Điều lớn nhất

07:51 CH @ Thứ Năm - 27 Tháng Bảy, 2017

Hôm qua, 26.7, tại Đà Nẵng, một công ty địa ốc đã cho khởi công tòa nhà “cao nhất miền Trung”. Một tuần trước đó, 19.7, ở đây cũng vừa khánh thành “cầu dây văng dài nhất Việt Nam”. Không chỉ riêng Đà Nẵng, Hà Tĩnh có “nhà máy thép to nhất”; Thái Nguyên có “dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất”; thủ đô Hà Nội cũng vừa “khởi công đường cao tốc dài nhất Việt Nam” và mới đây có thêm “dự án nghĩa trang lớn nhất khu vực Đông Nam Á”…

Nhà máy “lớn nhất khu kinh tế Vân Phong”, STX Vina, vừa phải xin chậm triển khai. Thái Nguyên cũng đã phải chấm dứt giấc mơ “dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất” vì nhà đầu tư “không chứng minh được khả năng huy động tiền”. Đường “cao tốc dài nhất Việt Nam”, Nội Bài – Lào Cai, tuy đã “khởi công” vẫn chưa đủ vốn. Cho dù, bộ Tài chính đã giảm lượng trái phiếu phát hành lần đầu, từ 1.500 tỉ xuống còn 500 tỉ, cuộc đấu thầu hôm 27.5 vừa qua vẫn “không thành công”.

Tại công trường xây dựng tòa nhà Keangnam “cao nhất Việt Nam” ở thủ đô, liên tiếp trong hai ngày, 21 và 22.7, có bốn công nhân chết vì rơi từ tầng 13 và 15 khi đang thi công. Cũng ngày 21.7, ở Hạ Long, trong lễ hạ thủy tàu Victory Leader, con tàu “đóng mới hiện đại nhất Việt Nam”, hàng loạt quan khách đã phải “đứng bật dậy hốt hoảng”, hàng trăm công nhân phải “chạy nháo nhào” vì con tàu đã phá tung dây cáp néo, lao mình xuống nước, “tự ý hạ thủy” sớm hơn dự kiến.

Các tai nạn nói trên đều xảy ra một cách tình cờ, nhưng nó cũng cho thấy, không có cái gì cao to hiện đại mà lại không “nền móng”. Ở công trường Keangnam, chỉ tới tầng thứ 13, tính chuyên nghiệp đã bắt đầu bộc lộ. Sự cố con tàu Victory Leader cũng như một lời nhắc nhở, Việt Nam chỉ là người gia công cái vỏ. Một nền công nghiệp không thể được xây bằng “vay”, cả chuyên môn và kể cả bạc tiền.

Đầu tháng 7 vừa qua, cũng có không ít người “nôn nao” khi nghe nói mình đang sống trong một quốc gia được xếp hàng thứ 5 thế giới về hạnh phúc. Đây là bảng xếp hạng theo cách nhìn của một nhóm nghiên cứu độc lập ở Anh, NEF, theo đó chỉ số này chỉ cao khi so mức độ thỏa mãn cuộc sống của người dân với mức độ tiêu hao tài nguyên. Cùng bằng lòng với mức độ như nhau, nhưng nơi nào ở nhà lầu, đi xe hơi thì nơi đó… ít hạnh phúc hơn. Chỉ số thỏa mãn về cuộc sống của Việt Nam rất thấp, chỉ khá hơn nhóm châu Phi, nhưng, Việt Nam vào top 5 vì Việt Nam hạnh phúc theo kiểu: “ông lão chụm củi, tỏa khói lam chiều, trong khi bà lão đang tắm suối”.

Thực ra, cho dù báo chí không thông tin đầy đủ thì người dân vẫn biết rõ mình có đang hạnh phúc hay không. Những cái nhất mà một số địa phương, một số doanh nghiệp cố gắng khuếch trương và được báo chí tung hô, rất nhanh chóng bộc lộ sự thật. Hẳn, cho đến nay, không mấy ai quên câu chuyện hai chiếc bánh chưng, bánh dày đem dâng lễ vua Hùng hôm mùng mười tháng ba. Hai chiếc bánh được làm to kỷ lục, nhưng bánh chưng thì bị “lên men”, bánh dày thì, bên trong, được làm bằng... mút xốp.

Những: tô cháo lớn nhất, chiếc bánh to nhất, cho đến nồi nước phở kỷ lục… không mang lại cho cuộc sống thêm bao nhiêu giá trị nhưng đem lại nhiều cảm giác kệch cỡm. Những dự án lớn nhất, những tòa nhà cao nhất… chỉ có ý nghĩa khi nó hiện thực và bắt nhịp được với trình độ phát triển. Cho dù những cây cầu dài, những tháp nhà cao có thể tạo ra những hình ảnh sừng sững trên bìa báo, vấn đề là người dân có bao nhiêu cơ hội để thực sự ngước lên, để quên lụt lội, khói bụi, lô cốt…

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thói hư tật xấu của người Việt: Dễ thỏa mãn, tầm nhìn hẹp, không giữ tín, ...

    16/04/2014Vương Trí NhànÓc ti ti như óc dơi, mắt ti ti như mắt muỗi, ngoài buồng the, bếp núc, vẫn không biết gì là nước non, trừ sọ bò đầu heo, vẫn không biết gì là rồng rắn. Huống chi vết xấu ở gia đình, thói hư ở xã hội, gắn sâu buộc chặt trải mấy nghìn năm, đoàn thanh niên cho đến phường tân tiến, đua tranh danh giá, chẳng cu-li thượng đẳng thời nô lệ quá ưu, miệng chưa ráo sữa đã lóc lẻm những thẻ bạc bài ngà
  • Những cái nhất đáng suy tư

    10/02/2009GS - TS Trần Ngọc ThơSự lạc quan thái quá và thiếu hiểu biết từ năm 2007 đã gây nhiều hệ lụy và làm bùng phát những cái nhất đáng lo trong năm 2008. 2008 là năm chứng kiến nhiều "nhà" đòi giải cứu nhất; nhà chứng khoán; nhà bất động sản; nhà xuất khẩu; nhà nhập khẩu; nhà nông... Ông bà mình nói nhân nào quả đó quả thật không sai. Đầu xuân xin mạn đàm về mối quan hệ nhân quả kinh tế-xã hội trong năm qua để "cùng ngẫm mà đau cái sự đời".
  • Bay lên những khát vọng Việt Nam

    05/03/2007Hoàng Hữu CácDân tộc ta phi thường trong chiến đấu, phi thường trong sự chịu đựng, phi thường cả trong cách khép lại quá khứ. Và chúng ta còn cần phát huy một sự phi thường. Đó là khát vọng của cậu bé Phù Đổng 3 tuổi, vụt trở thành người khổng lồ, cưỡi ngựa sắt đi đánh giặc và thắng giặc rồi thì bay lên trời. Từ xa xưa, chúng ta đã ước mơ được cất mình bay lên như thế.

  • Biện chứng của phát triển

    02/01/2007GS. Tương LaiCon thuyền đất nước đã vượt qua quãng nước lợ pha vị mặn ở đầu cửa sông, khởi đầu một vòng lượn ngoạn mục ở khúc quanh của dòng chảy hướng ra biển, ngoái nhìn lại những thác ghềnh sông nước năm 2006, càng cảm nhận sâu về sức cuộn chảy kỳ diệu của dòng sông cuộc sống, càng thấm hiểu về biện chứng của sự phát triển...
  • Kỹ năng hội nhập

    10/10/2006Khả năng sáng tạo là một yêu cầu dành cho các ứng viên mong muốn có việc làm trong các ngành nghề của kinh tế tri thức bởi đây cũng chính là yêu cầu công việc hàng ngày của những nhân viên...
  • Những tính cách trì níu dân tộc Việt

    11/11/2003Giáo sư Nguyễn Chung TúChúng ta hay thắc mắc về dân tộc mình. Tính cách nào mang lại cho dân tộc Việt Nam một sức sống mãnh liệt đến thế, để vẫn tồn tại, vẫn chiến đấu và chiến thắng mọi cuộc xâm lăng bạo tàn? Để mình vẫn là mình - Một dân tộc biết cách sống còn bên một dân tộc lớn, ngay cả trong 1000 năm Bắc thuộc...Nhưng sau những chiến công hiển hách ấy, những tính cách nào đã có "trong ta", để trở thành một lực cản, một sự níu kéo, làm ta bước khó khăn hơn trên con đường mới?
  • xem toàn bộ