Haiku thư cổ và hiện đại

08:48 SA @ Thứ Năm - 22 Tháng Tư, 2010

Jackie Hardy là nhà thơ đương đại Anh. Bà đã nghiên cứu, viết và xuất bản thơ Haiku từ năm mười lăm tuổi. Những tập thơ của bà được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Nhật, mang tên “The Dust is Golden”“Conuting the Waves”. Miền quê Northumberland của Hardy được cảm nhận theo một cách rất thiền chính là nguồn cảm hứng bất tận cho những tập thơ này. Qua tiểu luận của Jackie Hardy về thơ Haiku hiện đại trong tập thơ tuyển chọn “Haiku: Poetry Ancient and Modern” xuất bản năm 2002 bởi MQ Publications Ltd (London), Tinh Hoa mong muốn độc giả khám phá những nét tinh tế tao nhã và vẻ đẹp của thơ Haiku- một sức hút kỳ diệu của văn hóa Nhật Bản, và là suối nguồn nuôi dưỡng cho hồn thơ Haiku nảy mầm bén rễ trên mảnh đất châu Âu.

Bạn còn nhớ thú chơi chữ khi còn nhỏ không? Bạn còn nhớ cái cảm giác thích thú phát hiện ra một từ mới, một từ có thể nói nhiều hơn bản thân nó không? Bạn có thể ghép con chữ đơn lẻ ấy với một từ mà bạn đã từng biết để tạo nên sự kết hợp nhuần nhuyễn trong thơ của bạn. Đó sẽ là một bài thơ luôn thường trực trong tâm trí bạn. Có thể, trong một khoảnh khắc nào đó, bài thơ trở thành một câu chú, khuyến khích và kết nối bạn với mọi người. Rồi bất chợt, một từ mới xuất hiện thay thế từ cũ, một bài thơ mới ra đời và làm bạn say mê.

Với tôi, thơ Haiku mang đến một khái niệm đầy đủ về sự kỳ diệu này. Sự phong phú về chủ đề và hình ảnh mà thơ Haiku mang lại là cơ hội cho tôi được trải nghiệm những gì mà người ta có thể biết đến theo một cách khác. Với những nhà viết văn, thơ Haiku thể hiện không chỉ một khoảnh khắc xâm chiếm của tri thức mà còn là sự kết nối với thời gian nơi mà những từ đó đã từng thống trị. Vì thế với tôi không có gì ngạc nhiên khi thơ Haiku trở nên phổ biến trên thế giới.

Nước Nhật là mảnh đất hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, triết học và tôn giáo. Cũng như việc Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ và được truyền bá ở Trung Quốc rồi Nhật Bản, thể thơ của Phật giáo Trung Quốc cũng dần chuyển thành thể thơ Zen trên xứ hoa anh đào. Nổi tiếng nhất trong số những nhà thơ thiền là nhà thơ Basho (1644- 1694).

Cùng với Phật giáo và Đạo giáo, đạo Khổng và Thần đạo Nhật bản đã mang đến cho thơ Haiku những nét riêng. Phật giáo đã mang đến cho Haiku sự mộc mạc, nhạy bén. Thơ Zen mang đến cho Haiku sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cái thật và sự cảm nhận. Lão giáo trở thành một phần của văn hóa phúng dụ và triết học bằng cách biến ngôn ngữ Haiku thành một trạng thái tâm lí, một cách sống. Đạo Khổng đã mang đến sự mạch lạc và tính hàm súc. Đạo thần mang đến vẻ thần bí cùng cách nhìn nhận cuộc sống đa phương diện.

Rất nhiều trường phái Haiku được phát triển ở Nhật và luôn tuân theo quy ước truyền thống, tính ước lệ và chiều sâu thăm thẳm tư duy. Thơ Haiku đã chứng kiến những giai đoạn chuyển đổi và tái tạo nhưng sức lôi cuốn của nó vẫn không hề mất đi. Ngày nay ở Nhật Bản, người ta ước tính có hơn 800 nhóm viết và truyền bá thơ Haiku.

Sự xuất hiện của thơ Haiku ở phương Tây vào thế kỷ 17 đã ảnh hưởng đến những nhà thơ thuộc trường phái Hình tượng, những người luôn say mê những tác phẩm dịch từ tiếng Trung và tiếng Nhật của R.H.Blyth. Một số độc giả và nhà viết văn như Wordsworth, Shelley và Keats bắt đầu tìm kiếm sự tương đồng về hình thức, ý tưởng, chủ đề ở những bài thơ Haiku tiếng Anh. Những người khác như John Clare, Gilbert White, và Richard Jeffie lại nghiên cứu những tác phẩm của những tác giả ít nổi tiếng hơn để tìm ra những điểm tương đồng đó. Tới tận đầu những năm 90 thì việc sáng tác thơ Haiku ở các nước phương Tây mới chỉ là công việc của một số ít các nhà thơ. Họ thành lập nên một hiệp hội đam mê và truyền bá thơ Haiku trong rất nhiều nước và rất nhiều nhà thơ phê bình đã đưa Haiku vào trong các tiểu luận và khảo luận của mình.

Dù mới xuất hiện ở phương Tây nhưng Haiku đã có những nét riêng, một giọng nói riêng, luôn sẵn sàng trước những đổi thay và phát triển. Trong khi cấu trúc của ngôn ngữ Nhật Bản liên kết một cách tự nhiên hơn, nhịp nhàng và gắn bó với thể thơ Haiku truyền thống thì trong thế giới Ăng-lô-xắc-xông, người ta ít có xu hướng viết thơ Haiku theo thể 5-7-5. Một số nhà thơ Haiku phương Tây luôn đề cao những thử thách về mặt vận luận và một trong những người đầu tiên là nhà thơ Brian Cater, ông đã chỉ ra mọi điều đều có thể:

Sự khởi đầu chậm rãi:
Sâu thẳm trong tâm hồn
Mạng nhện bắt đầu giăng

Những nhà thơ Haiku khác lại coi vận luật này như một sự thích ứng của ngôn ngữ phương Tây. Chiều dài biến thiên của âm tiết tỉ lệ với độ dài cố định của âm thanh mang đến cho thơ Haiku một ý nghĩa hàm súc hơn. Có thể kể đến là ví dụ của Giovanni Malito:

Thủy triều xuống
Mảnh gỗ dập dềnh
Ở lại

Thể thơ 5-7-5 cũng là hình thức mà ở đó những nhà thơ Haiku phương Tây tuân thủ khá nghiêm túc nguyên tắc ba câu. Dù vậy, ta vẫn có thể bắt đầu gặp ở đâu đó sự phá cách, như bài Haiku hai câu của David Cobb:

Giữa những cánh đồng rạ
Những ngọn lửa đuổi nhau

Hay một ví dụ bốn câu của Alexis Rotella:

Giữa lộng lẫy của bình minh
Giọt
Giọt
Vương trên áo

Hoặc có thể là một khoảng lặng khác của Lee Giesecke:

Giếng khô
Âm thanh câm lặng
Những viên đá

Những ví dụ chỉ ra rằng những thể thơ mà các nhà thơ Haiku phương tây du nhập phần lớn đều gần gũi với những gì họ muốn thể hiện.

Một số nhà thơ khác đã từ bỏ việc ưu tiên mùa màng trong thơ để tránh xa thơ Haiku thiên nhiên, họ muốn viết về “kỹ thuật” hay “ý tưởng hiện đại”. Trong những ví dụ trên, có một sự liên tưởng đến mùa màng hoặc một sự ưu ái với thiên nhiên như cây cỏ, côn trùng, thời gian, không gian luôn hiển hiện trong mọi vần thơ. Thơ luôn diễn ra ở thời hiện tại, động từ được giản lược để mang lại cảm giác trực tiếp và nhấn mạnh trực giác mà nhà thơ gợi đến. Cũng giống như ý đồ chủ đạo của thơ Haiku: mang lại một khoảnh khắc, mang lại những điều tưởng chừng không thể nắm bắt được, đó là “khoảnh khắc lóe sáng” của tri giác, xóa tan mọi “trung gian” của tinh thần.

Tất cả các thể thơ đều tuân theo những quy ước nhất định. Thơ haiku thường lược bớt đầu đề, dấu câu và viết hoa. Sự rõ ràng của hình thức thơ làm người ta liên tưởng đến một ngôn ngữ chuẩn mực, trực tiếp và khách quan. Nói cách khác mỗi từ phải đứng đúng vị trí của nó. Người ta đã nói thơ Haiku là thể thơ “liên khất” (nghĩa là mỗi bài thơ được đọc liền mạch một hơi). Những khoảnh khắc cụ thể nhấn mạnh hơn nữa tính nhất thời của cảm xúc, tính nghịch lí và sự phù phiếm của thời gian, khoảnh khắc vĩnh hằng đột ngột biến mất sau khi nó xuất hiện. Tứ thơ Haiku không bao giờ cố gắng lí trí hóa sự trải nghiệm vì trong một chừng mực nhất định, những nhà thơ Haiku được coi là những món quà mà tạo hóa ban tặng. Trong khi đó, những quy ước chỉ tồn tại để cho họ coi thường: với họ, cái động chỉ mang đến sự lỗi thời.

Có lẽ vì thế mà những nhà thơ thiền phương Tây đã tìm đến Haiku, như một cuộc tìm và đến với cái Tĩnh trong vẻ đẹp vĩnh hằng xô bồ và hối hả của đời sống công nghiệp đầy biến động.

Từ một loài hoa thoảng tới
Tôi không biết
Mùi hương này

(Basho)

Trong tranh thủy mặc, người họa sĩ chỉ bằng một nét bút cũng có thể vẽ lên cái thần của một ngọn núi. Thơ Haik cũng vậy. Ngôn từ chỉ cần một nét mong manh hữu hạn để chuyển tải sự vô hạn của thế giới tinh thần. Cả bài thơ như một khoảng không gian vô định mà trong đó chỉ có ba nét chấm phá. Một loài hoa, một con người và một mùi hương. Những nét chấm phá đó cũng nhuốm màu huyền hoặc vì chính sự vô xác định của thông tin. Loài hoa nào? Tôi? Mùi hương này? Thậm chí cả sự liên kết nhỏ nhoi giữa ba yếu tô đó chỉ gói gọn trong một từ không biết.

Nhưng loài hoa đó vẫn tồn tại, mùi hương đó vẫn tồn tại. Và con người, qua một thoáng rất nhỏ soi mình vào sự tồn tại bình dị ấy, bỗng như thấy sự vô định trong chính tâm hồn trống trải của mình. Cái không biết dường như là cái- được- xác- định duy nhất trong một bức tranh bao gồm những điều không thể nắm bắt, không được gọi tên. Như thế để thấy sự mông lung vô tận trong cái hữu tình của lòng người.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những đoản khúc Lê Đạt

    15/12/2018Nhà phê bình Phạm Xuân NguyênNgười “phu chữ” Lê Đạt đã dừng chân trên công trường chữ sản xuất thơ ca. Trong “bộ tứ” nhà thơ thường được nhắc đến của thời Nhân Văn – Giai Phẩm, ông là người ra đi thứ ba, sau Phùng Quán, Trần Dần. Cả bốn ông rồi ra đều được trao tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật...
  • Thơ, thay đổi để tồn tại

    13/03/2009InrasaraMỗi trường phái mới bằng mỗi thử nghiệm hay mỗi bước chuyển đều có sự thất bại hay thất thố bên cạnh bật lên các đại biểu xuất sắc của nó. Nhà phê bình không thể dùng tiêu chí thẩm mĩ này để đánh giá sáng tác thuộc hệ mĩ học khác. Càng không đánh giá sáng tác thuộc mĩ học mới qua những sản phẩm kém cỏi được. Nhà tư tưởng chỉ có thể bị vượt qua khi phần vô ngôn của tư tưởng ông ta được khai mở trọn vẹn, - Heidegger nói thế. Một trào lưu văn nghệ chỉ có thể bị vượt bỏ khi chính tác phẩm đại biểu xuất sắc của nó bị vượt qua. Vượt qua, không phải người đọc không còn thưởng thức nó nữa, mà là: người viết hết còn sáng tác theo vết mòn của nó!
  • Đường chữ

    01/05/2008Nhà thơ Lê ĐạtCâu thơ khổ tu xí xoá nợ luân hồi Sau Nhân Văn, tôi vẫn tiếp tục…
    Nhân Văn chỉ là một chặng chứ không phải toàn bộ Đường chữ của Lê Đạt...
  • Cảm xúc trước một bài thơ hay

    25/05/2006Trương Văn HàTôi thuộc lớp người thuộc chưa nhiều thơ tình, nhưng với thi phẩm "Dòng sông một bờ” thì tôi đã đọc thuộc, thuộc từ lâu lắm rồi, từ cái thuở tôi biết yêu thơ và biết yêu em...
  • Thơ ca như một thứ tôn giáo

    21/10/2005Nhà thơ Trần Anh TháiKín đáo và ngại ngùng bởi không muốn nói nhiều về mình và tập thơ Trên đường vừa xuất bản, nhưng nhà thơ Trần Anh Thái tỏ ra cởi mở hơn khi đề cập đến thơ ca và công việc sáng tác của người nghệ sĩ. Dưới đây là cuộc trò chuyện của phóng viên với nhà thơ...