Đường bay hạnh phúc
Đọc Cao Huy Thuần lúc nào tôi cũng thấy sảng khoái. Mới lướt qua, cứ tưởng anh kể chuyện tào lao trên trời dưới đất, đông tây kim cổ cho vui, nhưng không, đằng sau đó là tầng tầng lớp lớp những ẩn nghĩa, ẩn dụ… được giấu nhẹm bên trong. Cứ như có một cái kho tàng bí mật, nếu chịu khó khui ra từng lớp, từng lớp mới à há! Vậy mà không phải vậy. Không phải vậy mà vậy. Cho nên đọc Cao Huy Thuần đừng vội. Cứ nhởn nhơ. Cứ nhâm nhi. Ngâm, rồi ngẫm, rồi ngấm.
Sợi Tơ Nhện (tr.18), tưởng là sợi tơ nhện mà không phải. Giữa mùa Vu lan, đọc Sợi Tơ Nhện để rùng mình, “hãy có một chút rùng mình khi mặt trời chìm trong nước biển, khi con chim thốt nhiên vẫy cánh kêu lên một tiếng trước hoàng hôn…”.
Bà mẹ Bồ-tát Mục Kiền Liên giấu bát cơm, tên cướp Kandata giành sợi tơ nhện… Thiên đàng hay Địa ngục trong một sát-na đó thôi. Giá như mẹ đừng tham ăn. Giá như Kandata đừng ích kỷ. Vấn đề là “phát tâm”. Phát tâm Bồ-đề. Vậy là đã đủ, như Duy-ma-cật nói. Chỉ một sát-na đó thôi.
Cao Huy Thuần giăng một sợi tơ, chỉ là cái cớ kéo ta vào đường bay của hạnh phúc. Một thứ hạnh phúc lấp lánh ánh vàng.
Anh nói về cái Chết, về Tình yêu. Bởi hai cái đó vốn là một. Không thể có cái này mà không có cái kia. Trong tình yêu cũng như trong cái chết thì người ta mới nhận ra “vô ngã”. Mà vô ngã là Niết-bàn.
Đọc Cao Huy Thuần sảng khoái, như phát hiện giữa những trang sách một kho tàng bí mật, lấp lánh ánh vàng, bởi đó là những lời Phật dạy. Anh làm tour-guide, người dẫn đường, khai thị. Anh nói về cái chết, về linh hồn. Anh dẫn các triết gia đông tây kim cổ để rồi kết luận không có cái chết, cũng chẳng có linh hồn nào bất tử.Trịnh Công Sơn cũng bảo “Không có đâu em này không có cái chết đầu tiên/ và có đâu bao giờ đâu có cái chết sau cùng”. Tuệ Sỹ cũng viết đại ý “Cái tử chỉ là chấm dứt của một giai đoạn tạm thời cũng như cái sinh là khởi đầu của một giai đoạn tạm thời khác”.
Tôi hiểu vì sao Bùi Văn Nam Sơn viết trong lời giới thiệu “.. sao lạ, cứ đọc xong vài chuyện tôi phải dừng lại khá lâu, có lúc muốn đọc lại. Một cảm giác thật hiếm gặp: vừa bồi hồi, xao xuyến, vừa thấy lòng mình trong trẻo, mát rượi, không gợn một chút bứt rứt hoang mang”.Vậy là thanh tịnh đó. Vậy là hạnh phúc đó.
Hoa đào năm ngoái (tr.98), dĩ nhiên “còn cười gió đông” rồi. Cao Huy Thuần luận về chữ “còn” trong câu thơ Nguyễn Du. “Còn” thế nào được cơ chứ? Hoa đào năm ngoái rụng sạch hết rồi. Hoa đào là của năm nay đó chứ. Nhưng với chàng Kim Trọng, nhất định hoa đào năm ngoái vẫn còn đó, còn đó vì vẫn còn thấp thoáng bóng nàng Kiều. Nhưng đừng tưởng Cao Huy Thuần bàn chuyện tình của chàng Kim nàng Thúy. Anh mượn chữ “còn” để luận thời gian.Thời gian của quá khứ hiện tại và tương lai. Luận một lúc, thì ra chả có quá khứ hiện tại vị lai gì cả. Chỉ có cái khoảnh khắc ở đây và bây giờ thôi. Biết sống là sống với cái khoảnh khắc đó. Không thì thôi. “Chỉ có cái khoảnh khác ấy là có thật. Cái khoảnh khác ấy chứa đựng tất cả. Thấy để làm gì? Đâu phải để bàn hươu tán vượn triết lý suông. Mà để sống”. Đó là một cách nói khác về một bài kinh của Phật: Người biết sống một mình: Dĩ vãng đã qua rồi/Tương lai thì chưa tới… Marc Aurèle của Hy Lạp cổ đại có một cách hay: vẽ một vòng tròn nhỏ cho hành động trong một vòng tròn lớn mênh mông của thời gian. Khoanh tròn cái gọi là hiện tại và chia nhỏ ra thành từng khoảnh khắc như những nốt của một bản hòa âm. Hãy đừng muốn cái gì khác ngoài cái ta đang có, thương cái đó, yêu cái đó, amor fati, Nietzsche nói. Nhưng không quên cái vòng tròn lớn của thiên nhiên.
Thác là thể phách (tr.167), lại bàn về chữ “còn” khác: còn là tinh anh. Dẫn từ Socrate tới Sartre, từ Lamartine tới Marcel Proust đến Nguyễn Du…
Cái gì còn? Còn cái gì? Tưởng là linh hổn mà không phải. Không có một cái linh hồn bất biến nào cả. Cao Huy Thuần nói đến tiền kiếp, đến nghiệp, nhân quả, duyên sinh…
“Linh hồn của Socrate đã bay rồi! Linh hổn bay như một cỗ xe có cánh do hai con ngựa kéo…”. Một ngàyđầu thu nghe chân ngựa về chốn xa (TCS) rồi đó chăng? Cao Huy Thuần bèn nhắc lời Phật: hãy niệm tử. Hãy nhớ đến cái chết. Cái chết không xa lạ. Nó thân quen và gần gũi xiết bao. Nhiều điều trong cuộc sống không thể biết chắc nhưng cái chết thì biết chắc, lúc nào đó, cách nào đó. Phật dạy phải niệm tử. Và nói thêm: Ai làm bạn với Thần chết thì Thẩn chết chẳng làm khó dễ mình! Đã là bạn bè, ai nỡ làm khó dễ nhau! Bây giờ y học cũng nói đến không chỉ “Chất lượng cuộc sống” mà cả “chất lượng cuộc chết” rồi đó!
Nói chuyện triết lý (tr.178), Cao Huy Thuần cũng bàn vể cái chết và dẫn Cicéron, trước Tây lịch: “Nói chuyện triết lý, ấy là học chết”, rồi dẫn Epicure, để đi đến cái kết: “luận bàn về cái chết chính là để… trẻ lại. Hơn thế nữa, để bình yên, để hạnh phúc”. “Và chính vì già trẻ lớn bé gì cũng chết cả, cho nên lúc nào cũng phải nghĩ đến cái chết không đợi đến già”. Sợ chết là vô lý. Nhưng ta vẫn sợ. “Sợ cái không biết”. “Đằng sau cái chết, triết lý đành thoái vị, nhường ngai cho lòng tin, cho tôn giáo”. Cái sợ đó là sợ cái ta tưởng tượng. Thấy sợi dây tưởng con rắn. Chính cái Tưởng gây khổ cho cái Thọ, dẫn đến Hành, Thức không chánh kiến, hại đến cái Sắc trong ngũ uẩn vậy. Vì vậy mà phảihànhthâm bát-nhã để “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”‘.
Phỏng vấn (tr.232) với 3 nhân vật: Người thứ nhất, Descartes, người của ý thức, của lý trí. Khi bàn vể sự đam mê trong tình yêu, ông bảo “Hiền nhân không chạy theo đam mê mà hãy suy xét”, hãy dùng lý trí rọi ánh sáng vào đam mê. Người thứ hai, Freud, người của “vô thức”. Vô thức mới quan trọng. Tất cả dồn nén vào vô thức. Cái “Tôi” quờ quạng “do những xung động, bức bách” gây ra đều là đă bị “Cái ấy” và “Siêu tôi” giật dây! Người thứ ba, một nhà Sư. “Sóng từ đâu đến. Từ biển. Nó trở về đâu. Về biển. Biển và sóng đều cùng một thể”. Và Sư kết luận: Vì thế nên tôi nghĩ phương thuốc để chữa bệnh vướng mắc của ông là học chữ “Không”. Chữ không, tánh không (Sanyata) này dĩ nhiên là chân không của diệu hữu. Chỉ thấy chân không mà chưa thấy diệu hữu cũng không xong. Tiềm thức, Mạt-na- thức và A-lại-ya thức phải chuyển thành trí – đại viên cảnh trí hay nhất thiết chủng trí – thì mới giải quyết được vấn đề vậy.
Bướm bay (tr.295) tưởng Cao Huy Thuấn nói chuyện bay bướm, ái tình chi đó bởi trong bức thư mở đầu khá ướt át: Em chưa quen của tôi… rồi Em bắtđầu quen của tôi và rồi Emđã quen và thương mến của tôi… cứ tưởng anh đang tán tỉnh một cô nàng tuổi ba mươi như ông lão André Maurois viết cho người đàn bà không quen biết (lettres à l’inconnue) ngày nào, nhưng không. Đó là chuyện những cánh bướm… chập choạng chết hàng loạt, sẽ có ngày tuyệt chủng vì hóa chất, vì các thức ăn đã bị cấy ghép gene diệt bướm!…”Giận con người đã làm thương tổn thiên nhiên. Con người quá thông minh… chỉ muốn vắt sữa thiên nhiên, hút máu thiên nhiên, cuồng bạo trước thiên nhiên. Con người không biết đọc lời kinh chép trên cánh bướm”.
Phải, chỉ có cái đẹp mới cứu rỗi. Cánh bướm chẳng đẹp sao? Như Lai đã chép trên đó.
Cho nên ta không thể ngắt một bông hoa Mà không làm rộn một ngôi sao.
(F. Thompson)
“Khi con chim bay, nó không cần biết trời là gì, đâu là giới hạn. Nó chỉ bay. Trong bầu trời vô tận”. Cao Huy Thuần chia sẻ.
Bởi đó là đường bay của hạnh phúc lấp lánh ánh vàng!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn