Góc nhìn
Cuộc đời như một kính vạn hoa, chỉ cần dịch chuyển vị trí để có góc nhìn khác, sự việc có thể thay đổi một cách bất ngờ.
Khi mới ra đời tại Việt Nam loại thẻ debit được giới ngân hàng giới thiệu cho người tiêu dùng dưới tên “thẻ ghi nợ”. “Ghi nợ” là nhìn ở góc độ ngân hàng vì người sử dụng có tiền trong tài khoản, dùng thẻ để chi tiêu, tiền đó ngân hàng xem là khoản họ nợ người sử dụng. Còn với người ngoài, sao lại bắt họ chấp nhận cái tên nghe mất cảm tình như vậy. Gần đây có nơi đổi thành “thẻ thanh toán” hay để nguyên tiếng Anh “thẻ debit”. Sao không mạnh dạn chuyển sang góc nhìn của người tiêu dùng và gọi là “thẻ chi tiêu”?
Những mẩu chuyện tương tự trong cuộc sống nhiều vô kể. Và nhìn chung, thói quen của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng là chọn cho mình góc nhìn chủ quan, quan sát sự vật trong lăng kính riêng chứ ít khi chịu đứng dưới góc độ khác.
Điều này thể hiện rõ nhất trong ngôn ngữ vì chúng ta thường nói “bọn trẻ chơi ngoài vườn” hay “thuyền bè dưới sông”... “Ngoài” hay “dưới” là so với vị trí của người nói chứ đâu phải của người hay vật được đề cập. Trong khi đó với ngôn ngữ khác, dù người nói đứng ở đâu họ vẫn miêu tả sự việc từ góc độ của bản thân sự việc đó. Ai từng học tiếng Anh hay tiếng Pháp, chẳng hạn, chắc đã chú ý thấy điều này.
Vì sự cứng nhắc này, nhiều lúc chúng ta dễ rơi vào sự bực mình hay tranh cãi không đáng có. Thấy một biển báo “Coi chừng, xe ra vào thường xuyên”, ít ai không cảm thấy bực mình. Xe từ trong trụ sở cơ quan hay công ty chạy ra thì phải ngó trước, trông sau, chứ không thể chạy ào ra và bắt người đi đường phải “coi chừng”! Thế nhưng, người viết biển báo vẫn thấy đúng, vẫn thấy cần thiết vì họ đang đứng ở trong nhìn ra.
Thói quen chủ quan này dễ dẫn tới nhiều hệ lụy trong mọi mặt của cuộc sống, từ kinh tế đến giáo dục, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn - nếu nói một cách văn vẻ là lề thói “độc quyền chân lý” ăn khá sâu trong cách hành xử của chúng ta.
Giới trẻ chúng ta có thể học rất giỏi, kiến thức sâu nhưng khi bước ra với thế giới bên ngoài thường có cảm giác thua kém, ít dám bày tỏ ý kiến riêng của mình. Thử đưa một học sinh Việt Nam vào một lớp học ở nước ngoài, học sinh này sẽ “choáng váng” vì thấy bạn cùng lớp tranh luận hăng say với thầy giáo. Choáng váng là vì môi trường giáo dục Việt Nam nhiều năm rồi cứ chấp nhận lời giảng của thầy cô là khuôn vàng thước ngọc, còn thầy cô cứ xem sách giáo khoa là pháp lệnh.
Có những khái niệm khi du nhập vào nước ta cũng bị hiểu lệch đi, chẳng hạn khái niệm “lấy học sinh làm trung tâm” - đâu phải cứ chuyển một số sinh hoạt trong lớp học cho học sinh như phát biểu nhiều hơn, lên thuyết trình, tự chuẩn bị bài... là xong. Quan trọng nhất là người thầy phải nhìn qui trình tiếp thu kiến thức từ góc độ của học sinh để giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách hữu hiệu nhất. Cho nên dù sách giáo khoa là chuẩn mực nhưng con đường để đến với nó như thế nào là tùy từng học sinh, chứ không nên áp đặt theo kiểu “độc quyền chân lý”.
Ở một bình diện khác, chắc đã có lần chúng ta phải nghe những câu đại loại “chuyện này anh Ba, chú Tư đã có ý kiến chỉ đạo rồi”. Cái tài của nhà lãnh đạo là tổ chức để người giỏi làm việc cho mục tiêu đã đề ra. Thế nên cuộc đời mới phân chia ra làm giới quản lý và giới chuyên môn. Không thể hình dung có người tinh thông mọi ngành nghề để có thể đi phát ý kiến chỉ đạo cho từng lĩnh vực cụ thể nếu không biết lắng nghe ý kiến từ mọi góc nhìn khác. Sự chủ quan, luôn cho mình là đúng rồi áp đặt suy nghĩ đó vào mọi chuyện là một nguy cơ dẫn đến xơ cứng trong suy nghĩ của xã hội.
Khó thay đổi góc nhìn một sớm một chiều vì dù sao nhìn sự vật dưới góc độ chủ quan là một nét đặc trưng văn hóa của con người - và biết đâu góc nhìn của ta đúng. Thế nên để giảm bớt tác động kìm hãm của nó, không cần phải cậy nhờ thời gian làm rõ đúng sai, cách tốt nhất là khuyến khích tranh luận, đưa ra nhiều góc nhìn và tập cho mình khả năng biết lắng nghe ý kiến trái tai, không qui chụp. Đôi lúc những biện pháp hình thức như bỏ ôtô, đi xe gắn máy một thời gian cũng giúp ích rất nhiều cho người có thiện ý đa dạng hóa góc nhìn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt