Truyền thuyết Tam giác quỷ Bermuda

Viện Vật lý Y Sinh học - Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng
12:12 CH @ Thứ Tư - 29 Tháng Giêng, 2014

Tam giác Bermuda, hay tam giác quỷ nằm ở vùng Tây Bắc Đại Tây Dương, trên một vùng rộng lớn gồm vịnh Florida, Mỹ, quần đảo Bahama và quần đảo Carribe, nơi nhiều máy bay và tàu thuyền bị mất tích. Tam giác Bermuda là một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Các chuyến bay thương mại hay tư nhân cũng dày đặc trên bầu trời.

Đây là vùng biển thường xuất hiện các cơn bão bất ngờ. Từ Hè tới cuối Thu cũng thường có cuồng phong. Kết hợp với sự nhộn nhịp cả trên bầu trời và dưới mặt nước, nên không lạ khi người ta ghi nhận được nhiều vụ máy bay hay tàu thuyền mất tích không để lại dấu vết, nhất là khi các phương tiện truyền thông hiện đại chỉ xuất hiện trong nửa cuối thế kỷ 20.

Văn hóa dân gian thường gắn các vụ mất tích với các hiện tượng dị thường, sự mất hiệu lực của các qui luật vật lý hay người ngoài hành tinh. Điều đó góp phần tạo nên truyền thuyết tam giác quỷ.

Lịch sử truyền thuyết

Theo các tác giả truyền thuyết, chính Christopher Columbus (người phát hiện châu Mỹ) là người đầu tiên viết về sự kiện lạ tại khu tam giác, khi ông và thủy thủ đoàn nhìn thấy “những đốm sáng nhảy nhót lạ lùng nơi chân trời”. Nay giới nghiên cứu cho rằng, đó có thể chỉ đơn giản là lửa nấu ăn trên xuồng hay trên bãi biển của thổ dân người Taino.


Tam giác quỷ Bermuda là khắc tinh của tàu thuyền

Truyền thuyết thời hiện đại bắt đầu từ bài viết ngày 16/9/1950 của nhà báo Jones. Hai năm sau tạp chí Fate đăng bài Bí mật biển cả ngay cửa sau nhà ta của George Sand về các vụ mất tích, trong đó có chuyến bay 19 của phi đội 5 chiếc cường kích TBM Avenger thuộc hải quân Mỹ.

Nghiên cứu của Kusche

Lawrence David Kusche, thủ thư nghiên cứu tại ĐH bang Arizona, Mỹ, đã phản bác xu hướng trên trong tác phẩm Giải mã bí ẩn tam giác Bermuda, năm 1975, khi kiên trì lần theo các vụ mất tích. Cách nghiên cứu của ông nhiều khi đơn giản đến bất ngờ: ông xem mục thời tiết trên báo tại các thời điểm mất tích và nhận thấy, sự thật không giống như lời kể trong truyền thuyết. Ông đi tới các kết luận quan trọng:

1) Tỷ lệ mất tích tại tam giác Bermuda không hề lớn hơn tỷ lệ tại bất cứ vùng biển nào trên thế giới.

2) Trong một khu vực nhiều bão nhiệt đới, sự mất tích không có gì là bí ẩn; đồng thời các tác giả truyền thuyết thường không tính tới các cơn bão đó.

3) Con số mất tích được phóng đại vì các nghiên cứu lỏng lẻo; chẳng hạn một con tàu được tính là mất tích, nhưng khi nó trở về bình yên sau đó thì không được đưa ra khỏi danh sách.

4) Một số vụ được xem là mất tích không hề xảy ra, như một máy bay được cho là rơi trước hàng trăm nhân chứng tại vịnh Daytona, Florida, năm 1937; kiểm tra báo chí thời điểm đó thì không tìm thấy thông tin như vậy.

Vì thế Kusche khẳng định: “Huyền thoại tam giác Bermuda là huyền thoại được tạo dựng... (và) được nuôi dưỡng nhờ nhiều tác giả vô tình hay hữu ý dùng các quan niệm sai, suy luận kém và xu hướng giật gân hóa”.

Kết luận của Kusche có được thực tiễn ủng hộ hay không? Hãng bảo hiểm biển Lloyd’s nổi tiếng tại London xem tam giác Bermuda không nguy hiểm hơn các vùng biển khác nên không tăng phí bảo hiểm. Các đường bay và các tuyến hải trình vẫn tấp nập tàu thuyền với đầy ắp thương gia và khách du lịch trên khoang. Chẳng ai vì truyền thuyết mà bỏ qua cơ hội làm ăn hay thưởng ngoạn các khu du lịch nổi tiếng trong vùng.

Các giải thích tự nhiên

* Methane hydrates: Một cách giải thích tập trung vào các vùng khí methane hydrates trên đại dương. Thực nghiệm tại Australia cho thấy, các bọt khí có thể gây chìm con tàu mô hình vì làm giảm mật độ nước. Người ta giả định sự giải phóng khi hydrates theo chu kỳ từ các vụ núi lửa dưới đáy biển phun trào sẽ tạo ra các vùng nước nhiều bọt khí. Tàu thuyền lọt vào vùng này sẽ chìm rất nhanh mà không hề thấy bất cứ một tín hiệu cảnh báo nào. Sách trắng của Mỹ năm 1981 có viết về sự xuất hiện khí tại vùng biển Đông Nam. Tuy nhiên một vụ thoát khí lớn đến mức gây chìm tàu thì chưa hề xảy ra tại Tam giác Bermuda hàng ngàn năm qua.

* Lệch hướng la bàn: Nhiều tác giả viết về thực tế này mà không chú ý rằng, kim la bàn chỉ các cực từ trái đất. Tại Mỹ, chỉ một đường thẳng từ Wisconsin tới vịnh Mexico là có hướng kim la bàn chuẩn (vì đường thẳng này trùng với đường nối hai từ cực trái đất). Giới thủy thủ biết rõ điều này.

* Cuồng phong: Như bất cứ nơi đâu trên Trái đất, các cơn bão khủng khiếp này là nguyên nhân hàng đầu của các vụ mất tích tại vùng tam giác.

* Dòng hải lưu vùng vịnh: Dòng hải lưu này xuất phát từ vịnh Mexico, tới vịnh Florida rồi chảy lên Bắc Đại Tây Dương. Là một con sông trong đại dương, nên nó dễ dàng cuốn trôi một thủy phi cơ hay một con thuyền nhỏ chết máy.

* Sóng lớn bất thường: Những cơn sóng lớn bất thường có thể xuất hiện tại một vùng biển đang yên bình, như từng xảy ra tại vùng đất mới năm 1982. Tuy nhiên tam giác Bermuda không phải là địa điểm thích hợp với cách giải thích này, và nó cũng không đúng với các trường hợp máy bay mất tích.

Tác động của con người

* Sai sót của con người: Đây là nguyên nhân hàng đầu được giới chức quan tâm trong các vụ mất tích. Và tam giác Bermuda cũng không phải là ngoại lệ.

* Hoạt động phá hoại: Hoạt động này gồm chiến tranh và hải tặc. Trong hai cuộc thế chiến, số vụ mất tích tại Bermuda tăng cao so với bình thường. Hải tặc có truyền thống trong vùng từ ngày phát hiện Tân thế giới và nay vẫn còn hoạt động, tuy không bằng nhiều vùng biển khác trên thế giới.

Kết luận

Truyền thuyết tam giác quỷ Bermuda một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng, con người là loài động vật thích nghe và dễ tin các hiện tượng dị thường, các hiện tượng nằm ngoài hiểu biết đương đại. Dường như đó cũng là một kiểu “phân ly” để thoát khỏi thực tại nhiều ràng buộc mà chúng ta đang sống.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Các hiện tượng dị thường là gì?

    28/01/2014Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngCác hiện tượng dị thường hay các hiện tượng lạ là tập hợp nhiều hiện tượng phức tạp, từ các chủ đề tín ngưỡng - tôn giáo (như thần thánh, ma quỉ, thiên đường, địa ngục…) cho tới các lý thuyết khoa học mới mà ban đầu người ta chưa hiểu nên bị xem là dị thường. Xin giới hạn chủ đề trong phạm vi đối tượng nghiên cứu của một ngành khoa học đang gây tranh cãi là cận (hay ngoại) tâm lý (parapsychology)...
  • Giải mã các hiện tượng dị thường

    19/12/2008Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngChúngta.com đăng lại loạt bài viết "Giải mã các hiện tượng dị thường" đã đăng trên báo Thể thao & Văn hóa rất bổ ích và có giá trị nhận thức cao về những hiện tượng ở ranh giới nhận thức của loài người...