ dùng. Nhưng nói về tư tưởng, về nghĩa lí, về tôn chỉ, về học thuật, thì thật không có bổ ích gì mà lại có phương hại đến cốt cách tinh thần nữa.

Nay không những kẻ thông minh lỗi lạc, mà nhất bản quốc dân cũng đều theo dõi về ngữ ngôn văn tự của nước ngoài cả, thì khá tưởng cái hại đến thế nào! Kết quả đến cả nước đều là một phường học mướn viết nhờ cả, còn mong mỏi cho đời thuở nào có quốc văn với quốc học nữa. Rồi thậm chí cử quốc không có người nào là nói sõi một thứ tiếng gì nữa, tiếng người không bao giờ nói được bằng người, tiếng mình thì không học cũng không thông, thành ra một giống “ngọng” cả! Nói năng đã đú đớ thời tư tưởng sao cho rạch ròi được, thần trí tất đến mờ ám đi. Cái hại về đường trí thức tinh thần biết bao nhiêu mà kể.

Trong thời đại Hán học, cái hại ấy đã trầm kha đến nỗi nước ta vẫn có tiếng là nước văn hiến mà thủy chung không gây được một nền quốc văn cùng quốc học cho xứng đáng.

Nay đến thời đại Tây học, xem ra cũng không thấy khác gì, hình như chúng ta lại muốn bước vào cái vết xe cũ của đời trước.

Không nói những người học dở dang, số đó là số nhiều, cái hại lại càng tệ, nói ngay một số ít những người học đã thành tài, kể vào hàng trí thức, ngồi họp nhau một chỗ, nói toàn chuyện tiếng Tây, nghe ra nghị luận hùng hồn lắm, tưởng là tư tưởng lỗi lạc cả, nhưng nhận kĩ thì toàn là những câu sáo phảng phất như trong các sách Tây, báo Tây hết. Thì ra cái học của bậc ấy vẫn còn là cái “học kí ức”, chưa phải là cái “học tri thức” vậy.

Hạng người ấy không phải là hạng tầm thường; phải là cái óc thông minh mới học ngữ ngôn văn tự của nước ngoài được làu thông am hiểu như vậy. Nhưng cái nghiệp mượn tiếng nước ngoài để thay vào tiếng mình bao giờ nó cũng thế, mượn tiếng người thì mượn cả tư tưởng của người, mượn cả học thuật của người, rồi đến mượn cả tính tình phong tục của người nữa.

Ấy là nói những người có tư chất thông minh hơn người, mới hóa được hoàn toàn như vậy. Nhưng số đó được bao nhiêu? Còn những người bình thường là phần đại đa số, thì dở dang lại càng dở dang, đú đớ lại thêm đú đớ, lố lăng bác tạp, nghĩ mà buồn thay!

Thành ra rút cục lại, kết quả như thế này: bao nhiêu kẻ thông minh tài tuấn hóa theo người cả, hóa càng xu thời càng cách biệt xa vời với kẻ đồng bào đồng chủng mình, rồi cứu cánh đến thành như người ngoài hẳn. Thế là bao nhiêu khí tinh anh trong nước phát tiết ra ngoài hết cả theo như lời văn Tây nói là “nước bị cắt đứt mất hàng thượng lưu vậy” (la nation est décapitée de son élite). Bao nhiêu kẻ khôn ngoan đi theo ngoài mất cả, còn ai là làm hướng đạo cho quốc dân? Thành ra dân không có đầu, dân đến lụn bại; nước không có óc, nước sống sao được!

Ấy cái tình trạng nước ta về đường trí thức tinh thần, từ xưa đến nay là như vậy. Kẻ thượng lưu thì học mướn viết nhờ, đến chung kiếp làm nô lệ tinh thần cho người; kẻ bình dân thì để mặc cho tối tăm dốt nát, không hề được chịu cái ảnh hưởng giáo hóa của người trên, vì trên dưới cách biệt nhau, dường như không cùng nhau nói một thứ tiếng vậy.

Tỉ như Đức Trần Hưng Đạo là một vị võ tướng tuyệt luân của nước Nam ta; nếu bài hịch dụ các tì tướng là chính tay ngài viết ra, thì ngài lại là một tay văn hào tuyệt phẩm nữa. Bài hịch đó nay ta đọc lại còn thấy phấn khởi kích thích trong lòng, huống người đương thời đương sự được nghe những lời văn hùng hồn mà thiết tha như vậy, ắt phải cảm động biết bao nhiêu! Nhưng tiếc thay bài hịch đó lại làm bằng chữ Hán, dẫu trong hàng các tì tướng, có lẽ cũng nhiều người không hiểu hết lời lẽ, còn nói gì đến trong dân gian. Nếu bài đó không viết bằng chữ Hán mà lại viết bằng tiếng Nôm, thì những giọng kích ngang hùng tráng đó lại còn thấm thía biết bao nhiêu, không những cảm các tì tướng mà lại cảm đến cả ba quân nữa, không những cảm đến ba quân mà cảm đến cả dân chúng nữa. Xem như bài văn tế trận vong tướng sĩ của quan tiền quân Nguyễn Văn Thành thì đủ biết. Giữa nơi "đông mặt ba quân, cờ đào nón đỏ", mà nghe những câu như sau này:

"Ngọn roi rúc nguyệt, nơi tẻ nơi vui; nhịp trống dồn hoa, chốn tươi chốn ủ!
"Đã biết rằng anh hùng thì chẳng quản, trăm trận một trường oanh liệt, cái sinh không cái tử cũng là không; nhưng tiếc cho tạo hóa khéo vô tình, nghìn năm một hội tao phùng, phận thủy có, phận chung sao chẳng có?
"… Dưới trướng nức mùi chung đỉnh, sẽ nhớ khi chén rượu rót đầu ghềnh; trong nhà rỡ vẻ áo xiêm, chạnh nghĩ buổi tấm cửu vung trước gió.
"Bâng khuâng kẻ khuất với người còn; tưởng tượng thầy đâu thì tớ đó..."

Nghe những lời như vậy, nghĩ nỗi kẻ khuất người còn, trong ba quân, ai là người cầm được nước mắt? Nhưng suốt trong văn học sử nước ta, nếu ba chữ văn học sử đó nói về thơ văn Nôm không phải là nói ngoa, được mấy bài như bài của quan tiền quân đó? Được bài đó là một, với một bài Văn tế võ Tinh và Ngô Tòng Châu nữa là hai, thế mà thôi.

Đáng tiếc, thật là đáng tiếc thay?

Tôi dám quyết rằng nếu cụ Chu An hay cụ Trạng Trình ta về đời Trần hay đời Mạc cũng viết một bộ sách triết lý bằng Nôm, bằng tản văn Nôm, như Montaigne nước Pháp về thế kỷ thứ 16 viết sách Tùy bút (Essais); hay Descartes về thế kỷ thứ 17 viết sách Phương pháp luận bằng chữ Pháp, thì nước ta ắt đã có quốc học liền với quốc văn rồi, không đến nỗi bọn ta ngày nay phải thở dài mà than tiếc vậy.

Nói tóm lại thì quốc học không thể rời quốc văn được. Không có quốc văn không thể có quốc học. Nước Nam ta đời trước không thể có quốc học bằng chữ Hán được; nước Nam ta sau này cũng không thể có quốc học bằng chữ Pháp được. Muốn cho nước Nam có quốc học thì phải có quốc văn bằng tiếng Nam.

Về phần riêng tôi, trong hai mươi năm nay, từ khi biết tư tưởng về việc học việc nước đến giờ, vẫn thầm tin như vậy. Thấy nước ta không có quốc học vì không có quốc văn, nên bấy lâu đem công phu cống hiến cho việc gây dựng lấy một nền quốc văn xứng đáng. Trong việc này có hai phần: phần thứ nhất là sưu tập lấy những tài liệu của đời trước còn để lại; phần thứ nhì là gây dựng lấy một cái tản văn từ trước đến nay chưa có.

Nước ta không có quốc văn vì các cụ đời trước quá sùng thượng chữ Hán, không chịu viết bằng tiếng nước nhà. Nhưng tiếng nước nhà vốn không phải là nghèo nàn; xem như thời Hồ có dăm ba cụ ngâm vịnh bằng tiếng Nôm, lời lẽ thanh tao và điêu luyện biết bao nhiêu, thời đủ biết rằng tiếng ta khéo dùng cũng có thể thành văn chương có giá trị được. Nay những mảnh thơ, mảnh văn vụn vặt tản mát của người đời trước soạn ra những khi rỗi nhàn để làm món tiêu khiển đó, dẫu chưa đủ gọi là quốc văn được, nhưng cũng là tài liệu cho quốc văn, nên hết sức tìm tòi mà sưu tập lấy. Đó cũng tức là cái quốc văn mới phôi thai vậy. Nhưng sưu tập những mảnh văn thừa của đời trước cũng chưa đủ; lại còn phải nhất diện sưu tập những tiếng nói, lối nói trong dân gian, những tục ngữ ca dao có thể lợi dụng làm văn được, cho khỏi lâu ngày mai một đi mất; nhất diện sưu tập những thành ngữ, cổ ngữ, điển cố cùng danh từ của văn Tàu hoặc đã thông dụng trong tiếng ta, hoặc có thể tham dụng cho tiếng ta được giàu có thêm ra.

Nói tóm lại thì trong việc sưu tập cũng lại có hai phần: một là sưu tập về văn chương, tức là cóp nhặt những thơ văn Nôm cũ còn lại, hai là sưu tập về thành ngữ, tức là cóp nhặt những tiếng những chữ làm vật liệu cho văn chương.

Việc sưu tập mới là việc dự bị. Dự bị cho có tài liệu, rồi phải kiến thiết. Phần kiến thiết này lại quan trọng hơn nữa. Xét ra những văn chương Nôm ngày nay còn sưu tập được, toàn thuộc về thể vận văn cả, thi ca từ phú, cho chí câu đối kinh nghĩa, đều là lối văn buộc phải có vần, có điệu, có dịp dàng tiết tấu cả; đến như tản văn bằng tiếng ta, hễ làm thành được thì quốc văn ta sẽ hoàn toàn.

Đại khái tiếng ta giàu về phần “hình nhi hạ”, nghĩa là những sự vật có hình thể, có thể tả mạc ra được; mà nghèo về phần “hình nhi thượng”, nghĩa là những nghĩa lí thuộc về tâm trí phải suy xét. Muốn dùng chữ triết học mà nói thì nói là tiếng An Nam ta có tính cách cụ tượng (concret) hơn là trừu tượng (abstrait). Thuộc về phần “cụ tượng”, nghĩa là gồm cả thế giới hữu hình do giác quan có thể cảm được, như chữ Phật gọi là cõi hình sắc, thì tiếng ta thật là giàu có, mà lại tinh tế nữa; tỉ như tiếng rắp đôi thuộc về thể trạng từ, nghĩa là những tiếng để tả trạng thái của sự vật, thì hay vô cùng, tưởng không có tiếng nước nào bằng. Thử đọc mấy câu Kiều sau này thì đủ biết:

Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc sang.
Sè sè nấm đất bên đường.
Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh...

Những tiếng đôi như: nao nao, nho nhỏ, sè sè, dầu dầu, tinh thần lắm, đố ai dịch ra tiếng Tây cho thật đúng.

Ấy là đơn cử một loại đó để thí dụ mà thôi. Chứ muốn chứng tỏ rõ cái tinh thần “cụ tượng” của tiếng ta, thì còn thí dụ được nhiều hơn nữa. Nhưng tiếng ta giàu về phần cụ tượng mà nghèo về phần trừu tượng. Những danh từ về nghĩa lí thì phi mượn chữ Nho không đủ tiếng mà dùng. Cho nên hễ bàn nói đến nghĩa lí hơi cao xa một chút, thì các cụ ngày xưa tất dùng Hán văn mà không nghĩ đến viết bằng tiếng Nôm bao giờ. Thành ra tiếng ta vốn đã nghèo về phần đó, lại càng ngày càng nghèo thêm, vì không ai tập.

Bởi có cái tính cách cụ tượng như vậy, nên tiếng ta sở trường về lối vận văn, phần nhiều là văn mô tả. Đến lối tả văn, là văn nghị luận thuyết lí thì vụng lắm.

Nay nghị luận thuyết lí chính là cái phần cốt yếu của học vấn. Học vấn mà không có cái văn nghị luận thuyết lí thích đáng để làm cơ quan đạo đạt truyền bá, thì học vấn không thể nào tiến bộ được. Học vấn không tiến bộ thì không sao mong có một nền quốc văn đặc biệt được. Bởi lẽ đó nên nước ta không có quốc văn hoàn toàn, mà nhân đấy cũng không có quốc học chân chính.

Vậy thời muốn xây đắp nền quốc học, cái nền tảng phải đắp trước nhất là quốc văn.

Trong quốc văn thời phần vận văn nước ta tuy chẳng phong phú gì, nhưng người đời trước đã từng tập luyện, cũng sáng tác được mấy áng văn chương có giá trị, đủ làm kiểu mẫu cho đời sau theo đó mà tài bồi, phát triển thêm ra. Đến phần tản văn thì còn khuyết cả, nay cần phải tân tạo hết.

Gây dựng, tổ chức lấy một cái tản văn thích hợp với đời này, vừa có cốt cách An Nam mà vừa có thể cách tân thời, đử dùng để diễn đạt được các tư tưởng mới, đó là cái cấp vụ hiện nay, mà là cái bước đường thứ nhất trong việc gây dựng ra một nền quốc học sau này vậy.

Văn tiêu khiển ta đã có ít nhiều, nên vun trồng cho nẩy nở thêm ra; văn học vấn ta tuyệt nhiên chưa có, phải gia công mà xây đắp cho thành.

Báo Nam Phong từ khi mới ra đời đến giờ vẫn theo đuổi một mục đích đó, gây lấy một cái tản văn An Nam cũng lấy làm thường; phần ít bởi ít nhiều những tiếng xứ này có mà xứ kia không có, xứ này dùng ra một nghĩa mà xứ kia dùng chạnh ra nghĩa khác, kể cả thảy không đầy vài trăm tiếng; lại một phần ít nữa là bởi một vài lối đặt câu riêng của mỗi xứ, hoặc người xứ khác mới nghe có lạ tai mà nhận kỹ hiểu ngay không khó gì, phần đó kể chẳng bao nhiêu.

Ấy cái khác chỉ có thế mà thôi, mà đại để cũng chỉ riêng trong hạng bình dân vô học, còn người học thức thì dù người Bắc Kì, người Huế hay là người Lục tỉnh mới gặp nhau ngồi nói chuyện không bao giờ là khó hiểu cả, dù nói những sự rất cao xa cũng vậy. Tôi còn nhớ khi đi chơi Nam Kì thường ngồi bàn văn chương với mấy cụ già ở vườn, tôi nói gì các cụ cũng hiểu mà các cụ nói gì tôi cũng nghe được, lắm lúc quên hẳn cái giọng kẻ Bắc người Nam. Coi đó thì biết tiếng Việt Nam ta có cần gì phải hợp nhất mới phổ thông được. Còn những tiếng thông thường có tiếng khác nhau, phần nhiều là tên các đồ vật thì gọi cái thìacái muỗng hay cái muỗngcái thìa, hộp quẹtbao diêm hay bao diêmhộp quẹt, trái xoàiquả muỗm hay quả muỗmtrái xoài, thì có hề chi? Một bài văn có những tiếng như vậy cũng không đủ làm cho người Bắc người Nam không hiểu nhau được. Nếu muốn cưỡng hợp nhất thì hợp nhất sao được những tiếng đã thông dụng như vậy? Huống gần đây Nam Bắc giao thông đã nhiều, những tiếng khác nhau ấy rồi dần dần cũng giao dịch mà thành ra lưu thông cả. Cứ thực mà nói, dân Việt Nam ta thật được hơn các dân khác là chỉ có một thứ tiếng suốt trong cõi, từ giáp ranh nước Tàu cho đến mỏm đất Cà Mau, từ bờ bể Đông Hải cho đến triền sông Mê Kông, người Việt Nam đi đến đâu cũng có thể nghe hiểu được không khó gì. Ấy là tiếng Việt Nam chưa có văn chương sách vở gì nhiều, nếu có nhiều sách vở văn chương thì tiếng còn nhất trí hơn nữa. Trừ ít nhiều những tiếng khác nhau như trên kia đã nói kể ra một cái biểu nhỏ, đối chiếu tiếng xứ nọ với tiếng xứ kia, thì những tiếng khác ấy thành ra quen ngay và thông dụng được ngay.

Như vậy thì sự hợp nhất ấy có khó gì mà nhiều người đua nhau bàn như một vấn đề rất quan trọng cho quốc văn ta ngày nay.

Xét kỹ ra thì cái vấn đề rất quan trọng là như sau này: làm thế nào gây được một lối quốc văn thông dụng cho cả tam kỳ? Lối quốc văn ấy hiện nay chưa thành, phải nhất thiết gây dựng ra, chứ không phải đã sẵn rồi mà bàn hợp nhất được.

Thuộc về vấn đề đó, kẻ Nam người Bắc còn chưa được đồng ý nhau. Muốn bàn cho xác lý, phải xét cho hết lẽ mới được. Phải biết lịch sử tiếng Việt Nam sinh thành thế nào, từng trải thế nào mới đến ngày nay. Lại phải xét tình trạng tiếng Việt Nam bây giờ muốn giữ được cốt cách cũ mà không sai hình thức mới thì phải làm thế nào. Đó là những điều phải nghiên cứu cho tường mới bàn cho đúng được. Việt Nam ta vẫn có tiếng, tiếng vẫn phổ thông trong nước, mà xưa nay chưa thành văn, là vì trước kia ta theo Nho học đã lâu đời, không những văn chương chỉ chuyên dụng chữ Nho mà đến thư từ biên ký cũng không từng dùng tiếng Nôm bao giờ. Văn với Nôm, hai tiếng vẫn hình như phản đối nhau; đã nôm na thì không sao văn vẻ được, đã văn vẻ tất không nôm na. Tư tưởng đó cũng hơi hẹp hòi và do cách giáo dục thuần bằng chữ Hán của nước mình xưa nay. Bởi đó mà quốc văn trải mấy nghìn năm không thịnh hành được, bởi đó mà trong quốc âm ngày nay phần nhiều là chữ Hán cả. Nhưng đó là cái tình trạng đã thành rồi duyên do tự mấy mươi đời trước, dẫu ngày nay muốn thay đổi cũng không sao được. Muốn thay đổi phải nhân tình trạng dĩ nhiên đó mà thay đổi, không thể trái ngược lại được, cũng không thể phá đổ đi được. Nghĩa là quốc âm ta đã chịu ảnh hưởng của chữ Hán trong mấy mươi đời, nay muốn gây dựng ra quốc văn phải nhân ảnh hưởng đó mà lợi dụng ra, chứ không thể đem xóa hẳn đi để mong trở lại cái nguyên âm cũ của nước mình được, vì cái nguyên âm ấy phần nhiều đã mai một đi từ đời nào, muốn bới vết tìm tăm cũng không thấy đâu được nữa.

Cho nên những người khảng khái một cách quá đáng muốn bảo tồn lấy quốc âm mà lại bỏ hết những chữ Nho cùng những lối văn Nho đã dung hòa với quốc âm tự bao giờ đến giờ là nghĩ sai cả.

Xưa kia ta chỉ có văn chương bằng chữ Nho; đôi khi cũng có một vài bậc tiền bối làm văn Nôm, nhưng văn Nôm ấy không thoát ly được khuôn phép văn chữ. Ngày nay tư tưởng quốc dân mỗi ngày một rộng ra, biết rằng mỗi nước phải có một lối văn riêng bằng quốc âm thì sự giáo hóa trong nước mới mau và khắp được. Cho nên khắp nước ta đã công nhận chữ quốc ngữ là quốc văn và trong khoảng mấy năm nay văn quốc ngữ đã lưu hành trong suốt cõi. Đó thiệt là một sự đáng vui mừng thay. Nhưng văn quốc ngữ ấy chưa có định thể, nhiều người chưa hiểu rõ tính cách văn quốc ngữ ra thế nào. Thành ra ai muốn viết thế nào cũng được, mỗi người được tự do tùy ý mình muốn đặt ra những lối riêng, lắm khi không có bằng cứ nào. Nói tóm lại, trong làng văn quốc ngữ thật là chưa có kỷ luật gì. Tình trạng đó không thể để mãi được. Phải định lấy một lối văn quốc ngữ cho từ nay người làm văn biết phương châm nên theo, không đến nỗi phân vân như trước.

Ấy nghĩa hợp nhất là như thế, chứ không phải hợp nhất cái giọng nói hoặc ít nhiều tiếng khác nhau trong ba xứ mà thôi đâu. Hợp nhất đây là hợp nhất cái văn pháp vậy. Nhưng sự hợp nhất về văn pháp ấy, có thể do một hội đồng hay một tòa Hàn lâm nào định được không? Quyết rằng không. Công việc của một hội đồng hay một tòa Hàn lâm nào là nhân cái văn đã có rồi mà định phép tắc, chứ không thể định phép tắc cho cái văn chưa có được. Vậy phải đợi cho văn thành đã, rồi mới đặt ra mẹo luật nhất định để dạy người sau. Hiện nay phận sự các nhà làm văn là phải ra công ráng sức gây cho thành một lối văn thông dụng được trong ba xứ. Sự hợp nhất trong văn pháp đó là do cả các nhà làm văn, không phải do một hội nào quyết định được. Các nhà văn trong ba xứ phải tùy nghi mà châm chước lẫn nhau, rồi tự khắc dần dần xuất hiện ra một lối văn chung bởi lẽ tự nhiên mà thành, không bởi ý riêng vài người đặt ra.

Nhưng có điều cốt yếu như sau này, các nhà văn phải chú ý thì sự hợp nhất mới thành được.

Thứ nhất là quốc âm ta đối với chữ Hán có cái mối liên lạc rất mật thiết, tuy ngày nay Hán học đã suy mà phải giữ lấy khuôn phép của Hán văn thì sau này quốc văn mới có căn cốt. Một nền văn chương không thể một ngày một buổi mà thành được. Quốc văn tuy chưa có định thể, nhưng thể thức rồi cũng không ra ngoài quy củ của Hán văn được. Ta học chữ Hán trong mấy nghìn năm, tinh thần của chữ Hán ta đã tiềm nhiễm vào trong não ta sâu lắm rồi, dù có muốn gột rửa đi cũng không sao được. Vậy quốc văn sau này làm thế nào cũng có phảng phất tinh thần hình thức của Hán văn; đó là một lẽ tất nhiên.

Thứ nhì là quốc văn tất phải có chịu ảnh hưởng của Pháp văn; đó cũng lại là một lẽ tất nhiên nữa. Người Việt Nam ta học chữ Pháp mỗi ngày một nhiều, mỗi ngày một thâm, tinh thần của Pháp văn rồi cũng dần dần tẩm thấm vào trong trí não ta như Hán văn khi xưa, và có thể bổ cho khuyết điểm của Hán văn. Hai cái tinh thần ấy hòa trộn với nhau, bổ lẫn cho nhau, nhờ đó mà không bao lâu quốc văn ta thành được gồm cả tinh hoa của Âu, Á.

Hiện nay nhận kỹ những người hoặc thuần cựu học, hoặc thuần tân học viết văn quốc ngữ đều không được thanh thoát cả. Người thuần cựu học thì có nhiều chữ dùng mà cách sắp đặt còn lộn xộn, thứ nhất là không biết chấm câu theo lối mới, phép chấm câu ấy tuy coi tầm thường, mà rất là quan hệ cho văn chương. Người thuần tân học thì thuộc phép đặt câu mà chữ dùng thường thiếu thốn, không đủ tiếng mà nói hết cái ý của mình. Tất phải người hiểu cả hai lối văn thì viết văn quốc ngữ mới thông được. Đó là cái chứng rằng văn quốc ngữ muốn thành lập không thể rời Hán văn và Pháp văn được. Quốc văn ta đương buổi phôi thai này mà được hai cái văn chương lão thành nhất trong thế giới “đỡ đầu” cho, chẳng phải là một sự may lắm dư? Điều thứ ba là tuy quốc văn ta phải mô phỏng văn Tàu văn Tây làm mẫu, mà không thể mất được cái tinh thần riêng của tiếng Việt Nam. Hóa học dạy rằng thường hai chất đem hòa hợp với nhau thì thành ra một chất thứ ba, tính cách khác hẳn hai chất kia.

Văn quốc ngữ ta rồi cũng vậy. Tuy bởi văn Tây, văn Tàu điều hòa mà thành, mà rồi tự biệt lập ra một lối văn riêng, không giống hẳn văn Tây mà cũng không giống hẳn văn Tàu. Các nhà làm văn của ta phải chú ý lắm mới được. Trong khi bắt chước văn Tây hay phỏng theo văn Tàu, phải cố giữ lấy cái quốc tuý của mình, nghĩa là cái phần tinh hoa đặc biệt của nước mình. Theo người là theo thể thức hay, phương pháp khéo của người, không phải là bỏ cái hồn của mình đi mà chuốc lấy cái hồn của người đâu. Mỗi người có một cách tư tưởng, cảm giác riêng, không ai giống ai. Gồm hết thẩy mọi người trong một nước cũng có một cách tư tưởng, cảm giác chung cho cả bấy nhiêu người mà riêng cho một nước ấy, không giống các nước khác. Phàm đã gọi là quốc văn là phải vừa diễn được tư tưởng, cảm giác riêng của mỗi người mà lại vừa tả được tư tưởng, cảm giác chung của một giống. Văn có thế mới là văn có cốt cách, không thì là văn phóng chép mà thôi. Các nhà làm văn trong nước ta phải cố gắng cho văn quốc ngữ có cất cách tinh thần như vậy.

Nếu hết thảy các văn sĩ trong Nam ngoài Bắc đều hiểu rõ các lẽ đó và cùng nhau theo đuổi một mục đích chung, thì lo gì quốc văn ta không thành lập, không hợp nhất được? Sự thành lập, sự hợp nhất ấy, sẽ dần dần, mỗi ngày thêm một chút, không thể một buổi mà thành được, cũng không thể do một hội đồng hay một tòa Hàn lâm nào quyết định mà thành được. Nhưng cốt nhất là các nhà văn phải đồng ý nhau về ba điều cốt yếu như trên kia đã nói, nghĩa là trong khi làm văn quốc ngữ phải tùy nghi châm chước, lấy Hán văn, Pháp văn làm mẫu, mà lại cố giữ lấy tinh thần riêng của tiếng Việt Nam mình, ba điều đó không phải là phản trái nhau mà thiệt là liên lạc với nhau. Có Hán văn thì văn quốc ngữ mới có cốt cách, không sai lề lối cũ của nước mình; có cốt cách rồi, nhiên hậu mới theo các phương pháp mới của Pháp văn mà đem ra diễn được tư tưởng mới. Có cốt cách, có phương pháp rồi nhiên hậu cái tinh thần riêng của tiếng Việt Nam mình mới có đường lối mà phát biểu ra được. Nếu khuyết một phần trong ba phần đó thì quốc văn chưa gọi là hoàn toàn được.

Ấy vấn đề văn quốc ngữ đại khái có thể tóm tắt lại như vậy. Nay có một điều nữa cũng có thể giúp cho quốc văn mau thành lập, là việc soạn một quyển tự điển Việt Nam.

Việc này cũng nhiều người bàn lắm, như việc hợp nhất trên kia, mà rút lại cũng là bàn không thiết thực cả. Đi đến đâu cũng nghe nói ta cần phải có một quyển tự điển Việt Nam. Nhưng nếu thử hỏi phải làm tự điển ấy ra làm sao thì ít người biết nên làm thế nào cho tiện lợi.

Trước khi làm tự điển phải giải rõ tự điển là gì. Tự điển về một thứ chữ nào là tổng mục hết thảy những tiếng trong thứ chữ ấy. Như Tự điển Khang Hi là cái tổng mục hết thảy chữ Tàu. Tự điển Larousse là cái tổng mục hết thảy các chữ Pháp. Nghĩa là một cái sổ để ghi lấy những chữ đã có, và ghi lấy cái nghĩa thông thường của mỗi chữ. Như thế thì trước hết phải đã có đủ chữ đủ tiếng, và mỗi chữ mỗi tiếng phải đã có một nghĩa nhất định rồi mới cần ghi lấy cho khỏi quên và truyền cho người khác, chứ đương khi chữ chưa đủ dùng, nghĩa còn phảng phất, thì đã vội ghi làm gì, mà cho dầu muốn cố ghi lấy nữa thì lấy gì làm bằng cứ?

Người làm tự điển là một người "trước bạ", tiếng nào đã thành rồi thì biên vào sổ, không phải là đặt ra chữ được. Người đặt chữ phải là các nhà văn, trong khi làm văn nghĩ ra những cách dùng chữ khéo, những cách đặt câu tài, rồi dần dần lưu truyền đi thành ra thông dụng, bấy giờ người làm tự điển mới đem mà ghi vào sổ Tiếng Việt Nam ta ngày nay tuy về phần "nhật dụng thường đàm", về phần phương ngôn tục ngữ đã có nhiều chữ nhiều tiếng lắm, mà về phần học thuật cách trí còn thiếu thốn nhiều. Vả xưa nay chưa có quốc văn, không kể những chữ những tiếng còn thiếu, đến những chữ vốn có cũng chưa từng đem ra dùng làm văn liệu, cho nó mềm mại tinh tường thêm ra.

Bây giờ quốc văn mới thành, phải để cho các nhà văn tự do mà kiếm tiếng dùng chữ, lợi dụng cái kho quốc âm vốn có của nước nhà, thâu nhặt những danh từ chưa có xưa nay, đến bao giờ tiếng mới tiếng cũ, nghĩa bóng nghĩa đen, đã hồn nhiên mà lưu hành cả, bây giờ nhà làm tự điển mới có thể ra tay mà góp nhặt lấy để ghi chép vào quyển sổ của mình. Bằng nay quốc văn còn xốc nổi, chưa có định thể, chưa có bằng cứ mà đã vội làm tự điển ngay thì e rằng không tránh khỏi cái trách độc đoán, nghĩa là tự mình theo ý mình quyết định mà bắt hết thảy người ta phải theo, thật là có hại mà không có lợi cho quốc văn vậy. Cứ xét những tự điển tiếng Việt Nam đã xuất bản từ xưa nay, như bộ Quốc âm tự điển của ông Paulus Của người Nam Kỳ, tuy làm đã lắm công phu, thà nay có mấy người dùng, thì đủ biết. Đại để một thứ tiếng còn đương thành lập, chưa có định thể như tiếng Việt Nam ta ngày nay, phải để cho rộng đường tiến hóa, không thể đem giam vào trong giới hạn một quyển tự điển được. Làm tự điển tiếng Việt Nam bây giờ bằng tiếng Pháp cả, muốn nói ra tiếng nước mình lắm khi thiếu tiếng không nói được, thành ra còn là sớm. Hoặc giả có nhà học văn chỉ chú một mục đích khảo cứu, muốn lấy những tiếng Việt Nam hiện có bây giờ mà làm quyển tự điển để tiện cho việc kê cứu, hoặc có ích lợi chăng, chứ muốn làm cơ sở để giúp cho quốc văn chóng phát đạt, thì sẽ không được thành hiệu lắm.

Nhưng nếu thế thì bao giờ cho tiếng Việt Nam có tự điển, và hiện nay có chữ gì không biết muốn tra cứu thì tra cứu vào đâu? Thiết tưởng có một cách bổ được cái khuyết điểm đó, là làm bộ "Pháp - Việt tự điển" dịch theo các tự điển Tây, vừa giúp được cho quốc văn chóng thành lập mà lại vừa giúp được quốc dân học chữ Pháp, có thể ích lợi được nhiều đường. Vả một bộ "Pháp - Việt tự điển" không phải là bộ tự điển tiếng Việt Nam, không có cái bất tiện như trên kia, chẳng qua là một bộ tự điển dịch tiếng Pháp ra tiếng Nam mà thôi.

Ngày nay người Việt Nam, nhất là những thanh niên đua nhau học chữ Pháp cả. Những khi cần dịch Pháp văn ra tiếng ta thì không có sách gì tra cứu. Vả phàm các khoa học mới là học bằng chữ Pháp cả. Các tư tưởng mới là diễn bằng tiếng Pháp cả, muốn nói ra tiếng nước mình lắm khi thiếu tiếng không nói được hết. Thành ra bao nhiêu những tay Pháp học càng ngày càng chán quốc văn, vì vốn mình đã ít chữ, lại không có sách mà học thêm, những khi cần dùng không biết tra hỏi vào đâu, dễ thành nản chí.

Nay dịch được một bộ tự điển Pháp ra tiếng Việt Nam, dịch cho kỹ lưỡng, cho hoàn toàn, đặt những chữ gọn ghẽ xinh xắn, dễ đọc dễ nghe, cho có thể dùng làm văn quốc ngữ được, chứ không chỉ giải thích nghĩa tiếng Tây mà thôi (như tựa vị Trương Vĩnh Ký), thì giúp các nhà Pháp học biết bao nhiêu. Mà giúp cho những người Pháp học được rộng tiếng quốc âm mà dùng, tức là giúp cho quốc văn chóng phát đạt, vì những tay Pháp học đó tức là những tay thợ giỏi sắp xây ra cái nền quốc văn sau này vậy. Chữ Pháp diễn cái gì cũng được phân minh rõ ràng, sáng sủa gọn ghẽ, điển nhã thanh tao; chữ nào cũng sáng nghĩa lắm, không có mập mờ, không có trùng điệp, không có lẫn lộn. Người nào đã từng học chữ Pháp ít nhiều cũng biết rằng tiếng Pháp thật là có nhiều cái hay.

Nay ta dịch được một quyển "Pháp - Việt tự điển", tức là bày cho quốc văn ta một cái khuôn mẫu vậy. Ai cũng biết tiếng Việt Nam nhiều tiếng rất thường dùng mà nghĩa mập mờ, đặt trong câu văn muốn giải ra thế nào cũng được; thành ra văn Nôm nhiều khi tối nghĩa là vì thế. Nay đem ra dịch chọi với tiếng pháp, có thể định nghĩa phân minh được. Đó là một sự ích lợi không gì bằng, không kể một thứ tiếng còn non nớt mà đem khuôn vào một thứ tiếng đã lão thành, còn được nhiều điều ích lợi hiển nhiên nữa, không thể nói hết được.

Bởi các lẽ đó nên thiết tưởng hiện nay chúng ta cần một quyển tự điển dịch riêng tiếng Pháp hơn là một quyển tự điển chung cả tiếng Việt Nam. Các nhà có chí nên lưu tâm về việc đó trước nhất.

(1919)

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tiếng An-nam

    20/08/2009Nguyễn Văn VĩnhLại còn một điều khẩn–yếu, là muốn cho văn quốc–ngữ thành văn–chương hay, khỏi mang tiếng nôm na mách qué, cách đặt câu, cách viết, phép chấm câu, phải dần dần đặt cho thành có lệ có phép; mà lệ phép thì phải theo ý nhiều người đã thuận, chớ đừng ai tự đắc lối của mình là phải, đem ý riêng ra sửa đổi thói quen. Phải nhớ câu: phàm ngôn–ngữ nước nào cũng vậy, dầu tài thánh trạng một người cũng chẳng làm ra được.
  • Chữ Nho với văn quốc ngữ

    29/07/2009Phạm QuỳnhVăn quốc ngữ do Hán văn mà ra, không thể dời khuôn phép của Hán văn mà thành lập được; nhưng hiện nay chữ Hán không mấy người biết nữa, làm thế nào cho quốc văn thành được? Có thể bỏ hết chữ Hán mà chỉ dùng tiếng Nôm được không?
  • Thơ ta thơ tây

    03/07/2009Phạm QuỳnhNhư muốn vẽ bức tranh thì con mắt phải nhìn trong cảnh vật mà thu lấy cái hình ảnh, rồi mới tìm cách truyền thần ra giấy ra lụa. Muốn làm bài thơ cũng vậy, trong trí phải tưởng tượng ra một cái cảnh, hoặc là cảnh thiên nhiên, hoặc là cảnh trong tâm giới, rồi dùng những âm hưởng thích đáng mà gọi, mà kêu nó lên, khiến cho người nghe cũng phảng phất tưởng tượng như thế. Hai đàng cùng là vẽ cả, một đàng là vẽ cách trực tiếp, một đàng là vẽ cách gián tiếp, nhưng đều muốn khêu gợi ra mối tư tưởng cảm tình trong tâm trí người ta vậy.
  • Tự ngôn

    03/07/2009Phạm QuỳnhBáo Nam Phong cũng là tiêu biểu cho một thời kì trong công cuộc cải tạo quốc văn, đề xướng quốc học. Quốc văn sau này còn tấn tới nhiều, quốc học sau này còn mở mang rộng. Nhưng cái bước đầu khó khăn cũng nên ghi nhớ lấy, để có thể so sánh trước sau hơn trước thế nào. Sau hơn trước là lẽ cố nhiên, nhưng có trước thì mới có sau thời trước đối với sau cũng không phải là tuyệt vô quan hệ.
  • Phạm Quỳnh (1892 - 1945)

    29/06/2009Một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu...
  • Văn thuyết

    09/06/2009Phạm Quỳnh - Dịch Hán văn của Tống Cảnh LiêmVăn là gì? Người đời nay thường hiểu văn là văn chương, mà không biết rằng tiên nho cho chữ văn một cái nghĩa rất rộng. Văn là cái vẻ thiên nhiên ở trong người, tự nó xuất hiện ra lời nói câu viết, không phải học mà làm được. Như thế thì phàm người có chí khí, có tư tưởng, có phẩm cách cao là những người có văn cả, nếu dụng tâm làm văn thì văn ấy mới thực là văn chương.
  • Văn quốc ngữ

    05/06/2009Phạm QuỳnhVấn đề quan trọng nhất trong nước ta ngày nay là vấn đề văn quốc ngữ. Vấn đề ấy có giải quyết được thì sự học mới có thể tấn tới, dân trí mới có thể mở mang, cuộc tiến hóa sau này mới có thể mở mang được.
  • Cần có một nền học của ta và cho ta?

    23/06/2006Phan Đình Diệu (2004)Gần một trăm năm trước, trước những xáo động trong nền học vấn nước nhà, nhiều bậc thức giả tâm huyết hồi đầu thế kỷ 20 đã từng trăn trở: “Xưa khi học sách Tàu thì làm học trò Tàu, ngày nay học sách Tây chỉ làm học trò Tây mà thôi..... Từ xưa đến nay, nước ta quả không có quốc học thật....
  • xem toàn bộ