Giấc mơ hồi tỵ
LTS: 500 năm trước, vua quan thời phong kiến đã sớm ý thức được những qui luật khắc nghiệt giữa quyền và lợi. Để tránh những rắc rối nảy sinh từ các mối quan hệ thân hữu, và cũng nhằm làm trong sạch bộ máy hành chính, họ đã đề ra những quy định nghiêm ngặt tránh bổ nhiệm những người thân cùng làm quan trong một đơn vị. Với những điều tưởng chừng đã trở thành nguyên tắc trị quốc như vậy song dường như như những thế hệ đương đại vẫn chưa thực sự thấm nhuần? Mời quý vị đọc bài viết của nhà báo Trần Trọng Thức.
Hồi tỵ có nghĩa là "tránh đi", theo đó những người có quan hệ huyết thống, đồng hương, thầy trò, bạn bè không được bổ nhiệm làm quan cùng một địa phương. Nếu gặp điều này thì phải báo với triều đình để thuyên chuyển người thân thuộc đi nơi khác. Nguyên tắc nói trên nhằm ngăn chặn người có quyền lợi dụng chức vụ để nâng đỡ, bao che hoặc câu kết với người thân thực hiện các hành vi tiêu cực.
Chuyện ngày xưa. Lê Thánh Tông (1442-1497) là vị vua đầu tiên của nước ta "luật hóa" hồi tỵ. Trong bộ Lê triều Hình luật (còn gọi là Luật Hồng Đức) có qui định: "Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc".
Đến thời Minh Mạng luật hồi tỵ còn triệt để hơn: Các quan lại không được làm quan ở trú quán (nơi ở một thời gian lâu), ở quê vợ, quê mẹ, ngay cả nơi học tập thời còn trẻ. Dịch lại ở nha môn của các bộ tại kinh đô và các tỉnh, nếu là cha con, anh em ruột, anh em họ thì phải tách ra bổ nhiệm làm việc nơi khác. Các tham biện (quan chức cao cấp) về kinh đô hội họp nhưng khi bàn đến việc liên quan tới địa phương mình thì không được vào dự.
Rõ ràng, hơn 500 năm trước, vua quan thời phong kiến của nước ta đã sớm nắm được những qui luật khắc nghiệt giữa quyền và lợi - một qui luật của muôn đời - để tìm cách làm trong sạch bộ máy hành chính.
Chuyện ngày nay. Khi đi tìm nguyên nhân của quốc nạn tham nhũng, không ít người cho rằng đồng lương không đủ sống đã khiến lòng tham được khơi dậy. Điều kiện sinh hoạt không tương xứng với vị trí công tác khiến người ta phải "tự cân đối" bất chấp luật pháp kỷ cương. Có người thì đầu óc nặng tư duy nhiệm kỳ và tâm lý cuối đời cố vội vàng vơ vét, có người thì lo cho tương lai dòng họ đến mức "hy sinh đời bố, củng cố đời con". Chúng ta cũng đã có biết bao nhiêu luật lệ phòng chống quốc nạn tham nhũng nhưng rồi cũng chưa đi đến đâu.
Chẳng qua là vì lâu nay chúng ta tập trung ở phần ngọn với các biện pháp răn đe, trừng trị mà chưa đi sâu vào cái gốc là việc tổ chức bộ máy công quyền, trong đó nguyên tắc hồi tỵ không được kế thừa đầy đủ, nếu không nói là đi ngược lại: Quan đầu tỉnh đúng ra phải từ nơi khác được bổ nhiệm về để làm nhiệm vụ đại diện cho chính quyền trung ương và là công bộc của người dân, thì chúng ta lại bố trí người địa phương vào vị trí ấy (Trong khi đại biểu nhân dân lý ra phải chọn người ở địa phương nắm bắt được dân tình, thì lại có nhiều vị được phân bổ từ nơi khác đến ứng cử).
Điều này dẫn đến một thực tế là trong bộ máy hành chính người đứng đầu đã đưa nhiều con cháu, người thân vào cơ quan, dẫn đến tiêu cực xảy ra ở khắp các địa phương. Quan đầu tỉnh không làm tròn nhiệm vụ của Trung ương giao phó thì người đứng đầu chính phủ cũng không thể cách chức, thậm chí khi họ làm điều sai trái cũng khó trị tội đến nơi đến chốn.
Pháp lệnh cán bộ, công chức tuy có một số qui định liên quan đến hồi tỵ nhưng chỉ ở cấp thấp. Chẳng hạn Điều 20 của Pháp lệnh này nói rõ: "Người đứng đầu và cấp phó cơ quan, tổ chức, không được bố trí vợ hoặc chồng, bố mẹ, con, anh chị em ruột của mình giữ chức vụ lãnh đạo về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, thủ quỹ, thủ kho...", thế nhưng liệu có mấy nơi áp dụng nghiêm túc!
Đó là một trong những cản ngại lớn nhất trong việc điều hành bộ máy hành chính cũng như ngăn chặn tình trạng tham nhũng, không chỉ ở địa phương mà cả ở cấp trung ương. Vụ án các cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Việt Tiến.... là những bài học gần nhất.
Bây giờ giữa bao nhiêu phức tạp của tình hình chống tham nhũng, có dịp đọc lại nguyên tắc hồi tỵ từ thời phong kiến xa xưa mà cứ tưởng như chuyện trong mơ. Giá như giấc mơ đó trở thành hiện thực, thì sẽ giảm đi nhiều những chuyện bao che tham nhũng, chuyện ông anh làm quan đầu tỉnh thì cậu em thầu được biết bao công trình béo bở tại địa phương, và cũng giảm đi nhiều các vụ án tham nhũng bị khởi tố rồi trở thành chuyện để lâu cứt trâu hóa bùn....
Quan lại tham ô, nhũng nhiễu thì thời nào cũng có, vì lòng tham thường dễ phát sinh khi quyền lực và quyền lợi sát cánh bên nhau. Suy cho cùng đó là vị đắng của bất cứ xã hội nào, mà các biện pháp chế tài chỉ nhằm làm giảm bớt chứ khó lòng loại bỏ được hoàn toàn. Hồi tỵ chính là một trong những biện pháp quan trọng để ngăn chặn hành vi tệ hại của quan lại thời nay.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh