Những cái nhất đáng suy tư
Sự lạc quan thái quá và thiếu hiểu biết từ năm 2007 đã gây nhiều hệ lụy và làm bùng phát những cái nhất đáng lo trong năm 2008. 2008 là năm chứng kiến nhiều "nhà" đòi giải cứu nhất; nhà chứng khoán; nhà bất động sản; nhà xuất khẩu; nhà nhập khẩu; nhà nông...
Ông bà mình nói nhân nào quả đó quả thật không sai. Đầu xuân xin mạn đàm về mối quan hệ nhân quả kinh tế-xã hội trong năm qua để "cùng ngẫm mà đau cái sự đời".
2007- Lạc quan "vô địch thế giới"
Còn nhớ năm 2007, Ngân hàng Thế giới xếp hạng Việt Nam là một trong những quốc gia có năng lực và hiệu năng quản lý quốc gia thấp nhất thiên hạ. Đến giờ thứ hạng này vẫn không được cải thiện là bao. Thế nhưng cũng trong năm đó, các báo đều đưa tin người Việt Nam chúng ta vô địch thế giới về mức độ lạc quan theo đánh giá tại 53 nước của tổ chức Gallup Internationl. Chính quyền quá hài lòng trước đánh giá này, có lẽ vì nó củng cố thêm những điều mà họ ngỡ là tốt đẹp mà mình đã đem đến cho người dân.
Tất nhiên năm đó có nhiều xếp hạng nhất chính thức khác, tốt có, xấu có. Nhưng phàm tốt khoe, xấu che nên hầu như ít ai dám phạm bàn đến vế thứ hai. Vì thế, ta thấy xung quanh cái gì cũng tốt. Mấy ai để ý người nước ngoài có thói quen bặt thiệp đi đâu cũng khen, "lời nói không mất tiền mua" mà! Vì vậy, xin hãy thật cẩn thận trước những lời khen tặng mang tính ngoại giao, kẻo coi chừng tự tin thái quá.
Điều này tai hại vô cùng, vì nó đã gieo mầm cho quá nhiều cái nhất khác nữa đi kèm. Điển hình là cơn sốt "nhà đầu tư chứng khoán" đến mức ngay cả bà bán chuối chiên cũng được lăng xê lên mặc báo tượng trưng cho nguồn nhân lực quốc gia huy động chơi chứng khoán. Nhiều cơ quan công sở, thậm chí cả trường học lúc bấy giờ lo phát sốt vì sợ cán bộ và giáo viên của mình bỏ việc hoặc tối ngày chỉ có bàn bạc chuyện đầu tư tài chính!
2008- Bùng phát hệ luỵ
Nói chung, cái nhân mà chúng ta đã gieo là sự lạc quan và tự tin một cách thiếu hiểu biết hàng thập niên nay, để rồi chúng tích luỹ lại và 2008 là năm bùng phát hệ luỵ.
Tất nhiên cũng với nhiều cái nhất!
Đầu tiên là lạm phát cao nhất khu vực. Tiền của đổ hết vào đầu tư chứng khoán và bất động sản chứ đâu có đưa vào sản xuất, kinh doanh bao nhiêu nên lạm phát cao là đương nhiên.
Một số chính sách kinh tế chống lạm phát của các bộ, ngành cũng được xem là tréo ngoe nhất. Chẳng hạn, nhà xuất khẩu không được phép bán "đô la ế" trong khi nhà nhập khẩu cần đôla thanh toán thì không được phép mua...
2008 còn là năm chứng kiến nhiều "nhà" đòi giải cứu nhất. Giải cứu nhà chứng khoán; giải cứu nhà đất; giải cứu nhà xuất khẩu; giải cứu nhà nhập khẩu; giải cứu nhà nông vì không xuất khẩu được gạo; giải cứu nhà độc quyền - như điện chẳng hạn. Cái anh này than lỗ quá trời nên xin trả lại 13 dự án điện liên quan đến quốc kế dân sinh trong khi có tiền xây resort và xin chia thưởng hơn ngàn tỷ đồng!
Những lộn xộn kinh tế đương nhiên kéo theo nhiều rối ren xã hội.
Muốn giảm kẹt xe và tai nạn, chính quyền yêu cầu người dân phải nộp phí cầu đường, rồi quy định người thấp bé nhẹ cân, ngực lép không được phép lái xe trong khi người bụng phệ, béo phì thì vô tư. Trong bối cảnh người dân đang phải oằn lưng với vật giá leo thang, những yêu cầu dạng này có thể xem là điển hình của những quy định thiếu tính nhân bản nhất trong năm cho dù chúng chưa được ban hành.
Năm 2008 còn lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu, có lẽ lần đầu tiên trong đời người ta mới chứng kiến số lượng "lô cốt" xuất hiện dày đặc và dài ngày nhất ở TP. HCM.
Hà Nội ngược lại, vô tình phát hiện cách thức chống kẹt xe hữu hiệu. Chỉ vài ngày mưa tầm tã người dân đã nhanh chóng chuyển đổi phương tiện giao thông từ xe sang ghe xuồng. Một bài báo lúc bây giờ đã đưa tít "Thuyền trưởng thời phố thành sông", không ai ngờ có ngày ngay giữa lòng thủ đô lại xuất hiện thuyền trưởng điểu khiển ghe tàu.
2008 cũng là năm giội lên nhiều vụ gây ô nhiễm môi trường nhất mà Vedan là một điển hình. Nhưng giống như trong một bộ phim trinh thám, những nhân vật xuất hiện đầu tiên không bao giờ là thủ phạm. Thậm chí nhiều nghi can ban đầu còn là nhân vật chính diện do tham gia làm từ thiện chỗ này, nọ chút đỉnh. Dường như bắt đầu có cái gu mấy anh doanh nghiệp gây ô nhiễm và tàn phá môi trường thích làm từ thiện? Chắc cũng còn lời nhiều lắm!
Nhiều cái nhất do nhân tai
Bên cạnh thiên tai, 2008 còn là năm xuất hiện nhiều nhân tai nhất.
Đây là một khái niệm độc đáo xứng đáng bổ sung vào từ điển ngôn ngữ Việt Nam. Bởi suy cho cùng, cho dù các bộ, ngành lý luận hay đến đâu thì từ chuyện lạm phát cho đến ngập lụt giữa lòng thủ đô đến ô nhiễm môi trường, đến cúp điện, đến "lô cốt" giữa thời bình, đến kẹt xe triền miên, đến vụ nước tương có độc tố 3-MCPD, sữa nhiễm melamine, rác thải y tế chôn loạn xạ, loạn hoa hậu chưa đủ chuẩn... cũng đều do nhân tai mà ra hết thảy! Nhưng thiên tai do trời, còn nhân tai do ai? Ngành môi trường có lẽ xứng đang nhận được điểm xuất sắc cho câu trả lời của mình! Sau khi lý luận lòng vòng trước Quốc hội và ít thuyết phục được ai, cuối cùng lãnh đạo ngành môi trường cho rằng nhân tai chung quy "do lịch sử để lại".
Câu hỏi thuộc về yếu tố con người. Câu trả lời thuộc về mệnh đề thời gian. Đúng là tréo ngoe. Vì vậy, đây có lẽ cũng là câu trả lời lịch sử có một không hai.
Thôi thì khó khăn chung, hy vọng sẽ qua đi để không phải nhà nhà ai cũng yêu cầu giải cứu. Hy vọng năm mới 2009 cũng là năm ít nhiều giải quyết được vấn đề nhân tai hợp lòng dân, để người dân không còn phải xem nhiều "bộ phim" "bỗng dưng muốn khóc" như năm rồi!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh