Giải mã bí ẩn truyền thuyết Sơn tinh – Thủy tinh

12:35 CH @ Thứ Tư - 20 Tháng Năm, 2015

Trong dịp kén rể cho con gái của mình, để lựa chọn ai là người thắng cuộc, vua Hùng thứ 18 đã ra yêu cầu sính lễ đối với Sơn tinh và Thủy tinh như sau: “một trăm ván cơm nếp, một trăm tệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Nhắc đến phần sính lễ “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” hầu như ai cũng cho rằng đó là những những sinh vật kỳ bí chỉ có trong truyền thuyết – thần thoại, nhưng thực tế không phải vậy.

Trong quan niệm của người Việt Nam mùa xuân là mùa cưới với hình ảnh những đoàn người nô nức nối đuôi nhau trong không khí ấm áp còn vương chút hơi lạnh của tháng Giêng cùng sính lễ nào là mâm quả trầu cau, bánh chưng bánh dày, cơm nếp … và của hồi môn – những vật phẩm tươi tốt và quý giá nhất của gia đình nhà trai mang đến gia đình nhà gái sau một năm chắt chiu, làm lụng vất vả. Đó là văn hóa cưới hỏi của dân tộc từ ngàn xưa cũng là điều thể hiện sự tôn trọng và thành ý trong hôn nhân của nhà trai đối với nhà gái.
Trở lại với yêu sách của vua Hùng, cơm nếp và bánh chưng – những thực phẩm đã trở thành truyền thống từ thời Lang Liêu - chắc chắn phải được tuyển chọn từ những hạt gạo có phẩm chất cao nhất và trở nên ngon miệng sau khi được chế biến qua tài nghệ của người đầu bếp. Tương tựa đối với voi, gà và ngựa cũng phải được tuyển chọn một cách kỹ càng.

Đến đây đọc giả sẽ nghĩ ngay đến phần sính lễ còn lại là ba giống loài với những đột biến khác thường. Nhưng, như đã nói ở trên, thực sự không có điều huyền bí.


Chữ “chín” trong phần sính lễ “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” phải được hiểu là “chín” trong “chín chắn” hoặc “chín mọng”, hay rõ hơn, những con vật đó phải trong độ tuổi trưởng thành, độ tuổi sung mãn nhất. Thực vậy, voi con thì chưa có ngà, gà tơ thì chưa có cựa, ngựa non thì chưa đủ bờm để ra oai; ngà voi, cựa gà, bờm ngựa chính là dấu hiệu xác định mức độ “chín” hay độ trưởng thành, ngoài ra nó còn thể hiện sự mạnh mẽ, uy nghi, trang trọng của các loài đó và cũng là sự tôn trọng của nhà trai đối với nhà gái.



Loài voi trong truyền thuyết với “chín ngà” bất đối xứng.

Thực tế, tất cả những sinh vật trên thế giới này được sinh ra luôn có ngoại hình mang tính đối xứng. Xét một thực thể gần gũi và dễ nhận thấy nhất là loài người chúng ta, các bộ phận bề mặt của cơ thể tạo thành cặp như tứ chi, mắt, tai, mũi … đều luôn luôn có một đôi và đối xứng hai bên theo trục thẳng từ trên xuống; các bộ phận đơn lẻ như đầu, sống mũi, miệng, cổ, bộ phận sinh dục, hậu môn, … luôn nằm ngay trên trục đối xứng. Với các sính lễ voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, nếu từ “chín” được hiểu là tính từ chỉ số lượng thì sẽ tạo ra sự bất đối xứng đối với ngà voi và cựa gà; một số loài gà có vảy sừng cứng mọc dài như cựa và nằm ngay xung quanh gốc cựa làm người ta lầm tưởng rằng đó là loài gà nhiều cựa trong truyền thuyết. Ở loài ngựa, hồng mao là một dải lông dài mọc liên tục trên cổ của chúng và hoàn toàn không có dấu hiệu của sự phân chia thành các mảng riêng lẻ. Ý kiến cho rằng bờm ngựa có chín loại màu sắc cũng hoàn toàn vô lý vì trong quan niệm của người Việt từ ngàn xưa, màu sắc được phân biệt thành năm màu tương ứng với ngũ hành, tương tựa trong âm nhạc cũng chỉ có ngũ cung.

Loài ngựa chín hồng mao trong lầm tưởng.

Sự ngộ nhận về từ ngữ là do đọc giả bị cuốn vào trong câu chữ

Nhắc lại cổ văn, đoạn nói về sính lễ, sách viết như sau: “một trăm ván cơm nếp, một trăm tệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi”.

Từ chỉ số lượng “một trăm” trong hai cụm “một trăm ván cơm nếp” và “một trăm tệp bánh chưng” liên tiếp nhau làm cho đọc giả lầm tưởng từ “chín” trong các cụm “voi chín ngà”, “gà chín cựa”, “ngựa chín hồng mao” cũng là tính từ chỉ số lượng. Thực sự, “chín” lại có ý nghĩa khác, đó là “trưởng thành”, như đã nói rõ ở trên.

Đoạn trên phải được viết lại như sau nếu muốn dễ dàng hơn trong việc nhận thức đúng đắn câu chữ: “một trăm ván cơm nếp, một trăm tệp bánh chưng, một đôi voi chín ngà, một đôi gà chín cựa, một đôi ngựa chín hồng mao”.

Do ngộ nhận trong ngữ nghĩa, truyền thuyết Sơn tinh – Thủy tinh đã trở nên huyền bí từ hàng trăm năm nay, gây ra sự lầm tưởng và sai lệch trong nhận thức của nhiều thế hệ. Liên tưởng đến hiện tại, trong thời đại toàn cầu hóa, người Việt đã mượn rất nhiều từ ngữ của các dân tộc khác, chính sự vô tâm trong cách tiếp nhận và sử dụng, Tiếng Việt ngày càng mờ ám. Điều này cần phải được nhận thức tức thời nếu không muốn Tiếng Việt đánh mất đi hoàn toàn giá trị và sự trong sáng của nó ở những thế hệ tiếp theo.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Truyền thuyết về một hồ nuôi cá

    12/04/2019Lê Văn NghĩaChuyện bắt đầu bằng hai chữ Xưa kia... Xưa kia nơi đây là một hồ bơi với dòng nước trong xanh đến nỗi người ta nhìn thấy cả những viên gạch men trắng bóng lấp loáng dưới đáy. Cứ mỗi mùa hè về, dân cư xung quanh vùng đều tập trung tại đây mặc sức vẫy vùng dưới làn nước mát...
  • Nguyễn Tuân, xuân 1957 kể chuyện cổ tích

    25/02/2018Đọc lại báo cũ đôi khi tìm được những cái hay hay, ví dụ như đọc lại tuần báo Tổ quốc (cơ quan của Đảng Xã hội Việt Nam đã thôi tồn tại từ 1989) số tết Đinh Dậu 1957, gặp được cái truyện rất ngắn của Nguyễn Tuân (1910 – 1987) trong đó ông nhà văn này kể lại một chuyện cổ tích về một cuộc thi nói láo. Tác phẩm này hầu như chưa được đưa vào mấy bộ tuyển tập, toàn tập của tác gia Nguyễn Tuân, cho nên sự gặp lại câu chuyện này cũng có thể tạm coi là chuyện phát hiện lại được một tác phẩm cơ hồ bị lãng quên đến dăm chục năm rồi.
  • Chuyện cổ tích thời đại số

    13/03/2014Sưu tầmChuyện cổ tích hiện đại kể rằng, ngày nay có một hoàng tử rất đẹp trai. Nhưng không may, chàng bị một bà phù thủy phù phép nên mỗi năm hoàng tử chỉ nói được một từ duy nhất. Vì thế, chàng rất buồn vì không nói chuyện được với ai. Cũng như mọi câu chuyện cổ tích, có hoàng tử thì sẽ có một nàng công chúa...
  • Truyền thuyết Tam giác quỷ Bermuda

    29/01/2014Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngTam giác Bermuda, hay tam giác quỷ nằm ở vùng Tây Bắc Đại Tây Dương, trên một vùng rộng lớn gồm vịnh Florida, Mỹ, quần đảo Bahama và quần đảo Carribe, nơi nhiều máy bay và tàu thuyền bị mất tích...
  • Câu chuyện cổ tích thứ nhất

    07/09/2013Lê HoàngNgày xửa ngày xưa, có một ông vua. Vua trị vì một đất nước bằng cách ngồi trong cung điện. Đến mức khi vua đang ngắm tranh, đọc thơ hay đo chiều rộng các gian phòng, có người hỏi: - Thánh thượng đang làm gì đấy?
  • Truyền thuyết Sakura

    01/10/2008Vân LamSau bóng hoa anh đào, vẫn là chuyện tình "ngoài chồng vợ". Đó cũng là vấn nạn đặc trưng đô thị Việt hiện đại, trong hội nhập văn hoá toàn cầu. Phải chăng thế giới cũng đang ưu tư dài dài hoặc vô phương với kiểu yêu này?
  • xem toàn bộ